Friday 16 December 2016

THẤY GÌ TỪ VỤ XỬ HAI ÔNG TRẦN ANH KIM & LÊ THANH TÙNG (Trần Thảo - Danlambao)





Những luật sư xuất hiện bên cạnh những người như bà Cấn Thị Thêu, ông Trần Anh Kim, ông Lê Thanh Tùng v.v... như một niềm tin mong manh, an ủi sự cô đơn của những người yêu nước, yêu công lý, trước mặt lũ sói lang, và cũng chỉ có thế. Khi chế độ CSVN tiếp tục chống chế độ nhà nước pháp quyền, chống tam quyền phân lập, tiếp tục bảo vệ đảng đứng trên nhân dân, trên hiến pháp và luật pháp thì tình trạng "cho có" của những luật sư sẽ còn dài dài. Cái gốc của vấn đề vẫn còn nguyên đó, thì mọi thứ chỉ là hoa lá cành mà thôi.

*

Chế độ CSVN tuyên bố đưa hai ông Trần Anh Kim và ông Lê Thanh Tùng ra xử công khai, nhưng cũng như mấy vụ xử trước đây, họ chận đầu này, bắt đầu kia, giới hạn tối đa những người có thể đến tham dự phiên toà. Những người có tiếng tăm đấu tranh một chút, tất cả đều từ vài ngày trước đã nhận được giấy mời, giấy triệu tập, không lý do này thì cũng lý do khác, có khi lại được công an phường mời uống cà phê không chừng? 

Hai ông Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng đã bị kết những án tù thật nặng. Ông TAK 13 năm tù, 5 năm quản chế. Ông LTT 12 năm tù, 4 năm quản chế. Và luật sư Võ An Đôn, người biện hộ cho ông Lê Thanh Tùng, sau phiên xử, đã tuyên bố: "Đây là bản án oan sai, bất công. Luật pháp không thể kết tội ý tưởng, suy nghĩ của con người."

Chúng ta thấy gì từ vụ xử này? 

Lời tuyên bố của LS Võ An Đôn, nghe rất giống với những lời tuyên bố của các vị LS trong những vụ xử bất công trước đây, như của LS Nguyễn Văn Đài, LS Hà Huy Sơn v.v... 

Tôi xin minh định trước, tôi không hề có ý chỉ trích các vị LS kể trên, đối với họ tôi luôn có lòng kính mến. Trong bài viết này, tôi chỉ đưa ra cái nhìn về hệ thống tư pháp của chế độ CSVN, và dĩ nhiên đề cập tới những giới hạn của các vị luật sư trong cái cơ chế mà Tổng Trọng bô bô "Dân chủ đến thế là cùng" nhưng thực chất là đứng trên nhân dân, đứng trên hiến pháp và luật pháp. 

Trong hồi ký "Đến Già Mới Chợt Tỉnh" của Tống Văn Công, có ghi lại lời tuyên bố của Quang Đạm, biên tập viên của báo Sự Thật do Trường Chinh làm Tổng Biên Tập thời 1950. Quang Đạm phát biểu: "Tư pháp phải kết hợp với nhà nước mà đối lập với các lực lượng phá hoại chính quyền. Không bộ phận nào được tách mình ra khỏi khối đoàn kết." Và tiếp đó là lời khẳng định của chính Hồ Chí Minh: "Luật pháp của ta hiện nay là ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng."

Thế là đã rõ. Từ những tên cộng sản răng đen mã tấu ngồi ghế chánh án xử địa chủ trong phong trào cải cách ruộng đất hơn nửa thế kỷ trước ở ngoài miền Bắc Việt Nam cho tới những tên veston, cà vạt ngồi bơ bơ cái mặt trên bàn chánh án ở Việt Nam của đầu thế kỷ 21 hôm nay, tuy hình dáng có khác, nhưng đầu óc bả đậu của chúng thì y hệt như nhau. Chúng chỉ là cái máy đã được đảng lên dây cót, tới giờ bấm nút là sẽ phát ra tiếng nói của đảng, được ngụy trang là ước vọng nhân dân. Bà Cấn Thị Thêu, trong mắt của nam phụ lão ấu Dương Nội và tôi tin là trong mắt của bất cứ người Việt Nam nào còn chút lương tâm, là một vị nữ trung hào kiệt. Bà đã không ngại đòn thù, không ngại tù ngục của chế độ, kiên trì đấu tranh cho công lý của người dân, chống lại những hành xử bất công, những cưỡng chiếm trắng trợn mà cán bộ đảng viên CSVN đang áp đặt trên đời sống càng ngày càng đen tối của người dân Dương Nội nói riêng, và nhân dân cả nước nói chung. 

Bà Cấn Thị Thêu, Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và hai ông Trần Anh Kim, Lê Thanh Tùng, tuy hoàn cảnh cá nhân có khác, nhưng trong mắt của tập đoàn cai trị CSVN, chính là "lực lượng phá hoại chính quyền" như lời khẳng định của Quang Đạm hay Hồ Chí Minh được trích dẫn ở trên. Thế nên, chế độ đưa bà Cấn Thị Thêu, ông Trần Anh Kim và ông Lê Thanh Tùng ra xử gọi là công khai, thực chất chỉ là trình diễn, cho hợp với câu nói thối tha của tổng Trọng "Dân chủ đến thế là cùng" mà thôi! 

Ở những nước thực sự tự do, dân chủ, ngành Tư pháp đứng biệt lập với Hành pháp và Lập pháp. Một kẻ bị tình nghi trong một vụ án, dù là án dân sự (civil) hay án hình sự (criminal) sẽ được coi như vô tội cho đến khi người ấy được chứng minh là có tội tại toà án. Hệ thống toà án của CSVN không được vận hành theo lề lối văn minh như của một quốc gia tôn trọng nhân quyền như thế. Đảng ủy nắm quyền quyết định ở mọi cơ quan nhà nước, cái gọi là UBND của thành phố, tỉnh, huyện, xã v.v... chỉ là đặt ra cho đảng ủy sai vặt, khiến cho người dân còng lưng đóng thuế đến ná thở để nuôi báo cô hai hệ thống đảng và UBND chồng chéo lên nhau. Vận hành của một tòa án trong chế độ CSVN cũng giống như một UBND, một chánh án không có quyền phán quyết bản án cho một nghi phạm theo lương tâm chứ́c nghiệp của mình, tất cả đã được định trước bởi đảng ủy. Đối với những vụ án dân sự (civil) như xe cán chó, chó cán xe, đại khái như thế, nếu đương sự không phải con ông lớn, có thế thần, có thể lấy mất ghế ngồi của chánh án, thì chánh án ngày nay hẳn có thể quyết định bản án. Nhưng khi đã dính tới "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" như đã tố cáo hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng thì dù được cho kẹo chánh án cũng không dám hó hé làm trái ý đảng ủy. 

Trong cái hệ thống tòa án làm ăn bôi bát như của chế độ CSVN thì người luật sư, với tấm lòng trong sáng muốn phục vụ tha nhân, đem công lý thực sự về cho họ, có thể làm được những gì? 

Điều đáng buồn là câu trả lời cho câu hỏi ấy chả có gì tích cực. Những luật sư như Nguyễn Văn Đài, Võ An Đôn, Hà Huy Sơn trong thời gian qua đã có những hoạt động ủng hộ tự do công lý. Ngay như LS Nguyễn Văn Đài, trước khi bị nhốt vào tù, đã từng truyền bá kiến thức về những quyền căn bản của con người. LS Võ An Đôn mới đây còn được Mạng Lưới Nhân Quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ chọn trao giải thưởng về nhân quyền với hai người khác là Bà Cấn Thị Thêu và Bà Trần Ngọc Anh. 

LS Hà Huy Sơn cũng nhiều lần lên tiếng về những án oan sai mà chế độ CSVN đã áp đặt lên những người đấu tranh dân chủ. Nhưng phần lớn những luật sư này, sau khi bản án được tuyên, họ đều có những tuyên bố tương tự như nhau, như LS Võ An Đôn tuyên bố về bản án của hai ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng: "Đây là bản án oan sai, bất công. Luật pháp không thể kết tội ý tưởng, suy nghĩ của con người." Những luật sư này cũng chỉ làm được như thế! 

Như đã minh định từ đầu bài viết, tôi hoàn toàn không có ý chỉ trích các vị luật sư, nhưng trong hệ thống tòa án của cơ chế độc tài toàn trị, họ có những giới hạn không thể nào vượt qua. Bỏ qua tinh thần hướng thiện, ủng hộ đấu tranh cho tự do dân chủ của những luật sư nói trên, về một mặt nào đó họ đã bị hệ thống tư pháp của cơ chế CSVN lợi dụng làm trọn vai diễn "Luật Sư" trong những phiên tòa. Cho tới nay, trong những phiên tòa xử những vụ "tuyên truyền chống phá nhà nước", những luật sư như Võ An Đôn, Nguyễn Văn Đài, Hà Huy Sơn xuất hiện bên cạnh những người như bà Cấn Thị Thêu, ông Trần Anh Kim, ông Lê Thanh Tùng v.v... như một niềm tin mong manh, an ủi sự cô đơn của những người yêu nước, yêu công lý, trước mặt lũ sói lang, và cũng chỉ có thế. Bà Trần Thị An, vợ của ông Lê Thanh Tùng cho biết: "Những luật sư đã bào chữa rất hay, rất chặt chẽ và mạnh mẽ rằng anh Kim và chồng tôi vô tội, nhưng họ vẫn kết án hai anh."

Khi chế độ CSVN tiếp tục chống chế độ nhà nước pháp quyền, chống tam quyền phân lập, tiếp tục bảo vệ đảng đứng trên nhân dân, trên hiến pháp và luật pháp thì tình trạng "cho có" của những luật sư sẽ còn dài dài. Cái gốc của vấn đề vẫn còn nguyên đó, thì mọi thứ chỉ là hoa lá cành mà thôi. 

17.12.2016
-->





No comments:

Post a Comment

View My Stats