Ngày 07 tháng 12 năm 2013
Người ta bảo nhà tù làm cho bạn cảm thấy bất lực và
dễ bị tổn thương. Nhưng thật ra cuộc sống của một người tù chính trị, ngay cả
đối những người đang tuyệt thực, thì ngược lại. Là một tù nhân, tôi buộc phải
chú tâm vào những điều thực sự cần thiết đối với bản thân mình, đối với quan
điểm chính trị của mình, và đất nước mình. Cho nên tôi gần như có thể cảm nhận
được sự hiện diện của những con người dũng cảm, cả phụ nữ lẫn đàn ông, cả già
lẫn trẻ, đấy là những người đã tập họp tại Kiev và những thành phố khác của
Ukraina nhằm bảo vệ giấc mơ của họ về một tương lai dân chủ theo lối châu Âu.
Trong tù, niềm hy vọng và ước mơ của bạn chính là đời sống hiện thực của bạn
Tôi tin chắc rằng Nelson Mandela hiểu được tình cảm
của tôi và đồng ý với tôi như thế. Chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi có thể
đã bắt tù ông suốt gần ba thập kỷ, nhưng trong các cuộc biểu tình lớn ở Soweto
và các cuộc biểu tình đòi tự do và bình đẳng, những người dũng cảm và trẻ tuổi
ở Nam Phi luôn luôn nhìn vào tấm gương của ông và cảm nhận được sự hiện diện
của ông.
Trên khắp thế giới, hiện nay hầu như tất cả mọi
người đều đánh giá cao thái độ đường hoàng đầy nghĩa hiệp của Mandela trong quá
trình dẫn dắt Nam Phi thoát ra khỏi sự hoang dã về chính trị. Ngay cả ở đây,
sau song sắt nhà tù và giám sát suốt 24 giờ, như ông đã từng trải qua trong một
thời gian dài, tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp của nụ cười của ông, của đôi mắt
đầy niềm vui, và những chiếc áo sơ mi may theo kiểu Hawaii đầy màu sắc và kiểu
cách của ông.
Và tôi có thể ngưỡng mộ sự kiên cường của ông –
ngưỡng mộ lời cam kết của ông với hòa hợp, hòa giải; chính lời cam kết đó đã
cứu được đất nước ông khỏi cuộc chiến tranh chủng tộc mà những người không chịu
chấp nhận sự cáo chung của chế độ trắng thiểu số cho là không thể nào tránh
khỏi. Họ đã lầm lẫn đến mức nào, và thành tích của Mandela trong việc làm cho
ngay cả kẻ thù không đội trời chung của ông cũng cảm thấy có thể sống một cách
bình yên trong nước Nam Phi thời hậu phân biệt chủng tộc mới hoành tráng đến
mức nào.
Nhưng chính ở đây, không phải là ông Mandela, một
chính khách, đã chạm vào được linh hồn tôi và công phá trí tưởng tượng của tôi.
Ông Mandela “của tôi” là một người tù, là Mandela của đảo Robben, người đã đứng
sau song sắt 27 năm tù (trong đó, 18 năm bị tù trên một đảo đá ở Nam Đại Tây
Dương), nhưng đã xuất hiện với tâm hồn nguyên vẹn của ông về một nước Nam Phi
khoan dung, một đất nước tự do ngay cả đối với những kiến trúc sư và những người được hưởng lợi từ chế độ phân biệt chủng tộc.
Không phải những chiến dịch thanh trừng đã đưa chế
độ của người da trắng đến chỗ cáo chung. Không có những cuộc săn đuổi những kẻ
dị giáo, cũng không có những phiên tòa giản lược. Mandela chỉ đòi hỏi một điều:
sự thật về quá khứ phải được phơi bày. Bằng một sáng kiến độc đáo - Ủy ban Sự
thật và Hòa giải - Mandela đã bắc được cây cầu khả thi duy nhất giữa di
sản phân biệt chủng tộc của đất nước với hiện tại và tương lai của một quốc gia
đa chủng tộc – đây là sự kết hợp của thiên tài chính trị và trí tuệ đầy nhân
văn mà chỉ những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất mới có.
Mandela có thể đưa Nam Phi đến bến bờ tự do vì ông
đã có thể nhìn thấy tương lai của đất nước mình rõ ràng hơn những người sống
nhiều năm dưới chế độ phân biệt chủng tộc, nhưng không phải đi tù. Thật vậy,
ông có tầm nhìn mang tính đạo đức mà nhà tù – có thể không một môi trường nào
khác - có thể gây dựng được.
Lao tù cũng làm cho Aleksandr Solzhenitsyn có một
tầm nhìn rõ ràng như thế. “Dần dần tôi đã nhận ra rằng sợi chỉ phân chia giữa
tốt và xấu không đi qua các quốc gia, không nằm giữa các giai cấp, cũng không
nằm giữa các đảng phái chính trị, mà đi qua trái tim mỗi người - và đi qua trái
tim tất cả mọi người”, ông viết trong tác phẩm The Gulag Archipelago như
thế . “Sợi chỉ này luôn thay đổi .... Và ngay cả trong những trái tim đầy ác ý,
một đầu cầu nhỏ của thiện tâm đã còn lại. Và ngay cả trong những trái tim tuyệt
vời nhất... một góc nhỏ của cái ác vẫn còn bám víu.”
Khả năng bắt đầu nhìn thấy rõ ràng hơn hầu hết các
hoạt động bên trong của tâm hồn con người là một trong số ít những món quà mà
cảnh tù đầy có thể ban cho ta. Buộc phải tính đến khả năng dễ bị tổn thương của
chính mình, bị cách li, và thiệt hại (và sự nghiệp dường như là tuyệt vọng),
bạn học được cách nhìn vào lòng người một cách thận trọng hơn – cả những người
bên phía bạn và cũng như những kẻ đang cầm tù bạn.
Mandela là hiện thân của món quà hiếm có này. Nếu
không thế, làm sao ông có thể đích thân mời một trong những cai ngục trên đảo
Robben của mình tham dự lễ nhậm chức của vị chủ tịch lần đầu tiên được bầu theo
lối dân chủ của Nam Phi?
Tất nhiên là, đằng sau tâm hồn hào sảng của Mandela
là tinh thần cứng như thép. Ông chịu đựng tù đầy vì sự nghiệp của mình. Và ông
chịu đựng những khổ đau giáng xuống gia đình ông. Nhưng ông không đập phá và
cũng không đầu hàng cơn thịnh nộ đó, một cơn thịnh nộ có thể ăn sống nuốt tươi
hầu hết những người khác.
Cách nói của Mandela về ngày ra khỏi nhà tù của mình
cho thấy ông đã hiểu rất rõ điều này: “Khi tôi bước ra cửa để đi về phía cổng
nhà tù, cái cổng sẽ dẫn tôi đến với tự do, tôi biết rằng nếu mình không bỏ cảm
giác cay đắng và hận thù lại phía sau thì tôi vẫn còn bị giam cầm.” Ngay khi
còn ngồi trong tù Mandela đã biết rằng một ngày nào đó chế độ phân biệt chủng
tộc sẽ sụp đổ; cũng như Madela, dù đang bị tù đầy, nhưng tôi biết rằng chiến
thắng cuối cùng của chế độ dân chủ châu Âu của nước Ukraine là một điều chắc
chắn.
Yuliya Tymoshenko, cựu thủ tướng Ukraine, trở thành
tù nhân chính trị từ năm 2011.
No comments:
Post a Comment