Wednesday 26 February 2014

ÔNG TRUYỀN NUÔI VỊT (Cánh Cò)




Wed, 02/26/2014 - 14:56 — canhco

Cựu Tổng thống Viktor Yanukovych có lẻ khó ngờ được ngày hôm nay lại trở thành kẻ đào tẩu, khi trước đây chỉ vài tuần vẫn còn nghĩ rằng chiếc ghế tổng thống của ông đáng ra phải nạm vàng thay vì chỉ bọc nhung nằm trong dinh tiếp khách.

Đâu đó trong một ngôi nhà tồi tàn tạm trú trên đường chạy trốn, tay vặn vòi nước làm bằng inox lạnh lẽo ông Viktor Yanukovych làm sao quên chỉ vài ngày trước thôi ông còn vặn vòi nước bằng vàng ròng trong nhà, cũng như thưởng thức những thứ xa hoa khác mà một đời tổng thống ông “dành dụm” được, để giờ đây bị người khác sung công mặc dù họ trầm trồ thán phục. Và sự trầm trồ có thật ấy đi liền với lời kết án nặng nề mà bất cứ nhà độc tài nào cũng phải nhận lãnh khi quyền lực bị nhân dân đạp đổ.

Sở thích chung của tất cả các nhà độc tài kim cổ là ao ước sống trong một cung điện càng nguy nga càng thích thú. Sự xa hoa ấy vô giới hạn tùy vào trí tượng của họ hay các tay cố vấn cộng với số tài sản ăn cắp từ người dân nhiều lên tới mức nào. Càng ao ước xa hoa, càng phải tìm thêm nguồn tiền để tích lũy. Tiền tích lũy càng cao lòng oán hận của người dân càng nặng. Cuối cùng thì cái vòng tròn ấy luôn luôn kết thúc bằng thảm kịch của kẻ ham mê quyền lực và nhiều khi cái chết của cả gia đình tùy vào sự bóc lột dân chúng của đương sự tàn nhẫn đến đâu.

Những đồng tiền dính đầy máu tự nó có tiếng rên xiết dù đã biến thành vàng, thành những chiếc xe hơi đắt giá hay thành những chiếc du thuyền cực kỳ chói sáng. Với số lương 100 ngàn USD một năm, không biết trong khi Viktor Yanukovych cầm quyền báo chí của Ukraine có bài viết nào ca tụng sự thanh liêm của ông như người ta thường thấy trong thể giới độc tài toàn trị hay không, nhưng theo truyển thông quốc tế thì sau khi ông bỏ chạy người dân phát hiện hàng đống giấy tờ trôi sông gần dinh thự của ông ta cho thấy những khoản tiền chi thu bất chính cùng một tấm chi phiếu 12 triệu đô la chưa kịp rút ra. Số tiền này có thể được ký từ những nhóm lợi ích của Ukraine, những tỷ phú khuynh loát nước này từ khi tổng thống Viktor Yanukovych cầm quyền.

Ông Viktor Yanukovych tuy ở Ukraine xa xôi nhưng hoàn toàn có thể yên tâm rằng ông không phải là kẻ cô đơn, ít nhất tại đất nước mà ông đã từng có cơ hội trông thấy vào năm 2011, và cũng ít nhất đang có một người giống ông, bị báo chí lật qua lật lại để tìm hiểu xem tại sao lại có người lương thì ít mà bổng thì nhiều đến nỗi xây hẳn một biệt dinh xa hoa tuy không bằng dinh thự của Viktor Yanukovych nhưng cũng có thể làm cho cả đất nước Việt Nam mắt chữ O mồm chữ A.

Người ấy là một bao công của “thời đại Hồ Chí Minh”, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tổng thanh tra Chính phủ: ông Trần Văn Truyền.

Cách đây 3 năm, ngày 2 tháng Hai năm 2011 tờ Thời báo kinh tế Việt Nam có bài phỏng vấn ông Tồng thanh tra Chính phủ này với nội dung xoay quanh những khó khăn mà ở cương vị Tổng thanh tra ông gặp phải đó là vấn đề đút lót, cả nể, hay cơ chế khó khăn mà ông gặp trong khi nhận chức vụ này.
Trong câu mở đầu người phóng viên đã viết “Ở cương vị phải giữ mình đến mức gần như là “ép xác”, gương mặt lúc nào cũng phảng phất buồn, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bộc bạch dù thế nào, ông vẫn là con người bằng xương bằng thịt chứ đâu phải là gỗ đá”.

Cứ thế bài báo dẫn người đọc một mạch xông vào những ngóc nghách mà một thanh tra chính phủ phải đối đầu, phải tự hành xác mình để tranh đấu trước những cám dỗ khó quay lưng. “ép xác” và “phảng phất buồn” là hai cụm từ miêu tả được chân dung của ông Truyền: một đại tài tử chuyên đóng phim khoa học viễn tưởng.

Ngày 21 tháng 2 năm 2014 ba năm sau khi bài tụng ca ông Truyền xuất hiện, báo Người Cao Tuổi đưa hình ảnh và chi tiết về tài sản ông Tổng thanh tra làm người đọc ngẩn ngơ. Tuy không phải là bom tấn nhưng không thua gì mìn tự tạo của các tay đánh bom tự sát Al Qaeda.

Sức công phá của nó tuy gói gọn trong phạm vi một thanh tra chính phủ nhưng có sức chấn động âm ỉ và câu hỏi về tính minh bạch của đảng cộng sản một lần nữa được đặt lên bàn cân. Sở dĩ dư luận cân cái gọi là minh bạch ấy vì nhiểu lý do, mà lý do lớn nhất là trong cương vị một thanh tra, đại diện cho cả chính phủ, với đồng lương không thể mua nổi một chiếc xe hơi đời mới sau khi về hưu nhưng lại tậu được dinh cơ hàng trăm tỷ bạc với kiến trúc nội thất xa hoa trên cái nền đất vẫn còn nghi vấn do tham ô cấp tỉnh mới có được. Bài báo chi tiết đến chiếc giường hàng chục tỷ của ông Truyền cùng những căn nhà vệ tinh khắp nơi đã khiến báo chí nhảy vào cuộc.

Dù muốn hay không ông Truyển cũng phải trả lời về những cáo buộc ấy. Và ông trả lời như không trả lời gì cả: “báo Người Cao Tuổi nói quá lời”.

Ơ hay, báo này đã cao tuổi và vì vậy phải biết hậu quả nếu quá lời đối với một Thanh tra chính phủ dù đã về hưu thì hậu quả sẽ như thế nào chứ? Ông Truyền không phải là Chủ tịch nước, hay Thủ tướng hoặc Tổng bí thư nên cơ ngơi của ông không thể sánh với tổng thống Ukraine. Tuy nhiên tính toán trên cơ sở lương tiền và tất cả bổng lộc công khai hợp pháp của ông thì cả trăm năm sau cũng không thể làm chủ một biệt dinh cùng hàng chục căn nhà khắp nơi như thế.

Hết Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre nơi ông có căn biệt dinh ấy cho tới con gái ông nói về nguồn tiền mà ông có do người em kết nghĩa hảo tâm nào đó biếu tặng. Cán bộ dưới quyền ông tại Bến Tre đang hết lòng trả ơn do ông “tha” không “trảm” họ trong quá khứ. Đó là luật chơi của thế giới cộng sản và luật này luôn luôn thắng bởi không có một bên thứ ba nào chứng minh sự thật ấy có tồn tại hay không.
Con gái ông nói ông có người em kết nghĩa cho tiền để cất nhà vì thấy ông quá nghèo. Phát biểu này chấp nhận được vì ai thấy nghèo mà không thương? Cho tiền ông cất nhà là biểu hiện cái tình thương ấy mà thôi. Nhưng quan trọng là cái sự thương ấy có khác với cái thương của ông cán bộ Bến Tre hay không. Người em kết nghĩa “thương” đột xuất này làm gì đủ giàu để có thể cho ông Truyền cả một biệt dinh như vậy và cái giàu ấy có liên quan gì đến chức năng của một ông Tổng thanh tra Chính phủ đối với mối thân tình được gọi là kết nghĩa hay không?

Là một Tổng thanh tra Chính phủ trong hoàn cảnh đất đai bị cướp bóc mọi nơi nhưng ông Truyền không điều tra ra được một vụ án tham nhũng đất đai tầm cỡ nào và vì vậy dân oan không ai đem biếu cho ông dù chỉ một bó hoa để cám ơn. Thế nhưng rất nhiều người không phải là nông dân nhưng đất đai không tính hết đã biếu hoa cho ông. Những bó hoa được quy ra tiền. Và quy rất “chênh lệch”.
Có lẽ những đồng tiền chênh lệch ấy là những viên gạch xây biệt dinh cho ông Truyền chăng? hay ông còn làm thêm nghề gì khác ngoài Tổng thanh tra?

Có anh phóng viên ghi rằng mọi sự chú ý quá mức vào cái giàu của Ông Truyền là không công bằng. Nhà báo nhận xét: “Người viết bài này đã có dịp rong ruổi từ Nam chí Bắc, chiêm ngưỡng những dinh thự hoành tráng gấp nhiều lần căn biệt thự của ông Truyền, ngắm những chiếc siêu xe vài triệu USD mà đôi khi chủ nhân chỉ là một chủ đầm tôm hay một “trùm nuôi vịt” xuất sắc".

Thật là một so sánh tinh vi và không kém phần hài hước. Ông Truyền không nuôi tôm nhưng ông đích thị là một trùm nuôi vịt xuất sắc: ông nuôi… vịt trời để khi có ai hỏi thì ông nói vịt đã bay về nơi vô định.

Biệt dinh của ông Truyền rồi sẽ chỉ là một câu chuyện sớm trở thành cổ tích như nhiều câu chuyện tương tự trước đây. Vụ việc của ông Truyền không may nổ ra cùng lúc với sự việc Tổng thống Ukraine bị lật đổ. Báo chí lấy ông Truyền làm cái cớ để cảnh báo với những người khác cao hơn ông về chức vụ, giàu hơn ông về tài sản, và chắc chắn là tội ác cũng cao hơn ông về mức độ hành hạ dân chúng.
Chỉ mong sáng mai sau khi thức dậy không thấy báo chí quốc tế đưa hình ảnh ông cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền quỳ gối trước dân oan như cảnh sát Ukraine quỳ gối xin lỗi trước người dân nước họ.

Mọi cái quỳ gối muộn màng đều có kết quả bi đát.



No comments:

Post a Comment

View My Stats