Friday, 9 December 2016

BỘ MẶT NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM CÒN GÌ KHI VỤ FORMOSA ĐƯỢC QUỐC HỘI ĐÀI LOAN CHIẾU CỐ ? (Trần Phong Vũ)




Trần Phong Vũ
Posted by adminbasam on 09/12/2016

Bản tin nghe được trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm Thứ Tư 07-12-2016 cho hay: trong hai ngày Thứ Hai và Thứ Ba trước đó, hai Linh mục Nguyễn Đình Thục và Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với các dân biểu Đài Loan tại Đài Bắc, liên quan tới vụ ô nhiễm môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung do tập đoàn Formosa gây ra. Buổi điều trần có sự hiện diện của các dân biểu Đài Loan như Tô Thị Phần, Ngô Côn Dự và Trần Man Lệ, đại diện Chủ tịch Quốc hội Tô Gia Phần.

Trong buổi điều trần quan trọng này, trước hết Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc thuộc Giáo phận Vinh đại diện cho người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam đã tường trình cho các nhà lập pháp Đài Loan thấy những tổn thất nặng nề về mặt kinh tế, xã hội và tâm lý của hàng triệu nạn nhân vụ hủy hoại môi trường biển ở Vũng Áng, đồng thời đề đạt các ý nguyện và yêu cầu của các nạn nhân Formosa[1]. Sau cuộc điều trần, trả lời cuộc phỏng vấn của VOA, cha Thục cho hay.

“Họ (các đại diện dân cử Đài Loan) tỏ ra rất quan tâm đến vấn đề của Việt Nam. Ngoài ba dân biểu tham gia trong buổi điều trần còn có nhiều luật sư, đại diện Chủ tịch Quốc hội và các vị thay mặt các tổ chức xã hội dân sự địa phương. Sau khi tôi trình bày các vấn đề của chúng tôi xong thì họ đã thảo luận, xem ra họ rất nỗ lực để tìm ra giải pháp cho vấn đề đó.”

Bày tỏ quan điểm riêng, ông nói với phái viên VOA:

“Ở Việt Nam lẽ ra trách nhiệm của họ (ý nói của giới cầm quyền và các đại biểu QH) phải bảo vệ người dân, phải lắng nghe tiếng nói của các nạn nhân để hiểu được họ đã phải chịu thiệt hại, khổ cực như thế nào. Nhưng xem ra việc đó rất khó để thực hiện ở nước ta. Ví dụ như bây giờ tôi đến để gặp một vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thì tôi nghĩ chắc là rất khó. Nếu tôi đi gặp một vị bộ trưởng thì có lẽ nằm ngoài ước mơ của tôi, có lẽ tôi không thực hiện được. Nhưng chính phủ Đài Loan đã dành cho chúng tôi điều đó. Tôi cảm thấy đó là một vinh dự vì họ đã quan tâm đến vấn đề của Việt Nam”.

Nhân định trên đây của Linh mục Nguyễn Đình Thục đã phơi bày cho công luận thấy hai hình ảnh trái nghịch. Trong khi Đài Loan một xứ sở bên ngoài Việt Nam, người dân của họ không hề bị ảnh hưởng bởi thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra, ngoại trừ một chút trách nhiệm liên đới vì tổ hợp này do công dân đảo quốc làm chủ. Ấy vậy mà các nhà lập pháp của họ đã tỏ ra hết sức quan tâm và mẫn cán.

Chùm ảnh ghi lại cuộc gặp gỡ giữa hai LM Việt Nam Nguyễn Đình Thục & Nguyễn Văn Hùng với DB Tô Thị Phần. Ảnh: Facebook.




Nhìn lại tinh thần trách nhiệm của Đài Loan

Điều cần nhớ là không phải chờ tới cuộc điều trần trên đây, mà ngay khi vụ Formosa xả thải độc chất xuống Vũng Áng vừa nổ ra gây nên thảm nạn cá chết, biển chết hàng triệu người dân địa phương bị ảnh hưởng, dân biểu Tô Thị Phần đã lên tiếng nêu vấn đề với nhà cầm quyền đảo quốc. Sau đó vào đầu tháng 8-2016, bà đã cất công qua Việt Nam tìm hiểu tại chỗ. Theo chương trình dự tính, sau khi máy bay đáp xuống Hà Nội bà sẽ đổi phi cơ đi tiếp tới Vũng Áng để mở cuộc điều tra tại chỗ. Nhưng điều kỳ lạ là giới hữu quyền Việt Nam đã chỉ thị cho an ninh tìm cách gây khó dễ để cầm chân bà tới 9 tiếng đồng hồ ở phi trường. Dù vậy, với tinh thần và lương tâm chức nghiệp của người đại biểu dân cử thôi thúc, bà đã đi đường bộ tới Kỳ Anh, trực tiếp gặp ban điều hành tổ hợp Formosa và thăm hỏi các nạn nhân người Việt. Trở về Đài Loan bà bỏ công tìm thêm tài liệu liên quan tới tổ hợp Formosa, nhất là những lần tổ hợp này bị truy tố ra trước tòa án ở Mỹ và nhiều quốc gia khác về hành vi xâm phạm môi trường. Từ đấy, phối hợp với những kiến thức thâu thập được trong chuyến viếng thăm Vũng Áng, hôm 30 tháng 9 vừa qua, đích thân dân biểu Tô Thị Phần đã ra điều trần trước Quốc Hội Đài Loan với sự hiện diện của Thủ tướng Lin Chuan người cầm đầu chính quyền đảo quốc này mà danh xưng địa phương gọi là Viện Trưởng.

Lồng vào chính sách Hướng Nam của tân Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, bà Tô công khai vạch trần những vi phạm trầm trọng tới môi trường biển Việt Nam do Formosa gây ra cho hàng trăm ngàn ngư dân Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên. Trong buổi điều trần kéo dài 20 phút này, dân biểu Tô Thị Phần đã thẳng thắn chất vấn ông Lin Chuan trước những đồng viện của bà. Mở đầu bà viện dẫn lịch sử để chỉ ra mối liên hệ bền vững lâu đời giữa Đài Loan và Việt Nam về phương diện văn hóa, kinh tế dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Cuối cùng, bà kết luận là hành vi vô trách nhiệm của Formosa ở Việt Nam đã góp phần làm tổn hại đến mối quan hệ tốt đẹp đó. Vì thế bà nhấn mạnh: Đài Loan cần thay đổi luật pháp để cải thiện tình hình.

Dịp này, dân biểu Tô Thị Phần đã trích dẫn nhiều đoạn phim, những tài liệu trên các mạng xã hội trong đó có mạng Quê Choa… ghi lại những cuộc tiếp xúc trực tiếp của bà trong chuyến viếng thăm Vũng Áng với viên chức Formosa và cư dân địa phương từng được bà trình bày chi tiết trong các bài viết phổ biến trên báo chí Đài Loan trước đó.

Trước khi kết thúc buổi điều trần, bà đã nhắc lại cuộc đối thoại với một ngư dân Hà Tĩnh tên An Lộc khiến bà vô cùng xúc động và cảm kích. Bà nói:

“Sau khi kể lại cho tôi những gì anh biết về tội phạm của công ty Formosa trong việc xả thái những hóa chất cực độc xuống Vũng Áng đưa tới thảm cảnh cá chết hàng loạt khiến cho hàng trăm ngàn ngư dân, trong số có gia đình, thân nhân của anh lâm cảnh thất nghiệp, không công ăn việc làm, An Lộc, người bạn Việt Nam này nhìn tôi ngậm ngùi nói: ‘Bà là Nghị sĩ của Quốc Hội Đài Loan, bà như Quan Phụ Mẫu của con dân nước bà. Xin bà vui lòng dạy dỗ hướng dẫn họ trở nên những người tốt hơn…’”

Nói đến đây, dân biểu Tô Thị Phần đưa bàn tay phải đặt lên lồng ngực trái, nơi có trái tim, và với giọng xúc động, bà kêu lên:

“Chúa ơi! Với tâm tình của người bạn ngư dân Việt Nam tên An Lộc, thưa ông Viện Trưởng tôi phải trả lời thế nào đây? Rõ ràng An Lộc đã thay mặt cả triệu đồng bào anh để nói với chúng ta rằng chính chúng ta đã phá hoại môi trường biển của họ, chính chúng ta đã cướp đi bát cơm của họ!!!”

Trước khi nhìn lại thái độ và phản ứng của Hà Nội, từ hành pháp tới lập pháp, trước thảm nạn hãi hùng này ra sao đối với chính đồng bào ruột thịt của mình, người viết muốn cùng độc giả tiếp tục theo dõi diễn tiến và kết quả cuộc điều trần hôm đầu thượng tuần tháng 12 của hai Linh mục Nguyễn Đình Thục và Nguyễn Văn Hùng với sự tham gia tích cực của một số các dân biểu địa phương trước cơ quan lập pháp Đài Loan.

Phía Đài Loan đã làm gì để làm sáng tỏ vụ Formosa?

Trả lời câu hỏi của phái viên đài VOA sau cuộc điều trần, linh mục Nguyễn Văn Hùng, vị giáo sĩ Công giáo từ lâu đã dấn thân trợ giúp và bệnh vực các phụ nữ Việt Nam bị bạo hành bởi những người chồng Đài Loan, cho biết :

“Phía các dân biểu Đài Loan, với sự bảo trợ của Quốc hội đảo quốc này, họ sẽ yêu cầu công ty China Steel, là công ty có cổ phần 25% trong cổ phần của Công ty Formosa Hưng Nghiệp ở Hà Tĩnh, phải có mặt trong một buổi tranh luận công khai ở Quốc hội, để trình bày những kết quả kiểm nghiệm về chất độc đã thải xuống lòng biển, và hiện nay đã làm gì để giải quyết những độc hại trong nước biển. Các dân biểu cũng yêu cầu Công ty China Steel của chính phủ Đài Loan phải có trách nhiệm về việc đó”.

Vẫn theo bản tin của VOA, trong buổi điều trần vừa qua, các linh mục Việt Nam đã trao một thỉnh nguyện thư của 46 tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, Mông Cổ, Campuchia và Iran tới Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Đài Loan[2]. Các Linh mục Việt Nam hy vọng các dân biểu Đài Loan có thể giúp các nạn nhân trong vụ hủy hoại môi trường biển ở Việt Nam bằng cách yêu cầu công ty Formosa công bố thông tin về mức độ ô nhiễm phát thải từ các nhà máy thép cũng như những nỗ lực để cải thiện môi trường và đền bù xứng đáng cho các nạn nhân.

Trong dịp này, các đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh tới vụ ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đài Loan, đồng thời có tác động tới “chính sách hướng Nam mới” của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Đáp lại yêu cầu do các Linh mục Việt Nam, các dân biểu Đài Loan hứa sẽ gây áp lực đối với công ty Formosa Hưng Nghiệp ở Hà Tĩnh thông qua Công ty China Steel, đòi công ty này phải cung cấp kế hoạch cụ thể để bồi thường cho các nạn nhân ở Việt Nam. Ngoài ra, các dân biểu hứa sẽ nỗ lực đưa những yêu cầu về môi trường vào bản dự thảo kế hoạch trong “chính sách hướng nam mới” của Đài Loan.

Nhìn lại hành vi và thái độ của nhà cầm quyền VN

Trả lời câu hỏi của phái viên các đài Việt ngữ ở hải ngoại trong dịp hướng dẫn 1.000 đồng bào nạn nhân đi Kỳ Anh nộp đơn tái khiếu kiện công ty Formosa nhưng bị nhà nước điều động một lực lượng công an, an ninh hùng hậu tìm hết cách phá hoại gây trở ngại không cho đi, Linh mục Đặng Hữu Nam ngậm ngùi tâm sự :

“Những việc người dân đang làm, lẽ ra với tư cách ‘dân chi phụ mẫu’, chính quyền và quốc hội Việt Nam có bổn phận và trách nhiệm đòi buộc phải làm. Ấy thế mà ngay từ đầu, trước cảnh cá chết hàng loạt phơi trắng dọc bãi biển bốn tỉnh miền trung, không hiểu vì lý do gì, từ chính quyền tới quốc hội đã hoàn toàn thờ ơ, phủi tay không làm chi hết, để mặc cho hàng triệu ngư dân, gia đình họ và những thành phần xưa rày sống bám vào biển lâm cảnh khốn cùng, sống dở chết dở. Cùng đường người dân chúng tôi phải lên tiếng để đưa thủ phạm Formosa ra trước ánh sáng công lý. Trong khi ấy về phía nhà nước đã không hề giúp đỡ, trái lại chính họ còn nhẫn tâm dùng những thủ đoạn hèn mạt, kể cả đe noi, bạo hành để ngăn cản!”

Lời tâm sự xót xa trên đây của người Mục tử Đấng Cứu Thế đã bất chấp mọi khó khăn, nguy nan bênh đỡ những nạn nhân vụ hủy hoại môi trường biển, đã cực tả bộ mặt ‘hèn với giặc, ác với dân’ của giới lãnh đạo chế độ CSVN ở Ba Đình. Nói rằng bọn chúng ‘ác với dân’ thì không sai, nhưng ‘hèn với giặc’ thì tuồng như chưa nói đủ, xét riêng trong vụ công ty Formosa đầu độc môi trường biển Việt Nam hiện nay. Những bí mật ẩn sâu bên trong mối liên hệ lắt léo giữa những tay đầu sỏ ở Ba Đình với tổ hợp Formosa khiến dư luận đặt ra rất nhiều nghi vấn. Bên cạnh chuyện bạc tỷ đô Mỹ để bôi trơn cho những nhượng bộ không cân xứng trong việc nhường quyền sử dụng vùng đất đai rộng lớn ở Vũng Áng, một địa điểm chiến lược vô cùng hiểm yếu của đất nước cho tổ hợp này, dư luận cũng đặt ra nhiều nghi vấn về bàn tay vô hình của Bắc Kinh thọc sâu vào nội bộ Formosa qua công ty MCC, một tổ hợp hóa chất đặt dưới quyền điều hành trực tiếp của nhà cầm quyền Bắc Kinh[3].

Vấn nạn trên đây, nếu đúng sẽ dẫn những tâm hồn Việt Nam còn nặng lòng với quốc gia dân tộc vượt lên trên và ra khỏi vụ xả thải hóa chất cực độc xuống Vũng Áng do Formosa là thủ phạm để suy tư về các vụ cá chết bất ngờ với nhiều nguyên nhân bí ẩn ở những nơi khác, bao gồm các địa điểm nằm sâu trong lãnh thổ như Hồ Tây ở Hà Nội và Kinh Nhiêu Lộc ở miền Nam. Bên cạnh đó là những phát giác về hành vi ám muội của từng đoàn xe vận tải hoặc ghe tàu chở hàng tấn chất thải độc hại lén lút chôn giấu ở nhiều địa phương hoặc trút xuống lòng biển trên đất nước ta. Và như thế câu chuyện không còn giới hạn trong phạm vi kỹ thuật do sự bất cẩn trong việc điều hành của một doanh nghiệp sản xuất gang thép hay hóa chất. Nó đã đương nhiên trở thành một âm mưu! Âm mưu ấy, nếu có thì là gì và phát xuất từ đâu? Có thể nó đã nằm sẵn nơi đầu lưỡi nhiều người, nhưng vì lý do bí ẩn nào đó chưa tiện nói ra chăng?

Đặt giả thiết, khi các con bài tẩy được lật lên, dư luận đồng bào trong và ngoài nước sẽ có đầy đủ dữ kiện để trả lời cho những câu hỏi đại loại như: tại sao đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng khi tới bản doanh tổ hợp Formosa hôm 22-4-2016, chỉ 16 ngày sau thảm họa cá chết, vào lúc tiếng gào thét của các nạn nhân đang vang ra khắp nước mà ông ta không hề dừng lại thăm viếng hay có một lời an ủi các nạn nhân, lẳng lặng ôm món quà tặng là bức tượng họ Hồ được tạc bằng vàng khối do thủ phạm vụ đầu độc môi trường biển biếu tặng?!

Căn nguyên sâu xa nào buộc những nhân vật đầu não như Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường, Bộ trưởng Thông tin Tuyên truyền phải xả thân bệnh vực Formosa bằng những lời tuyên bố khơi khơi về tình trạng nước biển đã an toàn, bất chấp phán quyết của các nhà khoa học và những người từng nghiên cứu sâu xa về hậu quả kinh hoàng trong thảm nạn môi trường mà người dân Nhật phải gánh chịu sau vụ công ty hóa chất Chisso xả chất methyl thủy ngân xuống lòng biển ở vịnh Minamata thế kỷ trước?! Sau đó lại còn cho đàn em ở Đà Nẵng bày những trò hề ăn cá, tắm biển để đành lừa đám ngư dân hiền hòa chất phác! Chưa hết, khi bàn tay nhỏ không thể ôm kín được ánh sáng mặt trời, Nguyễn Xuân Phúc và cả bầu đoàn chính phủ của ông ta đành phải tung ra màn kịch họp báo vào ngày 30-6 để cho tập đoàn tội phạm xếp hàng cúi đầu xin lỗi nhân dân Việt Nam, cam kết bồi thường 500 triệu MK!

Gác ra một bên thái độ của nhà cầm quyền tự ý ngửa tay nhận ngân khoản đền bù bèo bọt này cho một đại nạn mà dân ta phải chịu –không phải chỉ lúc này mà còn di hại tới nhiều thế hệ mai sau-, chính sự kiện Formosa nhận lỗi và cam kết bồi thường đã chứng tỏ một điều hiển nhiên: không ai khác, đích danh tổ hợp này là thủ phạm can tội hủy hoại môi trường biển Việt Nam. Và như thế, đương nhiên Formosa phải mang lấy trách nhiệm hình sự trước công lý. Do đó vụ việc không thể đóng lại bằng một lời xin lỗi mà phải truy tố ra tòa để trả lời trước pháp luật. Trong trường hợp này, trên nguyên tắc và với tinh thần trách nhiệm, nhà nước và cơ quan lập pháp phải đứng đơn khởi tố.

Chuyện lạ đời: trách nhiệm Hà Nội, Đài Loan gánh vác!

Lời than phiền của LM Đặng Hữu Nam về điều tréo cẳng ngỗng là những trách nhiệm lẽ ra nhà nước Việt Nam phải làm trong vụ Formosa hủy hoại môi trường biển thì họ đã không làm, đến khi người dân tự đứng ra làm thì lại bị chính “ông nhà nước” ấy dùng bạo lực chống phá coi như kẻ thù… tưởng đã là một điều lạ và là nỗi ô nhục của cơ chế cầm quyền Hà Nội ngày nay. Nhưng không. Phải chờ tới khi thành phần dân cử và chính quyền của một quốc gia bên ngoài như Đài Loan thấy chuyện bất bình mà tự nguyện nhảy vào can thiệp, dư luận mới nhìn rõ thái độ vô liêm sỉ của Ba Đình và tính cách bi hài, cười ra nước mắt của sự việc.

Được biết, trước Đài Loan, một số khoa học gia Hoa Kỳ và Tây Âu từng tình nguyện qua Vũng Áng để giúp Việt Nam thẩm định mức độ ô nhiễm môi trường biển mà tổ hợp gang thép Formosa là thủ phạm. Nhưng trớ trêu thay, Hà Nội đã khước từ. Sau đó chuyện nhà nước tự tung tự tác ra sao mọi người đã rõ.

Bây giờ mọi chuyện tuồng như đã sáng tỏ. Cuộc điều trần của hai LM Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Văn Hùng trước cơ quan lập pháp Đài Loan cộng chung với sự dấn thân tự nguyện của dân biểu Tô Thị Phần và các đồng viện của bà trước đó đã trở thành bức tranh phản chiếu bộ mặt bất nhân, phản trắc của bộ máy cầm quyền Hà Nội, trong đó có cái gọi là Quốc Hội của chế độ phản dân, bán nước này.

Chúng ta hãy chống mắt chờ xem họ sẽ phản ứng ra sao trong những ngày tới.

Những ngày cuối trung tuần tháng 12-2016
_____

[1] Số lượng hải sản chết đã dạt vào bờ biển là hơn 140 tấn còn số chết chìm không thể thống kê được. Từ 40 đến 60 % san hô chết, sinh vật phù du, cá tự nhiên chết khoảng 50% làm gián đoạn chuỗi thức ăn và phá vỡ hệ sinh thái. Thủy sản nuôi ven biển chết thảm hại: “diện tích nuôi tôm chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thành phẩm sắp đến kỳ thu hoạch. Có 16.313 lồng nuôi cá bị chết tương đương 140 tấn cá, 6,7 ha diện tích nuôi ngao chết tương đương 67 tấn và trên 10 ha cua nuôi bị chết.

Thống kê về thất nghiệp và thu nhập
  • Thất nghiệp hoặc giảm thu nhập đang đảo lộn cuộc sống của rất nhiều người, đẩy cả một thế hệ trẻ em vào một tương lai bất định.
  • Tổng cộng 263.000 lao động đang bị ảnh hưởng, trong đó 100.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp.
  • Thất nghiệp: Khoảng 14% lao động bị mất việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng: Thừa Thiên Huế: 10,1%, tăng 1,6 lần; Quảng Trị: 13,2%, tăng 2,8 lần; Quảng Bình: 28,6%, tăng 7,9 lần; Hà Tĩnh: 16,4%, tăng 15,7 lần.

Các công việc chính liên quan đến biển bao gồm: Đánh bắt, buôn bán, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, du lịch… tất cả đều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là những người đánh bắt thủy sản đã giảm gần 25.000 người, trong đó tại Hà Tĩnh, con số này giảm đến gần 74% so với trước khi xảy ra thảm họa Formosa. Số người hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, du lịch, khách sạn đã giảm tổng cộng 33%. Trong đó Hà Tĩnh giảm 54% và Quảng Bình giảm 52%.

Thu nhập, Quảng Bình là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất khi có tới 83,2% người dân bị giảm thu nhập so với trước thời điểm xảy ra thảm họa.

Những con số trên dựa theo công bố mới đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhưng chúng tôi cho rằng, thực tế còn phủ phàng hơn. (Trích đoạn trong nguyên bản tường trình Việt ngữ của LM Nguyễn Đình Thục trong buổi điều trần trước Quốc Hội Đài Loan hôm 05 và 06-12-2016).

[2] Trong lá thư đề ngày 05 tháng 12, 2016 gửi Ông Chủ Tịch Su Jia-chyuan, Viện Lập Pháp Trung Hoa Dân Quốc, các tổ chức xã hội dân sự Đài Loan và Việt Nam, đã nêu lên những yêu sách sau đây.

  1. Yêu cầu công ty Formosa phải công bố kết quả điều tra nội bộ về nguyên nhân xả chất thải độc hại, đồng thời tổ hợp này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả mà họ đã gây ra.
  2. Dùng áp lực của giới hành pháp Đài Loan để hỗ trợ lời kêu gọi của chúng tôi mở cuộc điều tra khoa học độc lập và thiết lập việc giám sát chất lượng môi trường toàn diện.
  3. Theo dõi và can thiệp vào tiến trình bồi thường các nạn nhân của thảm họa để đảm bảo đầy đủ tiền bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân này.
  4. Thúc đẩy công ty Formosa bạch hóa toàn bộ nội dung các thoả thuận với chính quyền Việt Nam.
  5. Thúc đẩy chính quyền Đài Loan thêm luật hoặc sửa đổi luật để ngăn ngừa các công ty có vốn đầu tư Đài Loan hoạt động tại nước ngoài không được lợi dụng các quốc gia yếu kém về luật lệ và thực thi bảo vệ môi trường.

[3] Trong một bài nghiên cứu công bố gần đây, tác giả Mai Thái Lĩnh thuộc nhóm nhân sĩ đối kháng Đà Lạt, cho hay MCC là “hạt nhân trung tâm” của Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh và cũng là một tổ hợp hóa chất không do tư nhân mà thuộc quyền điều hành trực tiếp của nhà nước Tàu cộng.



No comments:

Post a Comment

View My Stats