Saturday, 3 December 2016

"NIỀM HY VỌNG CHO TỰ DO SÁNG TẠO" (BBC và Nhà văn Nguyễn Viện)




BBC Tiếng Việt
1 tháng 12 2016
.
Nhà văn Nguyễn Viện
.
BBC Việt ngữ có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Viện, tác giả của nhiều tác phẩm được xếp loại là 'văn học phản kháng', về việc tự do sáng tác và xuất bản.

BBC:Được biết NXB Giấy Vụn vừa cho tái bản 6 tác phẩm của ông cùng lúc trên mạng lưới toàn cầu của Amazon.com. Chúng tôi cũng được biết Giấy Vụn là một nhà xuất bản độc lập (không phép) ở Việt Nam và ông là một nhà văn có thể tạm gọi là có tinh thần phản kháng. Vậy liệu đây có phải là một hành động khiêu khích?
Nhà văn Nguyễn Viện: Một câu hỏi nguy hiểm. Mặc dù tôi đã từng bị Cơ quan An ninh Điều tra triệu tập và qui kết tôi vi phạm điều 87 & 88 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhưng tôi có thể khẳng định ngay, viết tự do hay xuất bản tự do với một người viết văn không có nghĩa là khiêu khích hay chống đối ai, mà tự nó chỉ là một tiếng nói trung thực.
Một mong muốn tiếp cận sự thật và trình bày sự thật của cảm xúc và suy nghĩ. Tất nhiên cũng vì sách của tôi không được phép xuất hiện một cách chính thống công khai trong nước. Và cũng vì tôi không thể viết trong những khuôn khổ cho phép.
Trong số 6 tác phẩm tái bản lần này, một cuốn (Rồng & Rắn) đã được Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ của cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích in từ 2002. Một cuốn khác (Chữ dưới chân tường) cũng được in khá lâu ở Mỹ (NXB Văn Mới, 2004). Bốn cuốn còn lại do NXB Cửa (do tôi và họa sĩ Trịnh Cung, nhà thơ Trần Tiến Dũng thành lập) xuất bản chui trong nước.
Tất cả những tác phẩm này đều rơi vào hoàn cảnh chỉ có thể phổ biến hạn chế. Vì thế, NXB Giấy Vụn của nhà thơ Bùi Chát và tôi quyết định cho tái bản trên mạng lưới toàn cầu Amazon, với hy vọng nó được lưu trữ an toàn và được tìm đọc một cách dễ dàng, cũng như phạm vi phổ biến rộng rãi hơn.
Có thể nói thêm một chút về nhà xuất bản chui này, cho đến nay tuy là một nhà xuất bản không phép, nhưng những đầu sách mà Giấy Vụn đã in cho thấy họ đã rất dũng cảm và tâm huyết. Đó là những tác phẩm thực sự rất giá trị (cả sáng tác và dịch thuật).
Tôi muốn tuyên dương họ ở đây như những người khai sáng. Việc tôi chọn Giấy Vụn cũng là cách tôi chọn tự do và khai sáng.

Tác phẩm Chữ dưới chân tường của nhà văn Nguyễn Viện

BBC: Một cách ngắn gọn, ông có thể giới thiệu thêm về nội dung những tác phẩm của mình?
Nhà văn Nguyễn Viện: PGS-TS Nguyễn Thị Bình của Đại học Sư phạm Hà Nội, khi giới thiệu tác phẩm của tôi trên trang web của Văn Đoàn Độc Lập đã viết: "Một cuộc "gây hấn" toàn diện trong lối viết chắc chắn sẽ phân hóa bạn đọc kịch liệt." Và nói theo nhà văn Phạm Thị Hoài thì "có thể rất ghét hoặc rất thích" khi giới thiệu tác phẩm của tôi trên Blog của chị. Thế thì tôi biết nói gì hơn là để bạn đọc tự khám phá.
Nhưng tôi muốn nói ngắn gọn rằng, những người yêu Đảng và đạo đức giả không nên đọc tôi.

BBC: Ở trên ông nói, ông chọn tự do và khai sáng. Điều này có quá ngoa ngôn hay không?
Nhà văn Nguyễn Viện: Có một bi kịch trong cuộc sống ở Việt Nam hiện nay là điều tưởng như bình thường nhất, đơn giản nhất của nhân loại lại trở thành bất thường nhất và phức tạp nhất. Một từ phổ biến ở Việt Nam là "nhạy cảm". Anh chọn tự do nghĩa là anh đụng đến cái "nhạy cảm" và anh đánh thức tự do cho con người, anh cũng đụng vào sự "nhạy cảm". Vì thế, tự do và khai sáng là những việc "nhạy cảm".
Và hành động "nhạy cảm" là con đường ngắn nhất để bước vào nhà tù. Nhà tù thì hẳn là không ai muốn vào, nhưng để trở thành con người tự do và đánh thức tự do cho người khác, anh sẽ phải trả giá. Một nhà văn đích thực có thể làm gì hơn?

BBC: Theo ông, có một dòng văn chương gọi là phản kháng ở VN hay không và nó có tác động gì vào xã hội hay nền văn học trong nước?
Nhà văn Nguyễn Viện: Đây lại là một điều cấm kỵ. Nhưng quả thật, theo tôi từ khi có trang web văn học Tiền Vệ của một số bạn bên Úc (2002), một dòng văn chương cách tân và phản kháng đã ra đời với sự góp mặt của rất nhiều tác giả trong nước. Và tôi nghĩ nó có những tác động nhất định vào nền văn học đương đại của VN cũng như thái độ chính trị của người dân. Nếu bạn đọc ngay các tạp chí và tác phẩm văn học trong nước bây giờ, bạn có thể tìm thấy những dấu ấn thay đổi đó. Sự đóng góp của Tiền Vệ tuy âm thầm nhưng tác động sâu xa. Khuôn mặt văn học của Việt Nam đang khác đi.

BBC: Với mạng lưới phát hành toàn cầu như Amazon và các loại hình sách điện tử (ebook), nhà văn Việt Nam trong nước có thể tránh được trói buộc và sợ hãi để phổ biến tác phẩm của mình hay không?
Nhà văn Nguyễn Viện: Ưu điểm của việc phát hành sách ebook hay trên Amazon là nhà văn tránh được lưỡi kéo kiểm duyệt của nhà nước. Nhưng tự do của con người hay nhà văn không chỉ đến từ một chế độ dân chủ, mà cốt yếu hơn, đến từ trong bản thân mỗi con người.
Với tôi, một nhà văn chỉ muốn viết sao cho có thể in được trong nước, được chế độ kiểm duyệt cho phép là đồ bỏ. Vì thế, có Amazon và ebook hay không, không phải là vấn đề sống còn của nhà văn. Nó chỉ là cơ hội. Sự chọn lựa tự do hay nô lệ vẫn là toàn quyền của mỗi nghệ sĩ. Sự trói buộc hay sợ hãi cũng là quyết định của mỗi người sáng tạo. Tôi nghĩ điều đáng chán nhất của một nhà văn không phải là cúi đầu trước sự chuyên chế của chế độ mà là sự tòng phục chính cái văn hóa truyền thống của mình.

BBC: Bản thân ông có hy vọng gì vào việc phát hành tự do như Amazon không?
Nhà văn Nguyễn Viện: Tôi không có một ảo tưởng nào. Tôi rất biết tình trạng đọc sách hiện nay của người Việt. Như bạn biết, sách báo tự do trên nguyên tắc không thể vào Việt Nam qua bưu điện hay bất cứ phương tiện hoặc cửa khẩu nào, ngoài của cơ quan có thẩm quyền nhà nước. Vì thế, người đọc nhiều nhất và có khả năng đọc nhất lại không thể tìm đọc.
Amazon không gửi sách trực tiếp về VN được. Còn người Việt ở nước ngoài, hầu hết vốn chẳng mặn mà gì với văn chương, mà người có thể đọc đa phần lại lớn tuổi, nên họ không có nhu cầu mua sách, nhất là lại phải mua qua internet. Còn người trẻ, hầu hết họ không đọc sách tiếng Việt. Vậy thì tôi hy vọng điều gì? Niềm hy vọng duy nhất của tôi: Tôi không chết. Có thể vô tích sự hoặc vô tăm tích. Nhưng đó là tôi nguyên thể.

BBC: Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.



No comments:

Post a Comment

View My Stats