Orville Schell | ChinaFile
Mai Xương Ngọc dịch
Những lời kêu gọi cải cách tại
Hội nghị Trung ương 3 của Đại hội Đảng lần thứ 18, giống như rất nhiều Đại hội
Đảng khác ở Trung Quốc trong vài thập kỷ qua, là một phần của những nỗ lực
không ngừng của Trung Quốc cho sự đoàn kết dân tộc, sự thịnh vượng và quyền
lực. Nhưng đối với những ai thấm nhuần triết học chính trị phương Tây, những
mệnh lệnh chính sách đó của Trung Quốc đôi khi có vẻ như là lời kêu gọi cho một
loạt các cải cách khó hiểu, đầy mâu thuẫn.
Một mặt, những thuyết minh mới
nhất cho các cải cách được công bố kêu gọi cho quyền hoạt động lớn hơn trong
lĩnh vực đời sống cá nhân bằng cách nới lỏng chính sách mỗi gia đình chỉ một
con; sửa đổi các quy định đăng ký hộ khẩu để cho phép người nông dân chuyển vào
thành phố một cách linh hoạt hơn; và kêu gọi chấm dứt hình thức trừng phạt
ngoài vòng pháp luật bị khinh miệt, “trại cải tạo lao động”, nơi mà trong nhiều
thập kỷ qua, hình thức đó đã đưa các tội phạm cũng như những người bất đồng
chính kiến đến để cải tạo lao động mà không cần có phán quyết của tòa án, thủ
tục xét xử, hoặc khiếu nại. Tất cả những cải cách đó bắt nguồn từ sự công nhận
trong giới chóp bu của Đảng về nhu cầu cấp thiết phải từ bỏ một số cơ cấu cứng
nhắc và xưa cũ được thiết lập trong thời kỳ Stalin dưới quyền của Mao Trạch
Đông, để càng có thêm chất xúc tác tốt hơn cho sự “sáng tạo” và “đổi mới” hơn
nữa, hai khái niệm đang gây ám ảnh cho các nhà lãnh đạo mới.
Mặt khác, Chủ tịch Tập Cận Bình
cũng kêu gọi một cuộc hợp thức hóa đầy kịch tính đối với các chức vụ an ninh và
giám sát bằng một “Hội đồng An ninh Quốc gia” mới dưới sự chỉ huy của ông ta,
cũng như để tập trung những nỗ lực cải cách tài chính trên toàn quốc vào tay
một “nhóm lãnh đạo nhỏ” cũng dưới quyền kiểm soát của ông Tập. Đồng thời, ông
ta cũng ra tay trấn áp những tiếng nói độc lập trên phương tiện truyền thông,
bịt miệng các học giả đã phê bình thẳng thắn, và ưỡn lưng chống lại các nhà phê
bình nước ngoài. Tất cả những điều này có vẻ như cho thấy một điều gì đó đầy
mâu thuẫn. Tuy nhiên, hiểu theo ý nghĩa Âm-Dương, Chủ Tịch Tập có vẻ như đã vay
mượn rất nhiều từ một trang trong cuốn cẩm nang hậu-1989 của Đặng Tiểu Bình, cụ
thể là phải tìm cách thúc đẩy cải cách kinh tế triệt để trong thời gian điểm
gắt gao này, trong khi đồng thời phải thắt chặt mọi các lực lượng ly tâm trong
xã hội và chính trị, và trên tất cả, thắt chặt những đặc quyền của các nhà lãnh
đạo hàng đầu.
Thoạt đầu, mâu thuẫn giữa hai
nỗ lực trên dường như được xem như là đối lập với nhau một cách tột cùng, đặc
biệt là trong cách nhìn phương Tây. Nhưng Mao Trạch Đông, kẻ ưa thích “sự thống
nhất của những đối lập,” lại có suy nghĩ khác. Thật vậy, hầu hết các nhà cải
cách, những người đã từng tìm cách, dù rất giống nhau, để thiết lập một quốc
gia giàu có và mạnh mẽ hơn sau hơn một thế kỷ rưỡi, cũng đã có thể đồng ý với
công thức mới nhất của ông Tập. Điều mà các nhà lãnh đạo từ Lương Khải Siêu và
Tôn Trung Sơn ở đầu thế kỷ trước, hoặc Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông vào giữa
thế kỷ, cho đến Đặng Tiểu Bình và Tập Cận Bình trong thời gian gần đây đều đã
chia sẻ như một mục tiêu chung không phải là một quốc gia dân chủ khai sáng
hơn, mà là một quốc gia được thống nhất bởi chủ nghĩa dân tộc và được cai trị
bởi một đảng phái duy nhất, có kỷ luật, có thể tôi luyện Trung Quốc để đương
đầu với thách thức lịch sử để trở thành một nước giàu có và vững mạnh, qua đó
được tôn trọng, trong thế giới hiện đại.
Trong khi các nhà lý thuyết
phát triển của phương Tây luôn luôn hình dung rằng các xã hội mở luôn được gắn
liền cùng với nền kinh tế mở, các nhà lập quốc Trung Hoa đã đảo ngược mô hình
này. Trung Quốc dường như tuyên bố rằng một xã hội khép kín bên cạnh các thị
trường tương đối tự do là một cách hiệu quả hơn để tạo ra sự giàu có, quyền
lực, và sự tôn trọng, hơn là so với một xã hội mở cùng với một thị trường mở.
Bởi vậy, điều dường như được xem là mâu thuẫn đối với các nhà dân chủ phương
Tây – như ông Bill Clinton – người coi Trung Quốc như đang đứng “chệch hướng đi
của lịch sử”, lại có một logic rất khác khi nhìn từ vị trí thuận lợi của giới
lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh. Tại sao? Bởi vì mục tiêu của họ không phải là
để bảo vệ người dân chống lại sự chuyên chế quá thái của chính phủ, mà là để sử
dụng một chính phủ hiệu quả và độc tài nhằm xây dựng một nhà nước vững mạnh có
khả năng khiến cho một dân tộc bị mệt mỏi trước sự thua thiệt và bóc lột được
cảm thấy tự hào về sự phục hồi của dân tộc mình. Một phần quan trọng của niềm
tự hào này xuất phát từ việc cho thấy Trung Quốc một lần nữa có thể ngẩng cao
đầu, thậm chí ngang ngược, giữa những “cường quốc” khác. Nếu nền dân chủ và sự
cởi mở minh bạch không đóng góp một cách thiết thực cho nhiệm vụ lớn của toàn
dân, chúng sẽ không đóng một vai trò có ý nghĩa như những mục tiêu của các loại
chính sách mà bây giờ chúng ta đang thấy ngày càng nhiều trong Hội nghị Trung
ương 3. Tóm lại, đó là vì sức mạnh quốc gia, không phải vì sự bất khả xâm phạm
của cá nhân, là động lực dẫn dắt các quyết định của giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản
Trung Quốc.
Tôn Dật Tiên đã cảnh báo một
thế kỷ trước, “Cá nhân không nên có quá nhiều tự do, nhưng quốc gia cần phải có
tự do hoàn toàn.” Hầu hết các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau thời Tôn Dật Tiên cho
đến ông Tập đều dành rất ít sự lo lắng cho quyền bất khả xâm phạm của cá nhân,
nhưng lo nghĩ rất nhiều cho sự bất khả xâm phạm của một nhà nước vững mạnh. Ông
Tôn khuyên rằng: “Nếu chúng ta muốn khôi phục lại tự do của Trung Quốc, chúng
ta phải đoàn kết thành một khối vững chắc và sử dụng các phương pháp cách mạng
để hàn gắn quốc gia thành một thể thống nhất.” Tập Cận Bình chắc chắn sẽ nhất
mực đồng tình với ông Tôn, cũng giống như Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông và
Đặng Tiểu Bình trước đó.
Vì vậy, lời tuyên bố qua Hội
nghị Trung ương 3 dường như có một logic rõ ràng đối với ông Tập: Nếu không có
một khối lãnh đạo thống nhất, một nhà nước độc đảng mạnh mẽ, và một nền kinh tế
năng động có thể tạo ra sự thịnh vượng, sẽ không có quyền lực. Khi không có
quyền lực, Trung Quốc, như đã xảy ra trong hơn một thế kỷ qua, sẽ vẫn bị yếu kém,
là nạn nhân của cả người nước ngoài. Như vậy, đột phá thực sự đối với các quy
định chính sách gần đây không phải là để bảo vệ quyền tự do cá nhân – ngoại trừ
trong chừng mực nới lỏng một chút ràng buộc để có thể cho phép nhiều đổi mới
hơn – nhưng chỉ để cho các động cơ kinh tế của Trung Quốc quay ở tần số cao, và
để cho Đảng thậm chí nắm quyền như một kẻ giám hộ vững mạnh hơn, hiệu quả hơn
trong quá trình phục hồi quốc gia. Đây là mục tiêu của Đặng Tiểu Bình trong
thời kỳ hoàng kim của ông ta với câu nói “làm giàu là vinh quang” đã trở thành
khẩu hiệu. Nó vẫn còn đúng cho đến hôm nay, mặc dù được nhấn mạnh nhiều hơn đến
sự thịnh vượng của quốc gia, thay vì sự giàu có của cá nhân.
[*] Orville Schell là Giám đốc
Trung Tâm Quan hệ Mỹ – Trung danh hiệu Arthur Ross tại Tổ chức Châu Á ở New
York. Ông là một cựu giáo sư và Trưởng khoa tại Đại học California, trường Báo
chí Berkeley. Ông là tác giả của mười lăm cuốn sách, mười trong số đó là về
Trung Quốc, đồng thời là người đóng góp nhiều cho việc hiệu đính các tuyển tập.
Các cuốn sách gần đây nhất của ông là Giàu có và Quyền lực: Vạn Lý Trường Chinh
của Trung Quốc đến thế kỷ 21 (Random House, 2013) (đồng tác giả với John
Delury), Tây Tạng ảo: Tìm kiếm Shangri-La từ dãy Himalaya đến Hollywood
(Metropolitan Books, 2000), Độc giả Trung Quốc: Những năm tháng cải cách
(Vintage, 1998), và Thiên Mệnh: Di sản của Quảng trường Thiên An Môn và thế hệ
tiếp theo của giới lãnh đạo Trung Quốc (Simon & Schuster, 1994). Ông cũng
là một người cộng tác cho nhiều tạp chí như The New Yorker, The Atlantic, The
New York Times Magazine, The Nation, The Los Angeles Times Magazine, Granta,
Wired, Newsweek, Mother Jones, The China Quarterly, và The New York Review of
Books.
Nguồn: Orville Schell, “Xi Jinping Refills an Old Prescription“, ChinaFile, ngày 18 Tháng 11 năm 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The
Pacific Chronicle
No comments:
Post a Comment