Wednesday, 7 December 2016

THỜI ĐẠI "POST-TRUTH" (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
December 7, 2016

Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Hoa Kỳ trong đó “tin ngụy tạo” đóng một vai trò quan trọng trong chiến thắng của ông Donald Trump đã dẫn đến một sự hốt hoảng nhất là trong giới trí thức và trực tiếp đưa đến ý tưởng rằng chúng ta sống trong một thời đại “hậu sự thật” (post-truth era). Nó trở nên phổ biến đến nỗi cuốn tự điển Oxford English Dictionary đã đặt chử “post-truth” là từ ngữ của năm 2016 và định nghĩa từ này là:

“Những trường hợp trong đó những sự thật khách quan ít ảnh hưởng trong việc uốn nắn dư luận của quần chúng bằng việc khêu gợi cảm tính và niềm tin cá nhân.”

Thế nhưng cũng giống như vấn đề “tin ngụy tạo” sự thật – nếu tôi có thể dùng chữ này – về thời đại “post truth” này phức tạp hơn người ta tưởng nhiều.

Không phải bây giờ tin ngụy tạo mới phổ biến và có ảnh hưởng chính trị.

Năm 1920, nhật báo Dearborn Independent , một tờ báo do nhà doanh nghiệp Henry Ford làm chủ, đăng một lọat bài về một âm mưu chi phối thế giới của những người Do Thái dựa trên cuốn sách “Protocols of the Elders of Zion,” một cuốn sách ngụy tạo của nước Nga thời Sa Hòang. Hàng chục tờ báo khác đăng lại coi như là tin tức đáng tin cậy.

Năm 1924, bốn ngày trước cuộc tổng tuyển cử tại Anh, nhật báo Daily Mail đăng tải một lá thư ngụy tạo là của Zinoviev nói lên chỉ thị của Moscow cho đảng Cộng Sản Anh huy động “những lực luợng có cảm tình” cho đảng Lao Động Anh. Đảng Lao Động vì thế đại bại trong cuộc tổng tuyển cử.

Trong những năm 1960 cơ quan FBI của ông J. Edgar Hoover tung ra một chiến dịch bôi nhọ mục sư Martin Luther King, tung tin giả cho các báo. FBI còn làm giả một lá thư đe dọa tố cáo Mục sư Kinh là trụy lạc về đề nghị ông hãy tự sát.

Năm 2003, trước khi Mỹ can thiệp vào Iraq báo chí quốc tế đăng đầy tin về các vũ khí hủy diện hàng loạt của Saddam Hussein mà sau này người ta mới biết là giả.

Thành ra có thể nói là gian dối giả mạo thành sự thật đã có từ lâu đời chứ không phải bây giờ mới xuất hiện và đó là điều ta cần ghi nhớ khi xét đến cái giòng nước lũ khổng lồ các tin ngụy tạo trên các môi trường truyền thông xã hội và những gì làm cho tình hình lần này khác biệt với trong quá khứ.

Trong quá khứ, các chính quyền, các định chế dòng chính và báo chí thao túng tin tức và thông tin. Vào lúc này, bất cứ ai có môt trương mục Facebook là đều có thể làm được chuyện nảy. Thay vì những tin ngụy tạo đuợc chuẩn bị cặn kẽ của quá khứ, vào lúc này ta có một giòng chảy vô tổ chức các tin giả. Điều thay đổi ở đây không phải là sự xuất hiện của các tin giả mà là những người có trách nhiệm bảo vệ sự thật đã mất đi quyền lực và uy tín. Khi giới thượng lưu lãnh đạo mất ảnh hưởng của họ đối với đa số cử tri thì họ cũng mất khả năng xác định cái gì là tin đúng và cái gì là tin giả.

Chính trị không bao giờ chỉ dựa vào những dữ kiện. Nó còn tùy thuộc vào một khung ý thức hệ qua đó người ta giải thích các dữ kiện. Trong quá khứ khung ý thức hệ này xuất phát từ cái lằn ranh chính trị giữa tả và hữu. Mỗi phe cung cấp một lăng kính ý thức hệ khác nhau để nhìn vào thế giới và diễn tả cùng một dữ kiện một cách khác nhau để đưa ra những kết luận khác nhau về chính sách.

Thế nhưng vào lúc này, cái khung ý thức hệ chính trị truyền thống đó đã tan rã và được thay thế bởi một khung ý thức hệ khác dựa vào truyền thống và sắc tộc. Lằn ranh chia cắt lúc này không còn là giữa tả và hữu nữa mà là giữa những người hoan nghênh một thế giới cởi mở và những ngươi cảm thấy bị bị bỏ rơi lại bởi một thế giới mất bản chất truyền thống.

Những người ủng hộ ông Trump và những người chỉ trích ông nằm ở hai bên lằn ranh mới này. Những người ủng hộ ông Trump coi tình trạng kinh tế bấp bênh của họ là hậu quả của tiến trình tòan cầu hóa và di dân và họ cảm thấy rằng họ bị bỏ rơi về chính trị. Trong khi nhiều người chống ông Trump coi những người này là chậm tiến và hoài niệm một thời vàng son không hề có. Cả hai nhìn vào các sự kiện và tin tức qua lăng kính chính trị và văn hóa của mình.

Tất cả những điều đó đã dẫn đến những cuộc tranh luận đầy lo lắng về việc người ta nay sống như trong những thế giới cách biệt trong đó những quan điểm độc nhất mà họ được nghe và coi là những quan điểm giống như của họ cũng như là vai trò của các môi trường truyền thông xã hội trong việc tạo ra những thế giới đó.

Nhưng các môi trường truyền thông xã hội không hề sáng tạo ra thế giới phân mảnh đó. Chúng chỉ phản chiếu và khuyếch đại một thế giới đã có sẵn, một thế giới mà uy tín của các định chế truyền thống đã bị sói mòn. Trong đó các phương tiện để thay đổi chính trị đã hầu như biến mất thành ra nhiều khi có một sự nổi lên giận dữ trong khung cảnh chính trị bình thường.

Nếu vấn đề tin ngụy tạo phức tạp hơn là người ta nghĩ thì những biện pháp giải quyết nhiều khi lại còn tệ hơn là vấn đề muốn giải quyết nữa. Có những đòi hỏi rằng facebook cần phải kiểm duyệt để loại bỏ các tin ngụy tạo hoặc là chính quyền đưa ra luật truy tố những kẻ dưa tin giả.

Nhưng ai là người quyết định tin nào là giả?

Tôi thà chấp nhận các tin giả còn hơn là để cho Mark Zuckerberg hay là chính phủ Hoa Kỳ quyết định cái gì là sự thật. Tin giả là một vấn đề, nhưng chúng ta không nên quá khuyếch đại ảnh hưởng của nó hay chịu một sự kiểm duyệt còn tệ hơn là chính nó.

-----------------------------

XEM THÊM :

Lê Phan
November 19, 2016








No comments:

Post a Comment

View My Stats