Friday 28 February 2014

TRẬN ĐẤU VÙNG BIÊN ĐỊA (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, February 26, 2014 6:57:45 PM


Âu Châu và Liên Bang Nga thao dượt tại Ukraine

Thời sự tại Ukraine có vẻ giảm nhiệt, trước khi lại bốc khói trong những tháng tới, với cái tin là cuối tuần này Liên Bang Nga bất thần tiến hành một cuộc thao dợt quân sự quy mô. “Hồ Sơ NgườiViệt” tổng hợp một số dữ kiện như phác lại một tấm địa đồ của khu vực giữa Liên Bang Nga và Liên Hiệp Âu Châu. Trên trận địa này, khi có kết hợp hành động giữa Liên Âu và Hoa Kỳ thì ta gọi chung là “Tây phương”...

Tây phương nhấn tới

Sau ba tuần lễ đầy biến động có máu đổ - 88 người thiệt mạng, theo kết quả sơ khởi - Tổng Thống Viktor Yanukovich bị Quốc hội Ukraine truất phế và truy nã để lập hồ sơ truy tố trước Tòa án Hình sự Quốc tế tại The Hague. Việc ông ta muốn đưa Ukraine trở lại quỹ đạo Nga và được Tổng Thống Nga Vladimir Putin cho vay 15 tỷ đô la để cứu nguy kinh tế đã chấm dứt. Nỗ lực mua chuộc Ukraine của Tổng Thống Putin coi như thất bại. Nhưng sự thể sẽ chẳng kết thúc ở đó.

Tuần này, một phái đoàn của Cộng Hòa Georgia đang thăm viếng thủ đô Hoa Kỳ. Theo dự tính, Thủ Tướng Irakli Garibashvili sẽ gặp Ngoại Trưởng John Kerry, Phó Tổng Thống Joe Biden và Tổng Thống Barack Obama và thảo luận với nhiều tổ chức dân sự ngoài chính phủ (NGOs) về việc phát huy những giá trị tinh thần phổ quát của Tây phương trong các quốc gia đã từng thuộc về quỹ đạo Xô Viết.
Khi ấy, người ta lại chú ý đến một tin khác, chắc chắn là bị truyền thông Hoa Kỳ lãng quên mà cho vào trang trong. Ngày Thứ Hai mùng 3 Tháng Ba tới đây, Thủ Tướng Iurie Leanca của Cộng Hòa Moldovia sẽ vào tòa Bạch Ốc gặp Phó Tổng Thống Biden.

Dù có thể được quyết định từ trước, hai chuyến thăm viếng này đều nằm trong bối cảnh Ukraine và việc tranh đua ảnh hưởng của Tây phương với Liên Bang Nga tại khu vực người ta thường gọi là Ðông Âu và Trung Âu, xưa kia nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên Bang Xô Viết.

Tại Ukraine, biến động bùng nổ từ ngày 21 tháng 11 năm ngoái khi Tổng Thống Yanukovich đơn phương quyết định hủy bỏ lễ ký kết Hiệp định Hợp tác với Âu Châu trù tính tổ chức tại thủ đô Vilnius của Lithuania trong Thượng đỉnh Ðối Tác Miền Ðông (Eastern Parnertship).

Khi khủng hoảng Ukraine lên tới cao điểm thì ba ngoại trưởng Ba Lan, Ðức và Pháp bay qua thủ đô Kiev gặp dân biểu tình, các lãnh tụ đối lập và Yanukovich để dàn xếp giải pháp hòa bình cho Ukraine. Ngoại Trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski là người chủ chốt của cuộc vận động khiến Yanukovich nhượng bộ và bị truất phế, đằng sau hiển nhiên là có sự hỗ trợ rất mạnh về kinh tế và chính trị của Ðức và cả khối Liên Âu.

Phía Hoa Kỳ, khi các cuộc biểu tình chống đối lan rộng tại Ukraine, Nghị Sĩ John McCain cũng bay qua sát cánh với dân biểu tình trên quảng trường Maidan và giới chức Hoa Kỳ thì chính thức lên tiếng can ngăn chính quyền Yanukovich không được sử dụng võ lực và phải tôn trọng ý dân.

Tại Ukraine, một màn đấu tranh vừa ngã ngũ và Putin chơi dại nên đã phỏng tay. Nhưng chuyện không chỉ có vậy và chúng ta nên nhìn lại toàn cảnh từ cuộc tổng phản công của Putin giữa hai ngả Ðông-Tây.

Ðông-Tây hai ngả

Sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã từ mùa Thu 1989 rồi sụp đổ vào cuối năm 1991, Nga bị khủng hoảng mất 10 năm và chỉ tạm ổn định dưới triều đại Putin, người đã làm thủ tướng năm 1999, rồi tổng thống, rồi thủ tướng, rồi lại tái đắc cử tổng thống từ năm 2012. Trong 10 năm từ 1989 đến 1999, các nước Ðông Âu thoát khỏi ách Xô Viết đều cải cách về kinh tế lẫn chính trị để gia nhập Liên Âu rồi Minh ước NATO.

Khi đã củng cố thế lực sau 10 năm cầm quyền, nhân khi Tây phương lâm khủng hoảng tài chánh năm 2008 thì Putin chinh phục lại ảnh hưởng đã mất của Liên Xô ở vòng ngoại vi của Nga, và đẩy lui phong trào dân chủ tại Trung Âu.

Tháng 8 năm 2008, khi Thế Vận Hội Bắc Kinh vừa khai mạc thì Georgia bị Nga tấn công. Ðầu năm 2009, Ukraine bị bắt bí về khí đốt. Cuộc Cách Mạng Màu Da Cam năm 2004 của Ukraine bị đẩy lui, phe thân Nga của Yanukovich lên lãnh đạo, một lãnh tụ phong trào dân chủ thân Tây phương là Thủ Tướng Yulia Timoshenko vào tù do những tố giác của một lãnh tụ khác là Tổng Thống Viktor Yuschenko. Ông Yuschenko có thể đã bị Nga đầu độc về mô bì, lại mất uy tín nặng khi tái tranh cử năm 2010 thì chỉ được vài phần trăm số phiếu và coi Timoshenko như kẻ thù! Trong khi đó, các nước Âu Châu thì đòi Ukraine phải trả tự do cho Timoshenko vì không tin vào những cáo buộc của Tổng Thống Yanukovich mới tái đắc cử...

Từ bên ngoài, vì từng có kinh nghiệm đẫm máu với Nga Xô, có bốn nước Ðông Âu theo dõi chuyện này trước sự thờ ơ của dư luận Mỹ. Ðó là Ba Lan, Hung Gia Lợi, Cộng Hòa Tiệp và Cộng Hòa Slovakia (hai nước này là hậu thân của Cộng Hòa Tiệp Khắc).

Họ lập ra “Nhóm Visegrad” từ năm 1991 - Visegrad là địa danh lịch sử cả ngàn năm của Ðông Âu - và vận động Liên Âu, NATO cùng Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa về mối nguy từ phía Ðông, từ Liên Bang Nga.
Từ đấy, Liên Âu phát huy sáng kiến xây dựng thế đối tác với miền Ðông (Eastern Partnership) do Ba Lan và Thụy Ðiển đề nghị từ năm 2009. Chủ yếu là để lôi kéo sáu nước miền Ðông còn nằm trong quỹ đạo Nga, là Georgia, Ukraina, Armenia, Moldovia, Belarus và Azerbaijan, cùng hội nhập kinh tế rồi chính trị với Liên Âu. Sáng kiến này cũng ít được truyền thông Mỹ loan tải.

Bên kia chiến hào kinh tế, từ đầu năm 2010, Putin lập ra Liên Hiệp Quan Thuế với Belarus và Kazakhstan với tham vọng hoàn thành năm 2015 một Liên hiệp Âu Á về quan thuế (Eurasian Custom Union) - dưới sự lãnh đạo và thực thi của bộ máy an ninh Nga - để hội nhập các nước từ Tây sang Ðông, kể cả Trung Quốc và Việt Nam (hiện là quan sát viên).

Tóm lại cho gọn: Giữa cơn khủng hoảng của khối Euro với các nước lâm nạn tại Nam Âu bên bờ Ðịa Trung Hải, Liên Âu cố dùng đòn bẩy kinh tế là tự do ngoại thương để tranh thủ các nước miền Ðông vào quỹ đạo của Âu Châu dân chủ. Ðó là kế hoạch Ðối Tác Miền Ðông Eastern Partnership. Nga cũng dùng đòn bẩy kinh tế, và võ khí năng lượng, để duy trì ảnh hưởng và còn bành trướng thế lực qua tận Viễn Ðông qua kế hoạch Thuế quan Âu-Á.

Hoa Kỳ đứng ngoài giám trận đấu giữa Âu và Nga.

Khi vào cuộc, siêu cường của khối Euro là nước Ðức ủng hộ dự án Ðối Tác Miền Ðông vì có thể giảm ảnh hưởng của sáng kiến xuất phát từ Pháp là hội nhập các nước Ðịa Trung Hải ở miền Nam, nhưng trong chừng mực không gây mâu thuẫn nặng với Nga là một nguồn cung cấp năng lượng đáng kể cho nước Ðức. Nhìn như vậy, chúng ta có thể suy đoán ra khả năng tác động của một đại gia mới nổi về năng lượng là Hoa Kỳ.

Khi vào cuộc, Nga vi phạm quy định của Tổ chức WTO - mới vừa gia nhập năm 2012 sau 18 năm thương thuyết - để bắt bí Georgia và Ukraine. Ðã vậy, Nga còn gây khó cho nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ, Canada và Brazil về việc nhập cảng nông sản và lương thực với những tiêu chuẩn tùy tiện và đáng ngờ. Liên Âu đã lập hồ sơ truy tố với sự hưởng ứng về sau của Hoa Kỳ.

Nước Mỹ vẫn giám trận từ phía sau.

Tháng 11 năm ngoái, Lithuania tổ chức thượng đỉnh Liên Âu về Ðối Tác Miền Ðông tại thủ đô Vilnius. Theo nghị trình, các nước thảo luận việc thương thuyết hiệp định tự do ngoại thương và hợp tác với Georgia, Ukraine, Moldovia và Armenia. Khi có tin Armenia lại gia nhập hệ thống quan thuế Âu-Á của Nga, và Quốc hội Ukraina thì mở đường cho việc thương thuyết với Liên Âu vào tháng 11, thì ta hiểu trận đánh Âu-Nga hay Ðông-Tây về mậu dịch chỉ che khuất những tính toán sâu xa hơn.

Và khi Tổng Thống Yanukovich bất ngờ từ chối ký kết hiệp định với Âu Châu để ngả theo Liên bang Nga thì ta hiểu ra nội dung của vụ khủng hoảng vừa qua tại Ukraine. Việc thủ tướng Georgia và Moldovia qua thăm Hoa Kỳ cần được nhìn trong bối cảnh rộng lớn và lâu dài đó.

Bán đảo Crimea tại biên vực Ðông-Tây và Nam-Bắc

Hiểu rõ địa dư trống trải của nước Nga bát ngát mà khó phòng thủ tại hướng Tây và cần thông thương với miền Nam để ra tới Ðịa Trung Hải, Vladimir Putin muốn bành trướng ảnh hưởng của Nga tại vùng biên vực miền Tây, là các nước Ðông Âu và Trung Âu. Từ biển Baltic ở phía Bắc xuống tới Hắc hải (Black Sea) và biển Caspian, Nga phải có vùng trái độn do mình kiểm soát. Nhu cầu an ninh ấy khiến Putin không yên tâm với làn sóng dân chủ nổi lên từ Âu Châu. Huống hồ làn sóng đó còn có thể gây thêm khó khăn cho chính quyền trung ương tại Moscow vì khơi dậy phong trào chống đối và đòi hỏi dân chủ ngay trong nước Nga.

Khi bị thất thế tại Ukraine, vì con ngựa Yanukovich vừa bị lật, tất nhiên là Putin nghĩ đến bán đảo Crimea (xin đọc là Krai-mia) của Ukraine tại Hắc Hải.

Bán đảo này là cái neo của nước Nga, nơi mà 60% dân số là người Nga, dù là một Cộng Hòa Tự trị nằm trong Ukraine. Tại Crimea, Nga có quân cảng Sevastopol là căn cứ của Hạm Ðội Hắc Hải được thuê lại từ Ukraine. Và thiếu hạm đội này, Nga không thể ảnh hưởng tới vùng biển nóng ở dưới và vươn tới Ðịa Trung Hải.

Là khu vực tranh chấp lâu đời giữa Ðế quốc Nga và Ðế quốc Hồi giáo Ottoman của dân Thổ, Crimea từng là trận địa nổi tiếng của Nga từ Thế kỷ 18 qua hai trận thế chiến rồi trở thành lãnh thổ Nga. Nhưng năm 1954, Crimea lại được Nikita Kruschev, lãnh tụ Xô viết xuất thân từ Ukraine, trao trả cho Cộng Hòa Nhân Dân Xô Viết Ukraina! Sau khi giành lại độc lập từ Liên Xô năm 1991, Ukraine vẫn duy trì quy chế tự trị cho Crimea và chia đôi Hạm Ðội Xô Viết tại Hắc Hải với Liên Bang Nga thời Tổng Thống Boris Yeltsin.

Nhưng khi Putin tổng phản công, ông đẩy mạnh tiến trình “Nga hóa” đất Crimea, với người Nga được nhập cư dễ dàng và dân Ukraine ở bản địa được lấy giấy tờ và quốc tịch Nga.

Việc hội nhập để đồng hóa như vậy cũng đã tiến hành tại hai khu vực tự trị của Georgia là Abkhazia và South Ossetia. Năm 2008, với lý do bảo vệ dân Nga và do lời yêu cầu của lãnh đạo hai khu vực này, Putin đưa quân vào Georgia và thôn tính luôn một phần lãnh thổ Georgia. Với Crimea, việc này còn dễ hơn.

Lãnh đạo Crimea hiện là những người thân Nga, tự coi mình là dân Nga hơn là dân Ukraine và con cháu dân Tatar nguyên thủy bị Stalin đuổi đi Tây Bá Lợi Á thì chỉ được hồi hương có hạn. Trong khu vực này, Putin còn có hai vạn quân Nga tại căn cứ Sevastopol nên rất dễ “ổn định” tình hình. Vì vậy, người ta không ngạc nhiên là khi biến động bùng nổ và lan rộng tại Ukraine thì vẫn có những người biểu tình chống biểu tình tại Crimea, dưới lá cờ Nga.

Khi nhìn lại chuyện Ukraine, một xứ nằm trong vùng biên vực Ðông-Tây, ta không quên Crimea, vùng biên vực giữa Ukraine và Nga, mà lại là bản lề Nam-Bắc của Nga khi cần xuống tới biển nóng ở miền Nam. Lãnh đạo mới của Ukraine, dù chưa biết là ai, tất nhiên cũng chú ý đến chuyện ấy, khi có tin đồn là Nga vừa đưa một tầu đổ bộ và 200 quân vào hải cảng Anapa của mình tại phía Bắc của Hắc Hải.
Trong hoàn cảnh hiện tại, Vladimir Putin thật ra không cần đưa quân vào Crimea vì đã có hai vạn quân ở tại chỗ. Nhưng, khi vừa bị thất thế tại Kiev và trước đà thắng lợi của Âu Châu tại Ukraine, ông ta có thể quậy sóng Hắc Hải và dùng Crimea như nơi gõ trống khua chiêng.

Kết luận ở đây là gì?

Trong trận đấu Ðông-Tây về ảnh hưởng, Putin vạch ra ba lằn ranh đỏ cho Liên Âu là
1) không được hội nhập Ukraine vào cơ chế Âu châu,
2) không cho chính quyền tại Kiev được từ chối viện trợ tài chánh của Nga, và
3) không viện trợ và huấn luyện cho quân đội và an ninh Ukraine.

Trong ba tháng qua, hai lằn ranh đầu tiên đều được dân Ukraine mặc nhiên vượt qua.

Trong việc lật đổ chế độ Yanukovich, dân Ukraine cho thấy trình độ dân trí rất cao và nhất là sự hình thành của xã hội dân sự khi hệ thống chính trị ở trên đã tan rã.

Nếu Putin đẩy mạnh sức ép với giải pháp quân sự, thí dụ như từ Crimea, dân Ukraine có thể suy nghĩ đến lằn ranh đỏ thứ ba. Là xin được Âu Châu bảo vệ và viện trợ về an ninh.
Ðấy mới là kịch bản nhức tim rất nên theo dõi...



No comments:

Post a Comment

View My Stats