Saturday, 14 December 2013

QUAN HỆ GIỮA QUỸ ĐẤT & QUYỀN LỰC TẠI VIỆT NAM (Nguyễn Văn Huy - Thông Luận)




Cập nhật lần cuối ngày Thứ sáu, 13 Tháng 12 2013 10:51

“…Thế giới ngày nay đã thay đổi, đất không còn là biểu tượng của quyền lực hay sự giàu có để qua đó biểu dương uy quyền. Quyền lực ngày nay nằm trong trí tuệ và khả năng sáng tạo…”

*
Sau hơn một tháng hội họp và thảo luận, từ ngày 28/10 đến 29/11/2013, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII Việt Nam đã xem xét và thông qua nhiều nội dung quan trọng như Hiến pháp sửa đổi, Luật đất đai (sửa đổi), Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và Luật tiếp công dân… cùng những báo cáo và quyết định của chính phủ liên quan đến việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, những kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015) và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Về Luật Đất đai sửa đổi, trong cuộc thảo luận lần cuối ngày 22/11/2013 Quốc hội đã giữ nguyên những quy định về quyền sở hữu đất đai như các Điều 53 và Điều 54 của Hiến pháp sửa đổi 2013 đã qui định. Sự kiện này cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn giữ nguyên quan điểm về quyền lực đã có từ một thời xa xưa, nghĩa là làm chủ đất đai làm làm chủ xã hội, mà ngày nay không còn giá trị thực dụng.

Mối tương quan giữa đất và quyền lực

Từ khi con người biết kết hợp theo nếp sống cộng đồng, đất thường là biểu tượng quyền lực của những vị thủ lãnh. Lãnh thổ kiểm soát càng rộng, uy quyền của vị thủ lãnh càng lớn. Lịch sử thế giới đã từng nhắc tới sức mạnh và quyền lực những nhân vật nổi tiếng như Alexandre đại đế (Alexandre the Great), Thành Cát Tư Hã (Genghis Khan), hay những đế quốc đã từng một thời chiếm cứ một phần lãnh thổ của thế giới như La Mã, Tây Ban Nha, Anh, Pháp…

Quan niệm về quyền lực dựa trên quyền sở hữu đất đai trước kia có những lý do của nó: đất là nguồn sống nuôi dưỡng con người và làm giàu quốc gia. Làm chủ đất là làm chủ nguồn tài nguyên do đất sản xuất ra và đồng thời làm chủ luôn cả những cộng đồng dân cư sinh sống dựa vào đất. Đất chính vì thế phải được hiểu bao gồm cả sông ngòi, rừng núi, ruộng đồng lẫn các nguồn tài nguyên dưới lòng đất. Ngày nay quan niệm làm chủ đất còn mở rộng ra biển cả, vì dưới lòng các đại dương vẫn là đất.

Làm sao biến đất thành quyền lực của người lãnh đạo? Từ thời xa xưa, đất được coi là một phương tiện sản xuất tạo ra nguồn sống và sự phồn vinh cho xã hội. Ai làm chủ được nhiều vùng đất, người đó trở thành vị bá chủ của thiên hạ. Ước vọng làm bá chủ thiên hạ đã là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử nhân loại, mà mục tiêu chủ yếu là thu tóm càng nhiều tài sản của thiên hạ vào tay mình để gia tăng thêm quyền lực. Những người chiếm giữ nhiều đất đai thường là đối tượng đánh phá của những người có cùng tham vọng làm bá chủ khác. Việc làm đầu tiên của bất cứ vị bá chủ mới nào là loại trừ uy quyền những chủ đất trước đó. Để duy trì quyền lực của mình, nhà vua hay vị bá chủ mới thường ban phát bổng lộc bằng đất đai cho những dòng vương tôn, những trung thần và cận thần; những người này thay mặt nhà vua cai quản lãnh địa được giao phó và trong vài trường hợp trở thành lãnh chúa địa phương, hay sứ quân.

Biến đất thành phương tiện của quyền lực như thế nào? Đây là một phạm trù hoàn toàn kinh tế. Sự giàu mạnh của một cá nhân hay một quốc gia tùy thuộc vào nguồn lợi thu vào. Trên phương diện vĩ mô, nguồn lợi của quốc gia là thuế. Thuế có thể đánh vào bất cứ hàng hóa nào do con người sản xuất ra từ đất; tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, sản phẩm tư bản và dịch vụ, sức lao động… Nhưng đất không phải là một sản phẩm do con người sản xuất ra, nó là một tài nguyên có sẵn trong thiên nhiên, một phương tiện sản xuất mà con người chỉ có thể thu lợi qua cách hình thức cho thuê quyền sử dụng đất.

Cho đến trước khi cuộc cách mạng công nghiệp xuất hiện vào đầu thế kỷ 20, đất vẫn là nguồn lợi duy nhất các các thế lực cầm quyền. Cách thu lợi phổ biến nhất địa tô, tức giá thuê đất. Địa tô có thể là biểu hiện bằng tiền, hay bằng hàng hóa quy thành tiền. Tùy theo chính sách địa tô, do những chủ đất áp đặt, mà hạnh phúc hay nhọc nhằn của người dân được quyết định. Dưới các chế độ hung bạo, dân chúng phải đóng địa tô cao để tài trợ các cuộc chiến tranh bành trướng hay để xây dựng đền đài của giới vương quyền, tỷ lệ địa tô có khi hơn 80% tổng sản lượng của cải làm ra. Đây là đầu mối của những cuộc chiến tranh hay cách mạng lật đổ và thay thế các chế độ cầm quyền đương hành.

Việt Nam cũng không thoát khỏi qui luật đó. Dân chúng khốn khổ dưới các vị vua hung bạo và hạnh phúc với những vị vua nhân từ. Lịch sử Việt Nam thường nhắc những năm mất mùa, những nhà vua nhân đạo thường miễn tô cho dân trong nhiều năm để phục hồi lại khả năng sản xuất, qua đó tranh thủ được sự mến mộ của nhân dân. Nhưng những cuộc chiến tranh tranh giành quyền lực và lật đổ các chế độ đương quyền trong suốt dòng lịch sử Việt Nam thường xuất phát từ động cơ đất đai, nhất là dưới thời thực dân Pháp. Cho đến giữa thế kỷ 20 Việt Nam vẫn còn là một quốc gia nông nghiệp nên mọi chính sách cầm quyền đều dựa trên quyền sở hữu đất đai, từ các thời phong kiến đến hết thời thuộc địa Pháp. Mặc dù vậy, do thúc đẩy bời hai ý thức hệ đối chọi nhau, hai miền Nam Bắc Việt Nam sau năm 1954 đã thi hành những chính sách cải cách ruộng đất khác nhau, nhưng về thực chất vẫn không ra khỏi quan niệm làm chủ đất là làm chủ xã hội.

Các chính sách cải cách ruộng đất tại Việt Nam sau 1950

Trong thời gian từ 1945 đến 1954, chính quyền thực dân Pháp rất suy yếu những vẫn không từ bỏ tham vọng chiếm giữ ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào và Campuchia) làm thuộc địa. Một phần dân chúng Việt Nam tuy rất chán ghét chế độ thực dân Pháp nhưng cũng không dám đi theo phong trào Việt Minh vì lo sợ ý thức hệ cộng sản mà tổ chức muốn thi hành.

Chương trình Công Tác Xã Hội dưới thời Bảo Đại (1949-1954)
Để đối phó với tình thế mới, chính quyền thuộc địa Pháp sử dụng "giải pháp" Bảo Đại và thành lập thêm nhiều xứ Thượng tự trị thân Pháp khác để cô lập phong trào Việt Minh trên chính trường và cắt đứt mọi chỗ dựa trên các vùng rừng núi với người thiểu số.

Để loại trừ sự xâm nhập của phong trào Việt Minh trên các vùng trung nguyên Bắc Phần, tháng 7-1947 Pháp thành lập Xứ Thượng Nam Đông Dương do đặc ủy Gigal cai trị. Tháng 3-1948, Liên Bang Thái Mường (gồm Lai Châu, Sơn La và Lào Cai) được thành lập cùng với Xứ Thổ (gồm Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn) và Xứ Nùng tại Quảng Ninh. Trên những lãnh thổ mới này, người sắc tộc hoàn toàn làm chủ những vùng đất đai do họ canh tác. Thỏa ước ngày 8-3-1949 công nhận quốc gia Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp, theo đó những sắc dân "không phải người Kinh" (non-annamites) được hưởng qui chế riêng. Để thực hiện dự án xứ Thượng tự trị, Pháp dành cho Bảo Đại vinh dự chủ tọa cùng với cao ủy Pignon buổi lễ tuyên thệ trung thành với Pháp của người Thượng ngày 30/5/1949 tại Buôn Ma Thuột. Liền ngay sau đó, các chuyên viên dân sự và quân sự Pháp soạn thảo nhiều dự án tổ chức các xứ Thượng.

Ngày 15/4/1950 Bảo Đại ban hành Dụ số 6 thành lập "Hoàng Triều Cương Thổ" (Domaine de la Couronne), gồm các Xứ Thượng miền Nam và Xứ Thượng miền Bắc, độc lập với các chính quyền đồng bằng. Ranh giới và diện tích Xứ Thượng miền Nam giống như diện tích và ranh giới Xứ Thượng Nam Đông Dương trước kia, gồm một phần lãnh thổ Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cambogde và Lào, với cảng Cam Ranh làm cửa ngỏ đổ ra Thái Bình Dương.

Đối với người Thượng miền Nam hay miền Bắc, đời sống của họ không có gì thay đổi, các chức vụ tổ chức và quản trị lãnh thổ mới đều nằm trong tay người Pháp. Qui chế đặc biệt dành cho Xứ Thượng miền Nam, ký ngày 21/5/1951, dành cho người Thượng nhiều ưu đãi về quyền sử dụng đất nơi sinh trú. Quân đội hoàng triều gồm toàn người thiểu số do Pháp đào tạo, trang bị và chỉ huy.

Tuy nhiên, để hạn chế thế lực của người Pháp, Bảo Đại ban hành Chương trình phát triển kinh tế Xứ Thượng miền Nam, do Nguyễn Đệ soạn thảo, ngày 11/2/1952, theo đó người Kinh được quyền lên cao nguyên làm việc trong các đồn điền và khai phá đất đai canh tác nông nghiệp. Ngân sách do Chương trình kỹ thuật và kinh tế đặc biệt của Mỹ đài thọ, dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Herman Marshall. Bị nhiều nhân sĩ Thượng phản đối, năm 1953 Nguyễn Đệ đổi thành Chương Trình Công Tác Xã Hội, nhằm giúp 500.000 người Thượng và 30.000 người Kinh di cư canh tác an toàn hơn trong những trung tâm định cư cố định, với tên gọi mới là "khu trù mật". Ngân sách vẫn do Mỹ tài trợ. Qua chương trình này, phong trào Việt Minh mất địa bàn bám trụ và tìm cách phá hoại.

Lợi dụng sự vắng mặt của quân chủ lực Pháp trên cao nguyên (lúc đó đang tập trung trên vùng Thượng Du Bắc Việt), quân Việt Minh hô hào dân chúng Kinh Thượng rời bỏ các khu trù mật và lôi kéo họ tham gia các đoàn dân công tải đạn đánh Pháp, gây tình trạng mất an ninh thường xuyên trên các trục giao thông chính, từ đồng bằng lên cao nguyên và quanh các thị xã lớn.

Hiệp Genève 1954 chia đôi hai miền Nam Bắc, chính quyền hai miền tiếp tục các chính sách cải cách ruộng đất theo những ý thức hệ khác nhau.

Chính sách cải cách điền địa tại Miền Nam Việt Nam (1954-1975)
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, hai đợt cải cách ruộng đất đã được thực hiện với hòa bình kết quả khác nhau.

Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, chính quyềnNgô Đình Diệm thu hồi những khu vực đất đai trong các vùng do Việt Minh kiểm soát ở phía nam vĩ tuyến 17, vùng duyên hải miền Trung và một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm 1945-1954, phe Việt Minh đã tịch thu không bồi thường những nông trại canh tác cao su và lúa của Pháp và những người hợp tác với Pháp rồi chia những vùng đất này cho những tá điền. Cũng vào thời đó, các giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài cũng thi hành những chính sách cấp phát ruộng đất tịch thu của người Pháp và những người hợp tác cho dân nghèo. Trước tình trạngmất an ninh tại nông thôn, nhiều gia đình địa chủ rời bỏ đồng ruộng của mình lên thành phố sinh sống nhằm tránh các cuộc xung đột vũ trang và tìm sự an toàn. Nông dân đã chia nhau những vùng ruộng đất này hoặc ngưng nộp tô cho những thửa ruộng tự canh. Cũng nên biết, tại Miền Nam Việt Nam trong thập niên 1950 quyền sở hữu ruộng đất có nhiều chênh lệch : 2,5% đại điền chủ sở hữu 45% tổng số ruộng trong khi 73% tiểu điền chủ chia nhau 15% số ruông đồng còn lại.

Trong hai năm 1955 - 1956, Hoa Kỳ đã cử một phái đoàn cố vấn do ông W. Ladejinsky (một chuyên gia về cải cách điền địa đã từng giúp Tưởng Giới Thạch thực hiện cải cách điền địa ở Đài Loan) sang Miền Nam Việt Nam giúp chính quyền Ngô Đình Diệm soạn thảo chính sách ruộng đất.

Nội dung cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm chủ yếu trong bốn đạo dụ :
Dụ số 2 (8/1/1955) quy định mức thu tô (giá thuê đất) tối đa và lãi suất mà điền chủ được áp dụng. Mức tô tối đa từ 10 đến 15% trên số lúa thu hoạch cho ruộng làm 1 mùa / năm. Mức tô tối đa từ 15 đến 25% cho mùa gặt chính của ruộng 2 mùa / năm.

Dụ số 7 (5/2/1955) quy định việc thuê đất phải có khế ước (hợp đồng) tá điền. Thời hạn khế ước là 5 năm, có tái ký. Tá điền có quyền trả đất và phải báo trước chủ đất 6 tháng. Chủ đất muốn lấy đất lại phải báo trước tá điền 3 năm. Khế ước được chia thành 3 loại : loại A : đối với ruộng đang canh tác có chủ : loại B : đối với ruộng hoang có chủ; loại C : đối với ruộng hoang vắng chủ (Hội đồng xã thay mặt chủ đất ký khế ước với nông dân)

Dụ số 28 (30/4/1956) quy định quy chế tá điền.

Dụ số 57 (20/10/1956) quy định việc truất hữu địa chủ. Mỗi địa chủ chỉ được giữ lại 100 ha ruộng đất và 15 ha ruộng hương hỏa. Ruộng bị truất hữu sẽ được đem bán lại cho những người thiếu ruộng, mỗi hộ không quá 5 ha, người mua sẽ trả tiền trong thời gian 6 năm. Trong thời gian đó ruộng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của chính quyền. Trong 10 năm kế tiếp, người được phát ruộng không được cho mướn hay đem bán lại. Địa chủ sẽ được bồi thường 10% tiền mặt, số còn lại được trả bằng trái phiếu trong 12 năm, mỗi năm lời 5%.

Với chính quyền Ngô Đình Diệm thì thực chất dụ số 2 và dụ số 7 không phải là chính sách mới vì phần lớn chương trình cải cách điền địa năm 1956 chỉ là sao chép chương trình cải cách của Bảo Đại trước đó.

Trước kia, tại Việt Nam việc thuê mướn đất không có giấy tờ hợp đồng giữa người thuê mướn và chủ đất. Giá thuê đất từ 40% đến 60%, tùy theo đất tốt xấu, trên số lúa thu hoạch. Dụ số 2 quy định mức thu tô (giá thuê đất) tối đa và lãi suất mà điền chủ được áp dụng. Dụ số 7 buộc chủ đất phải lập hợp đồng với nông dân, thời hạn hợp đồng là 5 năm, có tái ký, tá điền có quyền trả đất và phải báo trước chủ đất 6 tháng, chủ đất muốn lấy đất lại phải báo trước tá điền 3 năm. Dụ số 57 ấn định thể thức phân phát đất. Theo đó thì chủ điền chỉ được giữ tối đa là 100 ha, trong đó 30 ha phải trực canh và 70 ha còn lại có thể cho tá điền thuê theo quy chế tá canh. Diện tích quá 100 ha luật pháp quy định phải bán lại cho người không có đất. Tuy theo quy định, mỗi người chỉ được giữ tối đa 100 ha, nhưng một người có thể né tránh quy định này bằng cách chia nhỏ đất của mình cho các thành viên trong gia đình. Tổng cộng là 2.033 điền chủ sở hữu 425.000 ha bị ảnh hưởng. Thêm vào đó là 245.000 ha của 430 điền chủ mang quốc tịch Pháp cũng thuộc vào trường hợp phải nhượng lại cho chính phủ. Vì chiến tranh nhiều người bỏ ra thành thị sinh sống nên số đất bỏ hoang ước khoàng 1,3 triệu ha. Trong thời gian chính quyền kiểm kê, nếu chủ đất vẫn vắng mặt, số đất này bị trưng thu để bán cho nông dân. Chính quyền Ngô Đình Diệm đưa ra bốn diện ưu tiên nhận đất : người đã tá canh hơn hai năm, cựu chiến binh, dân di cư (miền Bắc) và người thất nghiệp.

Về bồi thường, dưới thời đê nhất Cộng hòa, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bồi thường số đất bị tước quyền sở hữu cho chủ điền bằng 10% tiền mặt và 90% công trái phiếu hạn 12 năm. Tá điền có quyền mua trả góp đất của chính phủ với giá tiền chính phủ bồi thường chủ điền. Vốn và lãi trả trong vòng 12 năm với lãi suất 3%/năm. Diện tích đất tối đa một người nông dân được mua là 5 ha.

Trong bốn năm thực hiện cải cách ruộng đất, từ 1955 đến 1961, chính quyền Ngô Đình Diệm đã thu được khoảng 650.000 ha. Trong số này chỉ 244.000 ha được chia lại sau cuối năm 1958, chủ yếu cho người di cư Thiên Chúa giáo miền Bắc, cựu chiến binh hoặc những người thất nghiệp. Lo sợ bị loại khỏi địa bàn nông thôn, theo chiến lược lấy nông thôn bao vây thành thị của Mao Trạch Đông, thành phần cộng sản luôn tìm mọi cách phá hoại chính sách Cải cách điền địa của chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Nhất là từ năm 1960 trở về sau an ninh nông thôn miền Nam xấu đi do phe cộng sản công khai phát động chiến tranh du kích nên chính phủ rất khó thi hành chính sách cải cách điền địa. Cộng sản cấm nông dân làm đơn xin mua ruộng của chính phủ, cấm nông dân ký hợp đồng với chủ điền, hủy bỏ địa tô, ám sát cán bộ phụ trách chương trình cải cách, phá hoại các khu nông thôn kiểu mẫu, các cơ sở thí nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Trước những đe dọa này, nông dân không dám mua ruộng đất của chính phủ còn địa chủ không thu được tiền cho thuê đất. Do không có đơn xin mua đất, số ruộng đất do chính quyền nắm giữ không bán được đành phải bỏ hoang.

Dưới thời Đệ nhị Cộng Hòa, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra dự luật ngày 25/8/1969 để quốc hội rút bớt ruộng đất để lại cho địa chủ xuống còn 15 ha ở Nam phần, 5 ha ở Trung phần và cấp không 1,5 triệu ha ruộng lúa cho hơn 80.000 nông dân.

Ngày 9/9/1969, Hoa Kỳ cử Richard I. Hogh, một chuyên gia về phát triển nông thôn châu Á, cùng với 35 chuyên viên người Việt và Mỹ đền Sài Gòn trực tiếp cố vấn chương trình cải cách điền địa.

Ngày 26/3/1970, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu công bố sắc lệnh số 003/60, ban hành luật "Người Cày Có Ruộng". Luật quy định ruộng đất không trực canh (không do địa chủ canh tác) đương nhiên bị truất hữu và phải được bồi thường thỏa đáng theo thời giá. Chính phủ sẽ phát hành công khố phiếu để chi trả những khoản này. Chủ đất được bồi thường 20% bằng hiện kim và 80% bằng công khố phiếu trả 10% lãi trong tám năm. Giá trị của đất ruộng quy định là 2,5 lần giá năng suất thóc từ khoảnh đất đó. Ruộng đất truất hữu được ưu tiên cấp phát miễn phí cho tá điền (3 ha ở Nam phần và 1 ha ở Cao nguyên, duyên hải Trung phần). Điền chủ trực canh chỉ được giữ tối đa 15 ha ở Nam Phần hay 5 ha ở Trung Phần. Tuy nhiên, Luật "Người Cày Có Ruộng" không áp dụng đối với ruộng đất của các tổ chức tôn giáo và ruộng đất hương hỏa gia đình của người dân. Mục tiêu của việc cải cách này là cấp miễn phí 1,5 triệu hecta ruộng lúa cho 80 vạn hộ nông dân, đồng thời cấp giấy chứng nhận sở hữu ruộng đất cho nông dân. Người nhận đất theo quy định chương trình Người cày có ruộng thì không được sang nhượng hay bán lại thửa đất đó trong vòng 15 năm.

Luật Người Cày Có Ruộng không cho địa chủ quyền bắt tá điền nộp địa tô của những năm trước : nông dân lãnh ruộng do phe cộng sản cấp trước kia được miễn thuế trong một thời gian và được nhận bằng khoán để chính thức sở hữu số ruộng đó. Tính đến năm 1973 thì hơn một triệu ha ruộng đã được chuyển sang quyền sở hữu của hơn 850.000 tá điền.

Hiệu quả kinh tế, xã hội và chính trị của đạo luật Người Cày Có Ruộng rất cao :, phương thức sản xuất nông nghiệp kiểu phong kiến đã bị xoá bỏ. Sau ba năm thực hiện, từ 1970 đến 973, Việt Nam Cộng hoà đã có 80 phần trăm tư sản trung nông hóa và thành phần nông dân này là lực lượng chính của sản xuất nông nghiệp ở miền Nam Việt Nam, 70.000 hộ gia đình, khoảng 5 triệu người, đã được cấp đất. Đây là những thành phần chống cộng hăng hái nhất, vì ý thức hệ cộng sản không chấp nhận tư nhân có quyền sở hữu đất đai. Còn lại khoảng 20 phần trăm là phú nông và tư sản trung nông giàu, sở hữu khoảng 10 phần trăm ruộng đất canh tác còn lại. Số nông dân giàu có này, ngoài việc canh tác số ruộng đất sau khi đã truất hữu còn lại, họ cũng kinh doanh các dịch vụ cơ khí nông nghiệp, lưu thông hàng hoá nông sản phẩm, chế biến thực phẩm nông sản trong một thị trường thương nghiệp nông thôn và lao động nông nghiệp rất tự do. Sau khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hoàn tất chương trình "Người Cày Có Ruộng", miền Nam không còn thành phần đại địa chủ. Luật Người Cày Có Ruộng không đụng chạm đến ruộng đất của các tôn giáo, đặc biệt là Thiên chúa giáo, nên ngay sau năm 1975, các tôn giáo vẫn sở hữu rất nhiều ruộng đất.

Chính sách cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam
Sau Hiệp định Genève 1954, phe Việt Minh, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, xây dựng chế độ cộng sản tại miền Bắc. Trong những năm 1953-1956, Đảng Lao Động Việt Nam và chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa áp dụng chính sách Cải cách ruộng đất tại miền Bắc rập theo khuôn mẫu cộng sản Trung Hoa. Mục tiêu chính trị của chính sách này là xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là "bóc lột", "phản quốc" (theo Pháp, chống lại đất nước), "phản động" (chống lại chính quyền) như địa chủ, Việt gian, cường hào, các đảng phái đối lập phản động... Mục tiêu xã hội của cải cách ruộng đất là tịch thu tài sản, đất đai của những người này và chia cho bần nông, cố nông, đồng thời tiến hành đấu tố và xử tội những thành phần xã hội mà phe cộng sản muốn tiêu diệt.

Luật Cải cách Ruộng đất đã được Quốc hội thông qua tháng 12/1953 và chính quyền Hồ Chí Minh chính thức ban hành ngày 19/12/1953. Sau 3 năm tiến hành (1953-1956), cuộc cải cách đã phân chia lại ruộng đất cho đa số nông dân miền Bắc, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến. Tuy nhiên, việc áp đặt giáo điều các biện pháp dập khuôn từ cải cách ruộng đất của Trung Quốc đã gây ra nhiều vết thương cho đến nay vẫn chưa lành trong ký ức nhân dân miền Bắc.] Cuộc cải cách và đấu tố này đã gây ra không khí căng thẳng tại nông thôn miền Bắc lúc ấy, gây tác hại đến sự đoàn kết dân tộc của người miền Bắc và ảnh hưởng tới niềm tin của một số tầng lớp nhân dân vào chế độ và đảng cộng sản (Đảng Lao Động thời đó). Chính quyền Hồ Chí Minh sau đó phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai, phục hồi danh dự và tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này, như cựu tổng bí thư đảng cộng sản Trường Chinh chẳng hạn.
Chương trình cải cách ruộng đất là một bước trong tiến trình của ý thức hệ cộng sản nhằm đưa miền Bắc Việt Nam tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội. Khác với miền Nam, chương trình cải cách ruộng đất tịch thu không bồi hoàn những ruộng đất do người Pháp, người dân di cư, hay Việt gian (những người theo Pháp) đang sở hữu hay bỏ lại, sau đó phân chia lại cho tá điền, cắt giảm địa tô và bãi bỏ mọi khoản tiền thuê ruộng.

Chương trình cải cách ruộng đất được áp dụng thông qua chiến dịch huấn luyện cán bộ và chiến dịch giảm tô. Các cán bộ Đảng Lao động tham gia cải cách ruộng đất được đưa đi học khóa chỉnh huấn 1953, một số được đưa đi huấn luyện tại Trung Quốc, nhằm giúp cán bộ nắm vững đường lối của đảng trong cải cách ruộng đất, quán triệt quan điểm : "Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ".Tổng số cán bộ được điều động vào công tác là 48.818 người. Bước đầu, các đội cán bộ cải cách ruộng đất đi vào các làng xã và áp dụng chính sách "3 Cùng" (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với các bần cố nông trong làng xã đó, kết nạp họ thành "rễ", thành "cành" của đội, sau đó triển khai chiến dịch từng bước như sau :

  • Phân định thành phần: Đội Cải cách Ruộng đất ra mắt làng xã, và tất cả các gia đình trong xã được họ phân loại thành 5 thành phần : (a) địa chủ; (b) phú nông; (c) trung nông cứng - sở hữu 1 con bò, 1 con lợn, 1 đàn gà; (d) trung nông vừa - sở hữu 1 con lợn, 1 đàn gà; (e) trung nông yếu - sở hữu 1 đàn gà hay không có gì cả; (f) bần nông; (g) cố nông. Gia đình có 2 con lợn đã có thể gọi là phú nông. Tỷ lệ địa chủ được quy định trước là 5,68% dân số nông thôn và các đoàn và đội cải cách đều cố truy bức để đôn tỷ lệ địa chủ lên 5% như một quy định bắt buộc, gọi là "kích thành phần".
  •  
  • Phân loại địa chủ: Tất cả các gia đình bị xếp vào thành phần địa chủ như nói trên được đội cải cách phân loại thêm một lần nữa thành (a1) Địa chủ gian ác : (a2) Địa chủ thường; (a3) Địa chủ có ủng hộ kháng chiến. Thành phần địa chủ gian ác bị đội cải cách bắt ngay lập tức và quản thúc.
  •  
  • Áp dụng thoái tô: Đối với các gia đình có địa chủ bị bắt nói trên, đội cải cách thông báo với họ về các sắc lệnh giảm tô của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao gồm : sắc lệnh giảm tô xuống còn 25% vào tháng 11 năm 1945, Sắc lệnh số 87/SL năm 1952 và 149/SL năm 1953 giảm tô thêm 25%. (Tại miền Bắc, tô hay địa tô là tiền thuê ruộng mà tá điền phải trả cho địa chủ sau mùa gặt, có thể trả bằng thóc.) Căn cứ theo đó, địa chủ nào chưa giảm tô cho nông dân thì bây giờ phải trả số nợ đó - gọi là "thoái tô". Nếu không trả đủ nợ thì tài sản bị tịch thu, phân phát do nông dân. Sau bước này, hầu hết gia đình địa chủ lâm vào hoàn cảnh khánh kiệt, nhiều người đến chỗ tự sát - vì nếu sống trong vùng kiểm soát của Pháp thì không biết gì về các sắc lệnh của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  •  
  • Học tập tố khổ, lùng bắt địa chủ: Các bần nông, cố nông, "chuỗi", "rễ" được đội cải cách cho học lớp tố khổ do họ mở, qua đó học viên được nhận dạng các tội ác của địa chủ, và được khuyến khích nhớ ra tội ác của từng địa chủ đã bóc lột họ như thế nào. Sau khi học qua lớp tố khổ nhiều du kích và cốt cán cải cách ruộng đất tìm bắt địa chủ, Việt gian, thậm chí họ "vác súng vào thành phố lùng bắt địa chủ và con cái địa chủ là cán bộ công nhân viên chức nhà nước".
  •  
  • Công khai đấu tố: Các buổi đấu tố được tổ chức, thông thường vào ban đêm. Số lượng người tham gia đấu tố được huy động từ vài trăm đến cả ngàn người, và thời gian đấu tố từ một đến ba đêm tùy theo mức độ tội trạng của địa chủ. Trong đêm đấu tố, các bần nông bước ra kể tội địa chủ đã bóc lột họ như thế nào. Tại các tỉnh có tổ chức cải cách ruộng đất, Đảng Lao động cho ra tờ báo lấy tên là Lá Rừng (ngụ ý tội ác địa chủ nhiều như lá rừng) tường thuật chi tiết các vụ đấu tố. Sau khi bị đấu tố các địa chủ được tạm giam trở lại để chờ tòa án nhân dân xét xử. Gia đình và thân nhân người bị đấu tố thì bị cô lập, bị bỏ đói và chịu nhiều sự phân biệt đối xử và nhục hình.
  •  
  • Xử án địa chủ: Tại các huyện, một tòa án nhân dân đặc biệt được lập ra và đi về các xã xét xử các địa chủ. Sau khi kết án, nếu bị kết án tử hình, đội tự vệ xã sẽ thi hành án trước công chúng. Những người không bị xử bắn thì bị cô lập trong các làng xã, một số bị thiệt mạng vì bị bỏ đói.

Nhiều tháng sau khi chiến dịch Giảm tô được triển khai, chương trình Cải cách ruộng đất chính thức bắt đầu, với hình thức tương tự nhưng trên địa bàn rộng lớn hơn, và các gia đình địa chủ có thành tích kháng chiến, kể cả các gia đình có đảng viên, cán bộ, bộ đội phục vụ trong kháng chiến cũng bị đấu tố. Người đầu tiên bị buộc tội chết trong cải cách ruộng đất là một phụ nữ, bà Nguyễn Thị Năm ở Thái Nguyên, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội. Bà Năm là địa chủ kháng chiến có nhiều công lao lớn với cách mạng Việt Nam, bà là mẹ nuôi của các ông Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng và Trường Chinh. Con trai của bà là trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong "Tuần Lễ Vàng", gia đình bà cũng đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập.

Tổng cộng có 6 đợt lớn cải cách ruộng đất. Từ cuối năm 1954, dưới sức ép của cố vấn Trung Quốc, chiến dịch cải cách ruộng đất bắt đầu được đẩy mạnh và nhanh, với cường độ lớn. Từ giữa năm 1955 ở một số nơi đã xuất hiện hiện tượng đấu tố tràn lan, mất kiểm soát. Từ đó đến cuối năm 1955, cảnh đấu tố địa chủ xảy ra tràn lan, nhiều lúc chỉ đơn thuần bằng một lời tố giác đơn giản, những thành viên trong tòa án nhân dân cũng có thể xử tử hình hay tù khổ sai đối với người bị tố giác. Đã xuất hiện tình trạng lạm dụng quyền hành của các cán bộ đội viên đội công tác ruộng đất trong công tác đất đai. Họ đấu tố mọi nhà, đấu tố mọi người, nhưng lại quên đấu tố bản thân. Số người chết trong đợt này là rất lớn, trong đó số người chết oan chiếm tỷ lệ cao. Quyết liệt nhất là ở Thái Bình, nơi có đến 294 xã được đưa vào cải cách.

Theo tài liệu của Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 11/1953, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 quyết định tiến hành việc cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. Tổng cộng chiến dịch Cải cách ruộng đất tịch thu của địa chủ 810.000 ha ruộng, 106.448 trâu bò, 1.846.000 nông cụ, 148.565 ngôi nhà. Số tài sản này được phân chia cho 2.104.138 hộ bần nông, trung bình mỗi hộ được 0,38 ha, 0,87 nông cụ, 0,071 ngôi nhà. Từ năm 1953 tới 1957, tổng số đất đai và tài sản tịch thu đã được chia cho 2 triệu hộ nông dân, chiếm khoảng 72,8% số hộ nông dân ở miền Bắc. Trong khi đó, phân bố ruộng đất miền Bắc trước năm 1945, chỉ có 4% dân số đã chiếm hữu tới 24,5% tổng số ruộng đất. Cho đến nay chưa có thông kê về số người bị giết trong các cuộc đấu tố cải cách ruộng đất, nhưng theo nhiều nguồn tin đáng tin cậy thì đã có ít nhất trên 5.000 người bị giết, và hàng chục ngàn người khác bị phân biệt đối xử hay bị giam cầm.

Do nhận định chiến dịch Cải cách ruộng đất giết lầm nhiều người vô tội và gây ra chống đối mạnh trong dân chúng, Đảng Lao động Việt Nam và chính phủ tiến hành các bước sửa sai. Tính đến tháng 9/1957, thì chiến dịch sửa sai đã phục hồi danh dự và trả lại tài khoảng 70-80% số người bị kết án. Phong trào trả thù lan rộng và biến thành bạo động tại nhiều nơi khiến chính quyền phải điều động quân đội để đánh dẹp. Ở Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, có bản báo cáo ghi nhận 20.000 nông dân dùng gậy gộc gây bạo động khiến chính quyền phải dùng Sư đoàn 324 để tái lập trật tự.Một số gửi thỉnh nguyện thư đến phái đoàn quan sát viên Canada trong Ủy ban Đình chiến, xin di cư vào Nam.

Quyền tư hữu ruộng đất của nông dân tuy vậy chỉ được tạm thời vì sau đó năm 1958, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản quyết định tập thể hóa đất đai để phát triển nông thôn. Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất tư nhân và thay vào đó bằng quyền sở hữu tập thể. Đất đai dần tập trung vào tay Nhà Nước qua việc thành lập những hợp tác xã do chính phủ quản lý. Nông dân bị ép buộc gia nhập hợp tác xã nên đến năm 1960, 86% dân quê ở Miền Bắc đã vào hợp tác xã. Số liệu đó tăng lên thành 95,5% vào năm 1970. Trong Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, quyền tư hữu ruộng đất của nông dân hoàn toàn biến mất, quyền sở hữu đất đai trên toàn quốc thuộc về Nhà nước.

Luật đất đai sửa đổi

Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Dự thảo Hiến pháp 2013, theo đó :
Điều 53 qui định : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Điều 54 viết :
1. Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật.
2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền vànghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ.
3. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
4. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Theo những quy định này, Nhà nước thực hiện quyền điều tiết các nguồn lợi từ đất đai thông qua các chính sách tài chính về đất đai như sau : Thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Thu thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; Điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với người đang sử dụng đất ổn định; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Điều 4 của Luật đất đai mới quy định: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này," báo trong nước đưa tin. Định kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm và không quy định tầm nhìn 20 năm. Về vấn đề thu hồi đất, luật mới tiếp tục quy định nhà nước được phép thu hồi đất để "phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".

Vấn đề sở hữu đất đai vốn rất nhạy cảm, trong lúc các xung đột tranh chấp đất là nguyên nhân gây nên những cuộc biểu tình gần như mỗi ngày, cũng không được bản Hiến pháp mới đề cập đến. Điều này đi ngược lại với những khuyến cáo của các nhân sĩ trí thức, và khát vọng về quyền định đoạt mảnh đất của mình đối với nhiều triệu người Việt Nam.

Hiến pháp mới đã tước bỏ quyền tư hữu đất đai của dân để cho nhà nước độc quyền “đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” dù không có ủy thác của dân qua bất cừ hình thức nào.

Nền kinh tế quốc gia tuy mang danh nghĩa “nhiều hình thức sở hữu” nhưng không thuộc về toàn dân mà do nhà nước “chủ đạo” để nắm phần chắc trong tay. Hãy trả lại ruộng đất cho nông dân, quốc gia Việt Nam mới thực sự phát triển vì con người chỉ quý cái gì của mình.

Hiện nay, xã hội Việt Nam đang bị giam giữ trong trong lạc hậu vì chính quyền cộng sản vẫn chưa ra khỏi không gian làng xã, nghĩa là vẫn cứ loanh quanh trong mối tương quan quyền lực và ruộng đất. Đất là quyền, quyền là đất.

Thế giới ngày nay đã thay đổi, đất không còn là biểu tượng của quyền lực hay sự giàu có để qua đó biểu dương uy quyền. Quyền lực ngày nay nằm trong trí tuệ và khả năng sáng tạo.

Nguyễn Văn Huy



No comments:

Post a Comment

View My Stats