Posted by chepsuviet
on 03/02/2014
Giới thiệu: Nhân
những ngày ghi dấu hàng loạt sự kiện, kỷ niệm như Chiến dịch/Thảm sát Mậu Thân
68′, 84 năm thành lập ĐCSVN, tướng Giáp vừa qua đời, tướng Thanh vừa 100 năm
ngày sinh … xin trích đăng nội dung liên quan trong một cuốn sách viết về hai
phe phái- gọi là “xét lại” và “giáo điều” bên trong Đảng
LĐVN/CSVN, chưa được chính thức xuất bản, để có thêm khơi gợi cho việc làm sáng
tỏ những bí ẩn, khuất lấp của lịch sử.
Một khi biết thêm những hành
động tàn độc, không từ một thủ đoạn nào của các phần tử chóp bu cộng sản VN đối
với nhau, thì sẽ dễ lý giải hơn cho nghi án tàn sát dân lành mà họ không tránh
khỏi vai trò như kẻ chủ mưu có bàn tay không vấy máu.
Biết thêm những bất hạnh, bất
lực của vài nhân vật mà nhiều người vẫn coi như thần tượng, hẳn họ sẽ thấy nhẹ
lòng hơn; song nếu suy nghĩ cho kỹ thêm, sẽ nhận ra tất cả chỉ như trong một
băng đảng giang hồ, cũng có kẻ gian manh tàn ác, kẻ có chút ít lương tâm … Cái
khó cho rất nhiều người còn mơ hồ ở chỗ họ phải nhận diện một “băng cướp vĩ
đại”, không chỉ cướp của, mà còn cướp cả chính quyền, không chỉ giết người, mà
còn hủy hoại nhiều thế hệ và tương lai cả dân tộc.
*
Năm 1968, sau những gì xảy ra ở
miền Bắc (sai lầm của cải cách ruộng đất, hợp tác hóa, cải tạo công thương
nghiệp tư bản, tư doanh, vụ “nhân văn giai phẩm”,…), người dân đã hiểu rằng
tinh thần đoàn kết, quên mình vì sự nghiệp dân tộc trong chiến tranh của họ sẽ
được đền đáp bằng đấu tranh giai cấp tàn khốc sau khi cách mạng thành công. Do
đó, sự tin tưởng, nhiệt tình tham gia sẵn sàng đóng góp cho sự nghiệp chung
chuyển thành thái độ nghi kị, bàng quan của nhân dân trước các biến động xã
hội.
Chứng cớ là cho đến năm 1975,
tại một số thành phố lớn như Buôn Mê Thuột, Đà Nẵng, Sài Gòn,… khi lực lượng
Việt Nam Cộng hòa rút lui còn diễn ra cảnh di tản thương tâm của gia đình binh
sỹ, người tham gia chính quyền Sài Gòn và cả dân thường. Ngay cả khi lực lượng
vũ trang chủ lực của quân Giải phóng miền Nam đã hoàn toàn áp đảo quân đội Việt
Nam Cộng hòa, các đợt tấn công quân sự đã giành toàn thắng với khí thế thần tốc thì tại các
đô thị miền Nam, nhân dân đổ ra đường vẫy chào quân giải phóng nhưng quần chúng
không nổi dậy giành chính quyền trên qui mô lớn. Cho đến khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu
hàng, cả ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, lực lượng vũ trang cách mạng cũng là
đối tượng tiếp quản công sở địch mà không do nhân dân nổi dậy giành chính quyền.
Rõ ràng những lập luận duy ý
chí để đi đến quyết định tổng tấn công và nổi dậy vào năm 1968 là của nhóm lãnh
đạo giáo điều do Lê Duẩn chỉ huy. Hoàng Tùng khẳng định: “Người đưa ra sáng
kiến này là đồng chí Lê Duẩn, sau khi đã trực tiếp chỉ đạo mọi mặt công tác ở
miền Nam… Đồng chí Lê Duẩn trực tiếp chỉ đạo mọi công tác chuẩn bị chiến dịch
này ở cả hai miền cùng với Quân uỷ Trung ương và Trung ương Cục miền Nam”
(1). Tạp chí lịch sử Xưa và Nay cho rằng đồng tác giả của chiến dịch này là một
số nhân vật khác trong Trung ương Cục Miền Nam như Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng,
Nguyễn Văn Linh và Trần Văn Trà (2).
Vũ Kỳ cho biết ngay khi họp lần
thứ nhất bàn kế hoạch này, Hồ Chí Minh đã không đồng ý tổng tiến công và nổi
dậy mà chỉ chủ trương “tập kích chiến lược rồi rút ngay”, Võ Nguyên Giáp
cũng chủ trương như vậy (3). Như vậy, để tránh được sự tranh luận gay gắt với
những người hiểu biết vả kiên quyết bảo vệ quyền lợi chung như Hồ Chí Minh và
Võ Nguyên Giáp, mũi tấn công vào nội bộ Đảng phải có thêm nhiệm vụ nữa là loại
bỏ mọi đối thủ có ý kiến trái với quyết định tổng tấn công, muốn vậy, mũi này
phải đi trước một bước.
Để chuẩn bị cho đòn đảo chính
nội bộ, “bộ phận chuyên án X77” bắt đầu gán tội lật đổ, gián điệp,… cho
nhóm cán bộ xét lại:
“Nhóm ‘trung tâm lãnh đạo’ đề
ra mục đích đấu tranh làm thay đổi đường lối của Đảng, tiến đến lật đổ cơ quan
lãnh đạo của Đảng, lập ra Ban chấp hành Trung ương mới theo đường lối xét lại
(…) chúng soạn thảo tài liệu ‘Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam’ là tài liệu tuyên
truyền, là cương lĩnh chống Đảng, chống cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của
nhân dân ta. Chúng thường xuyên liên lạc với nước ngoài và cung cấp cho nước
ngoài nhiều tài liệu bí mật, tuyệt mật về nội bộ Đảng; các Nghị quyết 9, 10,
11,12, kể cả các văn bản hội đàm bí mật của lãnh đạo Đảng ta với các Đảng anh
em,…” .(4 – trang 267).
Khoảng giữa năm 1967, Ban Tổ
chức Trung ương do Lê Đức Thọ nắm giữ ra chỉ thị cho các cơ quan quan trọng
nhất thường làm việc với Hồ Chí Minh rằng vì lý do “bảo vệ sức khoẻ Chủ
tịch”, những công việc xưa nay trực tiếp báo cáo và nhận chỉ thị từ Hồ Chí Minh,
sẽ chuyển sang làm việc với Lê Duẩn (5).
Tháng 6-7 lan truyền tin đồn
trong các cấp lãnh đạo cao cấp rằng các cố gắng thương lượng đã thất bại, Hồ
Chí Minh sẽ đi Trung Quốc nghỉ và Nguyễn Chí Thanh sẽ thay Hồ Chí Minh. Một
cuộc vận động chính trị được tiến hành tập trung vào bộ phận lãnh đạo cao cấp
của quân đội để khẳng định quyết tâm đánh Mỹ đến cùng. Không ai được nói đến
chuyện thương lượng (6).
Ngày 6/7/1967, Nguyễn Chí Thanh
chết một cách bất ngờ khi chuẩn bị lên đường vào Nam. Theo tin chính thức,
nguyên nhân dẫn đến cái chết là bệnh nhồi máu cơ tim. Sau khi tắm ở nhà, thấy
mệt, tướng Thanh đến Bệnh viện quân đội 108, và tự đi bộ leo thang gác đến nơi
khám bệnh, từ chối mọi người định cáng ông đi. Theo lời kể của bà Cúc, vợ
Nguyễn Chí Thanh, ông này không phải chết vì bệnh tim mà chết trong một đêm trở
bệnh do những lý do khó giải thích sau một ngày họp liên tục (7).
Lê Trọng Nghĩa, người còn làm
việc với Nguyễn Chí Thanh hôm trước kể rằng cách đó hai hôm, để chuẩn bị cho
tướng Thanh vào Nam, Võ Nguyên Giáp làm việc với Nguyễn Chí Thanh về chiến lược
chiến tranh. Sau rất nhiều năm bất đồng về đường lối, lần đầu tiên hai nhà chỉ
huy đứng đầu quân đội tỏ ra thống nhất với nhau. Sau buổi họp thành công, hai
người ăn cơm, uống rượu với nhau rất thân thiết, thấy vậy anh em cán bộ mừng
rỡ, chạy sang Cục Quân báo gọi sỹ quan chụp ảnh sang ghi lại hình ảnh đoàn kết
này (8).
Tướng Đặng Kim Giang lại kể
rằng, trong các cuộc tra hỏi ngay sau khi bị bắt, một câu hỏi nhắc đi nhắc lại
là có phải ông là người tổ chức giết tướng Thanh không, lập luận là các bác sỹ
trong Bệnh viện quân đội 108, vốn là cấp dưới trực tiếp của tướng Giang (phụ
trách Tổng cục Hậu cần trước đây) và cho tới khi đến bệnh viện, sức khỏe của
Nguyễn Chí Thanh còn rất tốt, mà sau đó lại chết rất nhanh.
Nguyễn Văn Trấn cho hay, Bùi
Công Trừng cho rằng Lê Đức Thọ từ trước đó đã có âm mưu lấy Nguyễn Chí Thanh
thay thế Hồ Chí Minh (9 – trang 328). Theo ám chỉ của Hoàng Văn Hoan, thì
Nguyễn Chí Thanh bị Lê Duẩn tiến hành ám sát (9)a. Điều đáng nói là bác sỹ
Thuận, người chuyên chăm sóc ông, sau này đã đảm nhiệm vai trò bác sỹ riêng của
Lê Đức Thọ (10).
Nếu sự ra đi của Nguyễn Chí
Thanh là không bình thường thì cả hai phía xét lại và giáo điều đều có lí do
muốn loại bỏ ông. Vào cuối năm 1966, Võ Nguyên Giáp có vẻ giành ưu thế trong cuộc tranh
luận về chiến lược quân sự với Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên một người thiển cận
nhất cũng dễ dàng nhận thấy, cái chết này sẽ làm lệch cán cân lãnh đạo quân sự
trong Bộ Chính trị đang do nhóm giáo điều chiếm đa số và nắm quyền lực. Rõ ràng
họ không thể để xảy ra nguy cơ tuột khỏi tay quyền chỉ huy quân sự đúng vào lúc
cuộc tổng tấn công và nổi dậy mà họ dầy công chuẩn bị sắp nổ ra. Loại bỏ Nguyễn
Chí Thanh vào thời điểm này tỏ ra không phải là cách nhóm xét lại muốn làm.
Nhìn ngược lại, từ phía nhóm
giáo điều, ván cờ có vẻ đã đi từng bước chặt chẽ: Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp
sẽ bị đưa ra nước ngoài, toàn bộ cán bộ ủng hộ họ đã nằm trong vòng ngắm. Kế hoạch
tổng tấn công bất ngờ sẽ giành chiến thắng quyết định trên chiến trường. Cả lực lượng vũ trang và
quyền định đoạt chiến lược quân sự cũng như lãnh đạo Đảng và chính quyền sẽ nằm
trong tay nhóm lãnh đạo của Lê Duẩn, chiến thắng tuyệt đối này không cần chia
sẻ với một nhân vật có uy tín cao trong Đảng và có khả năng tranh chấp quyền
lực trong quân đội như Nguyễn Chí Thanh.
Đây là cách xử lý của Mao Trạch
Đông với Bành Đức Hoài năm 1959 và Lâm Bưu năm 1971. Trong thực tế Tổng tham
mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã sát cánh với Lê Duẩn tham gia trực tiếp vào việc
xây dựng kế hoạch Tấn công Mậu Thân. Nếu mọi việc diễn ra theo kế hoạch trên
thì sau đó số phận Võ Nguyên Giáp cũng đã được định đoạt.
Đặng Quốc Bảo kể lại: trước khi
vào Nam, cũng là trước khi chết, Nguyễn Chí Thanh có nói về một âm mưu đảo
chính đang được nhen nhóm ở Hà Nội. Theo cách diễn giải thì người ta dễ liên
tưởng đến nhóm xét lại và vụ án được đưa ra sau đó, tuy nhiên, cuộc “đảo chính”
này đã xảy ra ngoạn mục lúc đó lại do chính nhóm giáo điều tiến hành. Những gì
xảy ra với Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và đông đảo các cán bộ, chiến sỹ, đảng
viên thuộc nhóm xét lại cho thấy nhóm giáo điều có thể đi đến đâu trong việc xử
lý các “đồng chí” khác quan điểm, hoặc khác lợi ích. Cuộc đảo chính năm 1967
chỉ là một sự kiện bình thường trong lịch sử phong trào cộng sản. Những người giáo điều luôn là
những người dám đi tới cùng trong việc “đấu tranh giai cấp” vô nhân đạo và phi
pháp với đồng đội và nhân dân ở Liên Xô thời Stalin, ở Trung Quốc với Mao Trạch
Đông, ở Cămpuchia với Pônpốt… và trước đây ở Việt Nam trong cải cách ruộng đất
và chỉnh đốn tổ chức của Trường Chinh.
Ngày 18 tháng 7 năm 1967, tại
Bắc Kinh, Chủ tịch Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ cùng vợ bị các
cán bộ trong Ban thư ký của Hội đồng Tổng lý bắt ra đấu tố đánh đập, cùng bị
đấu tố là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và vợ. Mao Trạch
Đông và “nhóm bốn người” đã chính thức bật đèn xanh cho cuộc đảo chính lật đổ
chính thể hợp hiến ở Trung Quốc, nhân danh cuộc đấu tranh với nhóm 61 cán bộ
lãnh đạo đảng can tội “chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội”.
Đúng lúc ấy, ở Việt Nam, đòn mở
màn cho chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy diễn ra giành chính quyền không phải ở
Sài Gòn mà ở Hà Nội. Chiến dịch đàn áp nhóm “xét lại-chống Đảng” lần này không
những rộng hơn nhiều so với chiến dịch thanh trừng phái hữu và vụ báo Quân đội
Nhân dân năm 1964 mà còn làm thay đổi kết cấu tổ chức và hệ thống quyền lực của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 27 tháng 7 năm 1967, Viện
trưởng Viện Triết học Hoàng Minh Chính và một nhóm giáo sư và nhà báo bị lực lượng
công an bắt. Tài liệu của bộ Công an viết: “Phát hiện họ lấy cắp biên bản
hội đàm Việt – Trung để chuyển cho nước ngoài, Bộ Chính trị quyết định cho bắt
4 tên Hòang Minh Chính, Trần Kim Châu, Phạm Việt, Hoàng Thế Dũng (trung tá quân
đội). Khám xét nơi ở của những tên bị bắt, ta thu được nhiều tài liệu chống
Đảng, trong đó có bản gốc ‘Chủ nghĩa giáo điều ở Việt Nam’ do nhóm ‘trung tâm
lãnh đạo’ soạn thảo” (11- trang 267-268).
Cuộc vận động học tập chính trị
trở thành vụ án “Xét lại chống đảng”. Đảng ra thông báo số 1 về nhóm chống Đảng
và tiến hành đợt kiểm điểm lớn trong Đảng.
Ngày 5 tháng 9 năm 1967, Chủ
tịch Hồ Chí Minh và thư ký riêng Vũ Kỳ được đưa sang Bắc Kinh “dưỡng bệnh”. Mới
trước đó ít lâu, ông vừa kiểm tra sức khỏe và điều dưỡng ở Tùng Hóa, Trung Quốc
(từ ngày 14 tháng 4 năm 1967 đến tháng 6 năm 1967 trở về Hà Nội) (12). Tài liệu
của Hungary cho biết Võ Nguyên Giáp ở Hung sớm nhất từ 14 tháng 10, cùng với
con trai của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm để điều trị y tế (13), ông
đã nghỉ luôn việc chỉ đạo công việc ở Việt Nam (14). Đại diện cho cánh xét lại
đã ra đi. Thực tế Bí thư Lê Đức Thọ đã vào làm việc trực tiếp với Tổng quân ủy
(15).
Hồ Chí Minh sang Trung Quốc lần
này từ 10 tháng 9 năm 1967 đến 23 tháng 12 năm 1967 lần này không điều trị ở
suối nước nóng Tùng Hóa như mọi khi, mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa
ông về Bắc Kinh. Với lý do Trung Quốc đang xảy ra biến động lớn với cuộc “Đại
cách mạng văn hóa”, họ không bố trí ông ở trong nội thành Bắc Kinh, mà nghỉ tại
“khu nghỉ dưỡng của Trung ương” ở ngoại thành Bắc Kinh, cách Bắc Kinh 70 km.
Trương Đức Duyb,
nhân vật được giao làm “thư ký của nhóm bác sĩ Trung Quốc chăm sóc Chủ tịch
Hồ Chí Minh” từ 1967 đến 1969 kể: “để bảo đảm an toàn, Bác phải hạn chế
đi lại. Tâm trạng Bác lúc đó buồn lắm, Bác cảm thấy như thiếu thốn một điều gì
rất ghê gớm. Lúc đó Bác hỏi tôi: “Đồng chí Trương Đức Duy này, cổng trước thì
kín rồi, cổng sau có gì không”.
Đồng chí Trương Đức Duy trả
lời: “Thưa Bác, cổng sau cháu cũng chưa đi, không biết có gì không?”.
Nghe đồng chí Trương Đức Duy
trả lời xong, Bác nói: “Chiều nay tôi với chú và mấy anh em ta cùng đi luôn
xem thế nào”.
… Lệnh của Trung ương là phải
giữ an toàn tuyệt đối cho Bác. Thế nhưng Bác lại là người mà ông vô cùng ngưỡng
mộ. Chẳng biết làm thế nào, cuối cùng ông cũng chiều theo ý Bác.
Khi Bác và ông Trương Đức Duy
ra cổng phía sau ngôi nhà, thấy cỏ cây um tùm rậm rạp, Bác nói: “Ta cứ đi chú
à”.
Sau khi đi hết một quãng cây
cối um tùm rậm rạp, trước mắt Bác và đồng chí Trương Đức Duy mở ra một cánh
đồng rất đẹp, không xa là một ngôi làng của người bản địa. Trước cảnh đẹp nên
thơ như vậy, Bác liền đọc hai câu thơ:
“Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn”
(Dịch nghĩa: Nơi sơn cùng thủy
tận này tưởng rằng không còn đường nữa. Trong khung cảnh bị cây liễu che phủ,
tối mờ mờ có điểm một vài bông hoa, bỗng phía trước xuất hiện một thôn nhỏ)
(16).”
Bị đưa đến một nơi “sơn cùng
thủy tận không còn đường ra”, không phải là cơ sở y tế, nằm trong bốn bức
tường khóa chặt, không được ra ngoài, không giao tiếp, suốt hơn 2 tháng chỉ có
một số bác sĩ giỏi như Tôn Chấn Hoàn, Dương Khắc Cần, Quách Trung Hòa đến khám
sức khỏe (17) là cách “chữa bệnh” cho Hồ Chí Minh ở Trung Quốc năm đó.
Cuối tháng 7, khi kế hoạch tác
chiến Đông Xuân đã được chuẩn bị lại, một số cán bộ thân cận của Võ Nguyên Giáp
được điều ra mặt trận. Nguyễn Văn Vịnh vào miền Nam, Đại tá Đỗ Đức Kiên đi cùng
để phổ biến kế hoạch tổng tấn công và nổi dậy. Nguyễn Chí Thanh nếu còn sống,
theo kế hoạch, cũng sẽ vào Nam lúc này, Phạm Hùng được cử đi thay. Các tướng
lĩnh phụ trách chiến trường như Lê Đức Anh, Trần Văn Trà, Cao Văn Khánh, Nguyễn
Năng, Lê Chưởng,… được triệu tập ra Hà Nội bàn kế hoạch mới. Một tài liệu của
bài nói chuyện của tướng Vịnh bị đối phương bắt được ở khu 5 nói về chủ trương
vừa đánh vừa đàm khiến cho phía Mỹ cân nhắc phải chăng lãnh đạo Việt Nam tính
đến việc chuyển hướng (18) ?
Vẫn dưới danh nghĩa được Bộ
Chính trị cho phép, lực lượng công an tiến hành đợt bắt bớ lần thứ 2 ngày 18
tháng 10 năm 1967 nhắm vào một số quan chức cao cấp như Thứ trưởng, Bí thư Đảng
đoàn Bộ Nông trường Quốc doanh Đặng Kim Giang, Vụ trưởng vụ Lễ tân Bộ Ngoại
Giao (cựu thư kí của Hồ Chí Minh) Vũ Đình Huỳnh, Trần Minh Việt, Phạm Kỳ Vân,
Nguyễn Kiến Giang, Phùng Văn Mỹ. Họ được coi là “những tên cầm đầu tổ chức
và cung cấp tài liệu” (19- trang 268). Lúc này thông báo số 2 của Đảng được
ban hành và học tập rộng rãi.
Những người bị bắt bị đưa vào giam
ngay tại nhà tù Hỏa Lò nằm ở giữa Hà Nội. Các biện pháp khủng bố như giam cấm
cố trong bóng tối, cùm chân tay liên tục,…, được áp dụng trong các cuộc thẩm
vấn đầu tiên cho những nạn nhân của cả hai đợt bắt bớ trên để tìm cho ra lời
khai cho một kịch bản ám sát Nguyễn Chí Thanh, liên hệ với sứ quán Liên Xô để
tổ chức đảo chính,… và đều phải có mối liên hệ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhóm giáo điều muốn nhanh chóng xác lập chứng cớ để loại bỏ hoàn toàn và vĩnh
viễn ngay lập tức các nhà lãnh đạo xét lại ở cấp cao nhất.
Ngày 20 đến 25 (có tài liệu ghi là 24) tháng 10 diễn ra cuộc họp của Bộ
Chính trị bàn cụ thể chủ trương và kế hoạch Tổng tấn công năm 1968. Có 2 ủy viên Bộ Chính trị vắng mặt là Võ Nguyên
Giáp, trong biên bản ghi “vì lý do sức khỏe, chữa bệnh ở nước ngoài” và
Lê Duẩn (đi dự lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười tại Mascơva (20). Hồ Chí
Minh cũng không có mặt vì đang ở Trung Quốc. Các ủy viên Bộ Chính trị tham dự
có: Trường Chinh (chủ trì), Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Văn
Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ. Các ủy viên trung ương và Quân ủy Trung
ương tham dự có: Tố Hữu, Lê Văn Lương, Song Hào, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Quí Hai.
Tại cuộc họp, Văn Tiến Dũng đã trình bày Kế hoạch chiến lược Đông-Xuân-Hè năm
1968 (21- trang 89), Bộ
Chính trị đã quyết định chọn thời điểm mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là
tết Mậu Thân 1968.
Tháng 12, năm 1967, diễn ra đợt
bắt bớ lớn thứ 3 do lực lượng bảo vệ trong quân đội tiến hành nhắm vào những sỹ
quan thân cận của tướng Giáp trong tổ chức quyền lực nhất của quân đội – Quân
ủy Trung ương. Lúc này công tác chuẩn bị cho chiến dịch đã chuyển vào triển
khai tại Ban chỉ huy các chiến trường.
Trong khi Bí thư Quân ủy Trung
ương Võ Nguyên Giáp không có mặt, tướng Nguyễn Văn Vịnh đóng vai trò thường
trực Quân ủy bị cách ly ngay khi từ chiến trường về. Toàn bộ cán bộ thân cận
nhất của Võ Nguyên Giáp bị quét sạch trong đợt này gồm có đại tá Lê Trọng Nghĩa
cục trưởng Cục Quân báo là người phụ trách tình báo của Trung ương Cục miền
Nam, đại tá Đỗ Đức Kiên phó tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân, đại tá
Lê Minh Nghĩa chánh văn phòng Bộ Tổng tham mưu, đại tá Nguyễn Văn Hiếu chánh
văn phòng quân ủy trung ương, Trung tá Nguyễn Hoàng, thư ký văn phòng Quân ủy
Trung ương và là thư kí riêng của Võ Nguyên Giáp… Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội
Shcherbakov nói với quyền đại sứ Hungary rằng những cuộc bắt bớ trong năm 1967
là kết quả của “sự suy yếu dần tính dân chủ trong Đảng; quá trình suy yếu
này diễn ra rất nhanh sau khi chiến tranh bùng nổ mặc dù thực tế đã bắt đàu
trước đó“c (22).
Sau 6 tháng ráo riết chuẩn bị
và khi chiến dịch bắt bớ nội bộ đã gần hoàn tất (chỉ còn lại nhóm cán bộ quân
sự cần để lại chuẩn bị cho các cuộc họp cuối cùng của Bộ Chính trị về chiến
dịch Mậu Thân), sáng 21 tháng 12, văn phòng Trung ương mời Hồ Chí Minh về dự
họp để rà soát lại mọi công tác và hạ quyết tâm chiến lược cho cuộc “Tổng tấn
công và nổi dậy đồng loạt”(d). Chiếc máy bay chở Chủ tịch Đảng trở
về đã vượt qua một nguy cơ tai nạn khó hiểu.
(Còn tiếp)
—
CHÚ THÍCH:
a Hồi
Ký của Hoàng Văn Hoan đặt câu hỏi về sự chậm chễ trong việc xử lý
Nguyễn Văn Vịnh trong vụ Xét lại – chống Đảng: “Vì sao vụ án phát hiện từ năm
1967 mà để mãi đến mười năm sau là năm 1977 mới giải quyết? Là vì trong vụ anh
Nguyễn Chí Thanh bị ám hại, Nguyễn Văn Vịnh là người được biết tất cả mọi chi
tiết, nếu xử lý Nguyễn Văn Vịnh đúng theo kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước
thì Nguyễn Văn Vịnh sẽ bươi ra hết cả, như vậy bộ mặt của bọn Lê Duẩn sẽ bị bóc
trần, tội ác của bọn Lê Duẩn sẽ phơi bày trước Đảng và trước dư luận nhân dân.”
b Sau này là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam trong
giai đoạn Trung Quốc tấn công Việt Nam (1989 -1993), có vai trò đặc biệt tác
động đến một số lãnh đạo cao cấp của Việt Nam như Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh,
Đại tướng Lê Đức Anh trong vấn đề Cămpuchia và bình thường hóa quan hệ Việt –
Trung.
c Kho Lưu trữ Quốc gia Hungary (Magyar Orszagos Leveltar), XIX-J-l-j,
Vietnam SZT 1968.87.doboz, 001051/1968. Báo cáo từ ĐSQ Hungary tại VNDCCH, ngày
17 tháng Một năm 1968.
d Có lý do để cho rằng có thể lần
trở về này là theo yêu cầu cùa Hồ Chí Minh, nằm ngoài dự kiến của nhóm lãnh đạo
trong nước.
-
1. Hoàng Tùng. Những kỷ
niệm về Bác Hồ. hao.com/kktd/su_that__lich_su/hcm_nhung_ky_nien_ve_hcm.html
2. Hoàng Minh Thảo. Tết Mậu
Thân (Xuân 1968). Xưa và Nay số 301+302 tháng 2 năm 2008.
3. Bài nói chuyện của nhà văn
Sơn Tùng ngày 11/4/2001 tại trường Quản Lý Giáo dục của Bộ Giáo dục – đào tạo.
4. Biên niên sự kiện lịch sử
lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
5. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa
công bố.
6. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa
công bố.
7. Hồ Khang. Tết Mậu Thân 1968
bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. NXB Chính trị Quốc gia
2008.
8. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa
công bố.
10. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa
công bố.
11. Biên niên sự kiện lịch sử
lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
12. Quan Doi Nhan Dan QĐND –
Thứ Bẩy, 29/08/2009, 19:45 (GMT http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.qdnd.vn/Khong-
duoc-roi-du-chi-mot-khac-Tiep-theo-va-het/3143 721.epi
13. Sophie Quinn Judge. The
Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair,
1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh
hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ
chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt
đăng trên talawas.
14. Vũ Kỳ. Bác Hồ với Tết Mậu
Thân năm ấy. Văn Nghệ tết Mậu Dần 1998.
15. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa
công bố.
16. Quan Doi Nhan Dan QĐND –
Thứ Bẩy, 29/08/2009, 19:45 (GMT http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.qdnd.vn/Khong-
duoc-roi-du-chi-mot-khac-Tiep-theo-va-het/3143 721.epi
17. Quan Doi Nhan Dan QĐND –
Thứ Bẩy, 29/08/2009, 19:45 (GMT http://www.baomoi.com/Home/DoiNoi-DoiNgoai/www.qdnd.vn/Khong-
duoc-roi-du-chi-mot-khac-Tiep-theo-va-het/3143 721.epi
18. Lê Trọng Nghĩa. Hồi kí chưa
công bố.
19. Biên niên sự kiện lịch sử
lực lượng an ninh nhân dân 1954-1975. NXB Công an Nhân dân. Hà Nội. 1997.
20. Sophie Quinn Judge. The
Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair,
1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh
hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ
chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt
đăng trên talawas.
21. Lê Duẩn, Thư vào Nam. Thư
gửi Đảng Bộ Sài Gòn- Gia Định 1/7/1967
22. Sophie Quinn Judge. The
Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti Party Affair,
1967-1968. Journal of Cold War History 5, issue 4. 11-12/2005. Cuộc đấu tranh
hệ tư tưởng ngay trong lòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà & ý nghĩa của vụ
chống Đảng 1967- 1968. Duy Tân Trẻ dịch. © Taylor & Francis. Bản tiếng Việt
đăng trên talawas.
No comments:
Post a Comment