Trailer
bộ phim Snowpiercer
Tôi vốn không quan tâm các bộ phim (và phim bộ) Hàn
Quốc. Do đó, khi thấy đạo diễn bộ phim “Snowpiercer” có tên Bong Joon-ho đã
định bỏ qua, nhưng vì những ngôi sao nổi tiếng Mỹ quốc tham gia trong phim đã
kéo tôi vào rạp, có lẽ vì sự tò mò nhiều hơn là tìm những ý nghĩa sâu sắc từ bộ
phim. Tuy nhiên trải qua hơn hai giờ đồng hồ, phải thừa nhận: Tôi đã suýt sai
lầm nếu không xem bộ phim đạt cả giá trị nghệ thuật và giá trị tư tưởng mà
ê-kíp làm phim muốn chuyển tải đến khán giả.
Chuyến
tàu băng giá.
Bộ phim có tên tiếng Việt “Chuyến Tàu Băng Giá”
chuyển thể từ tác phẩm truyện tranh “Le Transperceneige” [*], do Bong Joon-ho
và Kelly Masterson đồng viết kịch bản.
Câu chuyện bắt đầu từ một sai lầm của các nhà khoa
học trên thế giới.
Tình trạng Trái Đất nóng dần lên, đã khiến một số
nhà chuyên môn cùng nhau nghiên cứu để giúp nhân loại thoát khỏi họa diệt vong.
Sau một thời gian, họ tìm ra loại hóa chất mang tên Communist World -7 với niềm
tin mãnh liệt (và tưởng như rất khoa học sau nhiều năm nghiên cứu kỹ lưỡng) làm
cho Trái Đất trở về nhiệt độ phù hợp, khi bắn hóa chất đó lên không trung. Đáp
trả sự chủ quan của những bác học tên tuổi, một hành tinh chết xuất hiện ngay
sau cú phóng Communist World - 7 vào bầu khí quyển. Trái Đất không trở về nhiệt
độ phù hợp, thay vào đó, nó hứng chịu một nhiệt độ thấp ghê hồn mà không sinh
vật nào sống nổi.
Bối cảnh câu chuyện, bắt đầu vào năm 2031. Mười tám
năm, tính từ 2013, khi cú phóng hóa chất sai lầm diễn ra. Tất cả mọi người
sống, duy trì nòi giống v.v... đều trên “Chuyến Tàu Băng Giá” - dành cho những
ai kịp tháo chạy. Những toa tàu cũ kỹ xuất hiện trên màn ảnh bằng vẻ bề ngoài
sầu thảm, ngập trong tuyết lạnh, bám hững hờ trên từng ô cửa. Khuôn hình với
đoàn tàu màu đen mốc meo làm cho tuyết trắng trở nên lạnh lẽo và buồn bã. Nó
như diễn đạt đời sống những con người đang phó thác số phận cho chuyến tàu đó.
Thật vậy, lần lượt những khuôn mặt tối tăm mang
những đầu tóc bù xù, tất cả đều lố nhố trong những bộ quần áo nhếch nhác, cáu
bẩn xuất hiện trong những toa tàu u ám, hợp cùng cảnh vật hai bên im lìm trong
tuyết lạnh, như nói với người xem: Những nơi đoàn tàu lướt qua, sự sống đã từng
tồn tại cách đây lâu lắm rồi, người ở bên trong tàu, dù đói rách vẫn quá may
mắn, khi nhìn ra bên ngoài, không một dấu chân người. Đừng trông mong chút gì
khi hướng ra khung cảnh trắng đến tang thương. Đại cảnh thật “đắt”, khi tạo cho
khán giả một sự cảm thông trước tâm trạng hoàn toàn tuyệt vọng, không trông chờ
bất cứ điều gì từ bên ngoài.
Chuyến tàu cứ thế, xình xịch chạy đều đặn với tiếng
động rì rầm to nhỏ trên các toa tàu quen thuộc, theo hành trình định sẵn từ 18
năm qua.
Không
đích đến.
Đoàn tàu vô định mải miết lao vòng quanh hết năm này
sang năm khác với đường ray dài 438.000km, chạy theo chu kỳ mỗi năm một vòng.
Không có đích đến. Không tồn tại khái niệm hy vọng. Không có cả những ước mơ
hay hoài bão nào khác, ngoài lòng biết ơn vô hạn cần có với ngài Wilford - xuất
hiện đúng lúc cùng đoàn tàu, nhờ đó đã cứu vớt tất cả những ai nhanh chân để
thoát cái chết đông đặc thành đá.
Đoàn tàu mang tên “Wilford Industries”, trong đó
được chia ra những toa đầu, toa giữa và những toa cuối như tất cả những đoàn
tàu bình thường khác, nhưng điểm đặc biệt: đoàn tàu được điều khiển và bảo vệ
nghiêm ngặt bởi một động cơ vĩnh cửu, từ chính bàn tay tài hoa cùng khối óc
thông minh và trái tim nhân từ của ngài Wilford. Những toa tàu hạng bét không
có cả cửa sổ, chút ánh sáng le lói họ hưởng được từ những bóng đèn nhân tạo hắt
xuống từ trần toa tàu.
Mọi thứ trong đoàn tàu đều được lên kế hoạch tỉ mỉ,
sắp đặt chu đáo với một trật tự được duy trì đến từng chi tiết nhỏ, thông qua
lời nhắc nhở hàng ngày của Tilda Swinton với tư cách “phát ngôn viên” chính
thức của cả đoàn tàu. Bà được xem là người duy nhất truyền đạt mọi ý chỉ từ Wilford.
Gặp bà tựa như nhìn thấy Wilford, bởi ông chưa một lần xuất hiện ở những toa
đuôi, suốt 18 năm qua vì bận rộn nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả - duy trì sự
bền vững, hiệu quả cả đoàn tàu. Một sự phân công lao động hoàn hảo và hợp lý.
Tilda Swinton khá già cỗi, xấu xí với cặp kính to án
ngữ gần cả khuôn mặt cùng mái tóc ngắn cũn cỡn không hợp tuổi tác, dù vận trang
phục đắt tiền nhưng bà có cách diễn đạt khô khan, phô ra hàm răng giả, trong đó
lấp lánh một chiếc bằng bạch kim: “Hỡi hành khách! Như ngay từ ban đầu, tôi
thuộc về đằng trước, các người thuộc về đằng đuôi”. Cánh tay bà đưa ra mạnh mẽ
và dứt khoát, để bất cứ ai có ý định thắc mắc hay bàn luận đều biết cần nên bỏ
cuộc. Bà chấm dứt bằng cách gằn giọng: “Chấp nhận vị trí của mình đi!”.
Những hàng người ngồi xổm ngay ngắn và thờ ơ trước bà, bởi những nòng súng luôn
chĩa về phía họ. Chân lý đã được mặc định.
Thức ăn duy nhất dành cho những người ở các toa đuôi
là một loại thực phẩm màu đen, lóng lánh, mềm, được cắt miếng thành thỏi hình
chữ nhật, tựa như từng miếng “sương sáo” ở Việt Nam, trong phim người ta gọi là
“steak”. Nó được phân phát mỗi ngày. Mỗi người một miếng. Như nhau và bằng
nhau, bất kể tuổi tác, giới tính và thể trạng. Tất cả những con người ở toa
đuôi đều được mặc định trong suốt 18 năm qua để cùng gọi là “steak” và cũng chỉ
có mỗi món “steak” đó, ngoài ra không có loại thực phẩm thứ hai. Mọi người đều
quen và chỉ đòi ăn “steak”, bởi khẩu phần có hạn. Trong mỗi miếng “steak” luôn
có một viên chì nhỏ, bên trong đó chứa một chữ, đôi khi là chữ “blood”, đôi khi
là chữ khác.
Tất cả những ai có ý định lên tiếng, hay tỏ ra phản
đối dù nhỏ nhất, dù bất kỳ việc cỏn con, đều bị trừng trị nêu gương. Không hẳn
bằng cái chết, đôi khi một cánh tay kéo dài từ bàn tay cho đến gần sát nách, bị
cưỡng ép đưa ra ngoài một lổ nhỏ được thiết kế sẵn, trong 7 phút đồng hồ theo
quy định, cũng là một sự trừng phạt ghê rợn, bởi sau khoảng thời gian đó, với
nhiệt độ lạnh ghê hồn, cánh tay ấy mau chóng trở thành một súc thịt đông cứng.
Kẻ thi hành án chậm rãi kéo cánh tay người bị phạt
ra khỏi lỗ nhỏ - sau đúng thời gian đã định - rồi nhẹ nhàng lấy một chiếc
muỗng, gõ thử vào súc thịt đó để “thẩm định” nó cứng đến đâu và (có lẽ) cũng
nhằm khủng bố tinh thần cho bất kỳ ai có ý định chống đối. Sau đó, người thi
hành án nhấc một chiếc búa lên, giơ cao, đập mạnh xuống. Cả súc thịt đông cứng
bỗng chốc gãy rời ra làm mấy khúc lớn nhỏ, rơi vãi trên sàn tàu, trước mắt mọi
người. Một hình phạt lạnh tanh và khô khốc. Không có máu chảy. Chỉ có tiếng
thét của người bị phạt. Tuyệt, không một tiếng động nào khác. Không có ngoại
lệ. Không có nước mắt, dù của bất cứ ai.
Nhiều người chán ngắt với đời sống tẻ nhạt suốt 18
năm, chui rúc trong những xó xỉnh ẩm thấp của từng toa tàu, người ta ngăn thành
ô, nhưng hỗn độn bởi sự mệt mỏi và thiếu dinh dưỡng, có vẻ khiến con người
chẳng muốn vận động nhiều hơn để không quá tiêu hao năng lượng. Tuy nhiên,
“trong tro còn lửa”. Họ quyết phải làm sao thoát ra khỏi tình trạng hiện hữu để
tìm cái gì đó mới hơn, dù hoàn toàn mù tịt về đời sống của các toa tàu phía
trước.
Hành
động
Những hành khách trong toa tàu đuôi cùng chung suy
nghĩ: cần phải tiến lên để tìm cho ra Wilford mà bao năm qua họ chỉ nghe tên,
thông qua bộ trưởng “Bộ Nhồi Sọ” - Tilda Swinton, nhưng chưa bao giờ thấy ông
ta xuất hiện bằng xương bằng thịt ở những toa tàu tồi tàn. Họ tin kiểm soát
được động cơ vĩnh cửu kia là kiểm soát được thế giới. Họ cho rằng cần phải hỏi
cho ra lẽ và tiêu diệt Wilford nếu cần phải làm như thế.
Cuộc nổi dậy được chuẩn bị kỹ lưỡng do một trẻ (Curtis)
và một già (Gilliam) mưu trí và giỏi nhất trong toàn bộ hành khách ở các toa
đuôi vạch ra. Nó được lên kế hoạch cùng chuyên gia an ninh Namgoong Minsu - có
biệt tài mở tất cả các cửa trong đoàn tàu dài vô tận - với cô con gái có khả
năng nhìn trước sự việc diễn ra sau mỗi cánh cửa, trong khi cô bé chưa bao giờ
biết cảm nhận về mặt đất như thế nào (Go Ah Sung thủ diễn), vì được sinh ra và
lớn lên trên tàu với giấc ngủ đông dài. Ngoài ra, còn có bà mẹ da đen (do
Octavia Spencer thủ diễn), người có đưa con trai bé bỏng bị bắt đem đi phục vụ
việc gì đó mà bà không hề biết, cùng với rất nhiều người ủng hộ cho một sự vùng
lên.
Xuất phát từ sự quan sát hàng ngày, cùng một lần nói
hớ của Tilda Swinton, dần dần mọi người nhận ra, những họng súng chĩa về họ suốt
18 năm, hoàn toàn không có đạn. Nỗi sợ hãi theo thói quen đã được giải tỏa để
họ mạnh dạn đồng loạt tiến lên rầm rộ theo kế hoạch.
Đổi bằng máu cùng nhiều mạng người, sau mỗi cánh cửa
của từng toa tàu được mở ra, nó là cả một thế giới kỳ lạ và đầy bất ngờ đối với
những hành khách hạng cuối đuôi tàu.
Bắt đầu từ toa chuyên sản xuất “steak”. Họ đã suýt
nôn mửa, khi nhìn thấy nguyên liệu chế biến, được thu thập từ côn trùng các
loại, thậm chí cả những chú gián đang ngọ nguậy trong bể nghiền để làm ra những
miếng “steak” - thứ họ ăn ngon lành suốt 18 năm.
Họ tiếp tục tiến lên, đánh trả và mất mát thêm nhiều
mạng người. Sau mỗi lần vượt qua, lại mỗi toa tàu làm họ sững sờ với sự thật
trình ra trước mắt. Tất cả hành khách khác - trước mắt họ - đang sống, đang
sinh hoạt thật vô tư, như thể chưa bao giờ biết đến có những hành khách đang ở
cuối đoàn tàu: đói rách, bẩn thỉu và đầy phẫn nộ.
Những khung cảnh giàu sang, xa hoa, náo nhiệt, hiện
đại cùng thủ pháp “ngôn ngữ điện ảnh” đặc sắc của đạo diễn đã lột tả cuộc sống
nhung lụa, ăn trên ngồi trốc, phớt lờ sự đời và cả êm đềm, vui tươi, hạnh phúc
lướt qua trước mắt “những người khốn khổ” trong sửng sốt, ngơ ngác.
Mệnh phụ phu nhân đài các hàn huyên trong nhà hàng
sang trọng; quý ông lịch lãm đang đứng ngay ngắn cho thợ may đo những bộ veston
đắt tiền; cậu ấm cô chiêu ăn chơi sa đọa với ma túy và trụy lạc trong các bồn
jacuzzi; bác sĩ đang khám bệnh trong những phòng mạch hiện đại; nhà tạo mẫu tóc
đang tỉ mẩn cho người đẹp; bậc trí giả đang nghiền ngẫm những đầu sách cao
siêu; bà nội trợ bình thản đan len bên khung cửa sổ; công nhân hiền queo ngồi
trồng rau sạch thật vô tư lự; lò giết mổ hoành tráng phục vụ các bữa ăn thịnh
soạn v.v... Mỗi phân cảnh trong bộ phim diễn ra với ánh nhìn ngạc nhiên rồi đi
đến bàng hoàng, khi những hành khách đuôi tàu từ lờ mờ đến rõ ràng nhận biết họ
là những người đang ở tận cùng đáy xã hội. Một xã hội hoàn chỉnh với tất cả
giai tầng không gì bàn cãi.
Cũng tại đấy, mỗi người Việt Nam đều nhìn thấy bản
thân mình trong đó. Không thiếu bất kỳ một thân phận người Việt Nam nào, của
ngày hôm nay. Có tôi và có bạn. Có những nhà bất đồng chính kiến và những trọc
phú. Có cả dân oan và nhà trí thức thờ ơ. Có cả nghệ sĩ chỉ quan tâm đến nghệ
thuật mà không hề biết những gì đang diễn ra không xa lắm. Có thanh niên nam nữ
suốt ngày chỉ biết ăn chơi đàng điếm. Có cả “dư luận viên”, công an viên, quân
nhân và những kẻ ngồi lê đôi mách. Có cả bộ phận truyền thông, tuyên giáo. Có
thể nói, không thiếu bất kỳ giai tầng nào trong xã hội.
Trong khi công nhân, nội trợ thản nhiên làm việc,
trí thức đắm mình bên trang sách v.v... không một giai tầng nào quan tâm sự
xuất hiện bất ngờ của các hành khách hạng bét toa tàu thì những bậc thượng lưu,
vương giả đều trố mắt kinh ngạc và e dè dạt ra hai bên, như vô tình dọn đường
cho họ tiến lên dễ dàng.
Điều ấn tượng nhất thuộc về phân cảnh lớp học dành
cho trẻ em. Trong trailer chúng ta thấy, những lời hoan hô và ca tụng từ những
đứa bé sáng láng, đẹp đẽ lúc nào cũng vui tươi, hạnh phúc vì nhờ có vị cứu tinh
- Wilford mà chúng đang thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất hiện nay, theo đúng lời
dạy của cô giáo. Phân cảnh đặc tả trường đoạn này gây ấn tượng mãnh liệt cho
khán giả. Cô giáo mang bụng bầu vẫn xinh tươi, cười nói, vồ vập với bọn trẻ,
khi chỉ ra cho chúng thấy bên ngoài một chân lý: những ai bước ra khỏi đoàn tàu
thì sao? Đồng loạt hào hứng: Chết! Cô giáo kể cho bọn trẻ câu chuyện 7 người đã
chết vì dám tách đoàn, bước ra ngoài. Bảy phiến đá đông cứng nhìn từ trong lớp
học là cảnh cáo nghiêm khắc, không lời mà đầy sức thuyết phục ngay trước mắt
bọn trẻ.
Đoàn tàu “Wilford Industries” bỗng chốc khẳng định
được sự tồn tại chính đáng của nó: thành trì vững chắc nhất, an toàn nhất, hạnh
phúc nhất, không có gì thay thế được. Bảo vệ đoàn tàu bằng mọi giá trở thành
chân lý bất diệt mà cô giáo đã truyền đạt cho bọn trẻ. Cũng tại đấy, người xem
càng nhận thấy vai trò tuổi trẻ mới quan trọng làm sao! Đó cũng là điều mà
người cộng sản (dù Bắc Hàn, Trung Quốc, Việt Nam hay Cuba) hiểu rõ việc “nhồi
sọ” thế hệ trẻ là điều không bao giờ được phép xao lãng trong việc duy trì
quyền lực độc tôn.
Việc
gì đến phải đến.
Ngay ngưỡng cửa cuối dẫn vào đầu não, nơi Wilford
ngự trị và điều khiển, bên cạnh đó là một cánh cửa khác, dẫn ra bên ngoài đoàn
tàu. Người chuyên viên mở khóa và Curtis mâu thuẫn với nhau trong việc quyết
định mở cửa nào.
Trong khi Namgoong Minsu đòi phải mở cửa ra bên
ngoài, vì theo kinh nghiệm của những người đã chết nói lại trước khi họ ra đi:
ngoài kia vẫn tồn tại sự sống thì Curtis không tin. Curtis cho rằng chỉ có xông
thẳng vào đầu não bắt lấy Wilford mới khống chế và tìm lại công bằng cho cuộc
sống trên đoàn tàu mà anh ta tin an toàn nhất cho mọi người, hơn là đánh đổi
cánh cửa ra khoảng không gian tự do khoáng đạt lại phải chịu quá nhiều rủi ro
được báo trước. Ở đây, đạo diễn thật tài tình, khi trình ra tâm trạng nhân vật
giống như nhà văn Phạm Thị Hoài đã gọi - những người “đối lập trung
thành”.
Curtis quyết xông vào đầu não, trong khi đó một nữ
cận vệ thân tín của Wilford bắn lén người chuyên mở khóa và dùng súng ép Curtis
vào diện kiến Wilford. Namgoong Minsu ngất đi trong đau đớn nhưng chưa chết.
Trong toa tàu đầu não, ngoài vẻ hiện đại, sang
trọng, tiện nghi nhất; lần đầu tiên trong đời, Curtis giáp mặt với lãnh tụ kính
yêu và vĩ đại như Tilda Swinton ca ngợi suốt 18 năm qua. Một người đàn ông đạo
mạo, chậm rãi, thong dong bắt đầu thuyết phục Curtis về những khái niệm “được,
mất” đối với tuổi trẻ.
Wilford cho Curtis biết: cuộc nổi dậy là do ông ta
cùng Gilliam thông đồng nhằm mục đích tháo bớt ngòi nổ phẫn uất cho những hành
khách cuối đuôi tàu, nhưng vẫn đảm bảo trong vòng kiểm soát để duy trì đoàn tàu
hoạt động liên tục, bảo toàn “đại cục” cho đa số cư dân đang sống “yên vui”
trong từng toa.
“Định mức” số người phải chết cho cuộc nổi dậy là
74%, không hơn không kém, theo thỏa thuận giữa Wilford và Gilliam. Curtis không
tin lời Wilford, vì anh ta gởi trọn niềm tin vào ông già nhân hậu trong suốt
thời gian qua. Căn cứ tin tưởng của Curtis xuất phát từ việc Gilliam hy sinh
cánh tay (hay cẳng chân?) [**] để làm thức ăn cho Curtis trong lúc đói.
Giải đáp mối hoài nghi đó, Wilford mở băng hình bắt
giữ và ra lệnh hành quyết Gilliam trước mắt Curtis để làm tin. Gilliam vì nghĩ
tới “đại cục” cho bình an số đông dân chúng trên tàu, theo lời thuyết phục của
Wilford, đã phải trả giá bằng sinh mạng vì tội để cho cuộc nổi dậy vượt quá
giới hạn cho phép.
Sau khi hạ gục Gilliam, Wilford đồng thời ra lệnh
cho cấp dưới tiếp tục giết thêm, chỉ cần giữ lại 18% số người được sống, nhằm
chào mừng ngày đoàn tàu bắt đầu xuất bến. Súng tiếp tục nổ. Hàng loạt người lại
tiếp tục ngã xuống. Quá độc đáo với ý tưởng này. Tình tiết đó tố cáo mạnh mẽ
bệnh thành tích của người cộng sản, đồng thời lên án những kẻ phi nhân tính,
khi họ nhìn con người lạnh lùng như những con số khô khốc. Đó cũng là sự mặc
định, người cộng sản nghiễm nhiên ban bố “sống, chết” cho bất kỳ ai với súng
đạn và thói phô trương sức mạnh bạo ngược. Tàn ác đến rợn người!
Thâm hiểm hơn, ngọt ngào hơn, Wilford tiếp tục nói
với Curtis, ông ta đã già, đã đến lúc rút lui và cần tìm ra một người trẻ tài
giỏi để duy trì, điều khiển động cơ vĩnh cửu và Curtis là sự lựa chọn sáng suốt
của ông ta. Wilford dẫn Curtis vào gian phòng rộng lớn, nơi động cơ thiêng
liêng được đặt tại đó. Curtis choáng ngợp trước hệ thống tinh vi, đồ sộ, hoành
tráng và tính ưu việt có một không hai của nó như lời Wilford giảng giải cho
anh nguyên lý hoạt động suốt 18 năm qua. Ở đây, đạo diễn một lần nữa trình ra
cho khán giả cách chiêu dụ quen thuộc của cộng sản, khi lấy những cái hào
nhoáng bên ngoài để quyến rũ. Kiểu dụ dỗ này đạt hiệu quả, nó dành cho những
ai, dù có lòng nhân ái, có tri thức, cộng thêm một chút tự mãn về khả năng,
nhưng dễ lầm lạc vì bùi tai trước thói gian manh của cộng sản.
Trong khi Curtis bắt đầu xiêu lòng trước sứ mạng
quan trọng và cao cả, do Wilford nhẹ nhàng biến anh trở thành một vị “cứu tinh
mới” cho cả nhân loại, may mắn thay, cô bé có khả năng nhìn trước sự việc sau
mỗi cánh cửa, chạy vội vào và lao tới sàn nhà, đưa tay nạy một viên gạch để
trình ra sự thật cho Curtis thấy. Một sự thật ghê rợn đến chết lặng, khi trước
mắt Curtis là chú bé da đen - con người phụ nữ bị bắt đi trước đó - đang ngồi
điều khiển bằng tay. “Động cơ người” là mấu chốt giúp cho bộ máy khổng lồ tưởng
chừng tự động hóa trên kia. Một lần nữa, chi tiết này nói lên vai trò quan
trọng của thế hệ trẻ, họ trở thành đối tượng chủ yếu của những tên độc tài toàn
trị cần có trong tay.
Lòng nhân ái và yêu trẻ đã thúc đẩy Curtis ra sức
vói tay vào khoảng không gian nhỏ hẹp - được thiết kế sẵn, nó chỉ phù hợp và
dành riêng cho thân hình những đứa trẻ - để cứu đứa bé thoát ra. Đó cũng là lúc
toàn bộ hệ thống động cơ dần dần ngưng chuyển động và rời rã. Cả đoàn tàu dài
dằng dặc đối diện với sự đứt gãy từng toa một và kéo nhau lao xuống vực không
cưỡng nổi. Tuyết lở từng mảng lớn từ trên những núi đá cao chót vót. Mặt đất
rung rinh. Ống kính quay về với những trí thức bên trang sách, cùng nhiều giai
tầng khác thoáng giật mình, ngơ ngác ngó nghiêng ra khung cửa mà không hề biết
việc gì đang xảy ra, không biết cả cái chết đang đến rất gần. Cái giá phải trả
cho sự lãnh đạm và thờ ơ với những gì đang diễn ra ngay sát bên mình.
Nhà quay phim đưa khán giả đến toàn cảnh cả đoàn tàu
rời rã, gãy đổ trong vẻ bề ngoài thinh lặng mênh mông. Tất cả cư dân trên đoàn
tàu chết mà không biết nguyên nhân tại sao (!). Bài học quá ý nhị và thâm thúy
dành cho những người mệnh danh là trí thức, thượng lưu đang ở trong tháp ngà,
vỏ ốc hiện nay tại Việt Nam.
Đôi
điều đọng lại...
Sau sự sụp đổ và tan nát hoàn toàn của đoàn tàu dài
vô cùng tận, nhờ Curtis và Namgoong Minsu lấy thân che chở, 2 con người còn
sống sót: cô bé có khả năng nhìn trước sự việc sau mỗi cánh cửa và cậu nhỏ da
đen bị bắt làm nô lệ để Wilford trình diễn tính năng ưu việt của động cơ thiêng
liêng.
Hai đứa bé dọ dẫm bước ra khỏi toa tàu đổ nát với sự
e dè của những con người chưa bao giờ đặt chân trên mặt đất. Chúng thoáng giật
mình khi phía xa xa xuất hiện một chú gấu trắng toát đang di chuyển, nhờ đôi
mắt và chiếc mũi đen mà người ta nhận diện được. Những ánh mắt tròn xoe, ngạc
nhiên và ngơ ngác trong vắng lặng mênh mông. Sự sống vẫn tồn tại ở ngay đây,
không như lời cô giáo đã nói.
Bộ phim dừng tại đó như cái kết thúc mở, với câu
hỏi: hai đứa trẻ đi về đâu và làm sao để tồn tại trong không gian bao la với
tuyết và tuyết. Dường như đạo diễn buộc tất cả những ai xem phim phải suy nghĩ
về tương lai của thế hệ trẻ gánh chịu với hậu quả khôn lường xuất phát từ sự
lừa dối, bạo lực và phục tùng tuyệt đối, do người lớn gây ra? Giờ, tất cả họ
chết đi mà không cần biết, không còn biết thế hệ trẻ sẽ xoay xở ra sao với di
sản đổ nát tan hoang do người lớn để lại (!).
Wilford đã “nhồi sọ” - thông qua các bộ hạ - một
chân lý: Bất kỳ ai có ý định rời bỏ đoàn tàu, đều nhận lãnh hậu quả thảm khốc:
chết cứng trong tuyết lạnh.
Sử dụng hình ảnh đoàn tàu dài vô tận, với không gian
chật chội, ngột ngạt; với hiệu ứng ánh sáng lúc tối tăm, mờ ảo, khi chói lòa
nhức mắt, có lẽ đạo diễn muốn tìm sự đồng cảm từ người xem về những mảnh đời,
dù bần cùng hay sang cả, nó vẫn là đại diện thuyết phục nhất cho những số phận
tù đày. Tù đày thân xác lẫn tù đày tinh thần. Cho bất kể giai tầng nào, ngay cả
những “con chim quý” vẫn phải chấp nhận nhốt trong “lồng son” để rồi chết mà
không biết lý do. Thiển nghĩ, nếu không dùng đoàn tàu: dài, hẹp, tù túng, khó
có hình ảnh nào biểu đạt tinh tế hơn để khái quát hóa cả xã hội đang sống trong
áp bức tận cùng.
Băn khoăn cuối cùng: Phải chăng chính Wilford là kẻ
chủ mưu của hóa chất Communist World - 7 [***], thứ hóa chất làm tê
liệt đến không còn sự sống trên thế giới, nhằm thủ đắc ngôi bá chủ thiên
hạ để điều khiển toàn bộ nhân loại như y mê muội từ nỗi khát khao tham quyền cố
vị không có điểm dừng?
Trong suốt bộ phim, khán giả thấp thoáng bắt gặp
nhiều hình ảnh ước lệ của: Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Lenin, Stalin, Hồ
Chí Minh, Mao Trạch Đông, Fidel Castro v.v... Mỗi nhân vật này, thay nhau ẩn
hiện một chút trong bộ phim. Tất nhiên không thể thiếu Marx - một triết gia
không tưởng. Chính những lý thuyết suông lại thiếu hẳn thuộc tính vận động của
ông, nó đã trở thành nguồn cội cho những tội ác và thói bịp bợm lan tràn đến
nay trong những quốc gia cộng sản chưa dứt?
__________________________________
p/s: Bài viết xin gởi tặng các bạn trẻ bị đàn áp trong ngày Nhân quyền quốc
tế vừa qua, kèm theo gợi ý: Các bạn có nên rủ nhau cùng đi xem bộ phim này và
những cái đuôi đeo bám cũng sẽ vào xem cùng các bạn? Các bạn có một bài học bổ
ích từ bộ phim cũng là giúp cho những an ninh trẻ một cơ hội xem phim nghiêm
túc mà thiển nghĩ, lâu lắm rồi họ chưa bao giờ xem được bộ phim hay như thế.
Giá vé nên đi ngày thường, tiết kiệm được 10.000 đ/vé. Nhanh chân lên, đừng bỏ
lỡ.
[**] Xin lỗi độc giả, chi tiết này tôi không nhớ rõ
lắm vì coi 1 lần.
[***] Suy đoán: CW -7: nghĩa là Communist Word - 7 (người): Marx, Lenin, Stalin, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Fidel Castro?
No comments:
Post a Comment