Thanh Phong
VienDongDaily.Com - 17/12/2013
Nhóm
chủ trương Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ.
- Tiếng Việt dùng trong nước hiện đang ở trong tình trạng hỗn loạn, không
trật tự, nặng nề, kỳ quái, nửa Tàu, nửa Việt.
- Tiếng Việt của cha ông chúng ta để lại giàu âm điệu, trong sáng và sắc
thái phong phú.
GARDEN GROVE – Được sự bảo trợ của CLB Hùng Sử
Việt, buổi ra mắt cuốn “Đề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ” do Nhóm Thực Hiện Từ Điển Việt Nam
Tại Hải Ngoại đã được tổ chức vào chiều Chủ Nhật 15-12-2013 vừa qua
tại Thư Viện Việt Nam ở Garden Grove, nam California.
Một điều đáng mừng là số người đến tham dự quá đông,
ngoài dự trù của ban tổ chức. Nhà văn Bích Huyền, một trong hai MC điều
hợp chương trình đã thốt lên, “Chúng tôi
không ngờ đông như thế này, thực ra đây mới chỉ là bước đầu để thực hiện cuốn
từ điển mà đồng hương đã đến với chúng tôi quá đông đảo, sau này chúng tôi sẽ
làm rộng lớn hơn.”
Thầy
Nguyễn Văn Khoa, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Các Trung Tâm Việt Ngữ,
đồng MC với bà Bích Huyền, nói: “Chúng ta
nghĩ lại, khi bỏ nước ra đi chúng ta mang theo được gì? Chẳng mang theo được gì
ngoài ngôn ngữ trong người chúng ta mà thôi.”
Trả lời câu hỏi của Viễn Đông, tại sao buổi ra mắt
sách hôm nay bà con đến quá đông như thế? Bà Nguyễn Trần Phương Thảo có
mặt trong hội trường nói, “Theo tôi, sở
dĩ nhiều người đến tham dự vì ai cũng mong muốn làm sao thống nhất chữ viết,
chứ bây giờ nhiều khi đọc sách, báo thấy nhiều tờ báo dùng những chữ đọc lên nó
tối thui, chẳng hiểu gì cả, toàn những chữ như bức xúc, hoành tráng, động thái,
năng nổ v.v. chữ viết thì sai lỗi chính tả tùm lum, dấu hỏi thành dấu ngã, dấu
ngã thì bỏ dấu hỏi; họ coi thường độc giả quá!
“Thậm chí ở đây có một trung tâm dạy tiếng Việt, họ dạy con em chúng tôi
viết í kiến, lí do, kỉ niệm, toàn i ngắn; những chữ này lão Hồ già ngày xưa
viết, bây giờ họ dạy con em chúng tôi viết như vậy mà chẳng thấy ai lên tiếng
nên hôm nay bà con mình đến đông như thế này cũng không có gì ngạc nhiên.”
Ý kiến của bà Phương Thảo cũng không khác ý kiến của
bác sĩ Đinh Thái Sơn, Trưởng Ban Tổ Chức, khi ông phát biểu khai mạc, “Tiếng Việt dùng trong nước hiện nay đang ở
trong tình trạng hỗn loạn không trật tự. Chúng ta thấy gần đây xuất hiện những
chữ lạ kỳ, nặng nề, kỳ quái, nửa Tàu nửa Việt, nghe thì chói tai, cách viết văn
thì khó hiểu, bọn cộng sản dùng phương tiện giáo dục để tuyên truyền cho lớp
trẻ VN chỉ biết trung thành với Đảng, với chủ nghĩa cộng sản mà ít biết đến cội
nguồn dân tộc VN.
“Trong khi đó, tiếng Việt mà cha ông chúng ta đã để lại là một sinh ngữ
rất giàu âm điệu, có sắc thái phong phú, trong sáng và mang nhiều màu sắc. Loại
tiếng Việt đó làm giầu trí tuệ của cả một dân tộc có nền văn minh lâu đời. Loại
tiếng Việt này đang chết dần dần dưới chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay; đó là
mối lo của nhiều người Việt Nam chúng ta.”
Bác
sĩ Đinh Thái Sơn cũng thay mặt ban tổ chức nói rõ “mục đích của chúng tôi là cố gắng bảo tồn và
phát triển tiếng Việt của dân tộc Việt Nam chúng ta. Tiếng Việt là một sinh ngữ
giầu và đẹp; nó phải được phát triển một cách khoa học, có quy luật và có hệ
thống.”
Giáo
sư Song Thuận, Chủ Tịch CLB Hùng Sử Việt, trả lời 2 câu hỏi của
nhiều người: Tại sao dùng chữ Từ Điển mà không dùng chữ Tự Điển và tại sao chỉ
thống nhất chữ viết, còn ý nghĩa thì sao? GS Song Thuận nói, “Xin mở cuốn Từ Điển Hán Việt của Đào Duy
Anh, trong đó giải thích rõ ràng thế nào là Từ Điển và thế nào là Tự Điển, còn
câu hỏi thứ hai, xin thưa, chúng tôi chủ trương thống nhất chữ viết trước còn
việc sử dụng ý nghĩa thì nó ở trong cuốn Từ Điển.”
Ba diễn giả chính là giáo sư Lưu Trung Khảo, Tiến
sĩ Thy Dung và Tiến sĩ Phạm Kim Long. Các diễn giả đưa ra những dẫn chứng
cụ thể về văn hóa, tư tưởng ngoại lai xuất hiện từ sau khi Việt Minh nắm chính
quyền, đến nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam lại càng đẻ ra những từ ngữ mới
kỳ quái, lạ lùng, khó hiểu.
Do đó, một số người có tâm huyết đã ngồi lại với
nhau để cố gắng thực hiện tập sách “Đề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ Quốc Ngữ”
để đi đến chỗ xuất bản được cuốn Từ Điển Việt Nam tại hải ngoại.
Trong tập sách, Nhóm chủ trương đề nghị 5 quy ước
viết chữ Quốc Ngữ:
1/ Cách phát âm và đánh vần
2/ Cách đánh (bỏ) dấu
3/ Cách viết hoa và phiên âm tên người
4/ Cách viết y dài và i ngắn
5/ Vị trí các dấu câu.
Trong 5 quy ước trên, quy ước về cách viết y dài và
i ngắn gây tranh cãi nhất. Trong quy ước này, Nhóm chủ trương đồng thuận với Bộ
Giáo Dục VNCH trước 1975 và tại hải ngoại sau 1975 về 3 quy ước sau:
4a- Viết y dài khi đứng một mình và có nguồn gốc Hán
Việt: y phục, y tế, y chang, y hệt.
4b- Viết y dài đối với tên riêng (ngoại trừ tên
người đã được viết bằng i ngắn): Lý Thường Kiệt, nước Mỹ, Mỹ Tho..
4c- Viết y dài những từ ngữ gốc Hán sau các chữ
H,M,L,K,T, Qu (Mẹo ghi nhớ của một trường dạy Việt ngữ tại Texas): Học Mau Lên
Kẻo Ta Quên. Thí dụ: Hy vọng, mỹ thuật, lý thuyết, kỷ yếu, tỷ lệ, quý vị. Những
từ ngữ bé tí, tỉ mỉ, í ới…viết i ngắn vì không có gốc Hán.
Ngoài những quy ước, cuốn Đề Nghị Thống Nhất Cách
Viết Chữ quốc Ngữ còn có một số phụ bản định nghĩa cơ bản và chữ viết tắt, mỹ
từ pháp, định nghĩa một số chữ mới, phân biệt Tr và Ch, phân biệt S và X, phân
biệt d, gi và r cùng một số tài liệu đối chiếu.
Để chuẩn bị cho việc xuất bản cuốn Từ Điển Việt
Nam Hải Ngoại, nhà văn Bích Huyền, thay mặt Nhóm Chủ Trương mời gọi quý vị
nào có thì giờ hãy giúp Nhóm Chủ Trương một tay, và quý vị thức giả khắp nơi
xin đóng góp ý kiến để cuốn Từ Điển Việt Nam Hải Ngoại được hoàn chỉnh, giúp
thống nhất cách viết chữ Quốc Ngữ, vì “Tiếng Việt còn, Người Việt còn.”
Đây là câu nói rất quen thuộc và mang đầy ý nghĩa.
Nhật báo Viễn Đông từ trước đến nay vốn rất chú
trọng đến việc dùng cách viết chữ Việt, và đã không phụ lòng tin yêu của độc
giả, trong tất cả các bài báo, Viễn Đông đã sử dụng cách viết mà bao nhiêu năm
qua, dưới chế độ VNCH chúng ta đã dùng, giống như đề nghị thống nhất cách viết
chữ Quốc Ngữ mà những nhà giáo vừa phổ biến.
Chúng tôi nghĩ rằng đây là cách tôn trọng độc giả và góp phần bảo tồn nền văn hóa nhân bản của tổ tiên chúng ta để lại. Dứt khoát không dùng những từ ngữ ngoại lai, Việt cộng đang dùng trong nước và đang cố ý xâm nhập vào một số Trung Tâm dạy Việt ngữ tại hải ngoại.
Chúng tôi nghĩ rằng đây là cách tôn trọng độc giả và góp phần bảo tồn nền văn hóa nhân bản của tổ tiên chúng ta để lại. Dứt khoát không dùng những từ ngữ ngoại lai, Việt cộng đang dùng trong nước và đang cố ý xâm nhập vào một số Trung Tâm dạy Việt ngữ tại hải ngoại.
Buổi ra mắt cuốn Đề Nghị Thống Nhất Cách Viết Chữ
Quốc Ngữ được sự hỗ trợ của CLB Tình Nghệ Sĩ, Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long, Lê Văn
Duyệt... trong các tiết mục văn nghệ .
No comments:
Post a Comment