Friday, 2 December 2016

"THAY ĐỔI NHẬN THỨC, THAY ĐỔI TƯƠNG LAI" (Trần Trung Đạo)




01/12/2016

Một lần ghé thăm viện bảo tàng Peggy Guggenheim ở Venice, Italy, ngay trên lối vào có treo một câu danh ngôn và cũng là tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ người Ý Maurizio Nannucci: “Thay đổi nơi chốn, thay đổi thời gian, thay đổi nhận thức, thay đổi tương lai” (Changing place, changing time, changing thoughts, changing future).


Tôi rất thích tác phẩm và chụp vài tấm hình để nhớ. Về nhà đọc lại trên internet mới thấy tác phẩm và câu danh ngôn đó được xem như là một trong những câu nói thúc giục khát vọng của con người nhất. Đúng vậy, đi bao xa cũng chỉ làm thay đổi giờ giấc nhưng thay đổi tư duy, tầm nhìn, nhận thức mới thay đổi được tương lai.

Không nhìn đâu xa và không dám phê bình đích danh ai, chỉ nhìn lại chính mình thôi đã thấy nhận thức vô cùng cần thiết để vượt qua những khó khăn, chướng ngại trên đường học tập. Một trong những nhận thức đó là nhận thức về Ernesto "Che" Guevara.

Mỗi khi nghĩ về văn học miền Nam trước 1975, những độc giả lớn lên trong thời gian đó chắc không khỏi mỉm cười, một nụ cười thật đẹp để nhớ lại một quá khứ vô cùng thân thiết, không phải của riêng mình mà cả thời đại. Miền Nam trong những ngày tháng đó là miền Nam chiến tranh, tàn phá, nhưng cũng là nơi các giá trị tự do dân chủ đang bắt đầu trổ lá, những chiếc lá xanh non kia sẽ bị hỏa thiêu trong vài năm sau đó.

Những quán café đơn sơ quanh gốc me già, những hành lang thư viện, nơi đó không chỉ những nhân vật, những tác giả ngoại quốc đang được thế hệ trẻ ngày đó say mê, mà cả những tác giả nguyền rủa “ngụy quyền miền Nam” không tiếc lời cũng được đem ra thảo luận, chê và khen. Không những thế, sách do họ viết, nhật ký do họ ghi cũng được phát hành công khai và rộng rãi. Một trong những tác phẩm được phát hành trước 1975 là Nhật ký Ernesto "Che" Guevara, thường được gọi tắt là “Che”. Thời gian qua lâu nhưng bức ảnh Che đội chiếc mũ bê-rê đen trong hình bìa vẫn còn rất rõ trong trí nhớ.

Sau này, đọc thêm các tác phẩm, các bút ký của những người cùng chiến đấu bên cạnh Che từ những ngày của Phong Trào 26 tháng Bảy đến khi làm giám đốc trại tù La Cabaña Fortress để biết Che, một Marxist phiêu lưu, chết là một điều may mắn cho Bolivia và nhiều nước Châu Mỹ La-Tinh khác. Che có tất cả cá tính của một nhà độc tài tàn bạo, giết người không gớm tay.

Hôm qua, đọc lại Nhật ký Ernesto "Che" Guevara bằng bảng tiếng Anh mới biết nhận thức của mình về Che đã hoàn toàn thay đổi so với hơn 40 năm trước.

Hình ảnh Che được kính trọng ở Cuba và được ngưỡng mộ trong nhiều thế hệ trẻ ở Châu Mỹ La-Tinh một phần bởi vì Che chết sớm và một phần do Fidel Castro đánh bóng đến mức không thể nào bóng hơn. Như người viết đã phân tích trước đây, những lãnh tụ Cộng Sản thường tận diệt kẻ thù còn sống nhưng ca tụng kẻ thù đã chết. Stalin ca tụng Lenin, Fidel Castro ca tụng Ernesto “Che” Guevara, Đặng Tiểu Bình ca tụng Mao Trạch Đông. Nếu Ernesto “Che” Guevara không làm cách mạng phiêu lưu Nam Mỹ mà tiếp tục ở lại Cuba, thật khó tưởng tượng ông ta có thể sống sót dưới bàn tay của Fidel Castro. Một rừng không có hai cọp, một nước không có hai vua, đừng nói chi là quan hệ giữa Che và Fidel Castro rạn nứt trước khi Che tạm biệt vợ con lần cuối và lên đường đi Bolivia cuối năm 1966.

Nhưng hôm nay tại Cuba, hình ảnh Che được dựng lên trên khắp ngả đường. Xác chết không nghe được lời ca tụng, không nếm được mỹ vị cao lương, không sống trong các biệt thự có kẻ hầu người hạ, chỉ có đám độc tài đang thống trị đất nước mới thật sự là những kẻ hưởng thụ quyền lực.

Nhắc đến việc thay đổi tư duy, nhận thức, không thể quên ơn Giáo sư Phan Đình Diệu vì ông đã kêu gọi người Việt Nam “thay đổi tư duy” rất sớm.

Năm 1992, tiến sĩ Phan Đình Diệu phát biểu tại một hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Một mặt, chúng ta thừa nhận nền kinh tế thị trường với những chủ thể kinh tế tự do, bình đẳng của nó, nhưng mặt khác, chúng ta vẫn duy trì một hệ thống tổ chức xã hội theo mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước. Đây là một mâu thuẫn khó dung hòa được… Cũng xin phép nói rằng một Đảng theo chủ nghĩa cộng sản, nếu thực sự kiên định với chủ nghĩa cộng sản, thì không thể lãnh đạo sự phát triển kinh tế thị trường là cái mâu thuẫn như nước và lửa với học thuyết xây dựng xã hội cộng sản.”

Thời gian đó, internet còn phôi thai, một nhóm bạn chuyền nhau đọc qua email những lời phát biểu của ông với tấm lòng ngưỡng mộ.

Khoảng năm 2005, Gs Phan Đình Diệu tổng kết các suy nghĩ thành những bài viết rõ ràng và chi tiết hơn nhằm đưa ra một “khung mẫu tư duy mới” thay thế cho khung mẫu kiểu cũ. Hẳn nhiên đảng không đếm xỉa gì đến những lời gan ruột của ông mặc dù trong tất cả văn kiện quan trọng của đảng đều có nhắc đến “vận dụng một cách sáng tạo”, “cách mạng tư duy”, “chủ động nắm bắt thời cơ”, “đẩy mạnh kinh tế thị trường” v.v..

Người viết không phải đồng ý hết với quan điểm của giáo sư khi ông chỉ muốn “thay rượu” nhưng cho rằng không cần thiết phải “đổi bình”. Trong lý thuyết cũng như trong thực tế diễn ra của phong trào CS quốc tế cho thấy dù chậm hay nhanh, dù hòa bình hay bạo lực, cơ chế chính trị đều phải được thay đổi bằng cách mạng.

Lúc 7:12 phút tối ngày 25 tháng 12, 1991, Mikhail Gorbachev nhìn lên ống kính truyền hình và nói “Chúc quý vị mọi điều tốt đẹp” giữa sự thờ ơ của đa số dân Nga. Không ai hồi hộp, đợi chờ giờ phút đánh dấu sự cáo chung của chế độ CS lớn nhất trên thế giới, vì khi ông nói cách mạng đã diễn ra rồi.

Những lời kêu gọi của Gs Phan Đình Diệu, dù sao, đã tác động được nhiều người, nhất là thế hệ của người viết ngày đó ở hải ngoại, tất cả đều sinh ra ở miền Nam, lớn lên và học hành ở ngoài nước nên chắc chắn ông không biết. Người viết xin dừng lại ở đây để cám ơn ông.

Điều đó cho thấy, con đường phục hưng dân tộc không phải là độc đạo mà có thể từ nhiều ngả khác nhau. Mỗi người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh gia đình, thế hệ không giống nhau, mang trên lưng một quá khứ khác nhau và do đó, tình yêu nước cũng thuận theo điều kiện mà thể hiện. Nhưng dù từ ngả nào đi nữa, muốn đồng hành cùng dân tộc và thời đại, trước hết phải thay đổi tầm nhìn và nhận thức.

Dù còn rất nhiều người bị hệ thống tuyên truyền của đảng làm xơ cứng nhận thức và che kín tầm nhìn, so với thời kỳ Giáo sư Phan Đình Diệu mới gióng lên tiếng nói, số người Việt ý thức được dân chủ là nguyện vọng của dân tộc, là bước cần thiết đầu tiên để “thoát Trung” và là khẩu hiệu của thời đại cũng đông đảo hơn nhiều. Chuyến tàu lịch sử dừng lại ở nhiều ga, tại mỗi nơi có người bước xuống và người bước lên nhưng chặng cuối cùng tự do dân chủ và nhân bản mỗi ngày một gần và sẽ đến.

Trần Trung Đạo



No comments:

Post a Comment

View My Stats