04-12-2016
Sáng ngày 3/12/2016, giá đô la Mỹ trên thị trường tự
do đã tăng lên con số hơn 23,000 Việt Nam Đồng ăn một đô la Mỹ 1.
Mức tăng giá này sẽ không phải là cuối cùng, và nó sẽ tiếp tục tăng nữa trong
những ngày sắp tới, vì thực ra tiền Đồng đang được định giá quá cao so với đồng
đô la Mỹ. Vậy, tỉ giá hợp lý sẽ là bao nhiêu hay đâu là giá trị của một đô la Mỹ
ở Việt Nam?
Với những người ở Việt Nam bỏ tiền đồng để mua đô la
Mỹ, như bao mặc hàng được bán mua khác, đô la Mỹ nghiễm nhiên trở thành một loại
hàng hóa đặc biệt, hàng hóa tiền tệ.
Và khi đã là hàng hóa thì giá trị của hàng hóa sẽ
tùy thuộc vào hai yếu tố chính đó là nhu cầu hiện tại và kỳ vọng tương lai. Hai
yếu tố này sẽ quyết định mức độ cung-cầu của hàng hóa trong thị trường và xác định
mức giá cân bằng.
Vậy đâu là những nhân tố chính ảnh hưởng đến mức
cung-cầu và sau đó là giá trị của một đồng tiền theo thời gian? Có 6 nhân tố
chính:
Một
là lạm phát. Giữa hai nước, một nước có lạm phát thấp và một nước
có lạm phát cao, thì giá trị của đồng bạc của nước có lạm phát thấp tăng cao
hơn nước có lạm phát cao theo thời gian. Vì đơn giản là những người gửi tiết kiệm
không muốn tiền mình nhanh mất giá trị theo thời gian nên họ thích giữ tiền ở đồng
bạc nào ít bị giảm giá trị nhất.
Hai
là lãi suất. Khi lãi suất một nước cao, các nhà đầu tư đổ tiền
vào đầu tư nhằm nhận được lợi suất lớn. Điều đó đồng nghĩa rằng các nhà đầu tư
sẽ cần đổi tiền sang nước sở tại khiến nhu cầu tiền tăng lên và đẩy tỉ giá hối
đoái lên cao.
Ba
là thâm hụt tài khoản vãng lai. Tài khoản vãng
lai được định nghĩa là tổng thu trừ cho tổng chi trong tất cả các hoạt động ngoại
thương của một nước với các nước còn lại trong một khoảng thời gian, ví dụ như
ba tháng hoặc một năm. Khi tổng thu được từ các hoạt động xuất khẩu trừ đi tổng
chi ra cho các hoạt động nhập khẩu là một con số dương, ta nói là tài khoản
vãng lai được dôi ra, ngược lại là thâm hụt.
Khi tài khoản vãng lai bị thâm hụt nghĩa là số tiền
để nhập khẩu nhiều hơn số tiền có được nhờ xuất khẩu, và do đó, để trang trải
lượng tiền thâm hụt đó, nhà nước cần phải mua thêm ngoại tệ để trả thêm tiền nhập
khẩu. Nhu cầu ngoại tệ tăng dẫn đến tỉ giá của ngoại tệ tăng, và đồng bạc trong
nước mất giá.
Bốn
là nợ công. Quốc gia có mức nợ công cao thì đồng tiền thường
có xu hướng mất giá. Đối diện với một mức nợ công quá cao, chính phủ có một vài
cách giải quyết. Cách đầu tiên là in tiền trả nợ, và làm vậy thì lạm phát tăng
nhanh chóng khi lượng cung tiền tăng vọt. Cách thứ hai là bán ồ ạt trái phiếu,
hay tài sản nhà nước, và việc bán tháo nhanh chóng như vậy sẽ khiến cho giá trị
của những tài sản kiểu này giảm đi rõ rệt. Cách thứ ba là tuyên bố phá sản hay
khất nợ, nhà nước không thể trả nợ hoặc chỉ có thể trả một phần. Trong cả ba rủi
ro trên thì việc bỏ tiền vào đầu tư ở một nước nợ công đầm đìa là cực kỳ may rủi
và nợ càng cao thì các nhà đầu tư nước ngoài lại càng ngại giữ tiền hay tài sản
dưới dạng tiền của quốc gia đó. Hiệu ứng đó, do đó, đẩy giá trị của đồng tiền xứ
này xuống thấp.
Năm
là tỉ giá mậu dịch (terms of trade). Tỉ giá mậu dịch được định
nghĩa là tỉ số giữa chỉ số giá hàng xuất khẩu trên chỉ số giá hàng nhập khẩu của
một nước, hay nôm na là số lượng hàng hóa có thể mua nhập về với số tiền có được
khi xuất khẩu bán ra ngoài một đơn vị hàng hóa.
Tỉ giá này phản ánh quan hệ mậu dịch như sau: khi tỉ
giá này tăng, có nghĩa là cùng một lượng hàng chúng ta bán ra chúng ta mua được
nhiều hàng về, và ngược lại.
Tại sao tỉ giá này lại phản ánh mối quan hệ đến tỉ
giá hối đoái? Bởi vì khi tỉ giá này tăng đồng nghĩa với giá trị và nhu cầu của
hàng một nước tăng cao hơn so với giá trị của hàng nhập khẩu. Khi nhu cầu hàng
hóa của một nước tăng cao trên trường quốc tế dẫn đến nhu cầu tiền tệ của nước
đó trên trường quốc tế cũng sẽ tăng vì các đối tác cần tiền của nước đó để có
thể mua hàng. Nhu cầu tiền tệ của một nước tăng thì đồng tiền xứ đó càng có giá
trị và tỉ giá hối đoái tăng theo. Lấy ví dụ như Mỹ. Nếu khi thế giới càng ngày
càng muốn mua hàng Mỹ thì nhu cầu mua đô la Mỹ của thị trường tăng, nhu cầu
tăng dẫn đến đồng đô la Mỹ tăng giá, và ngược lại.
Và cuối cùng, thứ sáu là sự ổn định và phát
triển về mặt vĩ mô, bao gồm các ổn định chính trị, tình trạng tăng trưởng của
nền kinh tế, gia nhập hay rời khỏi các hiệp ước quân sự, quốc phòng, ngoại
thương,…Các yếu tố này sẽ thuyết phục liệu các nhà đầu tư nước ngoài có nên đổ
tiền vào đầu tư ở một nước hay không. Nếu họ đổ tiền vào thì sẽ dẫn đến việc
tăng giá của đồng bạc bản xứ, và ngược lại.
Nhìn lại các nhân tố này, giờ đây chúng ta thử phân
tích xem giá trị của tiền đồng Việt Nam sẽ phải thay đổi thế nào với đồng đô la
Mỹ trong vòng một năm qua.
Đầu tiên chúng ta xem thử mức lạm phát và lãi suất gửi
ngân hàng kỳ hạn 3 tháng. Ở Mỹ, lạm phát trong năm 2016 ở mức khoảng 1.5% và
lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng là không đáng kể. Trong khi ở Việt Nam, mức
lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 4%/năm và mức lạm phát thực được ước đoán ở con số
ít nhất 10%/năm (khác với con số báo cáo bởi chính phủ). Giả sử như không có yếu
tố nào khác can thiệp vào tỉ giá hối đoái đô la Mỹ và tiền đồng, điều này tương
đương với việc tiền đồng sẽ phải mất giá so với đô la Mỹ ít nhất là khoảng 5%
trong năm 2016.
Giờ chúng ta đánh giá các nhân tố còn lại. Theo dự
báo của HSBC, mức thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam ở khoảng 1,6% trong
năm 2016 2.
Mức nợ công Việt Nam tăng mạnh, từ con số 62,2% GDP
cuối năm 2015 có thể tăng đến mức 64,4% GDP vào cuối năm 2016 3.
Không có con số về sự thay đổi của tỉ giá mậu dịch của
Việt Nam để có thể đánh giá. Tuy vậy, nhìn chung những quan sát cho thấy khó có
tình trạng nhu cầu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh trên trường quốc tế, nếu
không nói là ngược lại, khi gạo và thủy sản, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực,
của Việt Nam bị cho là không đảm bảo an toàn và bị trả lại 4 5 6.
Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam càng ngày càng trở
nên khó khăn. Nợ xấu của ngân hàng không thể giải quyết và chính phủ phải tính
đến phương án cho thí điểm phá sản. Ô nhiễm biển miền Trung khiến hải sản khó
xuất khẩu và nền kinh tế của các tỉnh miền Trung điêu đứng. Doanh nghiệp tạm ngừng
hoạt động tăng mạnh, trung bình 200 doanh nghiệp phá sản mỗi ngày 7 8.
Trong khi đó thì nền kinh tế Mỹ dù tăng trưởng chậm, nhưng tương đối ổn định.
Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhiều
khả năng sẽ không được thông qua trong ngắn hạn.
Những con số trên đều có tác động tiêu cực đến vị thế
của tiền đồng Việt Nam, và một mức điều chỉnh giá cho phù hợp với những thay đổi
trong suốt năm 2016 phải ở mức 10%. Nếu tỉ giá hối đoái vào tháng 1/2016 ở mức
22,500 VND/1USD thì tỉ giá đúng ra vào cuối năm phải ở mức xung quanh 24,750
VND/1USD.
Chú
thích:
1. “USD trên thị trường tự do đã vượt 23.000 đồng”. Tiếp thị Thế giới. Ngày
3/12/2016. Nguồn: http://tiepthithegioi.vn/tai-chinh/usd-tren-thi-truong-tu-do-da-vuot-23-000-dong/ ↩
2. “Năm 2016, mức thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ ở mức 1,6% GDP”. Kinh tế và
Dự báo. Ngày 3/12/2016. Nguồn: http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-4726-nam-2016-muc-tham-hut-tai-khoan-vang-lai-se-o-muc-16-gdp.html ↩
3. “Nợ công đang tiến sát trần?”. Infonet. Ngày 20/8/2016. Nguồn: http://infonet.vn/no-cong-dang-tien-sat-tran-post206707.info ↩
4. “Báo động gạo Việt sang Mỹ bị trả về”. Vneconomy, ngày 3/10/2016. Nguồn: http://vneconomy.vn/thi-truong/bao-dong-gao-viet-sang-my-bi-tra-ve-2016100210284730.htm ↩
5. “EU lại "rút thẻ vàng" với thuỷ sản Việt Nam”. Dân Trí, ngày
7/10/2016. Nguồn: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/eu-lai-rut-the-vang-voi-thuy-san-viet-nam-20161007200818244.htm ↩
6. “EU cảnh báo thuỷ sản Việt Nam nhiễm kim loại nặng”. Vneconomy, ngày 7/10/2016. Nguồn: http://vneconomy.vn/thi-truong/eu-canh-bao-thuy-san-viet-nam-nhiem-kim-loai-nang-20161007024519652.htm ↩
7. “Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng mạnh – có đáng lo ngại?”. CafeF,
ngày 31/3/2016. Nguồn: http://cafef.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-tam-ngung-hoat-dong-tang-manh-co-dang-lo-ngai-20160331154802659.chn ↩
8. “Mỗi ngày vẫn có 200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động”. CafeF, ngày
1/8/2016. Nguồn: http://cafef.vn/moi-ngay-van-co-200-doanh-nghiep-tam-ngung-hoat-dong-20160801155750566.chn ↩
No comments:
Post a Comment