Thanh Gia
Posted by diendanxahoidansu on 05/12/2013
Sau bài viết “Suy nghĩ trong
những ngày nằm bịnh”, tuyên bố từ bỏ Đảng của Luật gia Lê Hiếu Đằng một lần nữa
đặt ra thông điệp quyết liệt cho Chế độ và Chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam.
Lời tuyên bố của ông cũng làm
dấy lên một cơn bão trong truyền thông cả chính thống lẫn tự do ngoài lề. Đặc
biệt là các trang mạng xã hội.
Với những người có hiểu biết,
có tâm thật sự mong muốn một chế độ dân chủ, đa nguyên ở Việt Nam thì bằng
tuyên bố này, ông Lê Hiếu Đằng được xem như ngọn cờ, một ngọn lửa dù còn
yếu ớt, bé nhỏ khơi dậy, đánh thức những ý thức còn yếu hèn của một số
đông những người chưa dám dấn thân hi sinh cho vận mệnh đất nước, dân tộc.
Một bộ phận khác, cũng tự nhận
mình đã và đang đấu tranh vì một xã hội dân chủ, nhưng: hoặc là kém hiểu biết
về chính trị, hoặc là thiếu đạo đức, thì mỉa mai, châm chọc … thậm chí xuyên
tạc bằng những nhận xét rất chướng tai khi cho rằng chẳng qua ông Đằng vì lý do
nào đó không thỏa mãn quyền lợi khi “chung mâm” với Đảng mà thế này, thế kia.
Tương tự, có một phát ngôn của một bloger khá nổi tiếng rằng “đấu tranh dân
chủ chỉ trông chờ vào thế hệ 8x, 9x chứ 7x trở đi thì vứt..”(!)
Về phía truyền thông chính
thống của nhà nước, có lẽ lời tuyên bố của ông Đằng sẽ khơi lại một cuộc “đấu
võ mồm” gay gắt hơn so với bài “Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh” trước đây
rất nhiều. Và nhiều khả năng, với lời tuyên bố này ông Đằng sẽ phải đối mặt
không ít hiểm nguy với cả đảng và bộ máy chính quyền vốn đã “khó chịu” với ông.
Nếu nói về khía cạnh quan hệ
giữa ông Lê Hiếu Đằng với Đảng CSVN thì đây là cú “ngả bài” cuối cùng ông có
thể làm. Hơn 40 năm tuổi Đảng và cả một quãng thời gian cống hiến với rất nhiều
nhiệm vụ quan trọng của ông, chắc chắn không giúp ông giành được chiến thắng!
Ông chỉ có thể thắng khi lịch sử Việt Nam sang trang và thắng bằng những người
chung chí hướng của ông đi tiếp con đường đấu tranh dân chủ.
Nói về ý nghĩa thì nhìn lại
toàn bộ con đường sự nghiệp của ông, với hơn 40 tuổi Đảng, từng là một trong
những cán bộ cao cấp của nhà nước đương thời thì ông thực sự là ngọn lửa thắp
lên một ánh sáng mới. Theo tình hình hiện tại thì vẫn khó có khả năng sẽ có
nhiều đảng viên khác noi gương ông. Điều này chỉ xảy ra khi có ít nhất một vài
người nữa có tầm vóc tương đương hoặc hơn ông dám chấp nhận hi sinh để tiếp sức
cho ngọn lửa mà ông đã đốt lên. Nếu không, nó cũng sẽ giống như vụ các trí thức
hàng đầu Việt Nam tuyên bố giải thể Viện IDS hay xa hơn là cố Đại tướng
Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cố gắng lôi vụ án Năm Châu, Sáu
Sứ ra yêu cầu Bộ chính trị xét xử nhưng bất thành.
Nếu xét về logic thì sau tuyên
bố này, liệu có tiếp theo một tuyên bố Thành lập một đảng phái chính trị mới
như ông từng bày tỏ? Điều mà vừa qua Đảng CSVN đã khẳng định là “không thể chấp
nhận” khi chỉ đạo Quốc hội thông qua một bản Hiến pháp sửa đổi, phớt lờ mọi ý
kiến của nhân dân.
Nếu đúng như vậy, chắc chắn sẽ
có một lực lượng nhất định ủng hộ và tham gia, bất chấp sự ngăn chặn của chính
quyền. Nhưng quan trọng hơn cả là tùy thuộc đảng phái mới sẽ có cương lĩnh như
thế nào, tổ chức ra sao, ai sẽ là gương mặt đủ sức thuyết phục để tập hợp cùng
với ông để xóa đi những nghi ngại còn đặt ra, khích lệ và tạo dựng lòng tin đủ
để mọi người dấn thân vào đảng mới khi biết rõ sẽ đối mặt không ít nguy hiểm và
thiệt thòi?
Lịch sử thế giới đang trong
giai đoạn chuyển qua những bước ngoặt, những xáo trộn lớn lao khi cuộc cạnh
tranh vị trí siêu cường số 1 giữa Trung Quốc và Mỹ vào gia đoạn quyết
định. Những hệ lụy, nguy hiểm từ Trung Quốc với nhân loại toàn cầu thì ai cũng
biết. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Trung Quốc chỉ có thể bại khi cái mặt nạ
Cộng sản kiểu Trung Quốc bị lột xuống ngay chính trên đất nước Trung Quốc.
Lịch sử Việt Nam cũng đang đối
mặt với một xu thế thay đổi chính trị tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai gần khi
các mâu thuẫn nội tại đã bộc lộ quá nhiều mâu thuẫn mà trong đó Tuyên bố từ bỏ
Đảng CSVN của ông Lê Hiếu Đằng là một ví dụ. Một nguy hiểm lớn hơn, đáng sợ hơn
là Việt Nam đã và đang bị lệ thuộc vào sự chi phối của Trung Quốc quá nhiều!
Đảng CSVN dù cố gắng đến đâu cũng không có đủ thời gian để lấy lại uy tín và
sức mạnh để tồn tại lâu hơn. Lựa chọn tốt nhất là một cuộc cách mạng từ chính
Đảng CSVN, một thỏa hiệp chính trị cho phép người dân tham gia vào vai trò
chính trị một cách dân chủ, công bằng hơn là giải pháp tốt nhất nhưng lại mong
manh gần như ảo tưởng nếu nhìn vào cách mà Đảng CSVN đã và đang thể hiện.
Tương lai đất nước, sự tồn vong
của dân tộc phụ thuộc vào nhận thức và ý chí của mọi tầng lớp trong xã hội Việt
Nam. Chỉ có một bàn tay khéo léo, đủ vững vàng chèo lái. Khơi lên và làm sống
lại câu khẩu hiệu “đoàn kết đại đoàn kết” mà ông Hồ Chí Minh từng giúp CNCS
hiện thân ở Việt Nam mới đủ sức thoát ra khỏi những nguy cơ, những kịch bản đen
tối đang lơ lửng trên đất nước, mới đủ sức thay thế cho mô hình chính trị hiện
nay ở Việt Nam.
Mỗi người – dù là ai – cũng nên
suy gẫm và nhìn nhận một cách nghiêm túc trước những góc nhìn, những hi sinh
như trường hợp của ông Lê Hiếu Đằng để lựa chọn một con đường ý nghĩa nhất,
đúng nhất cho mình.
-------------------------------
Trí
Thức 05-12-2013
Người Việt Wednesday,
December 04, 2013 6:45:01 PM
Diễn Đàn Xã Hội
Dân Sự 05/12/2013
No comments:
Post a Comment