Tuesday, 11 February 2014

CHUYỆN 'MẬU THÂN 68' & CUNG ĐÌNH CỘNG SẢN VIỆT NAM - KỲ 4 (Chép Sử Việt)




Posted by chepsuviet on 11/02/2014

Không chỉ Trung Quốc ngạc nhiên, mà dường như còn cả Washington mà Mascơva cũng bất ngờ trước mức độ phản ứng nhanh của Hà Nội đối với các sáng kiến vì hoà bình của Mỹ (79). Đương nhiên một người hãnh tiến như Lê Duẩn không bao giờ mất mặt đi bàn với Hồ Chí Minh về một quyế định mà trước đây ông ta đã phản đối đến cùng, nhất là sau khi đã ép buộc Hồ Chí Minh phải chấp nhận cuộc tổng tấn công mà Lê Duẩn tin chắc sẽ đem lại cho ông thắng lợi quân sự vẻ vang nhưng kết cục lại ngược lại. Thế thì dám chủ động quyết định đánh, cũng phải tự động quyết định hòa đàm mà thôi.

So với “công thức San Antonio” mà Johnson đã đưa ra ngày 29 tháng 9 năm 1967 thì đề nghị lần này của Mỹ không khác gì nhiều (Mỹ đồng ý chấm dứt tấn công bằng không quân và hải quân vào miền Bắc, miền Bắc tiếp tục tiếp viện cho miền Nam như thường lệ và hai bên ngồi vào đàm phán). Không phải có chiến dịch Mậu Thân mới buộc được Mỹ ngồi vào bàn đàm phán. Trước khi diễn ra chiến dịch Mậu Thân, trong năm 1967 đã diễn ra hàng loạt cuộc vận động ngoại giao của nhiều đối tượng trung gian chuyển đến Việt Nam ý muốn thương lượng của Mỹ mà quan trọng nhất là vai trò của Liên Xô nhưng không thành.

Tình hình bế tắc trên chiến trường và nhiệm kỳ tranh cử Tổng thống đến gần buộc phía Mỹ phải đàm phán. Cũng như Việt Nam, thái độ của Mỹ vẫn là phải thương lượng trên thế mạnh và đó là thực tế đã diễn ra ngay cả khi Hội nghị Pari diễn ra, tuy nhiên, rõ ràng nếu để Mỹ ngồi xuống đàm phán với Việt Nam thì không cần có cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Còn muốn Mỹ nghiêm chỉnh đàm phán thì những nỗ lực của Tết Mậu Thân là không đủ. Bên bị thuyết phục phải ngồi vào đàm phán sau Mậu Thân lại chính là lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trước đó, tại hội nghị Trung ương 12 năm 1965, Lê Đuẩn chỉ rõ điều kiện để đàm phán: “chưa thể ngồi lại được chừng nào chưa làm tan rã được ngụy quân và đập tan được ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ” (80 – trang 594) và nêu ra thời cơ để đàm phán là “…những thắng lợi to lớn và giòn giã hơn nữa của chúng ta trên chiến trường, là tình thế của địch khốn quẫn hơn nữa, ý chí xâm lược của chúng giảm sút hơn nữa. Thời cơ đó cũng còn là sự nhất trí về quan điểm đánh và đàm trong các đảng, các nước xã hội chủ nghĩa anh em nữa” (81 – trang 595).

Nhưng sau khi cuộc Tổng tấn công đã diễn ra, những điều kiện đề ra trước đây như quân đội Sài Gòn tan rã, nhất trí quan điểm về đánh và đàm giữa các Đảng Liên Xô và Trung Quốc,… đều chưa có gì thỏa mãn thì đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn phải chấp nhận cùng Mỹ ngồi vào đàm phán. Bởi vì đánh nhanh không được mà đánh chậm cũng khó khăn, đàm phán là lối thóat duy nhất trước mắt.

Có luận điểm cho rằng Việt Nam đàm phán với Mỹ sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân là thuận lợi hơn vì tinh thần chiến đấu của phía Mỹ đã suy sụp, nhưng thực tế đối tượng suy yếu tinh thần chính là chính quyền Johnson. Đàm phán với họ có lợi hơn là tấn công Mậu Thân đẩy họ lui khỏi chính trường để Việt Nam phải trả giá nặng nề khi đàm phán với chính quyền Nicxon chủ trương diều hâu hơn nhiều.

Một cơ hội ngoại giao quan trọng đã mất đi khi Việt Nam nghe theo sự thúc đẩy của Trung Quốc không đàm phán sớm và sau đó tiến hành tổng tiến công. Quyết định của Việt Nam góp phần quan trọng làm Hămphrây là người chủ trương chấm dứt chiến tranh, thất cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Sai lầm này đã đem lại lợi thế cho Trung Quốc và góp phần đẩy Liên Xô vào thế bị động với Mỹ. Chủ trương tổng tấn công của nhóm lãnh đạo giáo điều Lê Duẩn đã mở đường cho Nicxon lên cầm quyền, tạo tiền đề ngọai giao quan trọng cho Trung Quốc tiếp xúc với Mỹ, liên kết chống Liên Xô.

Năm 1979, Sách Trắng của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cay đắng kết luận: “Sau khi Níchxơn kết thúc chuyến đi thăm Trung Ouốc, Kítxinhgiơ nói với các nhà báo ngày 1 tháng 3 năm 1972 rằng từ nay Níchxơn và bản thân y “chỉ còn việc nhìn về Mátxcơva và nghiền nát Việt Nam”.
“Từ tháng 4 năm 1972, Mỹ ném bom lại và thả mìn phong toả các cảng miền bắc Việt Nam và đánh phá ác liệt miền Nam Việt Nam nhằm đối phó với cuộc tiến công chiến lược mùa xuân năm 1972 của nhân dân Việt Nam, cứu vãn sự sụp đổ của chế độ Nguyễn Văn Thiệu. Bước phiêu lưu quân sự này chính là hậu quả rõ ràng của sự đồng lõa giữa những người cầm quyền Trung Quốc và Níchxơn.” Nhưng sự cấu kết xảo quyệt này không thể thành công nếu không nhờ trước đó Việt Nam cự tuyệt đàm phán và đánh lớn, giúp cho đảng Cộng Hòa thắng cử đưa Nixon vào ghế Tổng thống,

Muốn làm ăn với Nichxơn, Trung Quốc quay lại “ép Hà Nội đi vào một giải pháp thoả hiệp với Mỹ. Phía Trung Quốc dùng “củ cà rốt” viện trợ: nếu năm 1968 vì phản đối Việt Nam đàm phán với Mỹ họ đã giảm kim ngạch viện trợ cho Việt Nam thì năm 1971 và năm 1972, để lôi kéo Việt Nam đi vào chiều hướng của Bắc Kinh thoả hiệp với Mỹ, họ đã dành cho Việt Nam viện trợ cao nhất của họ so với những năm trước đó. Đây cũng là thủ đoạn nhằm che đậy sự phản bội của họ nhằm xoa dịu sự công phẫn của nhân dân Việt Nam. Đi đôi với tăng thêm viện trợ là sự thúc ép liên tục để Việt Nam chấp nhận giải pháp của Mỹ (82).”

Trung Quốc nhân nhượng Mỹ khiến Liên Xô cũng phải quay sang bắt tay thương lượng với Mỹ trong thế bị động. Chia rẽ trong phe xã hội chủ nghĩa ngày càng trầm trọng. Cuối cùng người chịu thiệt hại năm 1972 lại chính là nhân dân Việt Nam đang lâm vào chiến trận khốc liệt trong khi bạn bè sau khi xui ta chiến đấu lại cùng tranh nhau bắt tay với kẻ thù và đấu tranh với nhau gay gắt.

Sau khi lãnh đạo Bắc Kinh mừng rỡ khen ngợi các chiến dịch đàn áp nhóm xét lại chống Đảng diễn ra ở Hà Nội thì Trung Quốc tỏ ra rất tức giận vì đã ngăn đe trước mà cuộc Tổng tấn công vẫn xảy ra. Ngày 29 tháng 6, năm 1968, trong cuộc trao đổi giữa Chu Ân Lai và Phạm Hùng tại Bắc Kinh sau cuộc tấn công, Chu đã phê phán Việt Nam: “Rất tốt là hôm nay các ông cho chúng tôi biết rõ, rằng các ông đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Những cuộc tấn công gần đây của các ông vào các thành phố chỉ nhằm mục đích cản trở lực lượng của kẻ thù, giúp công tác giải phóng các khu vực nông thôn, huy động lực lượng lớn ở các khu đô thị. Tuy nhiên, tất cả đều không mang tính quyết định. Bọn xét lại Liên Xô tuyên bố rằng đánh vào Sài Gòn thực sự là tổng tấn công, rằng chiến thuật lấy nông thôn bao vây thành thị là sai và tiến hành chiến tranh lâu dài là sai. Theo ý kiến của chúng, chỉ có tấn công chớp nhoáng vào các thành phố lớn là đòn quyết định. Nhưng nếu các ông làm [như thế], Hoa Kỳ sẽ vui mừng, khi họ có thể tập trung lực lượng để phản công, do đó gây nên sự tổn thất lớn hơn cho các ông (…) Khi các ông chấp nhận đàm phán với Mỹ, đặt các ông vào thế thụ động. Các ông bị Liên Xô cho vào bẫy (…) Các ông chấp nhận việc ném bom một phần và đồng ý nói chuyện với họ, đã làm cho vị thế hiện tại của họ tốt hơn so với năm 1966 và 1967. Mặc dù các ông vẫn duy trì các nguyên tắc của mình trong đàm phán, các ông đã giảm khó khăn của họ trong cuộc bầu cử năm nay. Đây là lỗi lầm của Liên Xô. Từ lâu, Liên Xô có những người làm tay sai cho Mỹ và giúp Mỹ chống lại những người làm cách mạng trên thế giói …. (83). Kết tội cho Lê Duẩn “xét lại” và theo đuôi Liên Xô là thái độ từ bỏ vị thế đồng minh của Trung Quốc với lãnh đạo Việt Nam. (84)

Liên Xô rõ ràng còn tức tối hơn. Trong khi Liên Xô tăng cường viện trợ cho Việt Nam và đề nghị Việt Nam tiến hành đàm phán, việc bắt giữ những người quan hệ trực tiếp với Liên Xô, cắt đứt tai mắt của Sứ quán Liên Xô ở Hà Nội là tín hiệu rõ ràng của Đảng Lao động Việt Nam cho Mascơva rằng không vì sức ép bên ngoài mà Việt Nam chấp nhận đàm phán. Tài liệu của Lãnh sự Anh tại Hà Nội được công khai vào giai đoạn 1997-1998 cho thấy ngày 22 tháng 8, Tổng lãnh sự John Colvin, báo cáo rằng người Nga đã “dự báo về một cuộc cải tổ trong Đảng Lao động không có lợi cho họ” (85). Phản ứng trước việc tháng 3 năm 1968, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố luật lệ trừng phạt hoạt động phản cách mạng, Đại sứ quán Liên Xô cho rằng luật lệ này “đã làm giảm nghiêm trọng sự tiếp xúc của chúng tôi với công dân Việt Nam”… “Phía Liên Xô nhận thấy những người cộng sản Việt Nam hoá ra là những người đồng minh không tin cậy và ích kỷ, thường gây ra những khó khăn cho các đồng chí Xô Viết (86).”

Đánh giá về chiến dịch Mậu Thân, “các nhà nghiên cứu của Đảng cộng sản Liên Xô tại Hà Nội đã kết luận rằng: “Các đòn chiến tranh và các cuộc đấu tranh chính trị của các đồng chí Việt Nam ở miền Nam trong mùa khô thứ ba đã không dành được những kết quả tối đa như đã tính toán. Chính phủ và quân đội Sài Gòn không hề bị xoá sổ, về cơ bản Mỹ vẫn giữ được chỗ dựa, cơ sở chính trị ở miền Nam Việt Nam; các điều kiện để Mặt trận dân tộc giải phóng và các đồng minh giành chính quyền không được tạo ra và Mỹ đã dành được những khả năng tương đối lớn trong việc mặc cả về chính trị (87).” Rõ ràng, giải pháp đàn áp nội bộ kết hợp tấn công trên chiến trường đã không đạt được mục tiêu tái lập cân bằng quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô, Trung Quốc.

Sự rạn nứt cùng lúc cả quan hệ của Bắc Việt Nam với Liên Xô và Trung Quốc là kết quả không mong đợi của nhóm giáo điều mới dành toàn quyền ở Hà Nội. Cả Trung Quốc – đồng minh tư tưởng và Liên Xô – đồng minh vật chất cảm thấy mình bị Hà Nội lừa dối.

Xưa nay, trong chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Đông Dương,… các lực lượng đồng minh đều có sự tham khảo xin ý kiến lẫn nhau. Trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh, các đối thủ chính trị còn thông báo cho nhau các ý định chiến tranh quan trọng (như Trung Quốc thông báo cho Mỹ khi đánh Việt Nam sau này). Sự kiện Vịnh Bắc bộ, cuộc Tổng tiến công Mậu Thân một lần nữa tỏ cho các đồng minh thấy thái độ coi thường, thiếu tin cậy của Việt Nam.

Điều đó dẫn đến một hậu quả khác trong tương lai là Trung Quốc và tiếp theo là Liên Xô bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động liên hệ, trao đổi với Mỹ sau lưng Việt Nam. Quá trình này dẫn đến chuyến thăm của Nixon sang Trung Quốc và Liên Xô đầu năm 1972, gây tác động tiêu cực và gây nhiều khó khăn cả về chính trị, ngoại giao và tâm lý cho Việt Nam (88) đúng vào lúc quân đội Mỹ gây mạnh sức ép mạnh với Việt Nam.

Thành công chính trị phải trả giá nặng nề trên chiến trường. Không kể đến hi sinh to lớn của nhân dân trên mọi vùng đô thị miền Nam (riêng ở Huế, trong đợt tấn công thứ 2, ước lượng khoảng 3-6 ngàn dân thường bị giết) (89), cũng tại Huế “hỏa lực Mỹ đã biến 80% thành phố thành gạch vụn (90)”, tỉnh lỵ Bến Tre, thành phố Mỹ Tho cũng bị tàn phá nặng nề.

Ước lượng từ bên ngoài cho rằng trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân, quân giải phóng mất khoảng 80% lực lượng chiến đấu, với khoảng 50 ngàn chiến sỹ hi sinh (91). Số liệu của Việt Nam cho biết 111.360 cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và hàng vạn quần chúng thương vong trong năm 1968 (92 – trang 262). Riêng ở Nam Bộ, “thương vong của ta trong năm này cao hơn số thương vong của các năm từ 1961 đến 1970 cộng lại (93 – trang 278)”.

Hàng loạt cơ sở, quần chúng cách mạng được tổ chức lâu dài trong nội thành bị bại lộ và đàn áp. Nhiều hệ thống biệt động, kể cả tình báo chiến lược bị địch triệt phá. Tổng kết của bộ Nội vụ (bộ Công an) cho biết: “lực lượng cách mạng nói chung, lực lượng an ninh nói riêng nhất là an ninh xã ấp bung ra hoạt động vũ trang công khai dành quyền làm chủ nên bị lộ lực lượng. Lúc đầu kẻ địch bị động đối phó, nhưng sau đó chúng tập trung phản kích quyết liệt gây cho ta những thiệt hại đáng kể. Lực lượng an ninh các địa phương bị tổn thất lớn. Nhất là an ninh các tỉnh miền Tây; nhiều ban an ninh xã, đội an ninh vũ trang bị hy sinh; bị bắt toàn bộ. Lực lượng an ninh hoạt động hợp pháp trong thành phố, thị xã bị lộ phải trốc ra khỏi địa bàn; nhiều nơi, cơ sở an ninh bị vỡ hoàn toàn, phải mất một thời gian dài mới khôi phục lại được (94 – trang 363).”

Về phương diện quân sự, tại hội thảo tháng 3 năm 1986, tham luận của Cục khoa học quân sự Bộ Tổng tham mưu – Bộ Quốc phòng nhận định: cuộc Tổng tiến công “không tạo được một bước phát triển đi lên của chiến tranh cách mạng miền Nam, không thay đổi được cục diện chiến trường có lợi cho ta mà làm cho cục diện xấu hơn năm 1968. Cũng có thể nói rằng nó đã tạo nên một bước tạm thời đi xuống của cục diện chiến trường miền Nam (95 – trang 179).”

Thượng tướng Lê Ngọc Hiển trong Tham luận “Ghi nhớ về xây dựng kế hoạch và triển khai đòn tiến công chiến lược Mậu Thân 1968”, cho biết: “sau đợt 2, vào khoảng tháng 6 năm 1968, Bộ Chính trị, Quân Uỷ trung ương đã quyết định chuyển hướng tiến công chiến lược từ thành phố về nông thôn, miền núi” (được ghi trong biên bản cuộc hội ý của các lãnh đạo chủ chốt) (96 – trang 177). Nhưng chủ trương này đã không được thực hiện hoặc không thực hiện được trong bối cảnh thoái trào lúc đó.
Vì thế, tại các vùng nông thôn, các cuộc nổi dậy của nông dân ở nhiều địa phương ngay từ đợt đầu đã rất thành công, nhưng do phần lớn lực lượng quân sự của quân giải phóng phải dồn sức vào các cuộc chiến đấu hao người tốn của tại các đô thị, thành quả của các cuộc nổi dậy ở nông thôn không được phát huy.

Trong các cố gắng tấn công trở lại vào đô thị sau đó, vùng nông thôn ven Sài Gòn, Đồng Bằng Sông Cửu long và Duyên hải Trung bộ, Trị Thiên vốn là chỗ dựa ổn định lâu nay của lực lượng quân giải phóng đã bị bỏ ngỏ cho địch quay lại “bình định cấp tốc” và tiêu diệt chính quyền cơ sở của cách mạng.

Từ giữa năm 1968 trở đi, chính quyền Sài Gòn dần dần lấy lại được các địa bàn bị mất trong Tổng tấn công, khôi phục lại các tuyến giao thông quan trọng. Suốt trong các năm 1969-1970 thế trận chiến tranh nhân dân ở cả ba vùng chiến lược đều sa sút, phong trào quần chúng chịu tổn thất nặng nề (97 – trang 178-179). Như các bài học, học mãi không thuộc về khởi nghĩa non trong lịch sử cách mạng Việt Nam, giữa ước muốn bốc đồng và thực tế phũ phàng là máu xương, tính mạng của nhân dân và cán bộ.

Đại tá Trọng Nghĩa nhận xét: “cuộc chiến đấu đẫm máu đã không dành được chiến thắng sau một ngày đêm như kế hoạch, mà chiến tranh đã kéo dài 8 năm sau. Đòn đánh vào đô thị đầu não không hạ gục đối thủ mà chiến tranh sau đó lan rộng ra hàng loạt chiến trường mới trên cả Đông Dương. Cái giá nặng nề của chiến dịch này còn phải trả mãi đến sau này.”(98)

Có lẽ Huế là ví dụ điển hình cho khoảng cách giữa hoang tưởng bốc đồng và thực tế tàn nhẫn. Trên diễn đàn Hội nghị trung ương 15, Lê Duẩn hùng dũng tưởng tượng: “thành phố Huế có 15 vạn dân, có thể có 9 vạn người cầm súng đánh nó thì khác hẳn. Đây không phải khởi nghĩa ở đô thị không thôi, mà trong lúc đó ta còn khởi nghĩa ở nông thôn nữa. Vùng nông thôn nào chưa giải phóng, ta khởi nghĩa. Đây là hai mũi nhọn lớn là quân sự công kích vào đô thị và khởi nghĩa toàn bộ. Lúc này khẩu hiệu là công nông binh liên hiệp, tất cả lực lượng phản chiến sẽ ngả về ta (99)”

Nhưng trong thực tế lực lượng quần chúng không nổi dậy và lực lượng vũ trang đã phải rút lui thảm hại như tướng Trần văn Quang kể: khi quyết định rút lui khỏi Huế, Bộ tư lệnh quân khu Trị Thiên – Huế “chỉ nghĩ làm sao bảo toàn lực lượng các đơn vị chiến đấu (các trung đoàn 3,6,9,1 và các đơn vị đặc công, biệt động bộ đội địa phương) không bị địch bao vây tiêu diệt. Ngòai ra, không còn nghĩ được biện pháp nào để bảo toàn cơ sở quần chúng, không kịp nghĩ gì đến phương trâm, phương pháp đấu tranh, càng không nghĩ được là sau khi rút ra phải làm gì và làm thế nào; ngoài việc lo sao cho bộ đội không bị đói”.

Tệ hại hơn nữa là sự khác biệt giữa hoang tưởng và thực tế ở Sài Gòn, trọng điểm của cuộc Tổng tấn công. Tại hội nghị Trung ương 14 Lê Duẩn vẽ ra kịch bản: “Nếu Sài Gòn bị sập một cái nửa triệu người, vài ba chục vạn người cầm súng cho ta đánh nó thì lắm vấn đề lớn lắm, không lường hết được. 30 vạn người cầm súng đánh nó một thời gian cả trong cả ngoài đều chiến đấu, lớn vô cùng, sức mạnh này lớn vô cùng,..

Tuy nhiên khi lâm trận, quần chúng nhân dân ở những nơi xảy ra chiến sự tuy có chủ động giúp đỡ, hỗ trợ quân giải phóng nhưng không có 30 vạn người cầm súng theo Lê Duẩn đứng lên khởi nghĩa, tương quan lực lượng thực tế quá chênh lệch. Hãng thông tấn AFP đưa tin ngày 3 tháng 2 năm 1968: “tại Sài Gòn lúc đó, có khoảng 3,5 ngàn quân giải phóng trang bị nhẹ đối đầu với 500 ngàn quân địch gồm 15 tiểu đoàn Mỹ, 18 tiểu đoàn Sài Gòn, 34 ngàn cảnh sát dã chiến trang bị nặng, có không quân, cơ giới chi viện.” Kết quả là “lực lượng chiến đấu trong thành phố trở nên đơn độc, bị bao vây bốn mặt, bị hao tổn nặng nề: 80% chiến sĩ biệt động bị hy sinh và bị bắt, 50% lực lượng các tiểu đoàn mũi nhọn bị thương vong; một số tiểu đoàn khi rút ra chỉ còn lại 1/5, 1/10 quân số. Cơ sở nội thành bị bộc lộ và tổn thất nhiều,… (100)

Ngày 23 tháng 4 năm 1994, Bộ Chính trị đánh giá: “mặc dù có những khuyết điểm, cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tất Mậu Thân (1968) vẫn có vị trí to lớn. Mà nhất là đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh. Nhưng sau đó, ta chuyển chậm; chủ trương tiếp tục các đợt tiến công vào đô thị không còn điều kiện là sai lầm về chỉ đạo chiến lược, để địch gây cho ta nhiều tổn thất, khó khăn.” Cách đánh giá này không công bằng. Chiến dịch này không phải chỉ sai do chuyển hướng chậm, tiếp tục đánh thêm mà đã sai ngay từ khi xác định mục tiêu và cách thức tiến hành!

Thực tế mục tiêu chính Hội nghị trung ương 15 đề ra không phải là “đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ” mà là “giành được thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, những cuộc công kích và khởi nghĩa của ta cuối cùng thành công ở các đô thị lớn. Địch bị thất bại đến mức không còn gượng dậy được, ý chí xâm lược của chúng bị đè bẹp, phải chịu thua, buộc chúng phải thương lượng và phải kết thúc chiến tranh theo những mục tiêu và yêu cầu của ta”.

Để thực hiện mục tiêu trên, Hội nghị Trung ương 15, đề ra các nhiệm vụ cụ thể là: “về quân sự tiến hành tổng công kích (kết họp với tổng khởi nghĩa) đến thắng lợi và phải nhanh chóng tăng cường lực lượng vũ trang cách mạng, về chính trị: phát động quần chúng nổi dậy tổng khởi nghĩa cho đến thành công, đập tan ngụy quyền và các tổ chức chính trị phản động khác, xây dựng chính quyền cách mạng. Về công tác ngụy vận, địch vận: làm tan rã quân ngụy, gây phong trào khởi nghĩa trong ngụy quân, gây phong trào phản chiến trong quân Mỹ và quân chư hầu. Về hoạt động quốc tế và đấu tranh ngoại giao: tích cực phục vụ cho tổng công kích và khởi nghĩa giành được thắng lợi”.

Điểm lại, không một nhiệm vụ nào nêu trên đạt được dù toàn quân, toàn dân đã thực hiện chỉ đạo của Đảng “tập trung mọi nỗ lực phi thường, đem hết tinh thần và lực lượng để giành thắng lợi”. Hội nghị 15 cũng mô tả một kịch bản không thành công là “ta tuy giành được thắng lợi quan trọng ở nhiều nơi, nhưng địch tập trung và tăng thêm lực lượng từ ngoài vào, giành lại và giữ được những vị trí quan trọng, ổn định được các thành thị lớn, nhất là Sài Gòn – Gia Định, dựa vào các căn cứ lớn để tiếp tục chiến đấu với ta” (101). Thực tế kịch bản này đã diễn ra đúng như dự tính nhưng các nhà chỉ huy vẫn cố đấm ăn xôi, tiếp tục tấn công khiến cho khả năng thất bại được coi là khó xảy ra, cuối cùng cũng đến: “Mỹ động viên và tăng thêm nhiều lực lượng, mở rộng “chiến tranh cục bộ” ra miền Bắc, sang Campuchia và Lào hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua của chúng”. Rõ ràng tình trạng xấu nhất đã thành hiện thực với các tính toán chiến lược sai lầm.

Đa số các ý kiến đánh giá, kể cả những người trong cuộc đã tích cực ủng hộ kế hoạch Tổng tấn công từ đầu, cũng không tán thành các đợt tấn công tiếp theo sau khi đánh vào các thành phố lớn đã không thành công. Trần Bạch Đằng, người củng cố ý tưởng cho Lê Duẩn về khả năng nổi dậy khởi nghĩa của nhân dân các thành phố lớn đã viết: “Sứ mệnh của Mậu Thân căn bản hoàn thành với đợt 1. Ở đây bệnh cay cú dẫn chúng ta đi xa, và do đó qua đợt 2, vùng nông thôn giải phóng bị thu hẹp, và đến đợt 3 thì trên thực tế, chúng ta để mất gần hết vùng giải phóng (102).” Lê Đức Thọ người chịu trách nhiệm tổ chức thanh trừng nội bộ, dọn đường cho Tổng tấn công cũng viết: “Đáng lẽ sau đợt 1, nếu ta biết ngừng và chuyển hướng hoạt động chiến đấu để chống địch bình định thì mới đúng” (103 – trang 54)

Sau này trong nghiên cứu của mình, Hồ Khang cho rằng các hoạt động tiến công liên tục sau Mậu Thân là sự hy sinh cần thiết, là hành động “dân tới để khẳng định tư thế đàm phán, buộc Mỹ phải đàm phán theo yêu câu của chúng ta.” Thực tế, không phải các hy sinh to lớn trong các giai đoạn tiến công tiếp theo trong năm 1968 đã buộc Mỹ nhân nhượng về điều kiện đàm phán (bỏ qua sự phản ứng của chính quyền Sài Gòn, đơn phương công nhận chấm dứt ném bom chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, không đòi miền Bắc ngừng chi viện cho miền Nam, công nhận Mặt trận dân tộc giải phóng).
Phía Mỹ lùi bước không phải vì sợ tinh thần hy sinh, sợ ý chí quyết tâm của Việt Nam mà lùi bước vì thiệt hại thực sự to lớn của quân đội Mỹ, vì sự phản đối quyết liệt của nhân dân Mỹ. Nếu Việt Nam chấp nhận đàm phán từ trước thì có thể dùng tiềm lực to lớn đã bị phí phạm trong Tổng tiến công để tiến hành các hoạt động chiến đấu khác hiệu quả hơn thì vẫn đạt mục tiêu này với thiệt hại ít hơn nhiều.

Bài học năm 1968 còn sờ sờ, nhưng đến năm 1972 mọi chuyện lại lặp lại. Trần Quỳnh kể: thị xã Quảng Trị giải phóng, địch ở Huế rối loạn. “Lê Duẩn, vẫn mơ tưởng với chủ thuyết thiết tha của mình: chiến tranh ở Miền Nam là một cuộc chiến tranh cách mạng, kết hợp tấn công và nổi dậy, công kích và khởi nghĩa, cho rằng tình hình ở Huế đúng là một loại hình thức nổi dậy, khởi nghĩa… Lê Duẩn cho rằng có thể giải phóng được Huế, bằng cách đưa bộ binh vào nhanh, với lực lượng không lớn, đánh thốc vào Huế, không cần xe tăng và pháo lớn (104).”

Nhưng nhiều cán bộ lãnh đạo quân sự đã không chịu thực hiện mệnh lệnh của Lê Duẩn để bộ binh đơn độc tấn công vào Huế mà không có pháo binh và xe tăng yểm trợ. Hai hướng chỉ huy tấn công dùng dằng nên về sau bộ đội phải quay về cố thủ thành cổ Quảng Trị. Chốt quân cố định, phơi lưng cho bom pháo với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử, dồn vào một địa bàn nhỏ có hơn 3 km2, bộ đội hy sinh quá nhiều, phải bỏ thị xã Quảng Trị sang cố thủ bên kia bờ Thạch Hãn.

Hai tướng Song Hào, Lê Quang Đạo phê phán Lê Duẩn ra lệnh kéo quân ra đánh Huế cho nên để mất Quảng Trị, hy sinh xương máu binh sỹ. Lê Duẩn trả lời: nếu biết cách đánh và lấy được Huế thì chẳng những giữ được Quảng Trị mà chiến thắng ở mặt trận Quân khu Trị Thiên và Quân khu 5 biết đâu sẽ còn tiến xa hơn về Đà Nẵng. Hai bên cãi qua lại. Lê Duẩn bảo: “tương lai của cuộc chiến tranh sẽ trả lời ai đúng ai sai” (105).

Sau này, khi tấn công năm 1975, theo kế hoạch, sau khi đánh xong Buôn Mê Thuột sẽ tấn công vào Sài Gòn còn thành phố Đà Nẵng sẽ để lại giải quyết sau, nhưng khi thấy quân địch ở Đà Nẵng rối loạn, Võ Chí Công đã huy động ngay lực lượng bộ đội quân khu 5 tiến thẳng vào giải phóng Đà Nẵng trước khi quân chủ lực miền Bắc tiến vào. Lê Duẩn cả mừng nói: “Cuộc tranh cãi về Huế và Quảng Trị với Song Hào, Lê Quang Đạo v.v… đã được thực tiễn chiến tranh giải quyết. Lê Duẩn hết lời ca ngợi Năm Công và Chu Huy Mân, những người chỉ huy tài ba xuất sắc, xứng đáng là những người ở trong cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước” (106). Nhưng thực sự cuộc tiến công của lực lượng vũ trang liên khu 5 vẫn là một cuộc tấn công thuần túy quân sự do bộ binh hợp đồng với xe tăng, pháo lớn. Thực tiễn đã chứng tỏ giấc mơ của Lê Duẩn “khởi nghĩa nhân dân kết hợp tấn công quân sự” dù rất đẹp vẫn là duy ý trí.

Những hy sinh to lớn của Tổng tấn công Mậu Thân và trận đánh ở thành cổ Quảng Trị còn được giải thích bằng lập luận ngụy biện là phải đánh thật mạnh để tạo thế trên bàn đàm phán, rằng “vừa đánh vừa đàm” là bài bản của Việt Nam. Khi Kitxhinhgiơ hỏi về những hy sinh vô lý này, Lê Đức Thọ trả lời: “Đó là vấn đề chính trị, đánh để dành thế mạnh về chính trị trong đàm phán, chứ còn đứng về quân sự thì không ai vì một mảnh đất nhỏ đổ nát mà đánh đến như thế (107 – trang 67-68). Nếu thực sự có kiểu chính trị như vậy thì đó là chính trị của Lê Đức Thọ, chính trị dựa trên hy sinh xương máu của đồng đội.”

Thứ nhất, trong lịch sử Việt Nam các triều đại phong kiến thường cố gắng dùng các biện pháp ngoại giao mềm mỏng nhất đối với nước lớn để tránh binh đao cho dân tộc. Từ gả con cái, cử người đi xử cho đến xưng nhận chư hầu, cống nạp lễ vật… Thứ hai, khi đã buộc phải chiến đấu, thì ngay sau những chiến thắng lẫy lừng thường bắt đầu hòa nghị và đàm phán gắn với hòa giải khi chiến trường đã ngưng tiếng súng.

Kháng chiến chống quân Nguyên, sau ba lần đánh tan quân địch với chiến thắng Bạch Đằng tháng 4 năm 1288, vua Nhân Tông cử sứ thần sang xin vua Nguyên thông hòa và cho tiếp tục cống nạp như xưa (108). Kháng chiến chống quân Minh, ngày 16 tháng 12 năm 1427, sau khi đánh thắng hai đạo viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạch, Lê Lợi đã tổ chức “hội thề Đông Quan” giảng hòa với Vương Thông. Kháng chiến chống quân Thanh, tháng 1 năm 1789, Quang Trung sau khi giải phóng Thăng Long, đánh tan quân giặc đã viết thư gửi vua Mãn Thanh xin tạ tội và xin giảng hòa (109). Hội nghị Giơnevơ cũng diễn ra ngay khi chiến trường Điện Biên Phủ vừa dành thắng lợi.

Các trường hợp Việt Nam buộc phải vừa đánh, vừa đàm chỉ là giải pháp bất đắc dĩ khi lực lượng còn yếu, cần kéo dài thời gian để chuẩn bị chiến đấu. Cuộc đàm phán trong quá trình kháng cự bất lực của Triều đình nhà Nguyễn với thực dân Pháp đã đem lại các Hòa ước Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874), Quí Mùi (1883) và Giáp Thân (1884) lần lượt lùi bước, mất đất, mất nước nhục nhã. Trong khi Nam Bộ đang chiến đấu chống xâm lược, những cố gắng của Hiệp định Sơ bộ do Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh ký với Pháp ngày 6 tháng 3 năm 1946 cũng lập tức mất tác dụng sau 3 tháng. Sau Hội nghị Đà Lạt và cuộc đàm phán không có kết quả ở Phôngtenơblô, Tạm ước do Hồ Chí Minh ký với Pháp tại Pari ngày 14 tháng 9 năm 1946 chỉ giúp tranh thủ thêm thời gian 3 tháng.

Đây là những cố gắng cần thiết vì hòa bình nhưng là những nỗ lực trên thế yếu trước một cuộc chiến tranh không tránh khỏi. Nếu lùi bước mà có hòa bình, Lê Nin đã chấp nhận với Hòa ước Bret Litốp kí với Đức, Hồ Chí Minh đã chấp nhận với Hiệp định Sơ bộ. Phải khẳng định rằng: lựa chọn chiến tranh khi còn có cơ hội hòa bình và “vừa đánh vừa đàm” không bao giờ là truyền thống và cũng không phải là bài học để kết thúc chiến tranh trong lịch sử dân tộc Việt Nam !

Quả thật, “vừa đánh vừa đàm” sau sự kiện Mậu Thân là một chủ trương không được chuẩn bị kỹ càng, thiếu căn cứ khoa học. Quá trình đàm phán gần 5 năm tại Hội nghị Pari với 149 phiên chính thức, trong khi chiến tranh tiếp tục kéo dài ác liệt, chỉ là sự thỏa hiệp không tính trước của Lê Duẩn trong hoàn cảnh kẹt giữa hai quan điểm giáo điều và xét lại sau Tổng tấn công thất bại. Trong hoàn cảnh bị động ấy, các đợt “gây sức ép trên chiến trường” như các đợt tấn công tuyệt vọng sau Tết Mậu Thân hay cuộc chiến đẫm máu ở thành cổ Quảng Trị năm 1972 phải được đau đớn thừa nhận là vô ích và vô nhân đạo.

Nhóm giáo điều hơn, thân Trung Quốc cho rằng phải đánh đến thắng lợi lớn hơn rồi mới đàm phán. Hoàng Văn Hoan viết: “Việc Lê Duẩn hấp tấp thoả thuận đưa một bộ máy lớn đến Pa-ri hội đàm với Mỹ như thế, là một việc tính toán sai lầm và nôn nóng không cần thiết. Nếu để sức người sức của phải tiêu hao ở Pa-ri trong gần năm năm tăng cường cho cuộc chiến đấu ở miền Nam và chống bắn phá ở miền Bắc, thì cuối cùng Mỹ vẫn phải hội đàm, phải chịu ký kết “Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” bằng cách Mỹ phải rút hết quân đội ra khỏi Việt Nam. Đồng thời cuộc hội đàm có thể rút ngắn, thí dụ như cuộc hội đàm Giơ-ne-vơ năm 1954, chỉ độ hai tháng là kết thúc (110).”

Ngược lại, mong muốn của nhóm xét thân Liên Xô lại là hai bên cùng ngừng chiến sự, ít nhất là trên lãnh thổ miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán thay vì tổ chức cuộc Tổng tấn công. Trong hoàn cảnh hai bên còn tương đương thế lực, đàm phán như vậy có nghĩa là quay trở lại thực trạng trước năm 1964, chấp nhận rằng sự kiện Vịnh Bắc Bộ xảy ra là sai lầm cho cả hai phía. Thực ra, có lẽ những người xét lại đã ủng hộ một cuộc đàm phán sớm hơn nữa, ít nhất là vào quãng 1963 giữa các bên Việt Nam với nhau, trước khi Mỹ có cơ hội mở rộng từ cuộc “chiến tranh đặc biệt(g) sang thành cuộc “chiến tranh cục bộ(h)”. Trong trường hợp này, đất nước có thể tiếp tục chia cắt thành hai miền có chế độ kinh tế, chính trị khác nhau để tiến đến hòa bình thống nhất như Hiệp định Giơnever qui định.

Một câu hỏi được đặt ra là chiến dịch này đã được chuẩn bị từ lâu hay tiến hành một cách vội vã? Mới nhìn các bằng chứng thì thấy việc thay đổi định hướng chiến tranh, cụ thể là hình thành kế hoạch tiến hành cuộc tổng tấn công và nổi dậy có vẻ diễn ra rất gấp gáp, chiến dịch tối quan trọng và rất phức tạp được chuẩn bị vội vã và không chu đáo. Tướng Trần Văn Trà đã phê phán lãnh đạo miền Bắc đã không dành đủ thời gian cho lực lượng kháng chiến miền Nam chuẩn bị cho cuộc tống tấn công và nổi dậy (111). Xem lại diễn biến cuộc tấn công đều có thể thấy những sai sót khó tin trong công tác hậu cần và phối hợp tác chiến. Ở nhiều nơi, các cánh quân bị lạc đường, tấn công bằng vũ khí nhẹ không đủ sức mở cửa các mục tiêu chính(i), công tác tiếp tế đạn dược, cứu thương rất sơ sài, không có lực lượng thu giữ tù binh, nhiều nơi lực lượng tấn công chỉ là một nhóm biệt động, không có quân tiếp viện, không có đường rút lui,… Những mục tiêu tối quan trọng như sứ quán Mỹ chỉ được giao nhiệm vụ vào giờ chót (ngày 25 tháng 1 năm 1968), khiến cho biệt động Sài Gòn phải tìm cách gom nhặt thành lập gấp đội tác chiến 17 người. Không thể có đủ thời gian để chuẩn bị, tập dượt (112 – trang 117).
Thật khó mà tin được là chỉ vài tháng trước ngày nổ súng vào các vị trí được phòng thủ nghiêm ngặt như dinh Tổng Thống, Bộ Tổng Tham Mưu, người ta lại điều Phạm Xuân Ẩn, nhà tình báo chiến lược quan trọng nhất mạo hiểm lái ô tô, lái xuồng máy trực tiếp chở Đại tá Nguyễn Văn Tào (Tư Cang) – cụm trưởng tình báo chiến lược đi thị sát trực tiếp các mục tiêu (113). Một hành động mà chính Phạm Xuân Ẩn cũng nhận xét là: “khá nguy hiểm ở mức không mấy cần thiết”. (*)

(Tạm ngừng trích đăng)

—–
g Quân đội Việt Nam Cộng hoà + cố vấn Mỹ + Vũ khí Mỹ + Viện trợ kinh tế Mỹ
h Lực lượng cơ động quân đội Mỹ “tìm diệt” chủ lực địch, quân Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng “bình định” lãnh thổ
i Đến thuốc nổ cũng không đủ phá cửa sắt của các mục tiêu chính như Sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập,
—–

CHÚ THÍCH:
79. Ilya V. Gaiduk Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam.
80. Bài nói của đồng chí Lê Duẩn bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương. Phấn khởi tiến lên, đem toàn lực của nhân dân hai miền đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 24. NXB Chính trị quốc gia. 2003.
81. Bài nói của đồng chí Lê Duẩn bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương. Phấn khởi tiến lên, đem toàn lực của nhân dân hai miền đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 24. NXB Chính trị quốc gia. 2003.
82. Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua. Sách Trắng của Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nhà xuất bản Sự Thật. 1979.
83. Trong 77 Conversation, 137-138.
84. “Meeting between Zhou Enlai and Phạm Văn Đồng (April 13-19, 1968, Beijing) in 77 Conversation, 123-129; and “Meeting between Zhou Enlai and Phạm Hùng” (June 29, 1968, Beijing) in 77 Conversation 137-138. “Meeting between Chen Yi and Lê Đức Thọ” (October 17, 1968, Beijing) in 77 Conversations 139-140.
85. Sophie Quinn Judge. The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair, 1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt đăng trên talawas.
86. Ilya V. Gaiduk Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam.
87. Ilya V. Gaiduk Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam.
88. Nguyễn Khắc Huỳnh. Quan hệ Mỹ – Xô Trung và đường lối độc lập, tự chủ của Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
89. D. Gareth Porter and Len E. Ackland, “Vietnam: The Bloodbath Argument”, the Christian Century, Nov 5, 1969. 1414-1417.
90. Nguyễn Minh Cần. Vài mẩu chuyện về cuộc đời Hồ Chí Minh. Ngày 10 Tháng Ba 1997.
91. Liên Hằng T. Nguyễn. The war politburo: North Vietnam’s Diplomatic and Political Roard to the Tết Offensive.
92. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia 2008.
93. Hoàng Văn Thái. Mấy vấn đề về tổng kết chiến tranh và Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Hà Nội năm 1987.
94. Biên niên sự kiện lịch sử lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
95. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia 2008.
96. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia 2008.
97. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia 2008.
98. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa công bố.
99. Bài nói chuyện của đồng chí Lê Duẩn tại hội nghị TW lần thứ 14 Đảng Lao động Việt Nam, Văn kiện Đảng, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Hà Nội 2003, Tập 29.
100. Miền Đông Nam Bộ kháng chiến (1945-1975), NXB Quân Đội Nhân dân. Hà Nội Tập 2 trang 339-340.
101. Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 14 của Trung ương Đảng tháng 1 năm 1968. Anh dũng tiến lên, thực hiện Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi quyết định cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Văn kiện Đảng Toàn tập. Tập 29. NXB Chính trị quốc gia. 2003.
102. Trần Bạch Đằng Mậu Thân – Cuộc tổng diễn tập chiến lược. Tạp chí Lịch sử quân sự số 2, 1988.
103. (Số 238 trong sách không có)
104. Hồi ký Trần Quỳnh: Những Kỷ niệm về Lê Duẩn (http://danchuonline.multiply.com/journal/item/47).
105. Hồi ký Trần Quỳnh: Những Kỷ niệm về Lê Duẩn (http://danchuonline.multiply.com/journal/item/47).
106. Hồi ký Trần Quỳnh: Những Kỷ niệm về Lê Duẩn (http://danchuonline.multiply.com/journal/item/47).
107. Lê Đức Thọ. Một số vấn đề về tổng kết chiến tranh và biên soạn lịch sử quân đội. NXB Sự Thật Hà Nội 1989.
108. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử lược 1920. Vua Quang Trung đại phá quân thanh.
109. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử lược 1920. Vua Quang Trung đại phá quân thanh.
110. Hoàng Văn Hoan. Giọt nước trong đại dương: hồi kí cách mạng của Hoàng Văn Hoan. Nhà xuất bản Ngoại văn Bắc Kinh, 1988, trang 420.
111. Trần Văn Trà. Tết: tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt. Vietnam war. Vietnamese and American perspective.
112. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968 bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia 2008.
113. Việt Báo 2/10/2006. Phạm Xuân Ẩn và những huyền thoại để lại.
—-


------------------------------------

CHUYỆN 'MẬU THÂN 68' & CUNG ĐÌNH CỘNG SẢN VIỆT NAM




No comments:

Post a Comment

View My Stats