Wednesday, 21 December 2016

MẶT TỐT, MẶT XẤU từ NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG CỦA TRUMP (Anatole Kaletsky - Project Syndicate)




Anatole Kaletsky  -  Project Syndicate
Biên dịch: Nguyễn Văn Đáp | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Posted on 22/12/2016 

Đối với những ai trong chúng ta đã đoán sai về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, rất đáng để kiềm chế những phản ứng mang tính cảm xúc, ít nhất là trong một hai tháng, và cố gắng đưa ra một đánh giá khách quan về ý nghĩa có thể có của chính quyền của Donald Trump đối với thế giới. Và đây là mười hệ quả có thể có của việc Trump làm tổng thống, chia đều giữa mặt tốt và mặt xấu.

Các tin tốt bắt đầu với tăng trưởng của Mỹ, gần như chắc chắn tăng cao hơn tỷ lệ trung bình hàng năm 2,2% trong suốt nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama. Điều này là do sự phản đối của Đảng Cộng hòa đối với nợ và chi tiêu công chỉ tồn tại khi một người thuộc Đảng Dân chủ như Obama làm chủ Nhà Trắng. Còn khi tổng thống là người của Đảng Cộng hòa, đảng này luôn vui vẻ thúc đẩy chi tiêu công và nới lỏng các giới hạn nợ, giống như dưới thời Ronald Reagan và George W. Bush. Do đó, Trump sẽ có khả năng thực thi việc kích thích tài khóa kiểu Keynes mà Obama thường đề xuất nhưng không thể triển khai.

Những thâm hụt kéo theo có thể được mô tả là “kinh tế học trọng cung,” hơn là kích cầu kiểu Keynes, nhưng ảnh hưởng thì như nhau: tăng trưởng và lạm phát sẽ cùng tăng. Khi nền kinh tế Mỹ đạt tới giới hạn toàn dụng lao động, sự tăng trưởng bổ sung sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn, nhưng tin xấu này có thể đến năm 2018 hay lâu hơn mới xuất hiện.

Thứ hai, các cải cách thuế hợp lý, như giảm thuế cho các công ty đa quốc gia đem lợi nhuận từ nước ngoài về, cuối cùng sẽ trở thành luật. Sự chi phối của Đảng Cộng hòa (ở lưỡng viện Quốc hội) sẽ cho phép đạt được thỏa thuận dễ dàng về cắt giảm thuế vốn được bù đắp chủ yếu bằng việc vay mượn công cao hơn, mà không phải bằng cách dẹp bỏ sự chống lại việc loại bỏ các khoản miễn trừ và lỗ hổng thuế của các nhóm vận động lợi ích đặc biệt. Những cải cách thuế này thậm chí sẽ tạo ra những thâm hụt ngân sách lớn hơn, điều sẽ giúp kích thích tăng trưởng và lạm phát.

Sự thúc đẩy thứ ba đối với tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ quá trình phi điều tiết hóa. Trong khi các cuộc chiến về luật năng lượng và môi trường có thể chi phối tin tức báo chí, tác động kinh tế lớn nhất sẽ đến từ sự đảo chiều việc thắt chặt điều tiết ngân hàng. Do các ngân hàng được khuyến khích hạ thấp chuẩn vay, đặc biệt là với các hộ gia đình có thu nhập trung bình, một sự gia tăng trong xây dựng nhà ở và tiêu dùng nhờ vay nợ sẽ thúc đẩy động lực tăng trưởng. Phi điều tiết quá mức có thể gây nên một cuộc khủng hoảng tài chính 2007 khác, nhưng đây cũng lại là một nguy cơ vào năm 2018 hoặc xa hơn nữa.

Thứ tư, Trump có thể có tác động tốt đối với sự ổn định địa chính trị, ít nhất là trong ngắn hạn. Sự ưu tiên của Trump dành cho chính trị thực dụng (realpolitik) theo hướng theo đuổi lợi ích ngắn hạn so với chủ nghĩa can thiệp tự do của Obama sẽ giúp ổn định quan hệ với Nga và Trung Quốc khi thế giới được phân chia thành những khu vực ảnh hưởng. Trump có thể cho Nga nhiều tự do hành động hơn ở Ukraine và Syria để đổi lại sự kiềm chế ở Trung Âu và vùng Baltic. Sự thống trị không thể tránh khỏi của Trung Quốc ở châu Á có thể sẽ được chấp nhận, nếu nước này tránh các cuộc chiến toàn diện với Nhật Bản, Đài Loan, và các quốc gia khác, những nước được đảm bảo về mặt an ninh bởi các hiệp ước với Mỹ, về mặt lý thuyết. Trung Đông chắc chắn vẫn là chảo lửa của tình trạng bất ổn địa chính trị; nhưng, ngay cả ở đây, việc Trump muốn có các lãnh đạo chuyên quyền tại các nước thay vì “thúc đẩy dân chủ” có thể khôi phục một phần sự ổn định (với cái giá là nhân quyền).

Cuối cùng, việc Trump thắng cử có thể buộc người Mỹ thừa nhận những khiếm khuyết trong nền dân chủ của chính họ, ngay cả khi họ từ bỏ việc “thúc đẩy dân chủ” toàn cầu. Việc Trump đã thua hơn hai triệu phiếu phổ thông có thể cấp lại động lực cho việc cải cách chế định Cử tri Đoàn – những nỗ lực đã mang lại các đạo luật cần thiết ở các bang đại diện cho 61% số phiếu bầu cần thiết (để thay đổi chế định này). Và sự phản đối Trump mạnh mẽ ở các bang chủ chốt như California và New York có thể khích lệ cử tri của họ bầu ra các cơ quan lập pháp tiểu bang để chống lại chủ nghĩa bảo thủ liên bang bằng các đạo luật tiến bộ cấp tiểu bang về các vấn đề từ chất lượng không khí và chăm sóc sức khỏe đến việc phá thai, đối xử với người nhập cư, và kiểm soát súng đạn.

Giờ đến lượt tin xấu. Lần đầu tiên kể từ năm 1930, nước Mỹ mới có một tổng thống coi thương mại là một trò chơi có tổng bằng 0. Luận điệu bảo hộ chủ nghĩa trong chiến dịch của Trump có thể không mang ý nghĩa đúng như những gì được nói, nhưng nếu Trump không thực thi bất kỳ sự kiềm chế thương mại nào như đã hứa thì Đảng Cộng hòa sẽ phải chịu sự phản ứng từ những người giờ là cử tri cốt lõi của họ, những cử tri trong ở các khu vực và các ngành công nghiệp đang suy giảm.

Vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ vì thế cũng buộc phải thay đổi theo hướng rời xa tự do thương mại, toàn cầu hóa, và các thị trường mở. Không ai có thể dự đoán được đầy đủ những tác động của sự thay đổi cơ chế lớn nhất trong nền quản lý thương mại toàn cầu này kể từ những năm 1980; nhưng chắc chắn chúng sẽ bất lợi cho các nền kinh tế mới nổi và các tập đoàn đa quốc gia vốn xây dựng các chiến lược kinh doanh và mô hình phát triển dựa trên tự do thương mại và dòng vốn mở.

Mối đe dọa thứ hai, tức thì hơn, đến từ việc thực hiện cắt giảm thuế đáng kể và đẩy mạnh chi tiêu công trong một nền kinh tế đã tiến sát đến toàn dụng lao động, điều đẩy nhanh lạm phát, lãi suất cao hơn, hay thậm chí là một vài sự kết hợp của cả hai điều trên. Với khả năng xảy ra thêm chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các biện pháp trục xuất công nhân nhập cư, sự gia tăng lạm phát và lãi suất dài hạn có thể sẽ khá đáng kể. Tác động lên các thị trường tài chính sẽ gây rối loạn, dù Fed tích cực thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn trước giá cả leo thang, hoặc để nền kinh tế “phát triển nóng” trong một hoặc hai năm, cho phép lạm phát tăng tốc.

Với nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và lãi suất dài hạn tăng cao, sự mạnh lên quá mức của đồng USD là nguy cơ thứ ba. Mặc dù đồng USD vốn đã được định giá cao, nó vẫn có thể ngày càng tự tăng giá, như trong các giai đoạn đầu những năm 1980 và cuối những năm 1990, do nợ bằng đồng USD tại các thị trường mới nổi của các chính phủ và các tập đoàn sẽ tăng do họ bị cám dỗ bởi lãi suất gần bằng 0.

Thứ tư, đồng USD tăng giá kết hợp với chủ nghĩa bảo hộ báo hiệu một rắc rối lớn cho các nước đang phát triển, có thể trừ một số nền kinh tế tương đối khép kín như Brazil, Nga, và Ấn Độ, với các chiến lược phát triển ít phụ thuộc hơn vào tự do thương mại và tài chính nước ngoài.

Cuối cùng, hệ quả nguy hiểm nhất của chiến thắng của Trump có lẽ là tác động lây truyền của nó sang châu Âu. Giống như cuộc trưng cầu dân ý ở Anh đã chứng tỏ dự đoán kỳ lạ về chiến thắng của Trump, Trump giống như một chỉ dấu hàng đầu của sự nổi lên đột ngột của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, thứ có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng châu Âu nữa và đe dọa phá vỡ Liên minh châu Âu. Những chiến thắng phản chính thống tiếp theo, theo các cuộc thăm dò dư luận, sẽ xảy ra trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp tại Ý và cuộc bầu cử tổng thống ở Áo. Những người theo chủ nghĩa toàn cầu chỉ có thể hy vọng các cuộc điều tra dư luận lại sai một lần nữa – nhưng theo hướng ngược lại.

*
Anatole Kaletsky là Nhà Kinh tế Trưởng và Đồng Chủ tịch của Gavekal Dragonomics. Từng bình luận cho tờ Times of LondonInternational New York Times và Financial Times, ông là tác giả cuốn Capitalism 4.0: The Birth of a New Economy.

Copyright: Project Syndicate 2016 – Ten Consequences of Trump




No comments:

Post a Comment

View My Stats