TS. Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 20:01 GMT -
chủ nhật, 15 tháng 12, 2013
Hy vọng cuối cùng về một kết quả “kết thúc đàm phán cuối
năm 2013” đã tan chảy trong nỗi phiền muộn đông cứng của giới lãnh đạo kinh tế
Việt Nam. Lần cuối cùng trong năm nay, Hội nghị bộ trưởng các nước tham gia đàm
phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Singapore đã kết
thúc ngày 10/12 mà không khởi sự được bất kỳ thỏa thuận quan yếu nào đối với
đất nước của sáu năm suy thoái kinh tế.
Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng
đoàn đàm phán TPP Việt Nam, đã không giấu nổi vẻ thất vọng khi trả lời phỏng
vấn của báo giới trong nước: đàm phán trong lĩnh vực hàng hóa, lĩnh vực có ý
nghĩa quan trọng nhất, lại khá trì trệ.
Trước và sau vòng đàm phán thứ
19 tại xứ sở dầu mỏ Brunei vào tháng 8/2013, cũng ông Khánh đã không dưới hai
lần thốt lên kỳ vọng về một không khí hạnh vận cho phái đoàn của ông. Rất tương
xứng với tâm trạng sốt ruột của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở New York vào tháng
9/2013, bất cứ ai trong giới thuộc cấp điều hành kinh tế cũng đều thấm thía
việc “công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh” vẫn là cửa
ải đầu tiên mà những người đang cố gắng hoàn chỉnh chủ thuyết “kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa” phải vượt qua.
Bởi chỉ sau cửa ải khó khăn
nhất về mặt quan niệm, giới chức chủ trì TPP như Mỹ và 4 quốc gia khác mới có
thể xem xét về những nội dung bị xem là “trì trệ” trong việc xuất khẩu hàng hóa
của Việt Nam sang các nước nội khối.
Cho dù luôn được báo giới đảng
tuyên truyền “Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi nhất trong TPP”, nhưng điều
tréo ngoe là sự thụ hưởng ấy vẫn rất mơ hồ, nếu chiếu theo một quy định không
thể “linh hoạt” trong TPP là hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải có xuất xứ từ
các nước nội khối hiệp định này.
'Một điều kỳ lạ'
Rào cản kỹ thuật này là quá cao
và đầy gai nhọn, bởi cho tới nay, khoảng 80-90% nguyên phụ liệu dùng để sản
xuất hàng xuất khẩu của nển kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc, và
hơn thế là dường như không thể thoát khỏi vòng kềm tỏa từ ý chỉ của Bắc Kinh.
Cùng với việc Trung Quốc không
phải là một thành viên của TPP, điều quá khó cho nền kinh tế Việt Nam chắc chắn
sẽ được giải thích theo cách nhìn “trì trệ” của ông Trần Quốc Khánh, và càng
khó hơn nhiều nếu Nhà nước Việt Nam bắt buộc phải chuyển đổi vùng nhập khẩu
nguyên liệu nếu muốn hưởng một chút lợi lộc từ sáng kiến “xoay trục” sang
phương Tây mới phát tiết trong gần một năm qua.
Đã qua hẳn cái thời đầy ưu ái
nhưng không thể tận dụng được hai cơ chế Hiệp định song phương thương mại Việt
- Mỹ và thành viên Tổ chức thương mại thế giới. Trong đúng một con giáp được
coi là lãng mạn ấy, nền kinh tế Việt Nam đã chỉ duy nhất một lần được xem là
“cất cánh” với tốc độ tăng tiến như vũ bão của hai thị trường đầu cơ bất động
sản và chứng khoán. Thế nhưng sau đó, chính gia tốc đầu cơ đã giết chết mômen
sinh lực cuối cùng của nền kinh tế này. Tất cả đều trở nên què quặt và cuối
cùng phải nhờ vào một nguồn ngoại viện mới: TPP.
Khác rất nhiều với các báo cáo
tô hồng “kinh tế đang ổn định” của giới chức chính phủ, TPP dĩ nhiên là một lối
thoát, thậm chí là một lối mở tươi lành nhất mà chính thể một đảng ở Việt Nam
có thể vận dụng để ít nhất cũng tạm làm yên lòng dân chúng, hạn chế được phần
nào những phẫn uất của dân nghèo về sự tàn bạo của các nhóm lợi ích, và cách
nào đó tạm thời kìm giữ những ý tưởng hoặc hành động cần phải thay đổi thể chế
chính trị.
Thế nhưng điều kỳ lạ là dù vẫn ngầm xem TPP là một cái phao cứu sinh,
trong suốt ba năm qua Hà Nội vẫn hầu như chẳng làm gì để bổ túc cho hồ sơ ứng
cử viên TPP như cải cách kinh tế và giảm tính độc quyền của khối doanh nghiệp
nhà nước, tăng tính minh bạch và tính hữu dụng cho cuộc chiến chống tham nhũng,
kể cả một số vấn đề liên quan khác như môi trường, quyền lập hội lao động…
Ai mua chính trị?
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh thừa
nhận VN cân nhắc quyết định về TPP 'từ góc độ chính trị'
Nguyên do sâu xa
nào đã ngăn cản tiến trình Việt Nam gia nhập TPP và làm cho sự vụ này bị “lỗi
hẹn” - như cách mô tả đầy văn hoa của báo chí Việt Nam - trong thời gian qua?
Sau một chuỗi thất vọng, cuối
cùng trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam Trần Quốc Khánh đã lần đầu tiên buột ra
một ẩn ức bấy lâu nay: “Việt Nam đã khẳng định với các nước tham gia đàm phán TPP
là do xuất khẩu hàng hóa là quyền lợi quan trọng của Việt Nam, nên xuất khẩu
đàm phán hàng hóa cần đạt được những tiến triển đủ lớn để Việt Nam có thể cân
nhắc xem xét và đưa ra các quyết định trong các lĩnh vực đàm phán khác, kể cả
quyết định mang tính chính trị”.
Lần đầu tiên, phạm trù “chính
trị” được giới quan chức Việt Nam tiết lộ trong một ngữ cảnh gắn liền với TPP,
cho dù trước đó giới hoạt động nhân quyền Hoa Kỳ và quốc tế đã nói thẳng về một
điều kiện song hành về chính trị - kinh tế đối với Hà Nội. Vào giữa năm 2013,
một nghị sĩ của Cộng đồng châu Âu còn không úp mở là họ không những có thể ủng
hộ mà còn có thể vận động cho Việt Nam tham gia vào TPP và cả Hội đồng nhân
quyền Liên hiệp quốc, nhưng với điều kiện quốc gia này phải hành xử một cách
thực chất đối với những cải thiện về quyền con người.
Nhưng sau hơn 4 tháng kể từ
cuộc gặp Trương Tấn Sang - Barak Obama tại Washington, hồ sơ vi phạm nhân quyền
Việt Nam trên bàn các tổ chức nhân quyền quốc tế vẫn tiếp tục dày lên. Những
báo cáo gần đây của Tổ chức Ân xá quốc tế và Tổ chức Nhân quyền quốc tế mô tả
Nhà nước Việt Nam đã không có bất cứ tiến bộ gì trong thời gian qua. Thậm chí
vào ngày nhân quyền quốc tế 10/12 năm nay, việc kỷ niệm của một số blogger còn
bị khống chế, sách nhiễu công khai, và cụm từ “nền nhân quyền mắm tôm” cũng phát sinh từ thực tế chẳng mấy hoan
hỉ ấy.
Trong lúc tạm gác lại chủ
trương bắt bớ vì lý do mở cửa đối ngoại, hiện hữu đáng buồn là một bộ phận
không nhỏ giới chức lãnh đạo và an ninh lại đang “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến
vững chắc” đến một nền
văn hóa đấm đá nhân quyền. Tất cả các nhân vật dân chủ và bất đồng,
không phân biệt thành phần và tôn giáo giáo, nếu không được sự quan tâm đầy đủ
của chính giới quốc tế đều có thể bị o ép và bị đối xử với đẳng cấp văn hóa
vùng đáy, đặc biệt ngay tại thủ phủ của bản Tuyên ngôn độc lập và thành phố
mang tên Bác Hồ.
'Con bài ngã giá'
Tình trạng luật sư công giáo Lê Quốc Quân -
một trong những tiêu điểm mà giới hoạt động nhân quyền quốc tế đặc biệt chú
tâm, cũng chẳng khá gì hơn. Sau vòng đàm phán từ 19 ở Brunei không mang lại một
kết quả thuận lợi nào cho phía Việt Nam, điều được trưởng đoàn đàm phán Trần
Quốc Khánh ẩn dụ là “quyết định mang tính chính trị” đã lộ diện bằng phán quyết
ba chục tháng tù giam cho vị luật sư tranh đấu cho dân chủ. Rất tương đồng, người em trai của ông Quân
cũng bị ghép vào tội trốn thuế và lãnh mức án sơ thẩm 28 tháng tù giam sau đó
không lâu.
Thân phận và số phận của các
nhân vật bất đồng chính trị khác trong trại giam cũng chẳng hề khả quan hơn Lê
Quốc Quân. Giới dân chủ nhân quyền nói thẳng rằng đó là những con bài chính trị
mà nhà nước muốn dùng để trao đổi, ngã giá một khi cần thiết.
Rõ là mọi chuyện chưa hề kết
thúc, và cứ đà này thì còn lâu mới hết chuyện để nói.
Khác hẳn với các đợt thả tù
chính trị liên tiếp ở Miến Điện và lòng chân thành đáng khen ngợi của Tổng
thống Thein Sein, Hà Nội vẫn đang tự dìm mình trong một tâm thế cố chấp và tự
kỷ. “Tài nguyên nhân
quyền” - thứ tài sản còn sót lại trong một đất nước đã bị cạn kiệt
gần như tất cả các nguồn tài nguyên, có vẻ trở nên sáng giá hơn bao giờ hết.
Muốn có tất cả nhưng lại chẳng muốn trả giá, hoặc nếu phải trả giá thì
chỉ là một cái giá rất rẻ, không thể nói những nhà lãnh đạo Việt Nam thực sự khôn ngoan trong các
toan tính cá nhân được quyết định bởi chủ nghĩa tập thể của họ. Sự chùng kéo
như thế càng khiến thời gian trôi qua một cách uổng phí, nền kinh tế càng có vô
số cơ hội lao dốc, dân tình càng thán oán và ngày càng dày dạn các phản ứng xã
hội liều lĩnh…, trong khi
không có bất kỳ một cải thiện nào để cứu vãn quốc gia.
'Không thể có tên'
Thời điểm cuối năm 2013 đã đến
rất gần. Một cái tết Nguyên đán cũng đang tiến sát cận ranh chịu đựng của người
dân và cả các ngân hàng Việt Nam - những kẻ đang phải đối mặt với nguy cơ tan
rã. Nhưng ráng hồng đầu tiên của cầu vồng TPP vẫn chưa hề hiện ra.
Cho dù vẫn có lời hứa hẹn vòng
đàm phán kế tiếp vào tháng Giêng năm 2014 có thể mang lại một kết quả khả quan
nào đó, nhưng thực tế hiển nhiên là giờ đây Việt Nam không còn là ưu tiên số
một trong con mắt người Mỹ, và trong danh sách đối tác kinh tế chủ lực của Nhà
Trắng chắc chắn không thể có cái tên Hà Nội.
Cho dù Ngoại trưởng John Kerry
luôn hứa hẹn “Nơi nào có quyền lợi chung thì nơi đó Mỹ và Việt Nam có thể hợp
tác”, điều được xem là “thành tâm chính trị” của Hà Nội mới là lời hứa có giá
trị nhất trong bối cảnh nhập nhoạng hiện thời.
Không mang tính thực chất trong chuyến viếng thăm Việt
Nam vào giữa tháng 12/2013, lần đáp từ thứ 14 của ngoại trưởng John Kerry chỉ
có ý nghĩa như một sự tái tạo hình ảnh của Hoa Kỳ cùng ảnh hưởng văn hóa của nó
trong lòng dân chúng xứ sở cựu thù.
Tất cả chỉ có thế.
Bài viết phản ánh quan điểm
riêng và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do đang sinh sống ở Sài Gòn.
No comments:
Post a Comment