Jason
Vu chuyển ngữ
DienDanCTM 06:49 - 17/12/2013
Ô nhiễm không khí đã làm nhiều thành phố tại Trung
Quốc không ở được và điều này làm dân chúng bệnh hoạn - và phẫn nộ.
Mười sáu trong hai mươi thành phố mù khói nhất thế
giới nằm tại Trung Quốc. Ở những nơi này, người ta nhiều khi chỉ nhìn được
không quá 10 mét trước mặt khiến xe cộ phải chạy thật chậm, và hầu như tất cả
mọi người đều phải mang mặt nạ khi ra đường. Tại Cáp Nhĩ Tân, một thành phố
khoảng 11 triệu dân, đường phố, phi trường, trường học thường phải bị đóng cửa
khi mức độ ô nhiễm lên đến 40 lần mức an toàn do Tổ Chức Y Tế Thế Giới ấn định.
Và, trong trận “tận hơi“ * tại Bắc Kinh khoảng đầu năm nay, mật độ các hạt bụi
có thể chọc thủng lá phổi đã lên đến 993 micrograms cho mỗi thước khối - một
mật độ chỉ có thể thấy trong các trận cháy rừng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa
kỳ ấn định rằng một mật độ trên 300 là lằn mức không an toàn và tuyệt nhiên
không được quá 500.
Người ta còn gọi Bắc Kinh là “Hắc Kinh“ vì không khí
ở đây dày và đen đặc đến nỗi có một lần một biệt thự bị cháy mà mãi đến 3 tiếng
sau người ta mới phát hiện.
Người ta cho rằng, ô nhiễm không khí ở mức khủng tại
Bắc Kinh là hệ quả của hai thập niên phát triển bất kể, gia tăng lũy tiến về số
lượng xe cộ, và sự lệ thuộc hầu như tuyệt đối vào việc sử dụng than làm nhiên
liệu đốt. Chỉ mới đầu thập niên 90, các thành phố tại Trung quốc vẫn còn đầy xe
đạp, nhưng giờ đây, dân chúng sở hữu khoảng 120 triệu xe hơi và 120 triệu xe
gắn máy các loại. Các tiêu chuẩn về nhiên liệu, được ấn định bởi các ủy ban gồm
nhiều thành viên của các đại công nghiệp, không thể bắt kịp. Tuy nhiên, ô nhiễm
do khói xe chỉ là 25 phần trăm của vấn đề. Hầu hết ô nhiễm đến từ việc đốt
than. Số lượng than do Trung Quốc đốt bằng tổng số của các nước khác. Mặc dù đã
đầu tư lớn vào nhiên liệu tái tạo, Trung Quốc vẫn còn cần than để cung ứng cho
70 phần trăm nhu cầu nhiên liệu của họ. Điều mà ai cũng biết rõ là các thành
phố phía bắc Trung quốc bị ô nhiễm thường trực, nhưng vấn đề thực sự nổi bật
hơn khi các thành phố này bật hệ thống sưởi ấm tập thể mỗi mùa đông. Sự đảo
ngược nhiệt độ làm các khí độc không thoát ra được trong nhiều ngày hoặc cả đến
nhiều tuần lễ.
Tác hại đến sức khỏe do ô nhiễm không khí càng ngày
càng lan rộng và trầm trọng. Trong năm 2010, theo một cuộc nghiên cứu, ô nhiễm
không khí là nguyên nhân làm tử vong sớm 1,2 triệu người tại Trung quốc. Các
bệnh viện tại Cáp Nhĩ Tân cho biết cứ sau mỗi lần có cảnh báo về tệ trạng ô
nhiễm thì có 30 phần trăm gia tăng về số người nhập viện vì đường hô hấp. Mặc
dù không có sự gia tăng về số người hút thuốc lá, tỷ lệ ung thư phổi ở Trung
quốc vẫn gia tăng 465 phần trăm trong ba thập niên vừa qua. Các khoa học gia
tiên đoán rằng sự ô nhiễm tại các thành phố phía bắc Trung quốc làm tuổi thọ
của 500 triệu người dân ở đây bị rút ngắn trung bình là 5,5 năm.
Ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người
dân, nó còn tác hại đến nền kinh tế toàn quốc. Trong năm 2012, thiệt hại liên
quan đến ô nhiễm trong 4 thành phố lớn tại Trung quốc đã lên đến 1,08 tỷ đô,
theo báo cáo của phân khoa Y tế Đại chúng tại đại học Bắc kinh và của
Greenpeace. Cũng vì những vụ “tận hơi”, du lịch đến Bắc kinh giảm một nửa trong
năm nay, theo báo cáo của Nhật báo Thanh niên Bắc kinh. Ngoài ra, ô nhiễm không
khí cũng làm hỏng các nỗ lực tuyển lựa nhân tài của các thương hiệu tại Bắc
kinh. Càng ngày càng nhiều ứng viên đòi phải có trợ phí vì không khí ô nhiễm.
Với những cuộc nghiên cứu cho thấy các bà bầu sống trong môi trường ô nhiễm
thường sanh con mang bệnh trầm cảm, tự kỷ, và yếu phổi, nhiều phụ huynh chỉ còn
biết “sống trong phập phòng”, bác sĩ gia đình Richard Saint Cyr sống tại đây
cho biết.
Người dân càng ngày càng sẵn sàng bày tỏ sự bất mãn
của mình. Bất chấp lệnh cấm của chính phủ, cư dân mạng Trung Quốc tiếp tục chia
sẻ các biểu đồ đo chất lượng không khí từng giờ được phát đi từ Đại sứ quán Mỹ
ở Bắc Kinh. Các trang tiểu blog như Sina Weibo trở thành diễn đàn để người dân
bày tỏ sự bực bội của họ với tình trạng ô nhiễm của Trung Quốc. "Yêu cầu
của chúng tôi chẳng có gì là quá đáng," phóng viên đài phát thanh Guo
Yazhou đăng trên Weibo. "Chúng tôi chỉ muốn thực phẩm sạch, nước sạch, và
không khí trong lành." Làn sóng bất mãn tạo nên một phong trào tranh đấu
cho môi trường, với khoảng từ 30.000 đến 50.000 cuộc biểu tình đồng loạt mỗi
năm, theo cựu quan chức Đảng Cộng sản Chen Jiping.
Sự bất mãn của dân chúng không còn là một vấn đề có
thể bỏ qua. Đầu năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết khói của
đất nước làm cho ông "rất nhức nhối", trong khi đó tờ Trung Quốc Nhật
báo thẳng thừng gọi các thành phố lớn như Bắc Kinh là "không ở được".
Đó là một sự thay đổi lớn so với năm 2011 vì lúc ấy các cơ quan truyền thông
nhà nước chỉ mới dám dùng những uyển ngữ như “mịt mù sương” để chỉ đến sự ô
nhiễm chết người của Trung Quốc. Giờ đây, người ta dám nói thẳng đến kế hoạch dự
chi 817 ngàn tỷ đô để cắt giảm mạnh ô nhiễm vào năm 2017. Nghe thì có vẻ là
tiến bộ thực sự, nhưng trên thực tế các quan chức tỉnh và các doanh nghiệp nhà
nước thường bỏ ngoài tai các chính sách ban ra từ trung ương. Các nhà phê bình
cũng lưu ý rằng kế hoạch giảm ô nhiễm không khí mới chỉ kêu gọi việc giảm 2
phần trăm việc đốt than - một điều chứng minh sức mạnh của kỹ nghệ than đốt tại
nước này. Một chuyên gia ô nhiễm không khí thường qua lại giữa hai đại học Bắc
Kinh và Princeton, ông Tong Zhu tiên đoán rằng sự tranh giành chính trị trong
bộ máy quan liêu khổng lồ của Trung Quốc mới là trở ngại lớn nhất. "Kỹ
thuật thì có đấy, nhưng vẫn phải có quyết tâm chính trị thì thực trạng môi
trường mới có thể được cải thiện đáng kể.”
Không phải ai cũng thù ghét khói mù. Các công ty sản
xuất khẩu trang đang bán hàng chạy như tôm tươi, vượt cả kỷ lục trước đây khi
dịch SARS đột phát. Nếu trên đường phố Bắc Kinh có người không đeo mặt nạ thì
đó thật là chuyện lạ, nhà thiết kế thời trang Chen Dawei nói với tờ South China
Morning Post. Ô nhiễm không khí lại nảy sinh kỹ nghệ mặt nạ thời trang - với
những loại khẩu trang được trang trí với tất cả mọi thứ từ các bản in động vật
cho đến những cái logo giả mạo. Doanh nhân giàu có và quan chức chính phủ cũng
tậu những máy lọc không khí xịn trong nhà, có khi bán đến cả $3.000 đô. Trong
nửa đầu năm 2013, công ty sản xuất máy lọc IQAir của Thụy Sĩ đã đạt đến số
thương vụ gấp ba lần năm trước. Tuy nhiên xu hướng sử dụng máy lọc không khí
xịn đã làm nhiều người dân thêm oán giận bởi vì thu nhập của họ trung bình chỉ
có $2,100 mỗi năm!
*
Ghi chú của người dịch: Tạm dịch chữ “airpocalypse” do tác giả nhái chữ
“apocalypse” có nghĩa là “tận thế”.
No comments:
Post a Comment