Nam
Nguyên, phóng viên RFA
2013-12-06
2013-12-06
Ý nghĩa thực như thế nào?
Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đã vẽ ra một bức tranh kinh tế màu hồng khi ông phát biểu
trước Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) ngày 5/12 tại Hà Nội.
Theo đó, quy mô kinh tế hiện đạt gần 176 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người
khoảng 1.960 USD tăng gần 23% so với năm 2012.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Đối tác Phát triển 2013
hôm 05/12/2013 được tổ chức ở Hà Nội. World
Bank Photo/Việt Tuấn
Báo mạng lề phải, tờ Sống Mới SM Online ngày 3 tháng
12 có bài 'Tự sướng' với con số tăng trưởng 'ảo' .
Bài báo dẫn nhập, “Sự chênh lệch quá lớn giữa GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) và
GNI (Tổng thu nhập quốc dân) trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ
ra rằng: Tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam
đang phụ thuộc quá lớn vào vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước
ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp nội phần nhiều đã suy kiệt.”
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên, TS Nguyễn
Quang A nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Phát triển IDS, một tổ chức tư
nhân ở Hà Nội đã tự giải thể, đưa ra thí dụ về sản phẩm xuất khẩu của Samsung
chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam tính đến hết tháng 10/2013. Theo
đó lợi nhuận của Samsung đương nhiên chuyển ra khỏi Việt Nam, phần Việt Nam
được hưởng rất nhỏ nhưng toàn bộ đều được tính vào GDP.
TS
Nguyễn Quang A nhấn mạnh:
“Cái việc ‘tự
sướng’ với các con số là một truyền thống lâu đời ít ra cũng phải ít ra mấy chục
năm của Việt Nam này rồi. Người ta chỉ thích các con số mà không biết đàng sau
những con số đó ý nghĩa thực của nó như thế nào. Thí dụ cái gọi là tăng trưởng
GDP, con số đó có thể có nhiều ý nghĩa nhưng xét về thu nhập của người dân lấy
GDP hàng năm chia cho 90 triệu người dân để ra con số thu nhập đầu người một
nghìn mấy (1960 USD) thì nó không thực sự là người dân được hưởng. Thí dụ họ
làm một cái cầu chẳng hạn thì cái phần giá trị gia tăng ấy được tính vào GDP,
sau đó vì làm kém cái cầu ấy bị sập, công dọn dẹp cây cầu sập cũng được tính
vào GDP, khi sửa cái cầu ấy cũng tính vào GDP. Nhưng thực sự nó chẳng mang lại
gì cả, nói cách khác người ta bảo là đào đường lên, lấp xuống xong lại đào và
lấp thì cái quá trình vô bổ ấy cũng làm tăng trưởng GDP và GDP chia cho đầu
người là không có ý nghĩa lắm.”
Toàn cảnh Diễn đàn Đối tác Phát triển VDPF 2013.
World Bank Photo/Việt Tuấn.
Con số thu nhập bình quân đầu người 1960 USD/năm
được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tương đương 41,3 triệu đồng một năm hay
3,4 triệu đồng/người một tháng. Con số này có thể thích hợp với các thành thị
lớn, nhưng ở nông thôn nơi 70% dân số Việt Nam sinh sống thì ngay như các tỉnh
miền Tây Nam bộ trù phú, nhiều vị Chủ tịch Tỉnh cũng lắc đầu. Nghiên cứu chung
giữa tổ chức phi chính phủ Oxfam và Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển
Nông nghiệp Nông thôn công bố ngày 17/10 ở Hà Nội cho thấy thu nhập trung bình của người
nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ khoảng 535.000 đ/
người/tháng. Mức thu nhập bình quân đầu người này kém con số Thủ tướng
đưa ra tới 8-9 lần và cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam là rất lớn.
Thực tế này cũng đi ngược với tinh thần xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam theo đuổi
và xưng tụng.
Đáp câu hỏi
của chúng tôi, TS Nguyễn Quang A nhận định:
“Ở Việt Nam người ta sử dụng ngôn ngữ khác, người ta
gọi là xã hội chủ nghĩa nhưng thực sự cái người ta đang xây dựng là chủ nghĩa
tư bản man rợ chứ không phải theo kiểu xã hội chủ nghĩa bên Tây âu. Tức là
những chuyện công bằng xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động thì ở đây
người ta nói như vậy, nhưng thực sự không phải là như vậy. Khoảng cách gia tăng
giữa giàu và nghèo, giữa những người thu nhập rất là lớn và những người rất
nghèo thì càng ngày càng dãn thêm ra và nếu họ không để ý đến thì vấn đề này sẽ
sinh ra bất ổn xã hội lớn.”
Báo mạng Sống Mới có trụ sở tại Hà Nội và TP.HCM cho
rằng Việt Nam mải say sưa với con số GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) vẫn tăng
trưởng qua các năm mà quên một điều cốt yếu rằng: GDP không loại bỏ số tiền mà
người Việt Nam phải dành ra để trả nợ, và khoản lợi nhuận doanh nghiệp nước ngoài
chuyển về nước họ. Trong khi đó, GNI (Tổng thu nhập quốc dân) chỉ tính theo
hoạt động sản xuất kinh doanh của công dân hay pháp nhân một nước, bất kể họ
đang ở đâu-phản ánh chân thực hơn nền kinh tế Việt Nam thực sự đã làm được
những gì-lại thường xuyên bị bỏ quên trong báo cáo.
Tờ báo mạng, trích số liệu Ngân hàng Thế giới cho
biết GDP năm 2012 của Việt Nam đạt 141,7 tỷ USD thì GNI lại chỉ đạt 134,2 tỷ
USD chênh lệch 7,5 tỷ USD. Trước kia vào năm 2003 chênh lệch giữa GDP và GNP
của Việt Nam chỉ có 0,6 tỷ USD. Như vậy mức chênh lệch đã tăng 16 lần từ 2003
tới 2012 và trong tương lai có thể mở rộng hơn nữa, khi Việt Nam phải trả lãi
nợ nước ngoài ngày một nhiều hoặc doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam phát
triển hơn hiện nay.
Kinh tế sáng sủa?
Tường thuật Diễn đàn Hà Nội 5/12/2013, báo mạng
VnExpress trích lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng: “từ một quốc gia nhận
tài trợ trong 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia đối tác phát triển.
Việt Nam hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, do đó thay vì tổ
chức các hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) để công bố cam
kết vốn tài trợ phát triển của nước ngoài (ODA), thì nay lần đầu tiên Việt Nam
tổ chức Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF).
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói
tại Diễn đàn VDPF rằng, sẽ kiểm soát chặt nợ công, nợ chính phủ, nợ nước
ngoài, bảo đảm trong giới hạn an toàn. Một tuần trước khi Diễn đàn VDPF diễn
ra, trong dịp trả lời chúng tôi TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc
lập ở Hà Nội nhận định là, Thủ tướng công bố con số nợ công trong ngưỡng an
toàn là theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong đó chỉ tính đến những số nợ nước
ngoài và nợ trái phiếu chính phủ ở trong nước, chứ không xem xét đến những
khoản nợ của các Doanh nghiệp Nhà nước mà các khoản nợ này thì ít nhiều đều có
liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước.
TS
Lê Đăng Doanh tiếp lời:
“Một số chuyên gia kinh tế đã đi đến một con số nợ
đó là cộng nợ của Doanh nghiệp Nhà nước với nợ của chính phủ thì tất cả đã đi
lên tới 95% GDP tức là vượt qua giới hạn an toàn mà Ngân hàng Thế giới đã đề ra
cho các nước là 65% GDP. Ngoài ra, TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài
khoản Quốc gia của Cơ quan Thống kê Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra một con số thì
số nợ đó có thể lên tới 105% GDP. Đấy là những con số mà chúng ta cần tham khảo
cho những cách tính và cách tiếp cận khác nhau.”
Ngày 4/12 tại Hà Nội cũng diễn ra Diễn đàn Doanh
nghiệp Việt Nam (VBF), theo báo mạng VnEconomy giới đầu tư kêu gọi thúc nhanh
cải cách doanh nghiệp nhà nước. Tờ báo trích lời ông Alain Cany, đồng chủ
tịch VBF nói rằng: “Để thực hiện, khuyến khích tăng trưởng kinh tế lành
mạnh, các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ các qui luật thị trường và phải
chịu trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn vốn của nhà nước. Tuy nhiên các doanh
nghiệp nhà nước làm thương mại được hưởng các ưu đãi, đối xử đặc biệt của nhà
nước thì những doanh nghiệp này sẽ có khả năng kiểm soát, chi phối thị trường,
từ đó ảnh hưởng đến cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân.”
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam,
chủ tọa VDPF 2013. World Bank Photo/Việt Tuấn.
Vẫn theo VnEconomy, ông Preben Hjortlund, Chủ
tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu lên mối quan tâm
chính của các nhà đầu tư nước ngoài là vấn đề cải cách và tái cơ cấu doanh
nghiệp nhà nước.
Tại Diễn đàn VDPF Hà Nội ngày 5/12, Theo VnExpress
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm
soát lạm phát ở mức 7%. Tuy bội chi ngân sách năm 2013-2014 được nâng lên
5,3% nhưng sẽ điều chỉnh giảm dần từ năm 2015. Ngoài ra Thủ tướng Việt Nam hứa
hẹn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống
ngân hàng. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng hứa hẹn xử lý tình trạng sở hữu chéo, nợ
xấu và sử dụng cơ chế Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC để mua
từ 130.000 tới 180.000 tỷ đồng nợ xấu trong hai năm 2013-2014.
Phải chăng tình hình kinh tế Việt Nam
có vẻ sáng sủa như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?
Chúng
tôi xin trích lại nhận định của TS Lê Đăng Doanh:
“Những khó khăn và những vấn đề của kinh tế Việt Nam
thì vẫn đang còn ở phía trước chưa giải quyết được. Thí dụ như vấn đề tái cấu
trúc đầu tư công cũng chưa giải quyết được, rồi vấn đề tái cấu trúc các Tập
đoàn và Doanh nghiệp Nhà nước cũng chưa giải quyết được. Con số gần đây cho
thấy là các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước có món nợ tổng cộng lên đến một triệu năm
trăm tám mươi tám ngàn tỷ đồng (1.588.000.000 đ), tức là một con số cực lớn và
chưa biết số nợ đó sẽ được giải quyết như thế nào.
Ngoài ra về bất động sản, chúng ta được biết gói 30
ngàn tỷ đồng để hỗ trợ giải quyết bất động sản nhưng sau 6 tháng mới giải ngân
được có 1,1%. Như vậy để giải ngân hết số tiền đó thì chúng ta cần 100 lần của
6 tháng, tức là cần 30 năm. Đó là một viễn cảnh không mấy sáng sủa đối với việc
giải quyết bất động sản đó. Ngoài ra ngân sách Nhà nước cũng gặp khó khăn rất
lớn và có lẽ cũng phải điều chỉnh lại. Và Nông nghiệp Nông dân Nông thôn Việt
Nam cũng đang rất cần cuộc cải tổ và điều chỉnh để bơm thêm tín dụng vào cho
nông nghiệp và nông dân có thể phát triển được mạnh mẽ hơn.”
Những tín hiệu từ Diễn đàn Quan hệ Đối tác phát
triển Việt Nam 2013 cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa có sự ổn định mang
tính bền vững. Giám đốc quốc gia Việt Nam của Ngân hàng Thế giới bà Victoria
Kwakwa khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, khôi
phục tài chính ngân hàng, cải cách kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng
cho kinh tế tư nhân cũng như đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và khu
vực tài chính, tạo sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhân định là tất cả những vấn đề vừa
nêu thật ra không có gì mới, vì những khuyến nghị như thế được liên tiếp đưa ra
tại các Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam(CG) những năm vừa
qua. Nhất là giờ đây khi Việt Nam đổi vị thế trở thành đối tác quan hệ phát
triển mà sự hứa hẹn cải cách vẫn được xem là dậm chân tại chỗ.
No comments:
Post a Comment