December 13, 2016
HÀ NỘI
(NV) – Những tình tiết mới nhất liên quan đến việc
tuyển dụng, bổ nhiệm tại Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ cho thấy điều đó và giới lãnh đạo
đảng CSVN tiếp tục im lặng.
Giới lãnh đạo đảng CSVN từng nhiều lần cam kết với
dân chúng rằng họ sẽ thẳng tay dọn dẹp tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” (cách gọi
“mua quan, bán tước”) trong hệ thống công quyền từ chính phủ cho tới chính quyền
các tỉnh/thành, quận/huyện, phường/xã.
Tuy nhiên scandal về tuyển dụng, bổ nhiệm ở Ban Chỉ
Ðạo Tây Nam Bộ cho thấy, tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” ở các cơ quan trực thuộc
Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN còn trắng trợn và phổ biến hơn.
Bởi đảng CSVN lãnh đạo “cách mạng Việt Nam” một cách
“toàn diện, tuyệt đối” nên “chạy chức, chạy quyền” từ đó sẽ mang lại hiệu quả
nhanh hơn và lớn hơn.
Không
phải tiền thì thứ gì khiến thế nào cũng… được?
Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ là cơ quan thay mặt Ban Chấp
Hành Trung Ương đảng CSVN giám sát và chỉ đạo toàn bộ các vấn đề có liên quan đến
an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ở khu vực đồng bằng
sông Cửu Long.
Trong vụ Vũ Minh Hoàng, tin mới nhất cho biết, giới
lãnh đạo Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ không thể khẳng định, đương sự có phải là đảng
viên hay không, đã vào đảng ngày nào và ở đâu, dù dương sự đã từng được đặc
cách tuyển dụng làm “chuyên viên” rồi trở thành “vụ phó” tại một cơ quan của
Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN.
Một thành viên là lãnh đạo Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ
thú thật với báo giới rằng cơ quan này không hề có hồ sơ của đảng viên Vũ Minh
Hoàng vì đương sự có đơn xin không sinh hoạt đảng tại đó. Thậm chí lý lịch
trích ngang của đương sự do một cán bộ phụ trách tổ chức-hành chính của Ban Chỉ
Ðạo Tây Nam Bộ khai giùm để lãnh đạo Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ duyệt, cho kịp hợp
thức hóa hồ sơ bổ nhiệm chứ không cần thẩm tra.
Vũ Minh Hoàng khai vào đảng CSVN ngày 3 tháng 8 năm
2014 và không cho biết đã gia nhập đảng này ở đâu. Còn một văn bản do Ðảng Ủy đảng
CSVN tại Nhật, nơi đương sự đang du học thì xác nhận đương sự gia nhập đảng
CSVN ngày… 8 tháng 3 năm 2014 khi đang du học ở… Trung Quốc!
Vũ Minh Hoàng đang được xem là ví dụ mới nhất về sự
lũng đoạn hệ thống công quyền tại Việt Nam của các băng nhóm.
Tháng 6 năm 2014, Ban Tổ Chức của Ban Chấp Hành
Trung Ương đảng CSVN đồng ý cho Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ tuyển dụng Vũ Minh
Hoàng, quê ở Bắc Ninh, lúc đó mới 24 tuổi, đang du học tại Bỉ vào làm “chuyên
viên” của Phòng Nghiên Cứu-Tổng Hợp.
Tuy đương sự ở ngoại quốc nhưng tháng 1 năm 2016,
“chuyên viên” Vũ Minh Hoàng vẫn được bổ nhiệm làm vụ phó Vụ Kinh Tế của Ban Chỉ
Ðạo Tây Nam Bộ. Ngay sau đó, Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ có văn bản “cho phép” Vũ
Minh Hoàng đi Nhật học tiến sĩ.
Vũ Minh Hoàng chỉ có tên trong danh sách lãnh đạo
Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ chứ không đến đó làm việc. Vụ trưởng Vụ Kinh Tế của Ban
Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ, thú nhận ông ta không hề biết mình có một phụ tá tên Vũ
Minh Hoàng. Nói cách khác, Hoàng là một Vụ phó “ma.”
Chuyện chưa ngừng ở đó, đúng 32 ngày sau khi được bổ
nhiệm làm vụ phó Vụ Kinh Tế của Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ, Vũ Minh Hoàng được chủ
tịch thành phố Cần Thơ “xin” đích danh để “tăng cường cho địa phương.”
Sau khi thủ tục “xin tăng cường nhân sự” hoàn tất,
chính quyền thành phố Cần Thơ đã tổ chức lễ tiếp nhận, bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng
làm phó giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Ðầu Tư-Thương Mại và Hội Chợ Triển Lãm của
Cần Thơ. Hoàng đến Cần Thơ dự lễ rồi… qua Nhật học tiếp.
Giữa tuần trước, truyền thông Việt Nam nêu thắc mắc
về sự thăng tiến của Vũ Minh Hoàng. Câu chuyện lập tức trở thành một scandal.
Cuối tuần, một phó ban của Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ ký báo cáo gửi giới lãnh đạo
đảng CSVN, khẳng định việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng làm “vụ phó” là “đúng qui
trình” nhưng ngay sau đó có một phó ban khác ký thông báo… thu hồi báo cáo vừa
kể.
Có
bao nhiêu “Vũ Minh Hoàng”?
Hiện chỉ mới có một phó thủ tướng yêu cầu kiểm tra
việc bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng làm phó giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Ðầu Tư-Thương Mại
và Hội Chợ Triển Lãm của Cần Thơ. Riêng giới lãnh đạo đảng CSVN vẫn “ngậm tăm”
về việc tuyển dụng-bổ nhiệm Hoàng làm “chuyên viên” rồi làm “vụ phó” một cơ
quan thuộc thẩm quyền của mình. Giới này khó xử và khó nói có thể vì thể diện
mà cũng có thể vì tay trót nhúng chàm.
Tại Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ không chỉ có Vũ Minh
Hoàng. Báo chí Việt Nam vừa moi ra một trường hợp khác là Nguyễn Tiến Khoa.
Nguyễn Tiến Khoa sinh năm 1978, chưa rõ lai lịch. Cuối
năm 2013, khi đang là chủ tịch Hội Ðồng Quản Trị công ty Xây Dựng 8 thuộc tổng
công ty Thăng Long thì Khoa xin vào làm “chuyên viên” tại Phòng Nghiên Cứu-Tổng
Hợp của Ban Chỉ Ðạo Tây Nam Bộ. Một năm sau, Khoa được bổ nhiệm làm phó phòng
kiêm phó giám đốc nhà khách Tây Nam bộ. Nửa năm sau, Khoa được cất nhắc làm vụ
phó Vụ Kinh Tế. Giữa năm nay, Khoa được điều động sang làm thư ký cho ông Trần
Thanh Mẫn, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt
Nam. Từ 2010 đến 2015, ông Mẫn từng là bí thư Thành Ủy Cần Thơ.
Con đường mà Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Tiến Khoa đã đi
giống hệt nhau. Với mớ bằng cấp đã thủ đắc được và với “kinh nghiệm” đã tích
lũy từ các “chức vụ” đã đảm nhận trong đảng CSVN, những cá nhân này bước vào
các vị trí lãnh đạo trong chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị quan
trọng khác theo đúng những tiêu chí mà giới lãnh đạo đảng CSVN đặt định nhằm
“qui hoạch” nhân sự lãnh đạo quốc gia. (G.Ð)
------------------------
RFA
2016-12-13
2016-12-13
Trong khi việc kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công thương
Vũ Huy Hoàng còn lúng túng trong Đảng, cũng như Quốc hội vẫn chưa tìm ra được
hướng giải quyết hợp lý, lại xảy ra chuyện bỏ trốn của các cán bộ cao cấp có biểu
hiện tham nhũng.
Cùng lúc, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ lại bổ nhiệm chức
Phó vụ trưởng Vụ kinh tế cho một thanh niên 26 tuổi không một ngày nào làm việc
trong guồng máy hành chính, việc này cho thấy sự lỏng lẻo mà dư luận gọi là tha
hóa ngay tại trung ương.
Đây có phải là dấu hiệu của khủng hoảng chính trị đã
vượt ngưỡng báo động? Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ
Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương để tìm hiểu thêm sự vận hành trong hệ thống
về vấn đề nhân sự.
Hàng
loạt sai phạm
Mặc
Lâm: Thưa ông Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối phó với
hàng loạt chuyện bê bối trong hàng ngũ cán bộ cao cấp, đặc biệt là các cá nhân
vi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài, rồi mới đây lại xảy ra chuyện bổ nhiệm sai
nguyên tắc cho vị trí Vụ phó kinh tế trong Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Là người
sinh hoạt lâu năm trong Đảng ông có nhận xét gì vể vụ bê bối này?
Ông
Nguyễn Khắc Mai: Tất cả những việc vừa xảy ra như các vụ bổ nhiệm
từ Trịnh Xuân Thanh cho tới Phùng Quang Hải rồi bây giờ là anh Vũ Minh Hoàng
vào Ban công tác Tây Nam bộ. . . . nó phản ảnh một trạng thái tất nhiên của chế
độ vì ngay việc bổ nhiêm lãnh đạo đất nước của Trung ương Đảng, rồi Tổng bí
thư, hay Bộ chính trị nó cũng không có quy trình gì tử tế đâu.
Làm gì có những biện pháp khoa học, văn minh, dân chủ
để tuyển chọn người thủ lĩnh đâu? Tuyển tướng cốt chọn người thao lược, chớ kể
con ông cháu cha. Trước hết phải chọn người tài, người thao lược thì hiện nay
trong đội ngũ lãnh đạo quốc gia chả thấy ông nào có tính cách thao lược cả, từ
ông Trọng trở đi không thấy sự thao lược, thế thì chóp bu đã vậy thì bên dưới
nhí nhố là chuyện bình thường thôi.
Thí dụ như trong đảng, tổ chức đại hội không có
phương sách chọn một người thao lược. Họ chọn lựa theo lối ăn cánh, nhìn xem
người ấy có ăn cánh với mình hay không thì mới cơ cấu. Tư cách như thế từ bao
nhiêu đại hội tới nay nó dẫn đến tình trạng người ta lợi dụng cái kiểu ấy để
người ta bố trí những người phe cánh, con ông cháu cha rồi thông tự của mình, đấy
là chuyện tất yếu của một hệ thống đã mang tính chất siêu phong kiến, nó tiếp
nhận phong kiến và nó làm băng hoại thêm cho phong kiến, đấy là chuyện tất yếu
mà nó phải xảy ra.
Mặc
Lâm: Nhưng hình như Đảng cũng thấy sự nguy hiểm gần kề
nên đã mạnh dạn kỷ luật nhiều đảng viên cao cấp liên quan. Theo ông thì đây có
phải là giải pháp mạnh mẽ và đưa ra kịp vào lúc này hay không?
Ông
Nguyễn Khắc Mai: Đấy là cái hạ sách. Xử lý một vài anh cán bộ tổ
chức, Bí thư Tỉnh ủy một vài anh trách nhiệm vụ việc ấy thì đấy là giải pháp bệnh
nặng mà bôi dầu xoa bóp thì làm thế nào cải tạo được? Hết keo này đến keo khác
hết vụ này đến vụ khác nó sẽ tiếp tục diễn ra như vậy và họ ngang nhiên khẳng định
rằng họ làm như vậy là vì cán bộ vì dân vì nước! Họ ngang nhiên nói như vậy.
Triết
lý chuyên chính vô sản
Mặc
Lâm: Trong các lần chúng tôi có dịp tiếp xúc, nhiều Đảng
viên kỳ cựu cho rằng hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam vẫn âm thầm tiếp tục tư
duy và hành động theo mô hình của Xô viết cũ là chuyên chính vô sản, ông có cho
điều này là đúng không?
Ông
Nguyễn Khắc Mai: Hiện nay tuy người ta không dám nói “chuyên
chính vô sản” công khai nhưng trong lòng họ vẫn cho rằng cái chính quyền này,
thể chế chính trị này là “chuyên chính vô sản”. Chuyên chính vô sản nghĩa là
gì? Nghĩa là một triết lý như Lê Nin khẳng định: Nó bất chấp luật pháp. Nó
không cần luật pháp. Nó vượt qua luật pháp. Đấy là triết lý chuyên chính vô sản
của Lê Nin.
Vậy mà anh còn giữ lại cái này thì vô phương! Không
cấp này nó vượt qua luật pháp thì cấp khác. Ngay cái tư cách của những người
lãnh đạo mà họ nói rằng họ là đại diện cho quốc gia, đại diện cho nhà nước, chức
trách của họ là thế thì luật pháp nào quy định cái này? Chả có luật pháp nào
quy định cả. Họ làm việc theo lối bất chấp luật pháp vậy thì cấp dưới nó ngu
hơn nó đần hơn, tham hơn, lộng quyền hơn, nó sẵn sàng chà đạp những quy định của
luật pháp.
Muốn giải quyết tận gốc phải xem xét lại một cách hệ
thống toàn bộ các vấn đề của thể chế chính trị. Rõ ràng phải xây dựng một chế độ
pháp quyền thật sự của dân, vì dân và do dân. Hiện nay họ nói của dân, vì dân
và do dân nhưng bắt đầu công việc thì gạt dân ra. Từ bầu cử cho đến luật pháp
cũng như chính sách. . . cho nên những câu nói đầu miệng như thế chả giải quyết
được gì cả.
Mặc
Lâm: Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 lần này ông Tổng
Bí thư nói nhiều đến việc tự diễn biến trong nội bộ đảng, ông có nghĩ là từ nhận
thức và báo động này Đảng sẽ có thay đổi hay không?
Ông
Nguyễn Khắc Mai: Hội nghị Trung Ương 4 khóa 11 thất bại, bây giờ
là Trung ương 4 khóa 12 thì tôi thấy với tình hình này cũng không thể thành
công được. Mà đây không phải là ý kiến của một mình tôi mà là ý kiến, ý nghĩ của
một số khá đông kể cả những anh em trong Trung ương Đảng khi họ nói chuyện
riêng với chúng tôi thì họ cũng bày tỏ thái độ như thế.
Đây là một vấn đề phải dũng cảm lắm. Gạt bỏ phe nhóm
gạt bỏ ý thức hệ. Cũng phải gạt bỏ mô hình Xô viết đi. Hiện nay lãnh đạo của
chúng ta không có đủ năng lực, vừa phải có một cái quyền, vừa phải có cái năng
lực để lựa chọn giải pháp văn minh nhất, văn hóa nhất, tiến bộ nhất, dân chủ nhất
để áp dụng. Đấy là cái bi kịch của dân tộc hiện nay.
No comments:
Post a Comment