Friday, 27 December 2013

VÀNG ĐÂU HỠI CÁC QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN ! hay CÂU TRUYỆN VÀNG & MÁU (Người Buôn Gió)




Thứ sáu, ngày 27 tháng mười hai năm 2013

Nhà văn Thế Lữ không những nổi tiếng bởi tập thơ Nhớ Rừng, mà ông còn được bạn đọc biết đến về tác phẩm văn học ly kỳ đậm chất huyền bí núi rừng và truyền thuyết, đó là tác phẩm Vàng và Máu.

Từ ngàn xưa đến nay, Việt Nam trải qua nhiều biến động lịch sử. Bị xâm chiếm, đô hộ, cướp bóc bởi ngoại xâm. Đặc biệt là giặc phương Bắc tham tàn. Bởi đặc thù ấy nên vàng là vật quý hiếm được lựa chọn nhất để người dân dễ cất giấu.

Ngay buổi đầu hình thành nhà nước Việt Nam mà hiện nay là nước CHXHCN Việt Nam, chủ tịch lúc đầu là HCM đã kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân, xây dựng chế độ mới bằng cách góp vàng. Đó là hiến tặng, không phải mua bán hoặc cho vay. Một người đàn bà tên là Hoàng Thị Minh Hồ lúc đó đã hiến tặng cho chính phủ VNDCCH đến 5000 lạng vàng. Ấn tượng về sự giàu có này, chỉ tịch HCM đã phải thốt lên "cô có cả cơ đồ, sự nghiệp, cô chẳng khổ gì cả". Bà Hoàng Thị Minh Hồ là vợ của thương gia Trịnh Văn Bô.

Sau này thì bà Hoàng Thị Minh Hồ nếm ít nhiều đau khổ trên con đường đòi lại ngôi biệt thự đã cho nhà nước Việt Nam mượn, hành trình đòi lại không dễ dàng như khi bà hiến hơn 5000 lạng vàng chỉ giây lát là xong, hành trình đi đòi ấy kéo dài đến mấy chục năm, qua biết bao đời chủ tịch nước Việt Nam. Hành trình ấy kéo dài đến nửa thế kỷ. May mắn bà vẫn còn sống để theo đuổi.

Nếu trời không cho bà sống đến gần 100 tuổi, liệu căn biệt thự bà cho nhà nước mượn có đòi được không.? Nửa thế kỷ đi đòi nhà, đến khi gần trăm tuổi người đàn bà lừng danh vì tấm lòng yêu nước ấy phải sử dụng biện pháp bất đắc dĩ của dân bần cùng làm, đó là "nhảy dù" để ở trong chính căn nhà của mình.

Tuy nhiên bà vẫn may hơn một bà khác, đó là bà Nguyễn Thị Năm, một người cũng cống hiến nhiều cho cách mạng, cho đảng, cho chính phủ. Bà Nguyễn Thị Năm không có cơ hội sống lâu như bà quả phụ Trịnh Văn Bô, tòa án cách mạng đã tuyên án xử tử bà sau một phiên đấu tố địa chủ ngoài bãi trống quê nhà.

Nói gì thì nói, mọi thứ đã qua, thành lịch sử (người ta vẫn nói thế về những quá khứ không hay!!!). Đây là thời buổi cần đoàn kết, tin tưởng để phát triển. Trước tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, năm 2013. Thủ tướng chính phủ Việt Nam có ý định để nhà nước độc quyền thị trường vàng, và đang nghiên cứu chính sách để huy động (bây giờ người ta gọi là huy động vốn, không phải vay, mượn, hiến) trong dân để phát triển đất nước.

Số lượng vàng dự tính còn ở trong dân đến hàng trăm tấn, tương đương khoảng 20 tỷ usd:

Theo bài báo trên thì chỉ cần một nửa số vàng này được huy động, khoảng 10 tỷ usd sẽ giảm áp lực nợ nước ngoài cho Việt Nam rất nhiều.

Nhiều giáo sư, tiến sĩ đang bắt tay nghiên cứu khẩn trương để làm sao hút được vàng trong dân về tay nhà nước. Một cách đơn giản là nhà nước nhận vàng và bàn giao cho người dân giao vàng một tờ giấy biên nhận. Tờ giấy ấy sẽ giá trị như vàng. Từ giấy này có tên rất đẹp là "chứng chỉ". Các chuyên gia còn nói tờ giấy này tiện hơn vì không phải bảo quản, không sợ giả, không sợ thiếu cân.... tóm lại giao cho nhà nước là an toàn tuyệt đối. Tờ giấy chứng chỉ ấy còn giá trị hơn cả vàng thật bởi những yếu tố tiện lợi kể trên.

Hầu hết những ý kiến đưa ra đều không thấy nói đến bất lợi cho người dân có vàng. Tất cả ý kiến đều là vẹn tình, vẹn nghĩa như là giao vàng cho nhà nước là thể hiện tinh thần cách mạng, xây dựng đất nước. Giữ vàng như vậy an toàn nhất.

Việc gửi vàng cho nhà nước giữ cũng được nhắc sơ sơ qua là dài hạn, không thể rút trước thời hạn như tiết kiệm. Và vì này nọ, ngân hàng nhà nước sẽ ủy quyền cho ngân hàng thương mại phát hành chứng chỉ.

Nói đến ngân hàng thì người dân chắc sẽ nhớ đến Bầu Kiên, hoặc một ngân hàng mà cả gia đình dâu rể, con trai, con gái đều giữ chức vụ cao nhất như Viettinbank:

Liệu những ngân hàng kiểu gia đình trị như nầy đủ uy tín phát hành chứng chỉ (dù ủy quyền của NHNH) để thu hút vàng trong nhân dân.

Nhưng nếu khi nhà nước đã độc quyền vàng. Thì vàng trong nhân dân sẽ chả còn giá trị, chúng sẽ nằm im. Nếu mang đi giao dịch dân sự bị phát hiện có nghĩa là việc buôn bán phạm pháp. Số vàng bị tịch thu, có khi còn bị xử tù. Rồi chưa kể báo chí sẽ liên tiếp đưa tin rủi ro vì giữ vàng trong nhà, nào là bị cướp giết, bị trộm cắp, bị phát hiện mua bán tịch thu...

Vàng để trong nhà thế cũng lo. Có lẽ người dân Việt Nam một lần nữa học tập các nhà tư sản thời trước giao vàng cho cách mạng. Dù sao lần này cũng là huy động vốn, có chứng chỉ bằng giấy tờ con dấu đỏ choét của ngân hàng. Như dạng Viettinbank chẳng hạn.

Dân gian có câu:
Cầm vàng thì sợ vàng rơi
Cầm tam bát cửu đời đời ấm no.

Tam bát cửu là tên của các quân bài cờ bạc rủi may, câu ca dao trào phúng. Ý nói vàng chẳng giữ, lại đi giao vào mấy quân bài giấy để ăn thua. Tam bát cửu là trò cờ bạc om ba cây, trò này tính điểm mười là cao nhất, đạt đến độ mười nước cửu sừng là gần như tuyệt đối. Thế nhưng câu ca dao ác hiểm này còn chưa nói rằng rằng mười nước có chín cửu sừng vẫn còn thua mười át cụ. Lời cảnh cáo ngầm thật ý nghĩa, không có gì chắc hết, đáng tin tưởng hết. Đó là chưa kể còn bị cờ bạc bịp, lát bài, đôn bài, tráo bài...

Nhân dân Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước từ ngàn đời. Đến thời đại này dưới sự lãnh đạo sáng suốt nhất của Đảng cộng sản, tinh hoa hơn bất kỳ triều đại nào. Sự tinh hoa ấy của Đảng tột đỉnh trong niềm tin nhân dân. Đến mức một nhà văn, phó giáo sư, đại tá quân đội khẳng định trên báo rằng "Đảng cộng sản gắn liền với tồn vong của dân tộc".

Với niềm tin ấy, người dân đã gánh chịu đủ loại phí, tăng giá để chứng tỏ lòng yêu nước như lời một bộ trưởng chính phủ suy luận "tăng giá nhà nước thu lợi, nhà nước thụ lợi thì lại lo cho dân". Nhưng dường như niềm tin của nhân dân chưa đến độ, cần phải chứng tỏ niềm tin ấy tuyệt đối hơn nữa là mau mau dốc vàng trong nhà, chôn ở đâu đào lên, cất trên đâu trèo lên lấy xuống. Hãy lũ lượt xếp hàng mang đến ngân hàng như dạng Viettinbank để chứng tỏ lòng yêu nước, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.

Còn chờ gì nữa, máu xương đã không tiếc, nghe theo lời cách mạng, lời Đảng để bảo vệ thành trì CNXH. Máu còn chả tiếc thì ngày nay mang vàng xây dựng CNXH có gì mà tiếc.

Câu nói bất hủ của cách mạng ngày xưa là:
- Vùng lên hỡi các nô lệ thế gian!

Câu nói của năm 2014 tới đây chắc sẽ đầy khí thế cách mạng như vậy.
- Vàng đâu, hỡi các quần chúng nhân dân!

Được đăng bởi nguoibuongio1972 vào lúc 11:05



No comments:

Post a Comment

View My Stats