Wednesday, 21 December 2016

DONALD TRUMP: CÁI NGHIỆP CỦA NƯỚC MỸ (Hoàng Ngọc Nguyên - Người Việt Tự Do)




Hoàng Ngọc Nguyên   -  Người Việt Tự Do
21-12-2016

Đã là một tập tục, năm hết tết đến, người ta lại nhắc đến chuyện cũ để đi tìm người trong mộng, người thì gọi “Person of the Year”, kẻ thì kêu “Man of the Year”, nhưng thật ra đều như nhau. Năm nay công việc này tưởng như dễ, nhưng thực ra chưa chắc đã dễ. Sống trong đời này, chúng ta tưởng có nhiều việc như “lấy đồ trong túi”, chẳng hạn như lá phiếu của cử tri Mỹ vào ngày 8-11 vừa qua. Rốt cuộc như chúng ta đã thấy, tạp chí Time phải chọn ông Donald Trump làm Person of the Year. Người ta chú thích thêm: President of the Divided States of America.

Nay nhân dịp cuối năm, ngồi buồn, bắt chước tiền nhân cụ Trần Văn Hương, mà suy nghĩ chuyện “lăn tăn” trên đời, để tìm trả lời cho câu hỏi tại sao phải là ông Trump của những người “ngu xuẩn” mà không phải là người khác.

Lẽ ra Tổng thống Barack Obama phải là “Nhân vật trong năm” của nước Mỹ của chúng ta. Đó phải là một quyết định của người có suy nghĩ (nếu phải tránh chữ “trí thức” đang bị lạm dụng). Chẳng phải chỉ vì ông đang sống những ngày cuối cùng tại Tòa Bạch Ốc và chắc rằng chẳng ngày nào ông lại chẳng bồi hồi nhớ lại những ngày qua, nghĩ đến những gì mình đã làm được và những gì mình đã làm không được và cả những gì mình đã không làm để day dứt trước một di sản khó tính và hiểu rằng trong 10-20 năm tới (Obama chỉ mới 52), ông sẽ chẳng thế nào có thể ngồi yên. Trước sự lộng hành của quỉ sứ chính trị không phải chỉ từ chính trường trên cao mà ghê sợ chính là ở quần chúng đông đảo phía dưới, có đến ít nhất 46% dân số (đã bỏ phiếu trong khi đầu óc điên loạn), chúng ta cần nhấn mạnh ở nhu cầu tái lập “political civility” cho phù hợp với truyền thống xã hội nhân bản đại lượng của người Anglo Saxon, và để thể hiện civility lúc này chính là chúng ta phải có “một vòng hoa cho người cách mạng”. Một vòng hoa cho Obama không chỉ là một hành động tử tế, lịch sự, khả ái, mà chính là bày tỏ sự biết ơn.

Trừ những người Cộng Hòa, người ta rất khó có cách nhìn khác về những gì ông đã làm được trong tám năm qua. Kinh tế bình ổn, thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục, đồng đô la vững mạnh, thị trường địa ốc đã hồi phục mạnh mẽ, đời sống tầng lớp lao động và trung lưu đã phần nào đi lên, cho dù khoảng cách giàu nghèo vẫn là một vấn nạn lớn của xã hội Mỹ. Y tế đại chúng với luật Affordable Care Act, chúng ta còn gọi là Obamacare, đã mở ra một chương mới nếu chúng ta đứng từ góc độ an lạc xã hội mà nói. Và cho dù ông Obama bị phê phán vì thái độ khoanh tay (don’t do stupid things), chúng ta cũng chưa có thể xác định được trong hiện tình nhiễu nhương toàn cầu, Mỹ có thể thực sự làm gì được, và cái giá của sự phiêu lưu trong một thế giới đang mất trật tự có thể nguy hại chừng nào cho nước Mỹ.

Nếu ông ra đi chẳng thể nhẹ nhàng như Nguyễn Công Trứ “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”, chính là ở chỗ ông đã thất bại nặng nề, nghiêm trọng trong cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội liên bang vào tháng 11 vừa qua – một thất bại khi chúng ta nhìn về phía trước là những hậu quả nghiêm trọng khó tránh được và nhìn về phía sau là nguyên do: sự không chu toàn đầy đủ trong khảo hướng “cách mạng” của ông, ông đã không nhìn đến những người da trắng đông đảo đang cảm thấy “thấp cổ, bé miệng”, bị bỏ quên. Ông cũng đã quyết định quá dễ dàng trong sự chọn lựa bà Hillary Clinton thay vì mạnh dạn đi tìm một alternative, và đã không nhìn thấy vulnerability của đảng Dân Chủ. Cái nợ phải trả này, ông Obama sẽ không vay mượn được nơi ngân hàng nào vì buôn bán chính trị không có mortgage!

Lẽ ra bà Hillary Clinton đã là Person of the Year, nếu bà không để vuột một chiến thắng đã nằm trong tầm tay. Nếu chiến thắng, bà đã làm lịch sử, đã làm cách mạng – như ông Obama. Bà có thể tự hào và an ủi, những người bên kia chiến tuyến đang reo hò inh ỏi một cách vô liêm sỉ và ngu xuẩn, vì số phiếu phổ thông của bà nay tính ra hơn ông Trump đến 2.8 triệu phiếu, bà được khoảng 48%, ông chỉ được 46%. Số phiếu bà đạt được chưa tổng thống da trắng nào từng với tới! Thế nhưng bà vẫn bị tính thua, bởi vì lối tính phiếu cử tri đoàn cổ hủ, lạc hậu, phi lý mà nước Mỹ không bỏ được – như đã không bỏ được những chuyện ngu xuẩn khác như súng đạn chẳng hạn. Nhưng chính ra, chúng ta phải thấy cái lỗi ở bà đã không tập trung sức được ở những nơi mà lẽ ra bà đã thắng: Pennsylvania, Michigan, Ohio, Wisconsin… Hay ngay cả Florida!

Chúng ta hãy tưởng tượng nếu bà thắng trong kỳ bầu cử vừa qua! Cũng như giới bình luận đá banh, bình luận chính trị cũng thế: người ta chỉ nhìn kết quả mà lựa lời để nói cho ra vẻ “thấy trước”. Nếu bà thắng, giới bình luận chỉ có một cách nói: bà Clinton, một nhân vật chính trị khó tin khó ưa như thế mà còn thắng được ông Trump cho thấy người ta đánh giá thế nào về ông Trump man trá, đúng là đảng Cộng Hòa đã cùng đường khi chấp nhận một ứng cử viên nhất định giấu hồ sơ thuế của mình và gặp phụ nữ là cứ muốn làm đại. Nay ông Trump là người có tiếng nói cuối cùng, cho nên là nhà bình luận, người ta phải tìm cách nói khác đi: ông Trump mà đảng Dân Chủ còn thua cho thấy cái đảng này đúng là có tiếng mà không có miếng, nay hết thời như thế nào!

Chúng ta phải hiểu: Thời thế tạo anh hùng. Nhìn một cách nào đó, ông Obama là sản phẩm của thời thế. Nhờ ông Bush giỏi việc nhà lơ là việc nước, làm tầm bậy khiến cho kinh tế Mỹ tan hoang, nước Mỹ sa lầy ở Iraq và Afghanistan… ông Obama mới xuất hiện trở thành vị “cứu tinh dân tộc”. Cho nên giải Nobel hòa bình lẽ ra phải chia cho cả hai người. Suy cho cùng, cái gì của ông Obama cũng phải là của ông Bush. Cứ nhìn cách ông Bush ôm bà Obama tha thiết trong mấy lần họp mặt năm nay trước mặt ông Obama và bà Bush thì biết!
Nhưng nay thời thế dường như “Bin Laden chết phải giờ trùng, cho nên con cháu ISIS đứa khùng đứa điên”. Và chẳng phải chỉ có người Hồi giáo điên đâu. Họ điên từ lâu. Xem chừng người Hồi giáo đang làm cho ai cũng phát điên cả. Cho nên người thời nay dễ bị mang tiếng ngu. Khi người ta đang nói đến một “chủ nghĩa dân tộc mới” của người da trắng đang muốn làm cách mạng toàn cầu để giành lại quyền bá chủ một thời đã mất cách đây 3-4 thế kỷ, chúng ta cần nhắc lại những gì đã quan sát được trên chính trường thế giới.

Thứ nhất là người Hồi giáo thời nay đã quên kẻ thù chung là người Do Thái (cho nên Tel Aviv cứ muốn xúi Mỹ châm dầu vào lửa Trung Đông) mà nhất định giết nhau chết bỏ, “chiến trường trắc nghiệm” thực và đẫm máu là Iraq, Syria và Afghanistan với hai diễn viên chính yếu là Tổng thống Bashar al-Assad ở Damacus (nhờ có cuộc chiến này chúng ta mới biết Damacus nằm ở đâu) và Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS -Islamic State of Iraq and Syria). Vì tính chất diệt chủng này mà dân Hồi giáo bỏ chạy như sóng tràn vào những nước châu Âu. Các nước châu Âu này đương nhiên có đủ lý do để phản ứng: các nước Hồi giáo mà bỏ rơi, không lo cho dân Hồi giáo, tại sao các nước châu Âu phải mở rộng vòng tay nay đã ôm hết nổi? Một lý do thêm vững chắc: ISIS đang chủ trương khủng bố nhằm vào các nước da trắng phương tây.

Cùng với hiểm họa Hồi giáo di dân và khủng bố mà người dân các nước châu Âu đang phê phán sự bất lực của các chính phủ của mình quá ôn hòa, thụ động, thiếu quyết liệt, là sự đe dọa thách thức can thiệp phá hoại lố lăng không chừng mực của Điện Cẩm Linh với Sa Hoàng Putin. Người dân da trắng của các nước châu Âu – và cả Mỹ – càng thêm bất mãn vì khủng hoảng kinh tế kéo dài quá lâu (hơn tám năm rồi, còn gì), hồi phục chưa trở lại, và người ta qui ra ba lý do: chính phủ của ngưòi giàu, không của người nghèo và ít học; kinh tế không hồi phục nổi vì gánh nặng của di dân; người da trắng bị đi xuống vì thế lực toàn cầu hóa của bên ngoài lấn lướt.

Độc giả cần nhớ rằng sự phẫn nộ, thất vọng và đau đớn của người da trắng không chỉ có ở những nước châu Âu. Một cách nào đó, phong trào “cách mạng” này đã đưọc châm ngòi ở Mỹ từ thời Tea Party năm 2010! Và được tăng sức bởi khuynh hướng Libertarian của mấy ông Paul (Ron cha Rand con) với khẩu hiệu: Campaign for Liberty – Reclaim the Republic – Reclaim the Constitution. Ở Mỹ, người ta cho rằng kinh tế Mỹ lên không nổi vì giới chính trị “vô đạo”: đã để cho giàu nghèo càng phân cách, chồng chất gánh nặng của người da đen và Latino, và mở cửa cho người ngoài có tiền có bạc có học đi vào làm cho người da trắng lớp dưới yếu thế và nước Mỹ đang có nguy cơ trở thành Hợp Chủng Quốc Hoa Kiều.

Thời thế nay không thể tạo anh hùng, bởi vì chẳng ai có đủ sức sửa đổi hay thay đổi được gì trong tình thế này. Rốt cuộc chỉ tạo gian hùng, hay anh khùng. Thế giới đã trải qua một năm chẳng ra sao cả, chính là vì sự tồi bại hay bất lực của một số lãnh đạo, nhưng nói chung chẳng ai qua được ông Trump trong năm nay để soán đoạt tước hiệu của ông “Machiavelli of the Year”. Boris Johnson chẳng hạn, từng là thị trưởng London và nay là ngoại trưởng nước Anh, kẻ chủ trương Brexit, đáng gọi là một “hảo hán” cũng như Trump không bao giờ ngại mang tiếng dơ dáng. Hay như nước Phi Luật Tân bỗng nhiên nổi lên một bậc anh hùng, có người gọi là thằng khùng, Rodrigo Duterte, bị tật ngứa miệng liên tục, mà cứ ngứa miệng là chửi thề, nhưng đang nổi tiếng toàn cầu vì tuy là tổng thống nhưng lại chẳng tin ở luật nước mà chỉ chơi theo luật giang hồ của xã hội đen.

Hai nhân vật lãnh đạo nổi tiếng khác là Putin và Tập Cận Bình. Tập đang ôm không xuể một nước Trung Quốc quá phức tạp và rối rắm. Putin thì chẳng có cách gì làm cho kinh tế Nga thoát khỏi cơn khủng hoảng năng lưọng kéo dài, cho nên chỉ có một sách lược gây rối bên ngoài để thoát khỏi ung thối bên trong hầu tạo “đoàn kết quốc gia”. Việc ông ta cố tình phá cho bằng được và hầu như công khai cuộc bầu cử bên Mỹ cho thấy ông ta bị bệnh điên nặng như Hitler hay Stalin trước đây. Một thằng điên khác nguy hiểm không kém là cậu chủ đang ở Bình Nhưỡng Kim Ủn Ỉn. Ở Pháp, Francois Holland đã nghỉ chơi và người ta chẳng hiểu nước Pháp có điên đủ hay không để chọn bà Marie Le Pen cực hữu lên thay. Ở Ý, người dân cũng đã lên tiếng: người ta không muốn mở cửa nữa, cho dù Giáo hội La Mã đóng trên đất nước của họ và Giáo Hoàng Francis cứ đòi bắc cầu! Đúng là chủ nghĩa dân tộc mới của người da trắng đang mạnh đến mức xu hướng toàn cầu hóa, Liên Âu hóa từng đánh dấu một thời tiến bộ của loài người nay đang làm một U-turn, chịu suy thoái.

Năm 2016 vừa qua cũng là một năm đau thương cho phụ nữ trên thế giới và ngay ở nước Mỹ. Ở đất nước này, người ta đã hụt cơ hội có một tổng thống nữ đầu tiên. Ngay ở châu Phi cũng đã từng có bao nhiêu nữ tồng thống. Biết đến bao giờ nước Mỹ mới bằng những nước da đen này? Phụ nữ Mỹ nói chung chẳng làm gì đụng đến ông Trump, cho nên ông Trump vẫn tha hồ đụng đến họ (Thực ra, ông còn đi xa hơn chuyện “đụng” đến, cho nên người ta mới phàn nàn, tuy hơi trễ vì thế lực đồng tiền cho nên “chuyện đến nay mới kể”). Dân số phụ nữ ở Mỹ đông hơn dân số nam giới, như thế mà trong bầu cử vừa qua ông Trump vẫn thắng. Phụ nữ không đi bỏ phiếu đông như ta tưởng? Có lẽ chỉ có một phụ nữ duy nhất không bỏ phiếu cho ông mà người ta chưa biết, chính là vợ ông, Melania Trump. Bà giận ông trước bao nhiêu chuyện tai tiếng khiến cho bà hiểu ra ông đã lỡ tay với bao nhiêu phụ nữ, chẳng riêng gì với bà. Còn trên thế giới, phụ nữ rớt như sao rụng. Bà tổng thống Dilma Rousseff ở Brazil. Bà tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner ở Argentina. Bà tổng thống Park Geun-Hye ở Nam Triều Tiên. May ra chỉ còn bà Thủ tướng Angela Merkel còn đứng vững và được coi như lãnh đạo của cả phương tây. Và ở châu Á, sự xuất hiện của bà Thái Anh Văn ở Đài Loan cũng là một biến chuyển tích cực cho thấy Bắc Kinh chớ vọng tưởng có thể nuốt đảo quốc này dễ dàng. Còn Việt Nam? Với bà Kim Ngân gì đó ở Quốc Hội Ba Đình, nước này còn xa lắm mới thực sự biết thế nào là văn minh dân chủ.

Cuối cùng, thì ai đây là Person of the Year năm 2016. Tạp chí Time đã nói đó là Donald Trump. Hãy cho rằng như thế. Nhưng chúng ta hãy nhớ lời tiên tri chẳng phải của đấng Allah mà của một giáo sư người Mỹ nổi tiếng về chuyện nói gì trúng nấy. Nay ông Allan Litchman, người từng đoán ông Trump sẽ thắng bà Clinton, nói: bạo phát bạo tàn. Ông Trump sẽ bị bãi nhiệm (impeachment) như Nixon trước đây. Trump chưa vào ngồi trong Tòa Bạch Ốc mà tai tiếng cũ và mới đã có thể viết thành sách mấy ngàn trang. Sau khi Trump đắc cử, một số người cứ bảo nhau, chắc ông Trump tranh cử khác ông Trump đắc cử. Ông Trump tổng thống khác ông Trump địa ốc và ông bầu giải trí phụ nữ. Nhưng nay kết luận hầu như đã khá rõ ràng: đừng hòng ông Trump sẽ thay lòng đổi dạ. Cứ xem ông chọn người, nhất là nhìn ông ngoại trưởng của ông ta, vốn chẳng xa lạ gì ông Putin, tâm phúc của Putin trong đảng Cộng Hòa. Cứ xem cách ông ta nói chuyện với bà Thái Anh Văn thay vì đi tìm một quan hệ mới với Bắc Kinh. Hay xem ông mời Duterte đến thăm nước Mỹ… Và nay là scandal về việc Nga phá hoại cuộc tranh cử của bà Clinton để đẩy ông Trump lên. CIA thì nói là có, bao nhiêu nhà chính trị cả hai đảng tán đồng điều tra, mà ông Trump cứ bảo không! Hãy cứ xem ông Trump như là cái “karma” – cái “nghiệp” – của nước Mỹ.

Ông Trump trong bao lâu nữa sẽ bị impeach? Đó là một câu hỏi người ta đang tính toán cho Person of the Year của tờ Time. Đến lúc đó thì người ta phải thay Person of the Year. Chi bằng thay ngay bây giờ. Khi người đó có sẵn, đó chính là “The Forgotten White” của phương tây Caucasian. Những người da trắng bị bỏ quên. Những người đang cảm thấy mất giọng. Những người ở Anh đã bỏ phiếu đòi Brexit. Những người ở Mỹ nhất quyết bỏ bà Clinton bằng bất cứ giá nào – cho dù giá đó chính là Trump. Điều người ta muốn nói lên là họ không tin ở cái thế giới “đại đồng”, ở chuyện mở cửa cho người ngoài, ở chuyện đa chủng và đa dạng. Nguy hơn nữa, họ không còn tin ở cơ chế chính trị dân chủ hiện tại. Không tin ở những nhà chính trị chuyên nghiệp. Không tin ở các đảng phái chính trị đang hiện hữu – tà cũng như hữu. Họ đang muốn làm “cách mạng”.

Đó chính là điều Putin đang mong muốn để tái lập đế chế Nga – không chỉ ở châu Âu mà còn lấn xuống Địa Trung Hải, tràn xuống Trung Đông, châu Phi và còn dòm ngó đến châu Mỹ của Tổng thống Monroe!

Hoàng Ngọc Nguyên





No comments:

Post a Comment

View My Stats