Sunday, 4 December 2016

HỆ QUẢ CỦA VIỆC HIỆP ĐỊNH TPP SỤP ĐỔ LÀ GÌ ? (The Economist)




Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất thế giới trong nhiều thập niên qua gần như đã chết. Donald Trump đã tuyên bố rằng vào ngày tại chức đầu tiên của mình, ông ta sẽ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định được xây dựng trong gần một thập niên. Với 12 quốc gia ven Thái Bình Dương, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Canada, TPP sẽ chiếm gần hai phần năm nền kinh tế toàn cầu. Trump đã gọi đó là một “thỏa thuận khủng khiếp” trong chiến dịch tranh cử của mình. Khi tuyên bố ý định của mình về việc rút ra khỏi hiệp định trong tuần vừa qua, ông nói rằng đó là “một thảm họa tiềm tàng cho đất nước chúng ta”. Nhưng những người ủng hộ Hiệp định nói rằng nó là một sự tiến bộ lớn so với các thỏa thuận thương mại hiện có và rất tốt cho Hoa Kỳ. Quan điểm nào là đúng, và điều gì đang xảy ra vào thời điểm hiện tại?

Đo lường tác động chính xác của các thỏa thuận thương mại đã tồn tại trong nhiều năm qua đã khó; dự báo tác động của các thỏa thuận trong tương lai thậm chí còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế sẽ đồng ý với hai nhận định chung. Một mặt, TPP sẽ tạo ra tăng trưởng lớn hơn cho tất cả các bên tham gia hiệp định. Một loạt các nghiên cứu độc lập dự đoán rằng Hoa Kỳ sẽ thu được những lợi ích lớn nhất xét về giá trị tuyệt đối, và các thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam, sẽ được lợi lớn nhất một cách tương đối so với quy mô của mình.

Mặt khác, trong khi các thỏa thuận thương mại tự do làm giàu cho các quốc gia nói chung, các bất lợi có thể là rất nghiêm trọng cho các ngành công nghiệp và các khu vực bị thua thiệt. Ngoài ra, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những tác động tiêu cực này thường kéo dài lâu hơn so với điều mà những người lạc quan đã từng tin tưởng. Nói cách khác, TPP sẽ có thể làm gia tăng sức tăng trưởng của Hoa Kỳ, nhưng ít nhất một số người cũng có lý khi nghĩ rằng nó là một điều khủng khiếp.

Nhưng chỉ nhìn vào tác động đến GDP là quá hạn hẹp. Mục đích của TPP luôn luôn có một phần mang tính chiến lược. Hoa Kỳ và các quốc gia thân thiết, từ Australia đến Singapore, đã hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ cho phép họ định hình cấu trúc thương mại quốc tế tại châu Á và xa hơn nữa. Tham vọng của họ là TPP sẽ thiết lập một tiêu chuẩn mới cho các thỏa thuận trong tương lai. Thay vì truyền thống nhấn mạnh vào việc cắt giảm thuế quan (vốn mà đã ở mức rất thấp giữa các nước giàu), họ quay sang những vấn đề gai góc hơn như sự khác biệt trong các quy định về sở hữu trí tuệ.

Thậm chí nếu TPP không thể đáp ứng được những luận điệu to tát của họ, nó cũng đã tạo ra một nền tảng mới. Nó chứa đựng những quy định bảo vệ mạnh mẽ hơn cho quyền lợi người lao động, nhiều biện pháp bảo vệ môi trường hơn, và, lần đầu tiên, các biện pháp để hạn chế hỗ trợ của chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là thỏa thuận này loại trừ sự tham gia của Trung Quốc. Cánh cửa có lẽ rốt cuộc sẽ được mở ra cho quốc gia này, nhưng chỉ sau khi Trung Quốc chấp nhận tất cả các quy tắc mà các thành viên TPP ban đầu, mà dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã thống nhất.

Do đó, Sự sụp đổ của TPP đã tạo ra một khoảng trống ở châu Á. Vai trò của Mỹ như một cường quốc kinh tế trong khu vực đã bị xói mòn bởi sự chuyển hướng sang chủ nghĩa biệt lập của Trump. Theo lý thuyết, 11 thành viên còn lại có thể tái thiết TPP, nhưng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nói hộ cho nhiều quốc gia khi tuyên bố rằng sẽ là “vô nghĩa” nếu không có Hoa Kỳ. Các nhà quan sát đang trông chờ vào việc Trung Quốc đảm nhận vai trò lãnh đạo kinh tế ở châu Á. Cũng vừa lúc quốc gia này đang thúc đẩy một thỏa thuận thương mại tự do (Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực – RCEP) vốn đang dần hoàn tất.

Nhưng sự chuyển dịch quyền lực sang Trung Quốc không hề đơn giản. Các quốc gia trong khu vực tỏ ra thận trọng trước gã khổng lồ xuất khẩu này, một điểm khởi đầu khó khăn trên bàn đàm phán. Kế hoạch của Trung Quốc đối với thỏa thuận thương mại này cũng bảo thủ hơn so với Hoa Kỳ, vì nó hầu như không đề cập đến những quy định rối rắm đã khiến cho TPP trở nên quan trọng. Thay vào đó, các quốc gia châu Á sẽ cần phải chuyển sang công việc khó khăn hơn là xây dựng các thỏa thuận song phương. Khoảng trống từ việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định là rất lớn, và không dễ lấp đầy.

*
Nguồn: 
The Economist explains
Nov 23rd 2016, 23:00 BY S.R. | SHANGHAI

---------------------------

TIN LIÊN QUAN :




No comments:

Post a Comment

View My Stats