Posted by chepsuviet
on 05/02/2014
Chuyên cơ đưa Hồ Chí Minh về do
cơ trưởng Nhị, phi công Công Doãn Đường của đoàn bay 99, giàu kinh nghiệm, rất
quen thuộc đường bay điều khiển. Tối thứ bảy ngày 23 tháng 12 năm 1967, máy bay
đi vào vùng trời của sân bay Gia Lâm Hà Nội. Mùa đông, trời nhanh tối, việc hạ
cánh phải dựa vào đèn tín hiệu, khi xuống thấp, quan sát bằng mắt thường, phi
công nhận thấy đèn tín hiệu đường băng chệch 15 độ. Không dám hạ xuống, phi
công tiếp tục bay vòng và điện xuống hỏi lại để kiểm tra tín hiệu mặt đất.
Sau hai vòng lượn, thấy chỉ báo
dưới đất vẫn chệch, phi công trưởng quay sang báo cáo với nhóm hành khách (chỉ
có 2 người là thư ký Vũ Kỳ và Hồ Chí Minh). Vũ Kỳ hỏi lại có chắc là đèn báo
không chính xác không, phi công khẳng định là tín hiệu chỉ đường sai và thông
báo nhiên liệu sắp hết, thời gian cho phép của phòng không cũng sắp hết. Trong
hoàn cảnh chiến tranh, hành lang bay và khoảng thời gian bay đã được thông báo
cho lực lượng phòng không, không được phép kéo dài thời gian bay quá qui định.
Vũ Kỳ hỏi tiếp: có thể hạ cánh trực tiếp bằng mắt thường, không theo đèn không,
phi công đáp làm được. Thư kí Vũ Kỳ quyết định hạ lệnh cho tổ lái hạ cánh bằng
định hướng bằng mắt mình trong đêm tối, không theo hướng đèn báo. Máy bay đáp
xuống đường băng an toàn. Phi công reo lên: “An toàn rồi, anh ơi, mừng quá!”.
Hồ Chí Minh ngồi yên lặng hút thuốc như không nghe thấy gì. Ra khỏi sân bay mới
thấy Lê Duẩn, Lê Đức Thọ ra đón, một lúc sau có thêm Phạm Văn Đồng xuất hiện
(24,25).
Ngay tối trở về nước, mặc dù
vừa thoát hiểm trên đường và đã nghe Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Duẩn báo cáo
công việc đến khuya, trước khi đi ngủ Hồ Chí Minh gọi điện sang Văn phòng quân
ủy hỏi thăm sức khỏe Võ Nguyên Giáp đang ở nước ngoài và nhắc gửi thiếp và quà
cho hai vợ chồng Đại tướng đang ở Hungary: “Dịp Noel và Tết dương lịch bên
ấy như Tết ta ở bên mình. Tâm lý của người xa quê hương rất mong có một món quà
của Tổ quốc.” (26). Đây chắc chắn không phải việc tối quan trọng mà Chủ
tịch Đảng phải trực tiếp chỉ đạo quân đội làm vào đêm khuya ngay khi về nước.
Đây hoặc là giải pháp kiểm tra sự an toàn của tướng Giáp hoặc là lời nhắn gửi
để khẳng định thái độ quan tâm bảo vệ của đích thân Chủ tịch trong hoàn cảnh
rất hiểm nghèo lúc đó.
Ngày 28 tháng 12 năm 1967. Bộ
Chính trị tiến hành họp tại nhà riêng Hồ Chí Minh khi mọi quyết định cho cuộc
Tổng tấn công gần như đã xong, ông ngồi đầu bàn chủ trì họp nhưng Lê Duẩn báo
cáo toàn bộ vấn đề và quán xuyến việc thảo luận. Theo lời Vũ Kỳ, cuộc họp diễn
ra “kéo dài và căng thẳng”. Sau cuộc họp, Hồ Chí Minh vẫn tỏ ra lo lắng
nhưng Bộ Chính trị (không có Võ Nguyên Giáp) đã đề ra “nhiệm vụ trọng đại và
cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân,
toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát
triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để dành thắng
lợi quyết định” (27).
Lê Trọng Nghĩa có mặt tại chỗ
kể lại: trong cuộc họp Bộ Chính trị có nội dung chuẩn bị cử Lê Duẩn đi Liên Xô,
Trung Quốc tranh thủ ý kiến lãnh đạo các đảng anh em về cuộc tấn công sắp tới.
Vào giờ nghỉ giữa giờ, Trung – Chánh Văn phòng Trung ương báo cáo: “Anh Văn
(Võ Nguyên Giáp) gửi điện về báo cáo với Bác và Bộ Chính trị tha thiết xin về
nước làm việc vì sau vài tháng nghỉ ngơi, sức khoẻ đã tốt, mà công việc ở nhà
thì nhiều”. Lê Đức Thọ thủng thẳng nói: “Về làm gì? Mọi việc đã xong cả
rồi.” Lê Duẩn khéo léo đề nghị: “Nhân dịp tôi được cử đi làm việc ở Liên
Xô, Trung Quốc có lẽ cũng nên cử anh Giáp làm phó đoàn để làm việc với họ.
Không có ông Giáp, Liên Xô họ không nói chuyện với tôi đâu”.
Cách đề nghị như vậy vừa kết
tội tướng Giáp liên kết với Liên Xô, vừa chính thức duy trì tình trạng cách ly
ông này ngoài Việt Nam. Quả thực khi đoàn công tác kết thúc đợt làm việc ở nước
ngoài, Lê Duẩn về nước, để lại Võ Nguyên Giáp ở nước ngoài (cũng như Hồ Chí
Minh lúc đó), bị cô lập trong lúc cuộc tổng tiến công bắt đầu diễn ra quyết
liệt. (28)
Ngay sau khi bị bắt, đại tá Lê
Trọng Nghĩa, người nắm mọi bí mật quan trọng nhất của hệ thống tình báo chiến
lược yêu cầu được liên lạc với đại tướng Võ Nguyên Giáp, chỉ huy trực tiếp của
ông lúc đó đang đi nghỉ. Đại tá Lê Tiên – cục phó Cục Bảo vệ là người trực tiếp
tiến hành bắt giữ trả lời: “Ông Giáp đi nghỉ không phải để dưỡng bệnh mà là
nghỉ hẳn rồi”(29). Quân ủy Trung ương- cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng
trong quân đội đã bị xóa sổ đúng vào lúc chiến dịch quân sự quyết định sắp diễn
ra, là giải pháp dứt điểm giành quyền chỉ huy quân sự để hoàn tất việc chuẩn bị
cho đợt tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt. Tháng 1 năm 1968, Bộ Chính trị ra
quyết định loại Nguyễn Văn Vịnh ra khỏi Quân ủy trung ương.
Ngày 14 tháng 11 năm 1968, Bộ
Chính trị thành lập “Ban chỉ đạo điều tra” gồm 8 người: Trưởng ban Tổ chức
Trung ương Lê Đức Thọ, Bộ trưởng bộ Công an Trần Quốc Hoàn, Bí thư Trung ương
Lê Văn Lương, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Song Hào, Trưởng ban Kiểm tra
Trung ương Nguyễn Lương Bằng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Hoàng
Quốc Việt, Thứ trưởng bộ Công an Lê Quốc Thân, Nguyễn Khai. “Ban có nhiệm vụ
giúp Bộ Chính trị chỉ đạo điều tra, dự thảo kết luận, đề xuất xử lý các đối
tượng” (30 – trang 269). Hợp pháp hóa việc kết tội cho nhóm đối tượng mới,
ngày 30 tháng 10, ủy ban Thường vụ Quốc Hội do Chủ tịch Trường Chinh chủ tọa
thông qua sắc lệnh qui định hình phạt cho các tội trạng phản quốc, gián điệp,
và cung cấp bí mật quốc gia.
Lực lượng tham gia bắt giữ và
tra hỏi đối với các đối tượng dân sự do Bộ Công an do Trần Quốc Hoàn chỉ huy
với sự tham gia trực tiếp của Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị Bộ – Nguyễn Tài,
việc bắt giữ các quân nhân do tướng Song Hào chỉ đạo với sự thực hiện của lực
lượng bảo vệ quân đội do đại tá Kinh Chi chỉ huy.
Cuối năm 1967, Lê Đức Thọ đã
ban hành trong nội bộ hai báo cáo kết tội những nhóm người bất đồng chính kiến.
Bản thông báo thứ nhất được đưa ra sau đợt bắt bớ thứ nhất, thông báo tội trạng
của những người bị bắt và được sử dụng ngay để mọi thành viên trong Đảng “tự
kiểm điểm”. Giống như bài bản các đợt thanh trừng từng diễn ra ở Liên Xô dưới
thời Stalin và ở Trung Quốc trước đây, nội dung các kiểm điểm này được dùng để
kết tội và bắt một số người trong đợt đàn áp thứ hai.
Tiếp theo đó, biện pháp tương
tự cũng được áp dụng, tội trạng của những người mới bị bắt đợt hai được dùng để
“học tập”, “kiểm điểm” trong Đảng và quân đội và những lời phát biểu, nhận xét
trong thảo luận lại được dùng làm căn cứ để bắt và kết tội những nạn nhân mới
(31).
Cũng theo đúng bài bản các
chiến dịch thanh trừng nội bộ diễn ra ở Trung Quốc, các “tài liệu học tập” mặc
dù được tuyên truyền rộng rãi trong đảng nhưng văn bản được giữ bí mật tuyệt
đối để sau này không thể truy cứu trách nhiệm.
Tài liệu tuyệt mật, ghi chép
bài nói chuyện của Lê Đức Thọ với cán bộ cao, trung cấp về tình hình nhóm chống
Đảng sau vài tháng diễn ra cuộc đàn áp cho thấy có các ý kiến khác nhau của cán
bộ xung quanh chiến dịch này: “Trước đây nhiều anh em chỉ cho đơn giản là do
bất đồng quan điểm rồi có quan hệ với nước ngoài (…) Vì có ý kiến cho rằng vấn
đề của tụi này mới chỉ là vấn đề nội bộ trong đảng, chưa phải là vi phạm pháp
luật của nhà nước. Cho rằng chúng chống đảng nhưng vẫn còn yêu nước. Có anh em
thì nói đây là trao đổi tin tức giữa nước bạn với nhau chứ đâu phải là tình
báo,..” (32). Lê Đức Thọ nêu ra các tội trạng chính của nhóm chống Đảng là:
“phản động, phản tổ quốc” với chứng cớ chính là bản tài liệu “Chủ nghĩa giáo
điều của Việt Nam” do Minh Việt chấp bút dầy gần 40 trang đánh máy. Trong đó
nêu lên những ý kiến phê phán các chủ trương được coi là giáo điều của Đảng
trong chỉ đạo phát triển kinh tế ở miền Bắc và tổ chức chiến đấu ở miền Nam.
Một số phần được ông đọc để dẫn
chứng là tài liệu “phản động” như sau: về chiến tranh chống Mỹ, Minh Việt viết:
“Chủ nghĩa giáo điều tả khuynh đã dẫn đến việc đánh giá không đúng đắn tương
quan lực lượng giữa ta và địch ở Việt Nam cũng như trên trường quốc tế. Đề ra
những mục tiêu chiến đấu, phương châm chiến lược thiếu thực tế, bỏ lỏng các cơ
hội chấm dứt chiến tranh vào lúc có lợi nhất cho nhân dân Việt Nam, cũng như
cho phong trào cách mạng quốc tế, đưa lại cuộc chiến tranh ngày càng đi vào
nguy hiểm, và ngày càng đi vào bế tắc, càng không có lợi cho nhân dân Việt Nam…
điều này thể hiện trong sự phá sản của các nghị quyết 11, 12 của Trung ương
Việt Nam. Nói tóm lại đánh cũng khó mà hòa cũng khó. Thôi thì đành đánh thêm
nữa. Đó là cái thế lúng túng của Trung ương Việt Nam trong vấn đề trung tâm, cơ
bản nhất, nóng hổi nhất ở Việt Nam”.
Về phát triển kinh tế, tài liệu
viết: “Rõ ràng là chúng ta đã phạm sai lầm là đã không coi trọng đúng mức
việc xây dựng vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp. Chúng ta đã đặc biệt chú trọng
hợp tác hóa trước khi có điều kiện cần thiết cho việc đó. Việc hợp tác hóa
không có cơ sở vật chất và kỹ thuật cần thiết cho nó không phải là một sáng
tạo, mà là một sai lầm xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lê Nin. Sai lầm đó cộng với sai
lầm trong chính sách thu mua, giá cả, cộng với việc quản lý thiếu kinh nghiệm
do không đào tạo kịp cán bộ đã tạo cho nông dân thiếu phấn khởi sản xuất,… Đại
hội III của chúng ta đã đặt vấn đề phát triển nông nghiệp là tiền đề cho công
nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đôi quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp ở đây
được đặt đầu lộn xuống đất” (33).
Thực sự, các nội dung trong tài
liệu này cho thấy sự bất đồng chính kiến trong Đảng chứ không thể minh chứng
cho hành động “phản quốc”.
Ghi chép của một sỹ quan chỉ
huy quân đội nhân dân Việt Nam do quân Mỹ thu được trên chiến trường cho thấy
nội dung của một trong những tài liệu phổ biến về vụ Chống đảng như sau: “Những
kẻ phản bội này gieo rắc mối bất hòa trong Đảng và làm suy yếu thống nhất trong
quân đội chúng ta. Mục tiêu của những hành động lén lút của chúng rõ ràng là
hình thành các phe nhóm chống Đảng ta, Đảng Lao động Việt Nam. Chúng cố ý phân tích
sai, phê phán thiên lệch, và đánh giá có hại trong Bộ Chính trị để gây chia rẽ
trong Lãnh đạo Đảng. Chúng đã tạo được lòng trung thành của một số cán bộ cao
cấp của một số Bộ ngành, kể cả ở nước ngoài… Chúng cố ngăn cản cuộc phản công
của chúng ta với quân thù. Chúng cố ngăn cản Đảng bộ Miền Nam triển khai Nghị
quyết 9. Chúng cho rằng trong 20 năm qua, đường lối chủ trương của Đảng ta bị
ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo điều và kế hoạch chống Mỹ cứu nước là thiển cận.”
(34).
Một tội danh khác mà Lê Đức Thọ
kết cho những người trong vụ án này là hoạt động tình báo: “Có thể nói tổ
chức tình báo này là một tổ chức chính trị nằm trong Đảng. Người hoạt động cho
tổ chức đó lại là một số cán bộ, đảng viên. Nó là một tổ chức phản động, đồng
thời lại là một mạng lưới tình báo, hai cái đó gần như không có ranh giới. Mọi
tin tức nó đều lấy rất dễ, khác với mọi tình báo của bọn đế quốc (…) Còn đây là
một tổ chức chính trị có cơ sở tư tưởng gồm một số là cán bộ, đảng viên nằm
trong Đảng nên hoạt động tình báo rất dễ (…) Có thể nói yêu cầu của họ là tìm
hiểu toàn bộ tình hình về chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước,
tìm hiểu những quan hệ của Đảng ta với Đảng này, Đảng kia. Từ nghị quyết 9 cho
đến nghị quyết 13 không còn cái nào là không lọt ra bên ngoài...” (35).
Lời buộc tội này cũng vu vơ từ
nội dung đến chứng cớ nhưng trong bầu không khí chiến tranh, các tội danh gián
điệp, phản bội, tiết lộ bí mật quân sự là đòn tâm lý quan trọng dồn sự thù hận,
nghi ngại của nhân dân để cô lập những người vốn là đồng đội, là cấp trên họ.
Thông báo về vụ án cho biết:
“Chúng (nhóm xét lại – chống đảng) tìm cách lấy cắp tài liệu mật của chúng ta.
Chúng lợi dụng sự mất cảnh giác của cán bộ ta để thu thập thông tin mật về kế
hoạch quân sự, đề án kinh tế, và về viện trợ quốc tế của các nước anh em cho
cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (36).”
Tài liệu “Những hoạt động của
một số thế lực phản động và thù địch”, của Trung ương Đảng phổ biến tháng Tư
năm 1994 giải thích rằng vào tháng Bảy 1967, Hoàng Minh Chính và những người
dính líu đến vụ chống Đảng bị phát hiện là tìm ra cách gửi biên bản mật về một
cuộc hội đàm Việt-Trung ra nước ngoài, vì lí do này, bộ phận an ninh bắt Hoàng
Minh Chính và ba người khác (37, 38). Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm ủy
ban Thống nhất TW Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh trong cuộc thảo luận với Đại sứ
Liên Xô Secbacob ngày 13/6/1967 cũng bàn về qui mô viện trợ của Trung Quốc cho
Việt Nam (39). Nguồn tài liệu từ Đông Đức cho thấy nguồn tin từ Việt Nam đã cho
Liên Xô biết về tiến trình đàm phán Trung Quốc – Việt Nam (40).
Trần Quỳnh trợ lý của Lê Duẩn
kể về nội tình lúc đó: “Tình báo của Trung Quốc cũng như của Liên Xô đầy dẫy
khắp nơi. Ngoài ra nhiều đảng viên không làm tình báo cho Trung Quốc và Liên Xô
vô tình, vì tình cảm của mình mà lộ ra cho biết việc nhà của Đảng ta. Mạng lưới
tình báo ấy có hiệu quả đến nỗi những cuộc họp của Bộ chính trị ở số 4 Nguyễn
Cảnh Chân diễn ra thì trong ngày tin tức về nội dung cuộc họp đã đến tai Liên
Xô và Trung Quốc. Nếu là vấn đề quan trọng thì trong ngày trên bàn làm việc của
lãnh đạo mỗi nước đều có báo cáo” (41).
Tuy những người quan hệ mật
thiết với Trung Quốc ở Việt Nam cũng thường xuyên trao đổi các thông tin về
quan hệ Việt Nam Liên Xô cho Trung Quốc nhưng tội trạng này chỉ nhắm vào những
người cung cấp thông tin về Trung Quốc cho Liên Xô.
Trong điều kiện Liên Xô đang
đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Việt Nam, theo báo cáo của sứ quán Liên Xô tại Hà
Nội cuối năm 1967, có tới 1.165 chuyên gia quân sự của Liên Xô tại Việt Nam có
trách nhiệm bảo trì các loại vũ khí hiện đại. Ngoài việc vận hành máy bay, tên
lửa, còn có một nhóm đặc biệt chuyên nghiên cứu và thu thập mẫu vũ khí của Mỹ
và đánh giá hiệu quả vũ khí của Liên Xô. Từ tháng 5 năm 1965 đến đầu năm 1967,
các tình báo viên kỹ thuật này đã gửi về Liên Xô 700 mẫu trang thiết bị quân sự
Mỹ và đưa ra nhiều phương án cải tiến trang bị của Liên Xô cho phù hợp với vũ
khí của đối thủ (42).
Các hoạt động trên không thể
không dựa trên sự phối hợp chặt chẽ của các đồng nghiệp Việt Nam, nhất là những
chuyên gia kỹ thuật, sỹ quan được đào tạo từ Liên Xô. Vì vậy, không khó khăn để
thu thập chứng cứ qui kết tội “liên hệ, cung cấp thông tin quân sự bí mật cho
nước ngoài” cho các đối tượng này.
Việt Nam phải dựa hẳn vào các
nguồn cung cấp từ bên ngoài cho cả hoạt động kinh tế lẫn quốc phòng, việc trao
đổi thông tin về tình hình viện trợ với các đồng minh thân cận là điều thực sự
bình thường. Ngay cả việc trao đổi thông tin tình báo chiến trường cũng là
nghĩa vụ giữa các đồng minh.
Trần Quỳnh kể lại lý do đợt đàn
áp này như một chiến dịch chống lại âm mưu của những người thân Liên Xô đang
đào tạo tại Liên Xô định thay đổi lãnh đạo của Đảng với mục tiêu đưa Võ Nguyên
Giáp lên:
“Không tán thành đường lối
chống xét lại của Đảng ta, một số cán bộ cao cấp và trung cấp theo học ở trường
Đảng cao cấp Liên Xô và trường quân sự cao cấp Liên Xô bàn kế hoạch chống lại
đường lối của Đảng. Họ lập một nhóm vận động thành lập một tổ chức lấy việc
thay đổi Bộ chính trị làm mục tiêu. Họ nhắm vào những người không đồng tình với
Nghị quyết 9, trước hết là những sĩ quan cao cấp trong quân đội và những ủy
viên trong Trung ương. Trong tổ chức đó có Đặng Kim Giang, Lê Liêm. Theo lời
khai của Đặng Kim Giang thì linh hồn của tổ chức là Võ Nguyên Giáp. Họ liên lạc
với Đại sứ Liên Xô hồi đó là Secbacốp, một sĩ quan tình báo hướng dẫn họ. Khi
nghe Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn báo cáo về vai trò của Võ Nguyên Giáp cho tổ
chức chống Đảng này, Lê Duẩn nói trước đây Giáp là người không đáng tin cậy lắm
tuy được Bác Hồ rất cưng vì khéo nịnh” (43).
Theo lời kể này, thì hai nhân
vật tổ chức chiến dịch đàn áp là Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn đã báo cáo với Lê
Duẩn nội dung vụ án như sau: kẻ thủ mưu chính là Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí
Minh che chở, lực lượng lật đổ sẽ từ bên ngòai vào do tình báo Liên Xô xúi dục,
thông qua tay trong là cán bộ quân đội cao cấp Việt Nam. Điều đáng chú ý nhất,
theo lập luận của Thọ và Hoàn thì mục tiêu chính của âm mưu này là dành quyền
hành của Lê Duẩn, do Liên Xô (đồng minh thân cận mà Duẩn muốn dựa vào) hỗ trợ.
Liên Xô muốn lật đổ Duẩn thay bằng Giáp. Vì vậy mọi hành động đàn áp của họ đều
nhằm bảo vệ quyền lực cho Lê Duẩn. Muốn xử lý vụ này tất phải đánh từ trên đánh
xuống, chí ít cũng phải bao vây cô lập sự hỗ trợ của cấp trên và từ bên ngoài.
Lập luận này rất thiếu căn cứ.
Tất cả những nhân chứng, vật chứng đều ở nước ngoài, căn cứ chính là các “lời
khai” do cán bộ điều tra chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên đúng lúc Lê Duẩn đang rối bời
trong Chiến dịch Tổng tiến công diễn ra bất lợi, trong tâm lý nghi ngại, bất
đồng sẵn có của Lê Duẩn với tư tưởng xét lại của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp,
trong khi biết rằng cả Liên Xô và Trung Quốc không ai thực sự ưa mình, Lê Đức
Thọ và Trần Quốc Hoàn không phải thuyết phục nhiều cũng được Lê Duẩn giao cho
toàn quyền hành động. Vũ Thư Hiên trong hồi ký cũng cho rằng Lê Đức Thọ đã lái
Lê Duẩn đi chệch hướng với câu chuyện về âm mưu của Liên Xô (44 – trang 297).
(Còn tiếp)
—-
Chú thích:
24. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu
Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
25. Bài nói chuyện của nhà văn
Sơn Tùng ngày 11/4/2001 tại trường Quản Lý Giáo dục của Bộ Giáo dục – đào tạo.
26. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu
Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
27. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu
Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
28. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa
công bố.
29. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa
công bố.
30. Biên niên sự kiện lịch sử
lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
31. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa
công bố.
32. Đồng chí Lê Đức Thọ Ủy viên
Bộ Chính trị Trung ương Đảng Thông báo với cán bộ cao, trung cấp về tình hình
nhóm chống Đảng chiều 17/2/1968.
33. Đồng chí Lê Đức Thọ Ủy viên
Bộ Chính trị Trung ương Đảng Thông báo với cán bộ cao, trung cấp về tình hình
nhóm chống Đảng chiều 17/2/1968.
34. “Allegd Coup d’Etat plot in
Hanoi: 1967, December 1967” Folder 20, Box 1, DP: Unit 06, VA. Đoạn trích trong
so tay của một trung đội trưởne tên là Trường thuộc đại đội 11, tiểu đoàn 30, Trung
đoàn Thủ Đô, QĐNDVN, ghi lại nội dung cuộc họp của Trường tại Hà Nội 21/12/.
35. Nicholas V. Riasanovsky, A
History of Russia, Oxford: Oxford University Press, 2005, 530-1
36. “Allegd Coup d’Etat plot in
Hanoi: 1967, December 1967” Folder 20, Box 1, DP: Unit 06, VA. Đoạn trích trong
so tay của một trung đội trưởne tên là Trường thuộc đại đội 11, tiểu đoàn 30,
Trung đoàn Thủ Đô, QĐNDVN, ghi lại nội dung cuộc họp của Trường tại Hà Nội
21/12/.
37. Sophie Quinn Judge. The
Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair,
1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh
hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ
chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt
đăng trên talawas.
38. Judy Stowe, “Revisionisme”
au Vietnam. Communisme, no. 65-66 2001.
39. Liên Hằng T. Nguyễn. The
war politburo: North Vietnam’s Diplomatic and Political Roard to the Tết
Offensive.
40. Gossheim, “Revisionism in
the Democratic Republic of Vietnam” 451-452.
41. Hồi ký Trần Quỳnh: Những Kỷ
niệm về Lê Duẩn (http://danchuonline.multiply.com/journal/item/47).
42. Ilya V. Gaiduk Liên bang Xô
Viết và chiến tranh Việt Nam.
43. Hồi ký Trần Quỳnh: Những Kỷ
niệm về Lê Duẩn (http://danchuonline.multiply.com/journal/item/47).
44. Vũ Thư Hiên. Đêm giữa ban
ngày; hồi ký chính trị của một người không làm chính trị Westminster, CA Văn
nghệ 1997.
–
-------------------------------------------
No comments:
Post a Comment