Wednesday 25 December 2013

PHANXICÔ : HY VỌNG ĐỔI MỚI CHO GIÁO HỘI CÔNG GIÁO (Trọng Thành - RFA)




Trọng Thành  -  RFI
Thứ tư 25 Tháng Mười Hai 2013

Một nhân vật được cộng đồng thế giới đặc biệt chú ý đến trong năm 2013 sắp trôi qua là Giáo hoàng Phanxicô, người vừa được bầu lên lãnh đạo Giáo hội Công giáo, sau biến cố thoái vị của người Giáo hoàng tiền nhiệm, chưa từng xẩy ra trong lịch sử của đạo Công giáo thời cận hiện đại. Các hoạt động mang tính cải tổ rất mạnh mẽ, nếu không muốn nói là “cách mạng”, của Giáo hoàng Phanxicô người Achentina được nhiều tín hữu, chức sắc Công giáo, cũng như nhiều người ngoài đạo cảm nhận như một “làn gió mới” thổi vào Giáo hội. 

Theo nhiều nhà quan sát, xã hội hiện đại với những biến chuyển dữ dội đặt Giáo hội Công giáo, với hơn một tỷ tín hữu, trước thách thức rất lớn, với nhiều cuộc khủng hoảng, bê bối trong nội bộ Giáo hội, sự bất lực của Giáo hội trong việc đáp ứng nhiều đòi hỏi của xã hội đương đại.

Trong tạp chí đặc biệt vào dịp Giáng sinh năm nay của RFI về Giáo hoàng Phanxicô - người mang lại hy vọng đổi mới cho Giáo hội Công giáo, một trong những tôn giáo cổ xưa nhất của nhân loại -, chúng tôi xin chuyển đến quý vị tiếng nói của Linh mục Barnaba Nguyễn Văn Phương (từ Roma) và Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại (từ Sài Gòn). Cũng trong tạp chí này, còn có các trích đoạn cuộc trò chuyện với nhà báo Jean-Louis de La Vaissière, đặc phái viên AFP tại Vatican, trong chương trình tạp chí "Các Tôn giáo thế giới" của RFI.

Kể từ khi nhậm chức ngay lập tức Giáo hoàng Phanxicô gây hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác : Từ việc thay đổi lộ trình thánh lễ hướng đến các tù nhân, đến chủ trương thay đổi triệt để nhân sự trong các vị trí chủ chốt, như lãnh đạo Ngân hàng Vatican, Quốc vụ khanh Tòa thánh... ; từ việc thành lập nhóm cố vấn đặc biệt – được mệnh danh là « G8 » (gồm 8 Hồng y) của Giáo hoàng - để chuẩn bị cho các cải cách lớn -, đến việc tuyên chiến chống lại đế chế của đồng tiền...; gần đây là hành động phản đối việc khai thác khí đá phiến, hay tuyên bố của Giáo hoàng về những người đồng tính luyến ái khiến những người có quan điểm bảo thủ trong Giáo hội lo ngại... Có tin đồn rằng Giáo hoàng Phanxicô đã nằm trong tầm ngắm của giới mafia Ý, sau những thay đổi quyết liệt mà Giáo hoàng chủ trương trong lĩnh vực ngân hàng tài chính của Vatican nhằm chống lại nạn tham nhũng, rửa tiền. 


Để chuyển đến quý vị một cảm nhận về những thay đổi mà vị Giáo hoàng mới mang lại đối với những người hoạt động Công giáo, trước hết xin mời quý vị nghe tiếng nói của Linh mục Barnaba Nguyễn Văn Phương, người từng làm việc nhiều năm tại Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các Dân tộc, quen gọi là Bộ Truyền Giáo, của Tòa Thánh Vatican. Cuộc phỏng vấn do thông tín viên Huê Đăng của RFI thực hiện tại Roma.

Nghe (20:05)  :  Linh mục Nguyễn Văn Phương (Roma)  25/12/2013


Linh mục Nguyễn Văn Phương : Đức Giáo hoàng Francesco, mà người công giáo quen đọc là Phanxicô, đang có uy tín rất lớn, không riêng gì trong giới công giáo, mà đối với công luận thế giới. Trước hết theo tôi nghĩ, vì ngài là vị lãnh đạo tinh thần của một tôn giáo lớn trên thế giới gồm 1 tỉ 200 triệu tín đồ. Những điều ngài nói, những việc ngài làm đều có tiếng vang sâu rộng trên thế giới. Và tiếng nói của Đức Giáo hoàng là tiếng nói tinh thần được thế giới trân trọng. Về cá nhân ngài thì ngài rất đơn sơ và khiêm tốn.

Vừa khi được các Hồng y bầu làm Giáo hoàng ngài đã chọn tên Phanxicô làm tên Giáo hoàng của mình. Phanxicô là tên một vị thánh sống đời khó nghèo, rao giảng yêu thương tha thứ và hòa bình. Kêu gọi mọi người đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an bình vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm giả trá. Chọn tên là để theo đuổi đời sống của vị thánh mà mình chọn để bắt chước và noi gương, như là chương trình sống và hoạt động của mình.

Rồi cụ thể là vừa khi được bầu làm Giáo hoàng ngài đích thân trở lại nhà trọ để trả tiền phòng và tự thu dọn hành lý đưa vào Vatican. Kế đến ngài không ở trong lâu đài Giáo hoàng, nhưng đến ở một tòa nhà nhỏ, chung với một số các linh mục làm việc tại Tòa thánh Vatican. Ngày lễ nhậm chức Giáo hoàng, trước khi ban phép lành cho giáo dân tụ họp ở quảng trường thánh Phêrô, ngài cuối đầu xuống, xin giáo dân cầu nguyện và chúc lành cho ngài. Ngài dùng những ngôn từ đơn sơ dể hiểu đánh động thẳng đến con tim người nghe. Dân chúng cảm thấy Giáo hoàng gần gũi họ, hiểu họ, yêu thương họ. Một trong những động thái đầu tiên đánh động mạnh lòng dân và dư luận quốc tế là Ngài đi thăm đảo Lampedusa của nước Ý, nơi hằng ngày có những thuyền nhân nghèo đói vượt biên từ các nước Bắc Phi, bị đắm thuyền chết đuối, để tìm tương lai tươi sáng hơn. Từ đảo Hy vọng nhưng tuyệt vọng đó, ngài kêu gọi các nước Liên hiệp Châu Âu phải cộng tác tìm biện pháp giải quyết chính trị xã hội và nhân đạo. Ngài để ý, yêu thương lớp người bất hạnh nầy và kêu gọi lương tâm của thế giới phải nghĩ đến và lo cứu giúp những người nghèo đói. Ngài đi thăm nhà tù các thiếu niên tại Roma và rửa chân, hôn chân họ theo lễ nghi Công giáo ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Tất cả những cử chỉ, hành động và những lời kêu gọi đó được báo chí truyền thông thế giới theo dõi và không lạ gì Tuần báo Time Magazine đã chọn Giáo hoàng Phanxicô là nhân vật của năm 2013.

Những bổ nhiệm quan trọng trong giáo triều Roma và một vài cải tổ cơ cấu mà anh vừa nhắc đến là dấu hiệu và quyết tâm của Đức Giáo hoàng muốn canh tân Giáo hội và guồng máy trung ương của Tòa thánh Roma cho hợp với thời đại. Không phải riêng Giáo hoàng Phanxicô, nhưng trước ngài, trong lịch sử Giáo hội công giáo có nhiều vị Giáo hoàng cũng đã làm công cuộc cải cách canh tân Giáo hội qua các Công Đồng Chung. Thời đại chúng ta có Công đồng Vatican II với mục đích canh tân Giáo hội cho hợp với hoàn cảnh đổi mới của thế giới hiện đại. Giáo hội đã có 2000 năm, qua bao thăng trầm, bách hại, nhưng luôn biết cập nhật và đổi mới. Trong Tông huấn "Niềm vui Phúc âm", ban hành ngày 24 tháng 11 vừa qua, Đức Giáo hoàng đã vạch ra đường hướng canh tân của ngài là người công giáo phải sống niềm vui của lòng tin của mình, và phải mang niềm vui nầy đến với mọi người nhất là những người nghèo đói, bị lãng quên, bị sống bên lề xã hội (...).


Những nhà hoạt động Công giáo ở Việt Nam cảm nhận như thế nào về Đức Giáo hoàng Phanxicô ? Sau đây mời quý vị nghe tiếng nói của Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại, Chánh văn phòng Tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, ông cũng là Trưởng văn phòng Công lý và Hòa Bình của dòng Chúa Cứu thế ở Sài Gòn.

Nghe (09:09)  :  Linh mục Đinh Hữu Thoại (Sài Gòn)   25/12/2013



Linh mục Đinh Hữu Thoại : Đức Giáo hoàng Phanxicô nhậm chức đến nay mới chưa đầy 9 tháng, nhưng Ngài đã làm cho cả thế giới phải sửng sốt. Ngay cả những người không liên quan đến Giáo hội Công giáo cũng phải sửng sốt trước một con người rất là mới mẻ. Ngài xuất hiện với tư cách là một vị lãnh đạo của Giáo hội Công giáo toàn cầu, nhưng với một dáng vẻ rất đơn sơ, bình dân, gần gũi với nhiều hạng người khác nhau. Và nói về những điểm ấn tượng của Ngài, tôi bị đánh động bởi cách chọn lựa cái chỗ ở của Ngài. Đức Giáo hoàng không ở trong Tam Tòa trong Vatican, là nơi được bảo vệ rất kỹ, không dễ gì tiếp xúc được với dân chúng, cũng như dân chúng cũng không dễ gì được tiếp xúc với vị Giáo hoàng. Đức Phanxicô chọn ở ngoài, là nơi gặp dân chúng rất là gần gũi. Đôi khi nhiều người lo ngại cho sự an ninh của Ngài, nhưng Ngài không bận tâm đến chuyện đó và sẵn sàng chấp nhận sự rủi ro để được gần gũi với dân chúng.

Cái tôi ấn tượng thứ hai là đường lối hoạt động của Ngài. Rất nhiều lần, Ngài lặp đi lặp lại là Giáo hội phải hướng về người nghèo, dấn thân cho những người bị xã hội bỏ rơi, bị loại trừ. Và Ngài nhắc nhở các lãnh đạo của Giáo hội phải ra khỏi chức tước, để đi đến phục vụ cho những người nghèo, mà Ngài gọi là ở vùng “ngoại biên” của Giáo hội, lâu nay bị bỏ rơi, không ai ngó ngàng gì tới. Ngài không chỉ nói mà còn làm gương bằng những việc làm cụ thể. Những hành động rất cách mạng, có tính chứng tá, mạnh hơn rất nhiều so với lời nói.

Giáo hoàng Phanxicô rất gần gũi với linh đạo của dòng Chúa Cứu thế chúng tôi. Đó là được sai đi đến những người nghèo, những người bất hạnh để loan báo Tin Mừng. Đối tượng của chúng tôi là những người bị bỏ rơi, bị loại trừ, không ai dám chăm sóc họ. Không chăm sóc hoặc không dám chăm sóc.
Những đối tượng đến với chúng tôi ở văn phòng Công lý và Hòa bình là những người dân oan, họ rất là nghèo. Nhưng mà, thực sự khi mà chúng tôi phục vụ họ, thì chúng tôi học được từ họ rất nhiều. Người nghèo nhưng mà họ lại có một tấm lòng rất là lớn, so với nhiều người giàu có, có chức tước, nhưng chưa chắc đã có được cái lòng.

Tôi thấy cái dung mạo của Đức Giáo hoàng Phanxicô rất gần gũi với công việc của chúng tôi đang làm. Sự lãnh đạo của Đức Phanxicô mang lại cho chúng tôi sự an ủi rất lớn trong làm việc và trong hoạt động.

Tôi thấy có một sự đồng điệu khá rõ giữa đường lối của Đức Giáo hoàng và đường lối mà chúng tôi đang làm việc. Sự đồng điệu thể hiện trong việc chọn đối tượng để phục vụ, hoặc là để khi phải cân nhắc giữa hai đối tượng. Có người thì chọn đối tượng là Nhà nước để có một quan hệ bang giao, thì họ chọn một hành động khác, còn như chúng tôi, thì chúng tôi chọn phục vụ những người của giai cấp bị thống trị. Thì chắc chắn chúng tôi sẽ không đặt ưu tiên cho đối tượng kia, cái đối tượng gây ra những bất công. Chẳng hạn như, giáo lý dạy là phải yêu thương, nhưng vấn đề là yêu thương ai. Tôi yêu thương giai cấp thống trị, hay tôi yêu thương giai cấp bị trị. Tôi thấy đường lối của Đức Thánh Cha gần gũi với đường lối hoạt động của chúng tôi, tôi thấy rất thuận lợi cho việc chúng tôi hoạt động. (...)


Để hiểu hơn về những thay đổi lớn trong Giáo hội Công giáo trong những năm tháng đầu tiên mà Giáo hoàng Phanxicô nắm quyền lãnh đạo, một số nhà quan sát cho rằng, không nên đối lập thời kỳ của đương kim Giáo hoàng với giai đoạn của người tiền nhiệm, Giáo hoàng Benedito 16, mặc dù về mặt tính cách giữa hai người có rất nhiều điểm khác biệt, nếu không muốn nói là tương phản. Nhà báo Jean-Louis de La Vaissière, đặc phái viên AFP tại Vatican từ 4/2011 là người có quan điểm như vậy. Ông là tác giả cuốn tiểu luận « De Benoît à François, une révolution tranquille » (Từ Benedicto đến Phanxicô, một cuộc cách mạng yên bình), xuất bản tháng 10/2013. Sau đây là một trích đoạn trong cuộc trò chuyện của ông với chương trình tạp chí “Các tôn giáo trên thế giới” của RFI.

Nhà báo Jean-Louis de La Vaissière : Tôi đã sống gần gũi trong hai năm liền với vị giáo hoàng này, cùng với một số người khác nữa, chứ không chỉ có tôi. Tôi có cảm giác rằng ông ấy đã rất ít được chấp nhận. Điều này là bất công, vì ông ấy đã để lại những tác phẩm hết sức đáng ghi nhận. Ông ấy có nhiều táo bạo trong tư tưởng. Tư tưởng của ông ấy đặc biệt hiện đại ở chỗ, luôn luôn kết nối giữa đức tin và lý trí, từ chối hoàn toàn « một đức tin mang tính ma thuật » (une foi magique), ví dụ như vậy. Chính ông ấy đã nhấn mạnh đến việc đối thoại với những người ngoại đạo - « những người tìm kiếm Sự thật », theo diễn đạt của ông ấy. Giáo hoàng Phanxicô đã gia tăng xu thế này.

Một điểm rất quan trọng khác, mà Giáo hoàng Phanxicô nói đến là « sự phô trương, hào nhoáng » trong Giáo hội. Đây là điều mà Giáo hoàng Benedicto 16 đã bắt đầu nhắc đến trong bài phát biểu tại Fribourg (Đức) năm 2011. Ông lên án các hình thức liên minh giữa « ngai vàng » và « điện thờ », các tầng lớp lãnh đạo tôn giáo dùng hào quang quá khứ để biện minh cho các đặc quyền đặc lợi… Các ý tưởng này báo hiệu cho những gì sẽ diễn ra. Tất nhiên là ở Giáo hoàng Benedicto 16, các quan niệm này không phải lúc nào cũng đi liền với hành động cụ thể. Dù sao đó vẫn là các ý tưởng rất đẹp. 
Trong cuốn tiểu luận nói trên, nhà báo Jean-Louis de La Vaissière mô tả nhiều nét tính cách của vị Giáo hoàng mới. Một trong những nét độc đáo của Giáo hoàng Phanxicô, theo ông, là thái độ hết sức độc lập của vị chủ chăn người Achentina với "giáo triều Roma".

Nhà báo Jean-Louis de La Vaissière : Giáo triều không còn nữa với Giáo hoàng Phanxicô. Là một thành viên của Giáo triều, đối với Giáo hoàng Phanxicô không có nghĩa lý gì cả. Ông sống tại khu nhà riêng Sainte Marthe (Domus Sanctæ Marthæ), một ngày ông vào làm việc tại văn phòng của Tòa thánh trong vài giờ. Ở khu nhà Sainte Marthe, ông có một nhóm thư ký riêng, trong đó có một vài người Achentina, và một số người tin cẩn khác mà ông có nhiều việc để làm với họ. Ở Sainta Marthe, ông ấy có thể gặp bất cứ ai mà ông ấy muốn. Tất nhiên là Giáo hoàng vẫn tiếp tục các buổi làm việc chính thức theo lịch trình của Tòa thánh, nhưng rõ ràng các hoạt động của ông chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các hoạt động chính thức và nhóm thứ hai là các hoạt động của riêng ông.
Một lần, tôi nhớ rằng Giáo hoàng hết sức giận dữ. Trong buổi gặp các đại diện của Caritas, một mạng lưới từ thiện lớn, Tòa thánh xếp sẵn lịch để mọi người chụp ảnh chung với Giáo hoàng. Thấy vậy, ông đã nổi giận gọi điện cho Hồng y Maradiaga, một trong những người thân tín. Ông tuyên bố, kể từ đây không ai có quyền chỉ dẫn tôi phải làm gì, tôi sẽ tự quyết định. Ở đây, chúng ta thấy tính cách của vị tướng dòng Tên. (…)

Tôi thấy gương mặt Giáo hoàng trong những giờ phút huyền bí và nghiêm trọng, trong buổi thánh lễ hay trong những thời điểm mà người ta có cảm giác ông đang âm thầm đau khổ cho hết thẩy thế gian. Tôi cũng nghĩ đến một người có nội tâm rất nóng nẩy và quyết đoán. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông nói đã bị trách cứ nhiều về tính cách quyết đoán khi ông là giám tỉnh trẻ tuổi của dòng Tên (tức dòng tu mang tên Chúa Giêsu) ở Buenos Aires. Vào thời điểm đó ông là người đứng đầu một tỉnh dòng có tư tưởng phản kháng mạnh chống lại nền độc tài quân sự, như chúng ta biết với nền « Thần học giải phóng » vào thời điểm đó. (Vai trò của Linh mục Jorge Mario Bergoglio trong thời gian chế độ độc tài quân sự là chủ đề gây tranh cãi - ndr) (…)

Theo tôi, ông ấy là người có thái độ thực tế. Ông ấy đã nỗ lực giúp các linh mục gặp khó khăn, các nhà đối lập. Ông ấy có một cuốn sổ địa chỉ các hãng hàng không, các công ty tàu biển, để lấy vé cho những người phải chạy trốn chế độ độc tài. Linh mục Bergoglio là người rất khác với Benedicto 16. Ông là con người của đời thường. Ông biết nấu bếp, xoay xở giỏi trong mọi tình huống. Biết gọi điện cho ai để có được sự trợ giúp. Đây là cuộc đời của một người bắt đầu lao động từ rất sớm, từ năm 13 tuổi, khi cha ông cho ông học việc tại một nhà máy. Ông xuất thân từ một môi trường khiêm tốn, trong một thành phố lớn với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa. Điều này ngược hẳn lại với Benedicto 16, sống tại một khu vực tương đối hẻo lánh ở nước Đức, an toàn hơn và ít tiếp xúc với bên ngoài. Tôi hoàn toàn không muốn nói Benedicto 16 không có kinh nghiệm đời thường, nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến tính cách xoay xở rất giỏi của Bergoglio.

Tôi không biết làm thế nào mà ông có thể có nhiều mối quan hệ như vậy. Ông ấy liên tục nhận điện thoại, trả lời điện thoại và gửi thư đi khắp mọi nơi. Chúng ta thấy ông ấy có khả năng đặc biệt : Trong đám đông, khi nói với mọi người, ông rất chú ý đến từng người. 


Nhà báo Jean-Louis de La Vaissière nhấn mạnh đến một nét tính cách khác của Giáo hoàng Phanxicô, sự thắng thắn trong các phát ngôn. Thái độ thẳng thắn và phong cách châm biếm nhiều khi gây sốc đối với nhiều người, đặc biệt trong hàng ngũ tăng lữ. Người phóng viên thường trú của AFP tại Vatican kể lại câu chuyện trong một lần Giáo hoàng Phanxicô nói chuyện với những người lính gác Tòa thánh, ông căn dặn họ, bên cạnh nhiệm vụ canh gác thông thường, quý vị hãy để ý xem những giới chức của Vatican có nói chuyện phiếm, có nói xấu người khác không, nếu đúng vậy thì xin hãy mời những người ấy ra ngoài. Nhà báo Jean-Louis de La Vaissière nhận xét :

Nhà báo Jean-Louis de La Vaissière : Mọi người thường nhìn thấy khía cạnh Giáo hoàng Phanxicô là con người có tính cách tốt bụng, dễ mến, một con người « cách mạng », « cấp tiến » (ít nhiều mang tính phong trào ?!)… Không, tôi nhìn thấy ngay từ đầu tính cách rất kiên định của Bergoglio, đặc biệt trong việc cải cách thể chế, nhưng nhất là trong việc cải cách thái độ sống, thái độ sống của giới tăng lữ, của các nam tu sĩ và nữ tu sĩ, của các linh mục. Làm sao để thái độ ấy tương hợp với thông điệp (căn bản của đạo Thiên chúa), làm sao không có sự dối trá, sự phô trương hào nhoáng, sự kiêu ngạo… Đây chính là điều chủ chốt trong thông điệp mà ông ấy muốn truyền đến mọi người. Thái độ của Giáo hoàng cũng khiến ông có nhiều kẻ đối địch. Phanxicô có những lời lẽ thẳng thừng gây sốc, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là những lời nói của ông không bao giờ chệch hướng, chúng được kiểm soát rất tốt.

Thẳng thắn và trực diện là nét tính cách của vị Giáo hoàng đương nhiệm. Đây là điều hiếm có ở một người đứng đầu Tòa thánh Vatican. Phóng viên thường trú của AFP tại Vatican, tác giả cuốn “Từ Benedicto đến Phanxicô, một cuộc cách mạng yên bình”, kể lại cuộc trò chuyện rất tự nhiên trong một tiếng rưỡi giữa Giáo hoàng Phanxicô với các nhà báo trên chiếc máy bay từ đại hội giới trẻ công giáo thế giới ở Rio de Janeiro trở về Vatican hồi mùa hè năm nay. Các phóng viên thoải mái đặt các câu hỏi trực tiếp, không cần đưa trước theo lệ thường. Như chúng ta biết, Giáo hội Công giáo có một thái độ tiêu cực đối với những người đồng tính luyến ái. Mặc dù ông hề không đụng chạm đến giáo lý chính thống của Giáo hội, nhận xét mang tính cá nhân của Giáo hoàng về những người đồng tính gây ngạc nhiên : “Tôi là ai mà có quyền phán xét họ ?”. Nhà báo AFP nhận định :

Nhà báo Jean-Louis de La Vaissière : Đây là điểm rất độc đáo và là điều cốt lõi trong thái độ của Giáo hoàng Phanxicô. Lòng từ bi và sự tôn trọng con đường đi của mỗi người. Ông nói các chức sắc của Giáo hội cần từ bỏ thái độ của một viên hải quan, chỉ chấp nhận những tín đồ nào hội đủ tiêu chuẩn, còn loại những người không đủ ra ngoài. Tất nhiên cách hành xử như vậy không phải là điều được thể hiện thành văn bản, nhưng Giáo hoàng Phanxicô nói công khai rằng cần phải thay đổi thái độ đó.

Tôi thấy điều rất có ý nghĩa trong các cuộc phỏng vấn riêng với Giáo hoàng, đăng trên tạp chí La Civiltà Cattolica (của dòng Tên), nhấn mạnh đến cái huyền bí của sự sống con người, cái tự do mang tính cá nhân, mà không ai có thể so bì với ai (đây là những cuộc phỏng vấn riêng gần như là đầu tiên mà Giáo hoàng dành cho báo giới cho đến nay - theo giải thích của vị Tổng biên tập).

Ở đây chúng ta nghĩ đến một câu chuyện rất xa xôi, sự nỗi khó khăn vô cùng lớn lao… Nhưng chính đó là cái độc đáo của đạo Thiên chúa : cánh tay của Thiên chúa rộng mở, nhưng vấn đề là người trong cuộc phải chủ động. Có một cái gì đó rất phức hợp ở đây. Tôi cho rằng xu thế này sẽ tiếp tục phát triển trong nhiệm kỳ của Giáo hoàng Phanxicô.

***
Đối với nhiều người, những tháng đầu tiên lãnh đạo Giáo hội của Giáo hoàng Phanxicô để lại những ấn tượng về một thay đổi lớn đang đến với Giáo hội Công giáo. Ghi nhận phong cách đặc biệt của người đứng đầu mới của Vatican, một nhà xã hội học tôn giáo Pháp – ông Olivier Bobineau – nhận xét : Đây chính là những nguyên tắc hành động căn bản (gần gũi, thực tế, tuân thủ nguyên tắc và hiệu quả) mà dòng Tên đã bắt đầu phát triển từ thế kỷ XVI, nhằm chế ngự đà ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu cải cách Tin lành. Giáo hoàng Phanxicô là tu sĩ dòng Tên duy nhất giữ chức vị đứng đầu Giáo hội Công giáo cho đến nay. Theo tác giả cuốn “Từ Benedicto đến Phanxicô, một cuộc cách mạng yên bình”, trong phần cuối cuộc trò chuyện với RFI, thách thức lớn nhất mà Giáo hoàng Phanxicô phải đối mặt là “cơn sóng thần” của trào lưu thế tục hóa : Rất nhiều người trong giới trẻ hiện nay không hề quan tâm đến Chúa. Bên cạnh đó, niềm khát khao một cuộc sống có ý nghĩa ở những con người hiện đại ngày nay rất nhiều khi không được đáp ứng. Nhiều người tìm đến các hệ phái Tin Lành để thỏa mãn nhu cầu có được một cuộc sống có ý nghĩa.

Không phải ngẫu nhiên mà một Giáo hoàng người Achentina đã được bầu chọn, vào thời điểm mà tại châu Mỹ Latinh, các hệ phái Tin Lành (như Ngũ tuần hay Phúc âm) đã và đang chinh phục được trái tim của rất nhiều người vốn là tín đồ Công giáo. Khi lựa chọn Tổng giám mục Bergoglio, các Hồng y hy vọng ông có thể đưa được “tính hiện đại của thông điệp Tin Mừng (của Thiên Chúa) vào xã hội hiện nay”. Hy vọng này phần nào được đáp ứng qua tất cả những gì mới mẻ trong phong cách của vị Giáo hoàng đương nhiệm. Nhưng theo nhà báo Jean-Louis de La Vaissière, đạo Công giáo với 2000 năm tuổi còn phải đổi mới chính những thông điệp của mình. Có những cảm nhận bế tắc, những nỗi thất vọng cay đắng trong hàng ngũ chức sắc cao cấp của Giáo hội, trước sự thờ ơ dửng dưng trong các xã hội đương đại. Tác giả cuốn “Từ Benedicto đến Phanxicô, một cuộc cách mạng yên bình” nhấn mạnh, nếu như Benedicto 16 (tức nhà thần học nổi tiếng Joseph Ratzinger) đã đưa được đạo Thiên chúa trở lại trung tâm của cuộc tranh luận triết học đương đại, thì chính Phanxicô đang đưa trở lại tôn giáo này vào trung tâm của đời sống xã hội, đời sống kinh tế, vào trung tâm của đời sống thường ngày...

RFI xin chân thành cảm ơn Linh mục Barnaba Nguyễn Văn Phương và Linh mục Giuse Đinh Hữu Thoại đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nayQuý vị có thể tham khảo toàn bộ phần phỏng vấn với các vị khách mời trong hai hộp âm thanh bên trên. 

Các tin bài liên quan




No comments:

Post a Comment

View My Stats