R. Daniel Kelemen - Foreign Affairs
Dịch giả: Song Phan
Posted by adminbasam on
10/12/2016
Trung
tâm Chính trị này sẽ hành xử ra sao vào năm 2017
Ngày 17 tháng 11, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng
thống Mỹ Barack Obama công bố một bài báo trong tạp chí WirtschaftsWoche (Tuần Kinh tế) Đức, phác thảo
những cam kết chung của hai nước với các giá trị về tự do cá nhân, dân chủ, và
nền pháp trị (rules of law); phòng vệ tập thể thông qua liên minh NATO; và hợp tác quốc tế về các vấn đề từ chính sách tị nạn đến giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Luận đề này của họ đóng vai trò như là một nhắc nhở về các giá trị vốn là trung
tâm của liên minh dân chủ tự do xuyên Đại Tây Dương trong nhiều thập niên.
Trong những tháng gần đây, phe dân tộc và dân tuý đã
thách thức những giá trị đó ở cả hai bờ Đại Tây Dương. Hồi tháng 6, việc Vương
quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu đã cho phe dân tuý thắng lợi lớn đầu
tiên trong năm. Sau đó, vào tháng rồi, việc Donald J. Trump được bầu làm
tổng thống Mỹ đã đặt một ứng cử viên thể hiện thái độ khinh thị các giá trị dân
chủ như là tự do báo chí, độc lập về tư pháp, và nền pháp trị vào chức vụ quyền
lực nhất thế giới. Tại châu Âu, các chính trị gia cực hữu và độc đoán từ
Budapest đến Moscow tung hô chiến thắng của Trump; lãnh đạo đang cầm quyền các
nước phản ứng với sự sửng sốt. Nền dân chủ tự do phương Tây, có vẻ thăng cao
vào cuối thời Chiến tranh Lạnh, bây giờ dường như bị đe dọa từ mọi phía. Thời
gian này là những ngày đặc biệt tối tăm cho nền dân chủ châu Âu.
Không ai có thể biết chính xác Trump sẽ cai trị như
thế nào hoặc chính sách đối ngoại mà ông sẽ theo đuổi là gì. Nhưng một số các
tác động mà chức vụ tổng thống của ông sẽ ảnh hưởng lên châu Âu và liên minh
xuyên Đại Tây Dương thì đã rõ ràng. Chiến thắng của Trump sẽ không đẩy các
chính trị gia cánh hữu lên cầm quyền, nhưng nó có thể củng cố sự tự tin của họ
khi họ thách thức các nhà chính trị gia đang cầm quyền. Đối với những kẻ dân
tuý đang nắm quyền, như Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Jaroslaw Kaczynski, đứng
đầu đảng quản trị Luật pháp và Công lý Ba Lan (Poland’s governing Law and
Justice -PiS) cũng là nhà lãnh đạo trên thực tế của nước này, chính quyền Trump
có thể là một người bạn mạnh mẽ.
Các phát biểu trong chiến dịch tranh cử của tổng thống
mới đắc cử gợi ra rằng ông sẽ đòi hỏi các nước châu Âu chi cho quốc phòng của họ
nhiều hơn. Đó là một lập trường hợp lý, nhưng Trump có thể làm hỏng các lợi ích
của bất kỳ việc tăng chi tiêu quốc phòng nào của châu Âu qua việc phá hoại uy
tín của liên minh NATO. Về phần EU, với vai trò là một tổ chức siêu quốc gia nhằm
thúc đẩy thỏa thuận thương mại đa phương, di chuyển tự do, quy định về môi trường,
và luật pháp quốc tế, nó bao hàm phần lớn những gì mà Trump đã lớn tiếng chống
đối. Không có gì ngạc nhiên ngay sau cuộc trưng cầu ý dân tháng 6 của Vương quốc
Anh, Trump đã lên Twitter để tuyên bố mình là “Mr Brexit”, và từ đó đã có mối
quan hệ bạn bè rõ ràng với Nigel Farage, cựu lãnh đạo quốc Đảng Độc lập Vương
quốc Anh (United Kingdom Independence).
Thủ tướng Hungary, Viktor Orban nói chuyện
ở Budapest, tháng 10- 2016. Ảnh: Laszlo Balogh / Reuters
PHE
TRUNG DUNG NẮM GIỮ?
Các phép thử mới nhất cho giới chính trị cầm quyền của
châu Âu xảy ra ở Áo và Italy vào tháng 4. Trong cuộc bầu cử tổng thống của Áo,
Alexander Van der Bellen, một cựu lãnh đạo ủng hộ châu Âu của đảng Greens
(Xanh), đánh bại Norbert Hofer, ứng cử viên Euroskeptic (hoài nghi/bài bác EU)
của đảng Tự do Áo cánh hữu, chống di dân. Nhưng sự nhẹ nhõm mà chiến thắng của
Van der Bellen khiêu khích các nhà lãnh đạo dòng chính châu Âu không kéo dài:
sau ngày hôm đó, các cử tri Ý đã giáng một đòn mạnh vào giới đang cầm quyền nước
mình bằng cách bác bỏ một cuộc trưng cầu về cải cách hiến pháp mà thủ tướng
trung tả Matteo Renzi thực tế đã đưa vào thành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối
với sự lãnh đạo của ông. Renzi từ chức, dìm Italia vào một thời kỳ bất ổn chính trị tại một
thời điểm khi nó phải đối mặt với áp lực chồng chất lên hệ thống ngân hàng và nợ
quốc gia, cuộc khủng hoảng di dân, và nhóm dân túy của chính nước này tăng mạnh,
qua Phong trào Năm Sao.
Năm tới, các cuộc bầu cử quốc gia ở Pháp, Đức và Hà
Lan sẽ kiểm nghiệm xem phe ôn hòa có thể nắm giữ được vị thế chống lại các lực
lượng cực hữu như họ đã làm ở Áo hay không. Đầu tiên, vào tháng 3, cử tri Hà
Lan sẽ đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử quốc hội. Geert Wilders cuồng nhiệt chống đạo
Hồi và Đảng Tự do cực hữu của ông có thể sẽ so kè ngang ngửa với Thủ tướng
đương nhiệm Mark Rutte và Đảng Nhân dân trung hữu của ông. Sau đó, vào tháng 4
và tháng 5, Pháp sẽ bầu ra một tổng thống mới sau hai vòng bỏ phiếu. Bà Marine
Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia (National Front) cực hữu, có lẽ sẽ nổi
lên như một trong hai ứng cử viên hàng đầu ở vòng đầu, có nhiều khả năng sẽ đưa
bà lên đấu với Đảng Cộng hòa trung hữu của Francois Fillon ở vòng cuối. Cuối
cùng, vào tháng 9, Đức sẽ tổ chức bầu cử quốc hội. Angela Merkel đang tìm kiếm
một nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư và phải đối mặt với khả năng lần đầu tiên trong lịch
sử sau chiến tranh của nước này, một đảng cực hữu – the Alternative for Germany (Giải pháp thay
thế cho Đức) – sẽ vào quốc hội liên bang.
Chiến thắng của Trump đã làm cho hy vọng của các lực
lượng dân túy ở Pháp, Đức và Hà Lan mạnh lên, nhưng trong từng trường hợp, phe
trung dung có thể sẽ nắm giữ vị thế. Trong hệ thống đảng phái phân mảnh của Hà
Lan, sẽ cần phải liên minh mới nắm được quyền, và vì có nhiều khả năng những đảng
dòng chính sẽ tránh xa Wilders, Rutte sẽ có khả năng sẽ trở lại làm người đứng
đầu một chính phủ đa đảng mới. Ở Pháp, có một cơ hội thực sự để Le Pen chiến thắng,
nhưng rất có thể là phe trung dung sẽ chặn bà lại bằng cách thống nhất xung
quanh đối thủ của mình ở vòng bỏ phiếu thứ hai. Tại Đức, bà Merkel đang được mức
ủng hộ cao. Vì cuộc khủng hoảng di cư hiện giờ đang trong vòng kiểm soát và vì
bà đã có một số nhượng bộ đối với những chỉ trích từ cánh phải, Thủ tướng có thể
sẽ giành được một nhiệm kỳ nữa. Các cuộc bầu cử năm 2017 có thể tạo ra một sự dịch
chuyển trong phe trung dung châu Âu sang phía hữu, nhưng ở các nước Liên minh
châu Âu hùng mạnh nhất, chính phủ hết lòng đi với dân chủ tự do, dường như có
khả năng vẫn sẽ nắm quyền.
Mặc dù Trump không thể đẩy các nhà chính trị dân túy
vào vị trí cầm quyền, ông có thể hậu thuẫn những người đã nắm quyền. Trump đã mời
nhà độc tài Orban—người mà chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cố
tránh xa trong 5 năm qua—đến thăm ông tại Washington. Trong một cuộc phỏng vấn
ngày 1 tháng 12 với truyền thông Hungary, Jeffrey D. Gordon, cố vấn chiến dịch
tranh cử của Trump, tuyên bố rằng phe ông xem Orban là “một nhà lãnh đạo
vĩ đại, một trong những nhà lãnh đạo tốt nhất trên thế giới”. Các nhà lãnh đạo
của chính phủ PiS của Ba Lan hiện đang làm việc tiếm quyền vi hiến Tòa án Hiến pháp của nước
này và phải đối mặt với mối đe dọa bị EU trừng phạt, có thể mong đợi cũng được Trump ôm lấy.
Trong chiến dịch này, Trump nhiều lần ca ngợi các nhà lãnh đạo độc đoán và tỏ
rõ rằng ông không coi việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền ở nước ngoài như là một vai trò của Hoa Kỳ. Việc Trump cởi mở với Orban gợi
ra rằng ông sẽ thân thiện với các nhà lãnh đạo châu Âu có xu hướng chuyên quyền
thay vì gây áp lực buộc họ phải tôn trọng các chuẩn mực dân chủ, như chính quyền
Obama đã làm.
Về NATO, trong cuộc điện đàm ngày 29 tháng 11 với Thủ
tướng Anh Theresa May, Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của NATO cho cả Vương quốc
Anh và Hoa Kỳ. Dù khó có khả năng Trump dỡ bỏ liên minh này, song ông đã gây
thiệt hại lâu dài cho nó. Điều 5 của NATO về bảo đảm bảo vệ lẫn nhau có ý tác động
như một cách răn đe, đảm bảo kẻ thù tiềm năng rằng việc tấn công một thành viên
NATO sẽ kích hoạt một phản ứng của toàn khối. Nhưng Trump đã làm suy yếu nghiêm
trọng đảm bảo này qua việc gợi ý rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ bảo vệ những nước trong khối
liên minh NATO cam đoan sẽ chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Và với việc đưa
tín hiệu rằng ông muốn tìm kiếm các mối quan hệ ấm áp hơn với Tổng thống Nga
Vladimir Putin, ông đã tiếp tục làm suy yếu niềm tin các đồng minh NATO rằng
Hoa Kỳ sẽ đến giúp họ trong trường hợp bị Nga tấn công.
Những người ủng hộ đảng Giải pháp thay thế cho Đức
(AFD) ăn mừng trong một cuộc bầu cử bang ở Stuttgart, Đức, tháng 3/2016. Nguồn:
Michael Dalder/ Reuters.
PHÉP
THỬ SỰ THỐNG NHẤT
Tháng 3, Liên minh châu Âu sẽ tổ chức lễ kỷ niệm lần
thứ 60 Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng kinh tế châu Âu, tiền thân của EU. Kể
từ khi EU thành lập, các tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng đều ủng hộ việc hội nhập
của châu Âu. Obama đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sự thống nhất châu Âu là một lợi
ích chiến lược của Hoa Kỳ và, như ông nêu ra trong chuyến thăm Hy Lạp vào tháng
11 rằng việc hội nhập của châu Âu là “một trong những thành tựu chính trị và
kinh tế vĩ đại của lịch sử loài người”. Các nhà lãnh đạo EU đừng trông mong có
một sự khích lệ như thế ở Trump.
Ngược lại, các nhà lãnh đạo châu Âu cần phải chuẩn bị
để xem Trump cố chia rẽ liên minh của họ và làm họ đối đầu lẫn nhau. EU thường
cổ vũ các giá trị và chính sách tự do như hiệp ước môi trường, nhân quyền, và
thương mại đa phương – là những thứ Trump phản đối. Một châu Âu mạnh, đoàn kết
hợp tác phát huy các giá trị tự do như thế trên toàn cầu sẽ xung đột với các
chương trình chính sách của Trump. Nói chung, hội nhập của châu Âu thuộc loại
“toàn cầu hóa” mà Trump và các kẻ dân tuý khác chống đối gay gắt. Vì vậy, không
có gì ngạc nhiên khi Trump cổ cũ cho Brexit, tìm đến Orban và các nhà chính trị
Euroskeptic khác, và kêu gọi có quan hệ ấm áp hơn với Nga ngay cả khi Putin đe
dọa an ninh châu Âu và tìm cách chia rẽ EU. Các nhà lãnh đạo châu Âu cần chuẩn bị
đón nhận nhiều điều như vậy từ chính phủ sắp lên này.
Thời đại Trump sẽ bày ra một phép thử sâu sắc về sự
đoàn kết cho liên minh đang bê bết của châu Âu. Khi châu Âu đối mặt với các cuộc
đàm phán về Brexit, khả năng hồi sinh của cuộc khủng hoảng Eurozone ở Ý, cuộc
khủng hoảng người tị nạn kéo dài, sự gây hấn của Nga trên sườn phía đông của
nó, và sự trỗi dậy của chế độ chuyên chế ở một số quốc gia thành viên EU, cũng
sẽ phải đối phó với một Tổng thống Mỹ có thể làm nhiều thứ hơn nữa gây cản trở
hơn là khuyến khích sự hợp tác châu Âu. Merkel chắc chắn có thể đóng một vai
trò lãnh đạo quan trọng trong bối cảnh mới này. Nhưng bà đã đúng khi mới đây nhấn mạnh rằng “không một cá nhân đơn lẻ,
kể cả người có kinh nghiệm nhất, có thể sửa chữa những thứ quanh thế giới”.
Chiến thắng của Van der Bellen ở Áo và sự ủng hộ của
công chúng đối với EU tăng lên kể từ cuộc bỏ phiếu Brexit đã cho một số hy vọng
rằng trật tự dân chủ tự do của châu Âu có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng mà
nó đang phải đối mặt hiện nay. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo châu Âu muốn liên
minh của họ sống sót qua thời kỳ đen tối này đối với nền dân chủ, họ phải đưa
ra cho công dân thấy một tầm nhìn tích cực cho tương lai của dự án tập
thể của họ và tăng gấp đôi quyết tâm của họ với nó. Trên hết, họ phải tìm cách
vực dậy nền kinh tế đang chao đảo của châu Âu, rời xa nỗi ám ảnh với thắt lưng
buộc bụng để tập trung vào việc phục hồi tăng trưởng. Họ phải tìm cách nắm vững
và giải quyết một cách hiệu quả hơn cuộc khủng hoảng di dân, mở rộng các sáng
kiến gần đây để bảo đảm an toàn biên giới bên ngoài của châu Âu trong khi trợ
giúp nhiều hơn cho những nước phải chịu gánh nặng người tị nạn lớn nhất. Họ cần
tăng cường hợp tác quốc phòng để cho các công dân thấy các cơ quan châu Âu có
thể giúp bảo vệ họ chống lại các mối đe dọa chung như thế nào. Và các nhà lãnh
đạo EU phải dũng cảm đối đầu phe dân tuý Euroskeptic ngay trong chính họ, bảo vệ
các giá trị dân chủ mà liên minh được xây dựng trên đó.
No comments:
Post a Comment