Sunday, 11 December 2016

BA THẾ HỆ NHÂN QUYỀN (Dạ Lãm tổng hợp - Tạp Chí Luật Khoa)




Dạ Lãm tổng hợp
10 Dec 2016

Chúng ta đều biết rằng mọi người có quyền được hưởng nhân quyền và các quyền ấy phải được tôn trọng. Thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Tòa án Nhân quyền châu Âu và nhiều điều ước quốc tế khác, nhân quyền mà cụ thể là nhiều loại quyền khác nhau đối với kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội,.. được ghi nhận và bảo hộ. Các quyền này không phải nhóm nào cũng được công nhận cùng một lúc mà chúng được phát triển theo thời gian và là kết quả của những đấu tranh lâu dài của con người .  Vì thế, chúng thường được phân loại và nhận biết thành ba nhóm chính theo hướng tiếp cận lịch sử , đó là nhóm quyền “thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba”.

Sự phân chia nhân quyền theo các nhóm thế hệ này được đề xuất vào năm 1979 bởi luật gia người Séc, ông Karel Vasak. Ba nhóm quyền này tương ứng với ba nguyên tắc của Cách mạng Pháp, đó là tự do, bình đẳng và bác ái.

Nhóm nhân quyền thế hệ thứ nhất, là các quyền con người trong lĩnh vực dân sự- chính trị.

Nhóm nhân quyền thế hệ thứ hai, là các quyền con người trong lĩnh vực kinh tế-xã hội- văn hóa.

Nhóm nhân quyền thế hệ thứ ba, là các quyền tập thể.

1. Thế hệ nhân quyền thứ nhất: nhóm quyền dân sự – chính trị

Dựa trên những mối quan tâm chính trị thế kỷ 17, 18 cùng trào lưu Triết học Ánh sáng và Cách mạng tư sản, nhóm quyền này đã được mở rộng thành một dạng lý thuyết. Người ta đã bắt đầu công nhận rằng có một số điều mà nhà nước toàn năng không nên làm; và rằng mọi người nên có tầm ảnh hưởng nhất định đến các chính sách tác động đến họ. Từ đó, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp và Đạo luật về Quyền của Hoa Kỳ đã ra đời vào thế kỷ 18, với những điều khoản về nhân quyền thế hệ thứ nhất về dân sự – chính trị được xem là kết quả của những đấu tranh cách mạng.

Chúng bao gồm các quyền cá nhân trong lĩnh vực dân sự, chính trị, các quyền bình đẳng và tự do cá nhân. Chúng giải quyết những vấn đề liên quan đến tự do và sự tham gia vào đời sống chính trị của cá nhân. Nhóm quyền này mang đậm chủ nghĩa cá nhân và được xây dựng để bảo vệ cá nhân khỏi sự xâm hại của nhà nước.

Cách mạng Pháp là một cuộc tranh đấu bạo động điển hình cho các quyền thuộc thế hệ thứ nhất. Ảnh: Wikipedi – Tranh vẽ Lady Liberty.

Quyền dân sự đảm bảo tối thiểu toàn vẹn về thể chất và tinh thần của cá nhân, và cho phép họ có nhận thức và niềm tin của riêng mình. Ví dụ: quyền bình đẳng và tự do, quyền thực hành tôn giáo hoặc bày tỏ ý kiến, và quyền không bị tra tấn hoặc sát hại.

Là một phần của nhóm quyền dân sự, nhóm quyền pháp lý bảo vệ người dân thông qua tố tụng trong những vấn đề liên quan đến hệ thống pháp luật và chính trị. Ví dụ: bảo vệ cá nhân khỏi bị bắt bớ và giam giữ tùy tiện, quyền được coi là vô tội cho đến khi bị tòa tuyên là có tội, và quyền kháng cáo.

Quyền chính trị là cần thiết để tham gia vào đời sống cộng đồng và xã hội. Ví dụ: quyền bầu cử, tham gia đảng phái chính trị, tự do lập hội và tham gia hội họp, bày tỏ quan điểm và quyền tiếp cận thông tin.

Đây là nhóm quyền mà đa số các quốc gia phương Tây xem là quan trọng nhất, nếu không muốn nói là “nhân quyền đích thực”. Trong Chiến tranh Lạnh, các quốc gia thuộc khối Liên xô đã bị chỉ trích nặng nề vì đã không xem trọng các quyền này. Những nước này đã phản pháo lại khi chỉ ra nền dân chủ phương Tây đã bỏ qua những quyền kinh tế và xã hội quan trọng, thuộc nhóm nhân quyền thế hệ thứ hai.

Nhóm quyền dân sự – chính trị được hợp pháp hóa và có vị thế nhất định trong luật pháp quốc tế thông qua Điều 3 tới Điều 21 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế 1966 về các Quyền Dân sự và Chính trị. Bên cạnh đó, văn bản pháp lý có tính khu vực quan trọng là Công ước châu Âu về bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản (ECHR).

Nhân quyền thế hệ thứ nhất chia làm hai phân nhóm:

(1) những quy phạm liên quan tới an toàn về thể chất và về mặt dân sự (ví dụ: không bị tra tấn, nô dịch, đối xử vô nhân đạo, bắt bớ tùy tiện, bình đẳng trước pháp luật), và

(2) những quy phạm liên quan đến tự do dân sự – chính trị hoặc trao quyền (ví dụ: tự do tư tưởng, nhận thức, và tôn giáo; tự do hội họp và lập hội tự nguyện; tham gia chính trị vào một xã hội nào đó).

2. Thế hệ nhân quyền thứ hai: nhóm quyền kinh tế – xã hội – văn hóa

Nhóm nhân quyền thế hệ thứ hai là các quyền cá nhân trong lĩnh vực kinh tế-xã hội-văn hoá. Chúng được thiết kế nhằm đảm bảo bình đẳng về điều kiện và đối xử đối với con người. Cá nhân không trực tiếp sở hữu quyền mà nội dung của quyền là những bổn phận tích cực nhà nước phải tôn trọng và thực hiện (ví dụ: người dân có quyền được tiếp cận giáo dục, quyền này được thực hiện thông qua việc nhà nước xây dựng các cơ sở giáo dục và tạo điều kiện để người dân tiếp cận chúng – ND).

Quyền xã hội là những quyền cần thiết để cá nhân tham gia đầy đủ vào đời sống xã hội. Chúng bao gồm ít nhất là quyền được giáo dục và quyền gây dựng – duy trì một gia đình, cùng nhiều quyền khác thường được coi là quyền “dân sự”. Ví dụ: quyền vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, quyền riêng tư và quyền tự do không bị phân biệt đối xử.

Quyền kinh tế được coi là bao gồm quyền đối với việc làm, quyền có một tiêu chuẩn sống thỏa đáng, quyền có nhà ở và quyền được trợ cấp lúc về già hoặc khuyết tật. Nhóm quyền kinh tế phản ánh sự thật rằng cần thiết phải có một số mức đảm bảo vật chất tối thiểu cho nhân phẩm con người, cũng như việc thiếu một việc làm ý nghĩa hay nhà ở có thể là sự hạ thấp tâm lý.

Quyền văn hóa liên quan tới “lối sống” văn hóa của một cộng đồng và thường ít được chú ý hơn nhiều loại quyền khác. Chúng bao gồm quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng; và cũng có thể là quyền được giáo dục. Tuy nhiên, nhiều quyền khác tuy không chính thức được xếp vào hàng “văn hóa”, song vẫn rất cần thiết cho các cộng đồng thiểu số trong một xã hội để bảo tồn sự khác biệt văn hóa của họ. Ví dụ như quyền không bị phân biệt đối xử và quyền được pháp luật bảo hộ bình đẳng.

Quyền được hỗ trợ và bảo vệ của người cao tuổi là vô cùng cần thiết trong bất kỳ hệ thống an sinh xã hội nào. Ảnh minh họa: Careco

Vì lý do liên quan đến ý thức hệ và chính trị, nhóm quyền kinh tế – xã hội –  văn hóa đã trải qua những giai đoạn khó khăn để được chấp nhận ngang hàng với thế hệ thứ nhất. Rào cản lớn nhất đến từ các chính trị gia, những người cho rằng để đảm bảo các quyền kinh tế-xã hội cơ bản cho mọi người, cần phải tái phân phối quy mô lớn các nguồn lực. Nhóm quyền này đòi hỏi nhà nước phải thực hiện những bổn phận để qua đó các quyền này được thực hiện (gián tiếp). Và điều này phụ thuộc vào các nguồn lực sẵn có. Nhà nước kiểm soát các nguồn lực và đóng vai trò phân phối chúng để người dân thụ hưởng các quyền kinh tế- xã hội của mình.

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã đề xuất một Đạo luật thứ hai về Quyền, gồm những điều khoản về quyền kinh tế – xã hội tương tự vào ngày 11 /1/ 1944.

Cuối cùng, nhân quyền thế hệ thứ hai cũng được chính thức ghi nhận và có địa vị pháp lý quốc tế sau Thế chiến II. Cũng giống như nhóm nhân quyền thế hệ thứ nhất, thế hệ thứ hai được thể hiện từ Điều 22 tới Điều 27 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Chúng cũng được liệt kê trong Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn Hóa.

Nhân quyền thế hệ thứ hai cũng có thể chia thành hai phân nhóm:

o    nhóm quy phạm liên quan đến việc cung cấp những hàng hóa đáp ứng nhu cầu xã hội (chẳng hạn như dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục); và
o     
o    nhóm quy phạm liên quan đến việc cung cấp những hàng hóa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế (chẳng hạn như việc làm và bình đẳng về lương, một tiêu chuẩn sống đảm bảo, một mạng lưới an sinh xã hội).

3. Thế hệ nhân quyền thứ ba: nhóm quyền tập thể – phát triển

Nhóm quyền tập thể – phát triển gồm quyền dân tộc cơ bản, tự quyết, bình đẳng giữa các dân tộc và quốc gia; quyền phát triển, quyền thông tin, quyền được sống trong hoà bình, trong  môi trường lành mạnh… Đây là những quyền của các dân tộc và nhóm người nhất định chống lại sự đàn áp (nếu có) của nhà nước nơi họ cư ngụ,  dựa trên nguyên tắc “tình bác ái”. Chúng cấu thành tầng tầng lớp lớp các quyền được thừa nhận trong nhiều hiệp ước và điều ước quốc tế, nhưng dấy lên nhiều tranh cãi hơn các thế hệ nhân quyền 1 và 2.

Cơ sở hình thành nhân quyền thế hệ thứ ba là sự liên đới, và những quyền này bao quát quyền tập thể của một xã hội hoặc một dân tộc, như quyền phát triển bền vững, quyền sống trong hòa bình hoặc một môi trường lành mạnh. Ở nhiều nơi trên thế giới, nghèo đói cùng cực, chiến tranh, thảm họa sinh thái và thảm họa thiên nhiên cũng đồng nghĩa với việc đạt được tiến bộ trong tôn trọng nhân quyền là rất hạn chế. Vì thế, nhiều người cảm thấy cần thiết phải công nhận một loại quyền mới. Nhóm quyền này sẽ đảm bảo những điều kiện thích hợp cho các xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, để có thể mở đường cho việc thụ hưởng các nhóm nhân quyền thế hệ thứ nhất và thứ hai đã được ghi nhận.

Cuộc biểu tình tại Standing Rock – Hoa Kỳ nhằm phản đối việc đặt ống dẫn dầu đi qua vùng nước là một trong những ví dụ điển hình cho phong trào nhân quyền thế hệ thứ ba. Ảnh: Buzzfeed

Tuy nhiên, một số người lo sợ rằng nếu không áp dụng đúng thuật ngữ về quyền tập thể, những chế độ đàn áp sẽ sử dụng chúng để “biện minh” cho sự chối bỏ nhân quyền (của cá nhân). Ví dụ: quyền công dân sẽ bị cắt giảm nghiêm trọng để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế. Một quan ngại khác là vấn đề trách nhiệm: không phải nhà nước mà là cộng đồng quốc tế sẽ bảo vệ nhân quyền thế hệ thứ ba, nên không thể đảm bảo trách nhiệm. Ai, hay cơ chế nào được xem là có trách nhiệm đảm bảo hòa bình cho khu vực Caucasus và Palestine? Dù vẫn còn nhiều tranh cãi, vấn đề này đã đi đến đồng thuận chung là cộng đồng quốc tế cần tiếp tục theo dõi và quan tâm những khu vực này.

Nhiều quyền tập thể đã được ghi nhận, đặc biệt là trong Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng bao gồm quyền tự quyết và quyền phát triển, được hệ thống hóa trong Tuyên bố chung năm 1968 của LHQ. Nhóm nhân quyền tập thể- phát triển được thể hiện rộng rãi trong nhiều văn bản “luật mềm” cấp tiến, như Tuyên bố Rio năm 1992 về Môi trường và Phát triển, và Dự thảo Tuyên bố năm 1994 về Dân tộc Bản địa.

Nhân quyền thế hệ thứ ba cũng bao gồm hai phân nhóm, đó là:

o    quyền tự quyết của các dân tộc (đối với vị thế chính trị và sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa của họ); và
o    một số quyền lợi đặc biệt nhất định của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số (ví
o    dụ: quyền thụ hưởng nền văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của chính họ)

Cơ cấu ba thế hệ nhân quyền hiện vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến bản chất của quyền. Song, nó thúc đẩy chúng ta có hướng tiếp cận phản biện trong việc thách thức các giả định về quyền, cũng như bắt đầu suy nghĩ về một số vấn đề thực tiễn liên quan đến áp dụng nhân quyền./.


Tài liệu tham khảo:

Đọc thêm:








No comments:

Post a Comment

View My Stats