Ở Việt Nam không có tự do báo chí. Vì nếu có tự do
thì tại sao Đảng lại sợ tranh luận với dân hay phải dùng thủ đoạn chụp mũ
“chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc” lên đầu
những người đối lập?...
*
Sau chuyện Quốc hội 13 thông qua “Hiến pháp không
cho dân mà chỉ cho Đảng” ngày 28/11/2013 tưởng đâu Việt Nam đã hết chuyện khôi
hài, nào ngờ lại có người quyền cao chức trọng mà dám nói “ngang như cua bò”
rằng “đông đảo các giai cấp, giai tầng xã hội ở Việt Nam tự thấy không có
nhu cầu xuất bản báo chí tư nhân.”
Người phát ngôn không cần “uốn lưỡi 7 lần trước khi
nói” câu đó là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý
luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Bài viết của ông Vinh, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân
Dân Nhân được Việt Nam Thông Tấn Xã tóm lược phổ biến vào dịp Thế giới kỷ niệm
65 năm Ngày nhân quyền thế giới 10/12, nhưng vô số người dân ở Việt Nam lại bị
Công an và Dân phòng đánh đập ở khắp nơi khi họ muốn tập trung cổ võ và nói
chuyện về nhân quyền.
Dưới tựa đề “Tự
do ngôn luận, tự do báo chí phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật”,
ông Nguyễn Hồng Vinh viết: “Một lý do thường được những kẻ thiếu
thiện chí đem ra “làm cớ” để phê phán ta “không có tự do báo chí”, chính là “ở
Việt Nam không có báo chí tư nhân” (!). Phải chăng họ cố tình lờ đi rằng, trong
những năm qua, báo chí Việt Nam đã có sự phát triển nhanh về số lượng, loại
hình, ấn phẩm, đội ngũ những người làm báo, số lượng công chúng, cơ sở vật chất
kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính cũng như sự tác động và ảnh hưởng xã
hội tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông đều tăng nhanh. Hầu hết các
bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các giai cấp, giai tầng,
các hội nghề nghiệp, các giới, các tôn giáo lớn, các thành phần trong xã hội
đều có tờ báo của mình.” (TTXVN, 11/12/2013)
Tổ tiên người Việt từng dậy “chiếc áo không làm nên
thầy tu”. Đem câu này áp dụng cho “nền báo chí trăm hoa đua nở” ở Việt Nam thì
không sai vào đâu được.
Việt Nam dưới thời “quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa” mà
chưa ai biết nó sẽ ra sao hay bao giờ mới đến đích ở cuối dường hầm vì Tổng Bí
thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã phán rằng: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn
xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn
thiện ở Việt Nam hay chưa” (báo Tuổi Trẻ, 23/10/2013) thì chuyện có nhiều
báo đài cũng không ngạc nhiên bởi vì cơ quan nào, đơn vị nào, chi bộ nào
và đoàn thể nào cũng muốn có tiếng nói để khoe thành tích và để bảo vệ nhau. Ấy
là chưa kể khoản lợi nhuận của những người làm công tác này cũng rất vững chắc
để bảo đảm cuộc sống.
Cho nên nhiều báo, nhiều đài chưa hẳn đã hãnh diện
gì!
Nhưng ông Vinh vẫn cứ khoe: “Tính đến tháng 2 năm
2013, cả nước có 812 cơ quan báo in với 1.084 ấn phẩm, trong đó 197 cơ quan có
báo (gồm 84 báo chí Trung ương, 113 báo địa phương); 615 cơ quan có tạp chí
(488 tạp chí Trung ương và 127 tạp chí địa phương). Toàn quốc có 67 đài phát thanh
- truyền hình Trung ương và địa phương, trong đó có 02 đài quốc gia, 01
đài truyền hình kỹ thuật số, 64 Đài phát thanh - truyền hình cấp tỉnh, 172 kênh
chương trình phát thanh và truyền hình quảng bá (99 kênh truyền hình, 73 kênh
phát thanh). Ngoài hệ thống truyền hình quảng bá, hệ thống truyền hình trả tiền
ở nước ta phát triển mạnh bằng nhiều loại công nghệ truyền dẫn như cáp, vệ
tinh, số mặt đất và đang bước đầu thử nghiệm công nghệ IPTV. Trong lĩnh vực
thông tin điện tử, cả nước có 74 báo, tạp chí điện tử, 336 mạng xã hội, 1.174
trang thông tin điện tử tổng hợp. Hội Nhà báo Việt Nam quản lý hơn 19.000 hội
viên, trong đó gần 17.000 nhà báo đã được cấp thẻ hành nghề đang làm việc tại
hàng trăm cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương, luôn khuyến khích và
tạo điều kiện thuận lợi để mọi nhà báo hoạt động tự do, sáng tạo trong khuôn
khổ pháp luật.”
Báo
ra vì ai-làm báo cho ai?
Nếu chỉ lấy con số để làm thước do lường trình độ
người làm báo và uy tín của cơ quan báo đài thì Việt Nam chỉ xứng đáng đứng
hạng bét trong bảng số các nước Đông Nam Á, sau cả Cao Miên và Ai Lao!
Ngay cả ông Vinh cũng đã thừa nhận trong bài viết
rằng: “Ở Việt Nam, báo chí đã thật sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà
nước và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp.”
Nhưng ngay sau đó ông lại “tam quốc chí diễn nghĩa”
các cơ quan ngôn luận này còn là “diễn đàn và công cụ quan trọng bảo vệ lợi
ích và quyền tự do của các tầng lớp nhân dân” là “vung tay quá trán” đấy.
Biết bao nhiêu “lợi ích” và “quyền tự do” của
dân có được báo chí bênh vực và bảo vệ đâu. Chẳng hạn như báo chí không được
phép đăng tin, hay có đăng thì phải viết theo chỉ thị của Ban Tuyên giáo nói
sai đi các cuộc biểu tình trong hai năm 2011, 2012 chống Trung Quốc xâm lấn
biển đảo của Việt Nam và tấn công ngư dân ở Biển Đông.
Báo chí nhà nước cũng dửng dưng trước các vụ công
an, côn đồ, dân phòng tấn công dân oan đi khiếu kiện, nằm la liệt trên hè phố
Sài Gòn và Hà Nội hay trong các vụ đán áp dân dã man ở Văn Giang (Hưng Yên), Vụ
Bản (Nam Định), người Công giáo ở Giáo điểm Con Cuông (Nghệ An) và nhiều nơi
khác trong Giáo phận Vinh và Giáo phận Kontum?
Ngay cả vụ công an, quân đội võ trang nổ súng phá
nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng) lúc đầu được báo chí
và dư luận cả nước phản ứng quyết liệt, nhưng sau đó đã nín thinh trước bản án
oan sai giáng xuống gia đình nông dân này và “tự ý cho chìm luôn” theo ý muốn
của nhà nước về khiếu kiện đền bù 40 tỷ đồng.
Các báo đài đảng đã không dám điều tra Dự án Bauxite
chỉ có lợi cho Trung Quốc trên Tây Nguyên và vụ một số địa phương đã cho người
Tầu thuê đất trồng rừng dài 50 năm ở các vị trí chiến lược dọc biện giới
Trung-Việt, và các vụ nhà nước dành “đặc quyền trúng thầu” cho các Công ty
Trung Quốc?
Báo chí Việt Nam cũng không dám “sờ mó” đến các khu
du lịch tiền thu như nước của người Tầu dọc theo bờ biển Việt Nam và cũng làm
ngơ luôn các dịch vụ nhập vô tội vạ các loại hàng thực dụng của Trung Quốc vào
Việt Nam đang làm điệu đứng hàng hóa sản xuất trong nước?
Lý do báo chí Việt Nam “không dám chạm đến Trung
Quốc” vì đảng không muốn ai có hành động làm sai lạc ý nghĩa của phương châm 16
chữ vàng và tinh thần 4 tốt của Trung Quốc đã trao cho lãnh đạo Việt Nam phải
giữ là : “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới
tương lai” và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.”
Vì vậy trong Lời mở đầu, Luật Báo chí sửa đổi 1999
đã viết luật này có mục đích:
"Để bảo đảm quyền tự do báo chí, quyền tự do
ngôn luận trên báo chí của công dân, phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của
nhân dân; Để phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của Đảng Cộng
sản Việt Nam.”
Nhưng có ai giải thích được thế nào là “phù hợp
với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”? Và tại sao báo chí không có
quyền chất vấn đảng và chính phủ về những chính sách sai lầm không đem lại phúc
lợi cho dân như trong việc điều hành nền kinh tế, giáo dục, y tế-xã hội và giao
thông?
Rõ ràng hơn, trong “Nhiệm vụ và quyền hạn của báo
chí”, Điều 6 đã bắt người làm báo phải “làm loa tuyên truyền” cho đảng như
sau:
Báo chí có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1- Thông tin trung thực về tình hình trong nước
và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;
2- Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng
và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo
chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành
mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây
dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về Quyền và nghĩa vụ của nhà báo, Điều 15 quy
định:
a) Thông tin trung thực về tình hình trong nước và
thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến,
nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí,
quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân;
b) Bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của
Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh
phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm.”
Với trách nhiệm này, người làm báo trong chế độ Cộng
sản Việt Nam đã phải biến thành những “con người máy” để làm theo lệnh đảng và
nhà nước, không còn xứng đáng là người làm báo chân chính nữa.
Ngoài những điều căn bản này, báo chí Việt Nam còn
phải chịu kiểm soát của hệ thống cầm quyền từ Trung ương xuống Địa phương theo
chế độ được gọi là “quản lý nhà nước”
Đó cũng là điều dễ hiểu vì căn cứ theo Điều 17c nói
về “ Tài chính của cơ quan báo chí” thì Luật Báo chí đã nói rõ: “Nhà
nước có chính sách hỗ trợ ngân sách và tạo điều kiện cho báo chí phát triển.”
Như vậy rõ ràng cái gọi là “báo chí của Việt Nam”
chỉ là công cụ để cho đảng và nhà nước sử dụng để tuyên truyền và kiềm soát dự
luận quần chúng.
Không
cần có báo tư nhân
Do đó khi có người nào đòi được tự do báo chí, tự do
ngôn luận như quy định trong Hiến pháp thì lập tức bị phản ứng bằng đủ mọi luận
điệu từ chụp mũ nằm trong âm mưu “diễn biến hòa bình” đến tay sai của “các thế
lực thù địch”.
Lập luận của Ban Tuyên giáo là Việt Nam không cần có
báo tư nhân vì người dân đã có đủ mọi loại báo để đọc, có đủ mọi tổ chức, hội
đoàn, đảng đoàn có báo cho đoàn viên nên không cần phải có báo tư nhân.
Đó cũng là “lý luận cù nhầy” của ông Nguyễn Hồng
Vinh khi ông viết rằng: “Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát
biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua
các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí. Đồng thời, khi tham
gia sinh hoạt, hoạt động ở tổ chức nào, họ đều có ấn phẩm báo chí của tổ chức
đó nhằm đáp ứng mọi nhu cầu và bảo đảm quyền được thông tin của mình. Chính
vì lẽ đó, đông đảo các giai cấp, giai tầng xã hội ở Việt Nam tự thấy không có
nhu cầu xuất bản báo chí tư nhân.”
Nhưng ông Vinh đâu biết rằng, sở dĩ “quốc nạn” tham
nhũng vẫn còn tồn tại và càng ngày càng diễn biến phức tạp và nghiệm trọng vì
báo đài đảng không dám tự mình điều tra tham nhũng, điều tra tội phạm và điều
tra các “nhóm lợi ích” trong hệ thống cầm quyền.
Nếu Việt Nam có báo đài tư nhân thì việc điều tra và
phòng chống tham nhũng-lãng phí không đến nỗi phá sản và vô hiệu quả như lời
thú nhận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “hiện tượng “tham nhũng vặt”
khá phổ biến như “ngứa ghẻ hằng ngày” (báo Quân đội Nhân dân, 06/12/2013)
Răn
đe hay sợ hãi?
Trước khi kết thúc bài viết, “nhà lý luận” Nguyễn
Hồng Vinh không quên khuyên báo chí phải “cẩn thận” để đừng mắc mưu gây mất ổn
định khi làm công tác thông tin.
Ông viết: “Điều cần nhấn mạnh là, ngoài các qui
định về pháp luật, mỗi nhà báo khi thao tác nghề nghiệp, đều cần cân nhắc kỹ
lưỡng khi xử lý một thông tin, một sự kiện đều suy nghĩ, cân nhắc để tự trả lời
câu hỏi: Nên hay không nên, hoặc chưa nên thông tin, bình luận nếu sự kiện đó
làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Các thế lực cơ hội, thù địch từng la
lối: “Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến” (!) Đây là sự quy chụp,
vu cáo trắng trợn, vì trong thực tế, một số người bị ta xử lý về hành chính
hoặc pháp luật chính là vì họ đã sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng
đưa tin xuyên tạc, bịa đặt, kích động chống lại Đảng, Nhà nước ta. Một số sự
kiện “nóng” vừa qua trên Biển Đông; ở Mường Nhé (Điện Biên); ở Con Cuông (Nghệ
An); ở Tiên Lãng (Hải Phòng); ở Văn Giang (Hưng Yên)… rất đáng để người cầm bút
suy ngẫm về trách nhiệm xã hội cao cả của nhà báo khi cân nhắc, phân tích kỹ
lưỡng để tìm ra bản chất sự việc, quyết định thời điểm và dung lượng thông tin
nhằm phục vụ thiết thực lợi ích của nhân dân, góp sức ổn định tình hình chính
trị - xã hội của đất nước, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy sự nghiệp đổi mới,
hội nhập quốc tế; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng lớn của bầu bạn năm châu
dành cho Việt Nam.”
Rất tiếc là những “răn đe, khuyến cáo” của ông
Nguyễn Hồng Vinh không thể làm giảm liều lượng thông tin “các mặt trái” từ Việt
Nam của các Mạng lưới Truyền thông Xã hội (Bloggers). Các báo “lề Dân” đã biết
cách thông tin nhanh gấp vạn lần hơn các báo đài nhà nước, hay còn được người
dân gọi là báo “lề Đảng” nên càng tìm cách che đậy thì càng bị lộ ra ngoài.
Với kỹ thuật tân tiến của nhân loại nên chỉ cần vài
giây đồng hồ thôi cả thế giới có thể đọc và xem hình, và coi các đoạn phim
tường thuật chi tiết về các cuộc biểu tình khiếu kiện chống bất công của dân
oan, của những người Việt Nam yêu nước chống xâm lược Tầu ở Biển Đông và trên
đất liền, hay các vụ Công an, Dân phòng và côn đồ được nhà nước thuê mướn đàn
áp Tôn giáo ở đồng bằng Cửu Long và ở các vùng cao và vùng sâu.
Nhưng tại sao Cơ quan Thông tấn của Chính phủ Việt
Nam, Thống Tấn xã Việt Nam (TTXVN), đã chọn bài viết về tự do báo chí của ông
Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung
ương để phổ biến vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Quốc tế Nhân quyền với mục đích
gì?
Nếu muốn để trả lời cho những chỉ trích của Quốc tế
và của chính người Việt Nam trong và ngoài nước lên án chế độc độc tài đảng trị
đang bóp nghẹt tự do ngôn luận bằng nhiều hình thức thì cả ông Vinh và TTXVN
đều thất bại.
Đơn giản vì bài viết của ông Vinh chỉ có giá trị như
“tấm vải thưa” nên không thể che được mắt thánh và mắt nhân dân, những nạn nhân
trực tiếp hàng ngày của chế độ.
Sự thể này đã chứng minh khi quân bài tẩy của ông
Vinh bị lòi ra với lời hăm dọa của ông viết rằng: “Nếu ai đó cố tình lợi
dụng dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí để công khai chống Đảng, Nhà nước,
đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc đều bị xử lý bình đẳng, nghiêm minh bằng
hành chính hoặc bằng pháp luật. Điều này là hiển nhiên và không có gì khác biệt
so với bất cứ một quốc gia độc lập có chủ quyền nào!”
Rất tiếc, mặt trái của thói hù họa quen thuộc này đã
lộ ra điều không thể chối cãi: Ở Việt Nam không có tự do báo chí. Vì nếu có tự
do thì tại sao Đảng lại sợ tranh luận với dân hay phải dùng thủ đoạn
chụp mũ “chống Đảng, Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc” lên
đầu những người đối lập?
(12/013)
No comments:
Post a Comment