Saturday, 28 December 2013

VÌ SAO VIỆT NAM KHÔNG CÓ VIETNAM TOWN? (Bs Hồ Hải)




Thứ sáu, ngày 27 tháng mười hai năm 2013

Một dân tộc lớn hay không lớn, không phải vì dân tộc đó có một lãnh thổ rộng lớn, hay một dân số đông, hay một nền kinh tế, quốc phòng hùng cường bậc nhất toàn cầu, mà một dân tộc lớn là dân tộc có một lịch sử và nền văn hóa lớn. 

Ở đây không bàn đến chuyện văn hóa đang suy đồi đến cùng cực sau hơn 38 năm dưới sự "giáo dục" của đảng cộng sản cầm quyền. Vì cái gì cũng vậy, khi đi xuống đến tối thiểu thì sẽ tự có cơ chế bảo vệ, ắt văn hóa sẽ đi lên, khi người dân ý thức được những gì xằng bậy đã bị các chính khách gieo rắc. Bài viết này tôi muốn bàn đến bản chất của vấn đề trong văn hóa Việt cần thức tỉnh.

Lịch sử dân tộc nào cũng có bi, hùng mà không cần phải so sánh để biết được dân tộc đó lớn hay nhỏ. Ngay cả Hoa Kỳ, một đất nước đa chủng tộc, có một lịch sử non trẻ chỉ từ 1776 đến nay, nhưng lịch sử nội chiến, và tham gia giữ gìn hòa bình, dân chủ, tự do cho toàn cầu, thì nền lịch sử của Hoa Kỳ hoàn toàn đáng để gọi là vĩ đại.

Phần còn lại của sự lớn mạnh của một dân tộc là ở nền văn hóa của dân tộc ấy. Mỗi nền văn hóa của một dân tộc thì lại quá mênh mông và to lớn cho bất kỳ dân tộc nào trên thế giới. Nhưng để khẳng định sự to lớn của nền văn hóa ấy với toàn cầu lại là một việc khác. Những tiêu chuẩn để khẳng định văn hóa to lớn của một dân tộc không chỉ định hình nó ở trong quốc gia, mà còn sự khẳng định nền văn hóa của dân tộc ấy ra ngoài lãnh thổ biên cương.

Người Việt Nam bắt đầu biết vươn ra biển lớn từ thời thuộc Pháp. Một tầng lớp trí thức và nhà giàu đã du học, hoặc ra đi tìm vận mệnh cho đất nước, hoặc họ ở lại trời Tây, hoặc mang về tầm nhìn, kiến thức để khai sáng dân tộc. Nhưng so với văn hóa Trung Hoa, dân tộc Việt chưa bao giờ làm được sự khẳng định văn hóa Việt ra ngoài lãnh thổ.

Cho đến hôm nay, người Việt Hải Ngoại đã có mặt trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặt dù mãi đến thập niên 1970, cũng chỉ có khoảng 100.000 người Việt sống ở các nước khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia như Pháp, Hoa Kỳ và châu Âu. Nhưng "nhờ" sự có mặt của đảng cộng sản cầm quyền đã "giúp" người Việt thà bỏ thây cho cá biển, cướp biển để được sống ở Hải ngoại, dù bất cứ nơi đâu, mà nơi đó không phải là Việt Nam. Con số người Việt hải ngoại ngày nay đã lên đến khoảng hơn 4 triệu người. Đông nhất là Hoa Kỳ khoảng 2.2 triệu. Đông hàng thứ hai là Pháp và Úc khoảng hơn 300 ngàn.v.v... Nhưng người Việt chưa bao giờ có được Vietnam Town - Phố Việt - như người Trung Hoa có China Town.

Tuy không có Vietnam Town, nhưng văn hóa uống nước nhớ nguồn của dân Việt không thua Trung Hoa. Hằng năm khúc ruột ngàn dặm, mà xưa đảng cầm quyền cho là bán nước, nay là yêu nước vẫn đều đặn gửi về cho quê hương khoảng 10% GDP. Một con số không hề nhỏ so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới mà có dân ở hải ngoại gửi tiền về xây dựng quốc gia.

Hôm nay là ngày cuối cùng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn phỏng vấn di dân của năm 2013, trước khi đóng cửa nghỉ tết Tây 2 tuần. Mình nhìn hình ảnh người Việt rồng rắn đi phỏng vấn để định cư Hoa Kỳ tự nhiên nghĩ về điều này, nên viết vội vài dòng để suy nghĩ về văn hóa Việt cần gì?

So sánh với người Trung Hoa, thì cho đến hôm nay dân tộc Việt không thể so sánh về cả tư tưởng, lịch sử, lãnh thổ, dân số lẫn văn hóa. Khi người Trung Hoa tự hào đội quân thứ Năm của họ trên khắp hoàn cầu - ngoài Mãn, Mông, Hồi, Tạng ở nội địa - ở đâu cũng có China Town. Nó là sức mạnh to lớn ghê gớm không chỉ kinh tế, an ninh quốc phòng mà còn là sức mạnh văn hóa lan tỏa của tư tưởng Khổng Khâu và Tôn Tử của Trung Hoa.

Sẽ có người cho rằng, người Việt đã có Little Sài Gòn ở San Jose, Hoa Kỳ. Đồng ý, nhưng Little Sài Gòn không thể đại diện văn hóa Việt. Vì nó mang màu sắc chính trị hơn là văn hóa. Trong khi đó, người Việt, nước Việt cần một biểu trưng đại diện cái lớn hơn, trường tồn hơn cho dân tộc, đất nước, dù đất nước Việt có bị chịu dưới ách thống trị của một chính thể xấu xa đến cỡ nào. Người dân Việt và đất nước Việt không xấu xa như các thể chế chính trị đã và đang hiện hữu nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Sự lớn mạnh của một dân tộc cần văn hóa hơn là chính trị, dù có một nền chính trị tốt đẹp nào đi nữa thì người dân vẫn là kẻ bại trận, như câu nói của De Gaulle: "Tất cả các chủ thuyết rồi sẽ qua đi, điều còn lại cuối cùng là dân tộc!"

Vì sao chúng ta chưa có Vietnam Town? Hôm nay nói chuyện với ông bạn già hơn 30 năm sống ở Hoa Kỳ và chu du khắp thế giới, ông bảo, người Việt mình chỉ biết đoàn kết khi cùng đường, lúc còn thở được thì không biết nhìn về một hướng. Cậu thấy đấy, ngay cả trong lúc này, khi đời sống người dân đang xuống đáy, nhưng dân mình còn chưa biết đoàn kết, nói gì những lúc còn có thể thở được. Buồn!


Bài đọc liên quan:

Được đăng bởi Hồ Hải vào lúc 14:51





No comments:

Post a Comment

View My Stats