VRNs – Sài Gòn
Đăng ngày: 02.12.2013
Blogger Tạ Phong Tần bị đối xử phân biệt
trong trại giam
Vào lúc 14 giờ ngày 29.11, cô
Tạ Minh Tú, em gái Blogger Tạ Phong Tần có chuyến thăm nuôi Cô Tần tại trại
giam Thanh Hóa.
Qua cuộc thăm gặp cô Tú cho
biết cuộc sống bên trong trại giam của cô Tần: “Chị Tần bị viêm họng, đêm ho
rất nhiều. Chị ngủ dưới nền xi măng, rất là lạnh. Độ lạnh dưới mười mấy độ C.
Tôi có gửi cho chị Tần 1 cái chiếu tre để trải xuống đất cho đỡ lạnh nhưng cán
bộ trại giam không cho gửi vô. Tôi gửi 4 bộ đồ quần dài vô [cho chị Tần] nhưng
chị Tần nhận được 2 bộ quần dài và 2 bộ quần đùi. Tự nhiên [hai bộ quần dài bị]
đổi thành hai bộ quần đùi! Trong trại, cán bộ cho tù nhân hình sự được nằm
chiếu tre, còn chị Tần bị thù ghét cá nhân và là tù chính trị nên bị đối xử
khác biệt [do đó] theo quy định là không được gửi [chiếu tre vào]. Chị Tần thấy
tù hình sự được sử dụng chiếu tre [thì chị hỏi] và họ nói là đó là do sơ xót.
Chị Tần nằm trên một cái chiếu rất là mỏng, dơ và mọt không. Còn nước thì dơ
dáy, tắm vô ngứa ngáy.”
Lần này, cô Tú gửi thuốc men,
1cái chiếu tre và 4 bộ đồ quần dài cho cô Tần nhưng cán bộ trại giam không cho
cô Tú gửi chiếu tre vào với lý do là không đúng với quy định của trại. Ngoài
ra, 4 bộ đồ quần dài gửi vào thì cô Tần nhận được 2 bộ đồ quần dài và 2 bộ đồ
quần sooc.
Cô Tú thắc mắc không biết 2 bộ
đồ quần dài lạc mất ở đâu nhưng lại được thay thế bởi 2 bộ đồ quần sooc mà
không biết của ai!
Cô Tú cho hay, cô Tần cũng
không quên gửi cho gia đình những món quà tự tay cô Tần làm trong nhà tù.
Được biết, hiện nay, thời tiết
ở Thanh Hóa rất lạnh.
Hiện nay, Blogger Tạ Phong Tần
đang bị giam tại trại giam số 5, thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Vào ngày 5.09.2011, blogger Tạ
Phong Tần bị bắt. Ngày 24.09.2012, trong phiên tòa sơ thẩm, nhà cầm quyền nước
đã tuyên cô phải chịu 10 năm tù và y án trong phiên tòa phúc thẩm, diễn ra ngày
28.12.2012. Blogger Tạ Phong Tần bị nhà cầm quyền cáo buộc “tuyên truyền chống
nhà nước” theo khoản 2 điều 88 của BLHS.
Doanh nghiệp thuê người ‘giải tỏa nóng’ đất
trồng cà phê của dân
Theo Thanh Niên đưa tin, Công
ty TNHH Ngọc Thảo đã thuê hơn 70 người cầm dao, rựa dàn hàng ngang chặt phá hơn
2.600 cây cà phê và hồng (cây ăn trái) của gia đình ông Đặng Văn Liệu, tại tiểu
khu 145B, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng vào ngày 28.11.2013 vừa
qua.
Những người này còn ném đá vỡ
hết cửa kính nhà ông và hăm dọa sẽ đánh chết gia đình ông Liệu.
Báo cho biết, vào năm 2008,
UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Ngọc Thảo thuê 40 ha đất trong đó có 1 ha đất
thuộc nhà ông Liệu. Sau đó vào năm 2009, công ty Ngọc Thảo thu hồi 1 ha đất của
gia đình ông Liệu và bồi thường với giá tiền 250 triệu đồng nhưng gia đình ông
Liệu không đồng ý.
Ông Liệu cho biết khi ông không
đồng ý với phương thức hỗ trợ 250 triệu đồng/ha thì xảy ra việc Công ty Ngọc
Thảo thuê người đến chặt sạch cà phê của ông.
Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại,
trưởng văn phòng Công lý và Hòa Bình DCCT Sài Gòn nhận xét: “Hành vi của công
ty TNHH Ngọc Thảo cho người đến chặt phá cây trái của gia đình ông Đặng Văn
Liệu có dấu hiệu vi phạm cố ý phá hoại tài sản của công dân. Bởi vì, “bà Trần
Thị Lan, Giám đốc Công ty Ngọc Thảo, thừa nhận với Thanh Niên Online là
công ty này đã thuê người từ địa phương khác đến “giải tỏa” đất được giao để
thực hiện dự án trồng cây nguyên liệu chế biến trà.” Nếu như, công ty TNHH Ngọc
Thảo bị quy kết là cố ý phá hoại tài sản của công dân thì phải bị xử lý theo
pháp luật chứ không phải đền bù thiệt hại cho ông Liệu. Thứ hai, tôi thấy trách
nhiệm của nhà cầm quyền địa phương trong vụ này không thể không có bởi vì không
dễ gì một doanh nghiệp đưa người đến chặt phá cây cối của người dân, nếu không
muốn rằng có sự bao che của nhà cầm quyền địa phương, cụ thể là xã nơi ông Liệu
đang cư trú. Cho nên trong vụ việc này có hai sự việc cần làm rõ [thứ nhất] mức
độ vi phạm của công ty TNHH Ngọc Thảo, và [thứ hai] trách nhiệm của nhà cầm
quyền địa phương có dấu hiệu bao che trong vụ việc này hay không.”
Nhiều vụ cháy xảy ra trong hai ngày vừa qua
Dẫn lời ông Bùi Quốc Huy, Phó
chủ tịch UBND thị trấn Long Bình, tờ VnExpress cho biết vào lúc 12 giờ đêm ngày
30.11, hỏa hoạn đã xảy ra tại một căn nhà cấp 4, vách tôn rộng khoảng 100 m2
của vợ chồng anh Phan Hồng Phong (38 tuổi) và chị Phạm Ngọc Diễm tận dụng làm
vựa phế liệu nằm ven quốc lộ 91C.
Khi lửa cháy, hàng xóm có chạy
qua ứng cứu nhưng bên trong khóa chặt. Lực lượng chữa cháy tại chỗ cũng huy
động hút nước từ một nhánh sông Tiền cách vựa phế liệu gần 100 m để dập lửa
nhưng bất thành.
Hơn nửa giờ sau, xe chữa cháy
chuyên nghiệp từ thành phố Châu Đốc (An Giang) vượt 35 km xuống hiện trường dập
lửa. Rạng sáng ngày 1.12, lực lượng cứu hộ phát hiện thi thể vợ chồng anh Phong
và xác con gái 10 tuổi không còn nguyên vẹn. Nguyên nhân vụ cháy hiện vẫn đang
được điều tra.
Bên cạnh đó, tờ Thanh
Niên đưa tin, vào rạng sáng ngày 1.12, một căn nhà cho sinh viên thuê trọ
nằm trong hẻm 143 Đoàn Văn Bơ, P.13, Q.4 (TP.HCM) đã xảy ra cháy lớn.
Đám cháy bùng lên lúc khoảng 1
giờ sáng tại tầng một của căn nhà 4 tầng lầu, bên trong có khoảng 15 sinh viên
đang ngủ.
Một vài người trèo lên ban công
phá cửa để những người bị kẹt bên trong thoát ra ngoài, nhảy xuống mái tôn nhà
bên cạnh thoát thân. Những người khác hỗ trợ hai sinh viên nữ bị kẹt trong đám
cháy tại tầng trệt mở cửa chạy thoát ra ngoài.
Vụ cháy không gây thương vong,
nhưng đã thiêu rụi 3 xe máy cùng nhiều vật dụng của người thuê trọ. Nguyên nhân
hỏa hoạn được nhận định do chập điện ở tầng trệt. (VnExpress)
Một di tích khác lại bị cháy
Trong khi đó tờ Người
Lao Động cho biết, ngôi đền thờ Lê Lai thuộc quần thể khu di tích Lam Kinh
ở Thanh Hóa vừa bị hỏa hoạn thiêu rụi gần như hoàn toàn trong đêm qua 30-11,
rạng sáng nay 1-12.
Theo một số người dân gần đó
cho hay, vào khoảng 11 giờ đêm ngày 30-11, người dân có nghe mùi khét và nhiều
tiếng nổ lách tách nhưng tưởng nhà nào đốt rác nên không ai để ý. Đến khoảng 2
giờ 30 phút ngày 1-12, khi phát hiện lửa cháy ở đền thì người dân lập tức đánh
kẻng hô hào mọi người tới dập lửa.
Ngay sau đó, cơ quan chức năng
xã Kiên Thọ cũng đến để cùng người dân dập lửa, đồng thời gọi xe cứu hỏa đến
ứng cứu. Tuy nhiên do khu vực đền thờ nằm ở chỗ cao, xa nguồn nước nên đến rạng
sáng ngày 1-12, ngọn lửa mới được dập tắt.
Nguyên nhân vụ cháy đang được
cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa điều tra, làm rõ.
Theo Wikipedia, Lê Lai là một
tướng lĩnh của quân khởi nghĩa Lam Sơn, người đã hy sinh thân mình cứu chủ
tướng Lê Lợi thoát khỏi vòng vây của quân Minh. Năm 1416, ông cùng Lê Lợi và
các tướng lĩnh khác tham gia Hội thề Lũng Nhai, thề sống chết có nhau, nguyện
chung sức đánh đuổi quân Minh xâm lược.
Bạn đọc Nguyễn Vĩnh nhận xét:
“Giá trị tâm linh của dân tộc là vô giá ,vậy thử hỏi cơ quan ban ngành nào chịu
trách nhiệm trước vấn đề tầm cỡ quốc gia như vậy!!!” Còn bạn đọc hung thì xót
xa: “Công tác phòng cháy làm quá kém, nhất là các di tích lịch sử.”
Đây là vụ cháy các di tích văn
hóa – lịch sử thứ ba xảy ra trong năm, trước đó vào đầu tháng 11 tại Hòa Bình,
căn nhà Lang 100 tuổi cuối cùng của người Mường thuộc khu Bảo tàng Không gian
văn hóa Mường đã bốc cháy sau khi một đoàn khách gồm 4 người là cán bộ tỉnh Hòa
Bình nướng ngô trong ngôi nhà.
Trước đó vào tháng 8, đền thờ
Hai Bà Trưng thuộc thôn 3 xã Mê Linh, H.Lâm Hà (Lâm Đồng) cũng đã bị các kẻ xấu
đốt phá nhưng hiện vẫn chưa tìm được thủ phạm. Sau vụ việc, nhiều người đã đặt
nghi vấn về công tác quản lý của các cơ quan chức năng có liên quan đến những
di tích trên.
Bạn đọc Phan Lạc Đông Quân còn
nhận xét: “Liệu có bàn tay cuả nhửng kẻ quá khích muốn xoá bỏ lịch sử cuả dân
tộc Việt Nam ? Đả đến lúc mọi người hảy cảnh giác và không thể tha thứ tội ác
tày trời như vậy được.”
PV. VRNs
No comments:
Post a Comment