Da Màu 10.12.2013
Lời
Người Dịch: Nhật báo Le Monde / Sélection Hebdomadaire
(bài tuyển trong tuần) ngày 25-5-2013 đăng trong mục Débats (Tranh luận)
ba tham luận của Salman Rushdie, Liao Yiwu, Philip Roth kèm lời giới thiệu của
Nicolas Truong, Comment être dissident aujourd’hui? phác họa về hoạt động
bất đồng chính kiến trong bối cảnh chính trị toàn cầu hôm nay. Cả ba ngòi bút
nói trên đều cảnh giác về sự lơ là đáng ngại của phương Tây đối với cuộc đấu
tranh chung cho các quyền làm người sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc và mặt
trận kinh tế toàn cầu trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia và chính
khách. Nếu trước đây phương Tây từng ngưỡng mộ và ủng hộ cuộc chiến đấu can đảm
của Soljenitsyn, Sakharov, Havel, Mandela, Aung San Suu Kyi… hào quang của các
nhà bất đồng chính kiến hôm nay đã nhạt mờ trước xu thế dân chủ hóa những phong
trào quần chúng phản kháng lan rộng nhờ các mạng xã hội, đặc biệt là
microbloggers, và không cần các gương mặt tiếng tăm phất cờ đi trước theo lối
tranh đấu trước đây. Tuy nhiên đáng lo ngại hơn là thị trường và cuộc chạy đua
tìm lợi nhuận khiến thiên hạ nhắm mắt bỏ qua thực tế tiêu cực của các chế độ
phi nhân và nạn độc tài đảng trị, như Nicolas Trương có nêu lên nhận xét “les
valeurs d’échange supplantent les valeurs morales dans le nouvel ordre
économique” (các giá trị trao đổi đã thay thế các giá trị đạo đức trong
trật tự kinh tế mới). Điển hình là sự bắt tay làm ăn của các nước Âu-Mỹ với
Trung Quốc – như lời tố cáo của Liệu Diệc Vũ – quay mặt làm ngơ trước chính
sách đàn áp tự do ngôn luận và các quyền công dân của chế độ toàn trị Bắc Kinh.
* * *
Sau bản dịch giới thiệu Liệu Diệc Vũ, mời các bạn
đọc tiếp tham luận của Salman Rushdie về vấn đề bất đồng chính kiến. Không cần
dài dòng về tiểu thuyết gia gốc Ấn này, người đã nổi tiếng toàn cầu sau vụ fatwa
Hồi giáo vì đã xúc phạm giáo chủ trong cuốn The Satanic Verses và
cũng là tác giả của Midnight’s Children – một trong những tiểu thuyết
hàng đầu của hậu bán thế kỷ 20. Với kinh nghiệm về cuộc chiến Ấn độ-Pakistan do
xung đột tôn giáo, và bi kịch bản thân với các thế lực Hồi giáo cuồng tín đã
kết án tử hình ông, Salman Rushdie là một tiếng nói quốc tế luôn sát cánh với
các ngòi bút bất đồng chính kiến. Các độc giả từng sống dưới chế độ cộng sản sẽ
tìm thấy ở ông một đồng minh đầy nhiệt tình đã quan tâm liên tục đến số phận
các ngòi bút dưới ách toàn trị. Ông từng nhắc lời Milan Kundera “Cuộc tranh
đấu giữa con người và quyền lực là cuộc tranh đấu của ký ức chống sự lãng quên”
(trong tiểu luận Imaginary Homelands, 1991). Trong bài tham luận dưới
đây nổi bật một ý thức thời đại bên cạnh một lương tâm toàn cầu đã không ngừng
kêu đòi tự do tư tưởng và ngôn luận. Nếu trước đây Rushdie chú ý đến các nhà
văn Nga và Đông Âu, hiện nay ông đang theo dõi sinh hoạt tư tưởng và văn học ở
Á châu, đặc biệt là Nam Á và Trung Quốc. Ông rất minh bạch về chức năng chính
trị của văn học, nhất là tiểu thuyết: … miêu tả tự nó là một hành
động chính trị; cũng như… tiểu thuyết là một cách phủ nhận phiên bản
chính thức về sự thật của các nhà chính khách. (Imaginary Homelands)
Tóm lại, Salman Rushdie cũng như Liệu Diệc Vũ kêu
gọi người đọc lên tiếng. Thái độ tích cực này sẽ biến từng người công dân thành
chứng nhân có ý thức chống lại các âm mưu đánh tráo hoặc bôi xóa sự thật lịch
sử của các chế độ toàn trị và bạo quyền.
—Chân Phương
*
Can đảm chính trị, một đức tính ngày nay bị nghi ngờ
Hình như ta dễ dàng khâm phục sự gan dạ thể xác hơn
là sự can đảm tinh thần vào thời buổi loạn thế này. Chúng ta ca ngợi người mang
nón cao bồi can cường leo qua rào chắn để cứu nguy các nạn nhân lúc Boston bị
đặt chất nổ trong lúc những kẻ khác tháo chạy. Nhưng khó hơn cho chúng ta khi
muốn công nhận lòng can đảm ở các vị có tinh thần trách nhiệm chính trị, trừ
Nelson Mandela và Aung San Suu Kyi ra. Có lẽ chúng ta đã thấy biết quá nhiều,
và bị các trò thỏa hiệp khó tránh với quyền lực đẩy ta vào thói hoài nghi nhạo
báng (cynisme). Còn đâu cái thời của Gandhi với Lincoln!
Điều còn lạ lùng hơn là chúng ta lại đi ngờ vực
những ai có thái độ chống các lạm dụng quyền lực hay giáo điều. Trước đây đâu
có như vậy. Các ngòi bút và trí thức chống cộng, như Alexander Soljenitsyn và
Andrei Sakharov, được ngưỡng mộ rộng rãi vì lập trường của họ. Nhà thơ Osip
Mandelstam được khâm phục vì đã viết bài thơ châm biếm Stalin vào năm 1933. Vị
lãnh tụ đáng gờm ấy được miêu tả bằng những từ dũng cảm: “Lúc ông ta cười,
râu mép động đậy như loài gián”. Bài thơ ấy khiến thi sĩ bị tù đày và sau
cùng chết trong một trại lao động xô viết.
Cũng gần đây thôi, vào năm 1989 hình ảnh một người
đang xách hai túi thực phẩm dám chặn đường xe tăng giữa Thiên An Môn đã gần như
tức thời trở thành biểu tượng toàn cầu của lòng can đảm. Sau đó hình như sự thế
đã đổi khác. “Người chặn xe tăng” đã rơi vào quên lãng ở Trung Quốc; và các
người biểu tình cỗ vũ cho dân chủ, kể cả những ai đã bỏ mạng trong mấy vụ thảm
sát hai ngày 3 và 4 tháng 6 -1989, đã bị giới cầm quyền Bắc Kinh tố cáo gán cho
tội chống phá cách mạng.
Thuật
diễn giải lại các sự việc là cuộc tranh chấp không ngừng và nó làm rối mù khả
năng lĩnh hội của chúng ta khi phán xét những người “can đảm”. Đấy là cách nhà cầm quyền Trung quốc xử lý những kẻ chống đối có danh
tiếng nhất. Thói kết án “nghịch tặc” gán cho nhà cầm bút Lưu Hiểu Ba và tội
trốn thuế gán cho nghệ sĩ Ngải Vị Vị là những mưu toan cố tình nhằm xóa nhòa
lòng can đảm của họ và biến họ thành tội đồ.
Ở Nga, ảnh hưởng của giáo hội Chính Thống mạnh đến
nỗi các thành viên bị cầm tù trong ban nhạc Pussy Riot còn bị dư luận nói chung
kết tội xúc phạm luân lý vì đã trình diễn sự phản kháng lẫy lừng của họ nơi các
khuôn viên của giáo hội. Quan điểm họ cho rằng giới lãnh đạo giáo hội Nga có liên
hệ quyền lợi quá khăng khít với tổng thống Putin đã bị bọn người bài bác đông
đảo lờ đi, và hành động của ban nhạc thay vì được khen can đảm lại bị cho là
thất cách.
Hai năm trước ở Pakistan, cựu thống đốc Punjab là
Salman Taseer đã bảo vệ Asia Bibi, một phụ nữ theo đạo Thiên Chúa bị kết án tử
hình sai lầm vì pháp luật khắt khe của địa phương đối với tội miệt thị tôn
giáo. Do đó ông bị một người bảo vệ của mình ám sát. Tay này, Mumtaz Qadri, lại
được hoan nghênh và được thiên hạ đón bằng trận mưa hoa hồng trên đường đến tòa
án. Về phần Salman Taseer, ông phải chịu nhiều chỉ trích và dư luận đã chống
báng ông.
Tháng Hai 2012, một ký giả kiêm thi sĩ ở Ảrập Sau-đi
là Hamza Kashgari đã phổ biến ba ý kiến trên Twitter về nhà tiên tri Mahomet.
Sau đó ông khẳng định rằng “đã giành lại quyền” tự do tư tưởng và
ngôn luận của mình. Chẳng có bao nhiêu người ủng hộ ông, ông bị kết án phản đạo
và có lắm kẻ lên tiếng đòi xử tử ông. Hiện nay ông vẫn ngồi tù.
Các nhà văn và trí thức thời Khai Sáng ở Pháp cũng
đã thách đố sự chính thống tôn giáo (orthodoxie religieuse) của thời đại họ, và
qua đó sáng lập khái niệm hiện đại về tự do tư tưởng. Voltaire, Diderot,
Rousseau với nhiều nhân vật khác trở thành những người hùng trí thức của chúng
ta. Khốn khổ thay, chẳng có mấy người trong thế giới Hồi giáo dám nói về Hamra
Kashgari như thế.
Tư tưởng mới cho rằng phải kết tội các nhà văn, giáo
chức đại học và nghệ sĩ đấu tranh chống sự chính thống tôn giáo và sự bất khoan
thứ (intolerance) vì họ đã làm phiền thiên hạ một cách vô ích đang lan truyền
nhanh chóng ở cả những xứ như Ấn độ – trước đây từng có thể tự hào về sự tự do
trên khắp đất nước mình.
Những năm gần đây, đại họa gia của hội họa Ấn là
Maqbool Fida Husain đã buộc phải lưu vong sang Dubai, rồi Luân Đôn nơi ông qua
đời. Người ta trách ông đã thể hiện trần truồng nữ thần Ấn độ giáo Sarawasti (
trong lúc chỉ cần quan sát qua loa các tượng hình Ấn độ giáo cổ xưa là có thể
nhận ra sự thoát y khá thường xuyên của nữ thần này, cho dù trên người bà đeo
đầy ngọc ngà và trang sức.)
Cuốn tiểu thuyết lừng danh của Rohinton Mistry ( bản
dịch tiếng Pháp Un si long voyage – Một chuyến đi quá dài , 2003), bị
rút khỏi chương trình giảng dậy của đại học Bombay vì những kẻ cực đoan địa
phương bài bác nội dung tiểu thuyết. Giáo sư Ashis Nandy bị tấn công vì đã phát
biểu các ý tưởng không được chính thống lắm về sự đồi trụy của các giai cấp
thấp hèn. Và trong mỗi trường hợp như thế, dư luận chính thức có vẻ đã thu thập
sự đồng tình của nhiều bình luận viên cùng một phần quan trọng của dư luận đường
phố khi kết luận rằng các nghệ sĩ và giới chức đại học ấy đã tự mình gây ra
những phiền lụy nọ và không nên đổ lỗi người khác. Những kẻ mà vào các thời
điểm khác trước đây sẽ được ngợi ca là có đầu óc độc lập không giống ai bây giờ
càng lúc càng được nghe nhiều người khuyên can: “Mi nên ngồi xuống đi, không
khéo mi sẽ làm lật ghe chìm xuồng.”
Đây
là thời buổi buồn nản đối với những ai tin vào quyền đẩy lùi các giới hạn của
tự do, quyền thử thách rủi ro, cũng như đôi khi quyền biến đổi cách nhìn thế
giới của các nghệ sĩ và các công dân bình thường đang bị áp bức.
Không
còn gì khác ngoài việc tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của đức tính can đảm
này và cố gắng bảo đảm làm thế nào các nạn nhân của sự đàn áp như Ngải Vị Vị,
ban nhạc Pussy Riot, Hamza Kashgari, không bị tước đoạt thực chất của họ: những
người đàn ông và đàn bà chiến đấu trên tuyến đầu của tự do. Bằng cách nào làm
được việc này? Đóng góp chữ ký của bạn vào các kiến nghị chống lại cách đối xử
của bạo quyền, tham gia vào các phong trào phản đối. Hãy lên tiếng. Mỗi sáng
kiến dù nhỏ bé thế nào cũng có tầm quan trọng của nó.
Salman Rushdie
Nguồn:
Nhật báo LE MONDE 25-5-2013, “Le courage
politique, une vertu hier célébrée dont on se méfie à présent”. Gérard
Meudal dịch nguyên tác sang Pháp văn. Bản dịch Việt ngữ có các đoạn in đậm do
dịch giả nhấn mạnh. Bản dịch này cũng là món quà tặng nhỏ cho các trí thức Việt
Nam can đảm đã lên tiếng cho dân chủ và nhân quyền lâu nay. –C.P.
-----------------------------------------
Da Màu 5.12.2013
Lời
Người Dịch: Nhật báo Le Monde / Sélection Hebdomadaire (
bài tuyển trong tuần) ngày 25-5-2013 đăng trong mục Débats (Tranh luận)
ba tham luận của Salman Rushdie, Liao Yiwu, Philip Roth kèm lời giới thiệu của
Nicolas Truong, Comment être dissident aujourd’hui? phác họa về hoạt
động bất đồng chính kiến trong bối cảnh chính trị toàn cầu hôm nay. Cả ba
ngòi bút nói trên đều cảnh giác về sự lơ là đáng ngại của phương Tây đối với
cuộc đấu tranh chung cho các quyền làm người sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc
và mặt trận kinh tế toàn cầu trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia
và chính khách. Nếu trước đây phương Tây từng ngưỡng mộ và ủng hộ cuộc chiến
đấu can đảm của Soljenitsyn, Sakharov, Havel, Mandela, Aung San Suu Kyi… hào
quang của các nhà bất đồng chính kiến hôm nay đã nhạt mờ trước xu thế dân chủ
hóa những phong trào quần chúng phản kháng lan rộng nhờ các mạng xã hội, đặc
biệt là microbloggers, và không cần các gương mặt tiếng tăm phất cờ đi
trước theo lối tranh đấu trước đây. Tuy nhiên đáng lo ngại hơn là thị trường và
cuộc chạy đua tìm lợi nhuận khiến thiên hạ nhắm mắt bỏ qua thực tế tiêu cực của
các chế độ phi nhân và nạn độc tài đảng trị, như Nicolas Trương có nêu
lên nhận xét “les valeurs d’échange supplantent les valeurs morales
dans le nouvel ordre économique” (các giá trị trao đổi đã thay thế các giá
trị đạo đức trong trật tự kinh tế mới). Điển hình là sự bắt tay làm ăn của các
nước Âu-Mỹ với Trung Quốc – như lời tố cáo của Liệu Diệc Vũ – quay mặt làm ngơ
trước chính sách đàn áp tự do ngôn luận và các quyền công dân của chế độ toàn
trị Bắc Kinh.
Nhưng bất đồng chính kiến không chỉ thuần túy phản
kháng chính trị mà còn là một thái độ trí thức kèm theo tự do tư tưởng và tâm
linh. Như Vaclav Havel đã từ khước nền văn minh thị trường chỉ nhằm “sản
xuất liên tục hàng hóa và khuyến khích sự tiêu thụ”. Và lời kết của Nicolas
Truong mở ra những hướng suy tưởng khác cho các độc giả đã quan tâm đến mục
tranh luận này: Comme on le voit, la dissidence, ce n’est pas qu’une politique
des droits de l’homme. C’est aussi une insurrection et une éthique des droits
de l’âme. (Như ta nhận thấy, sự bất đồng chính kiến không chỉ quan tâm đến
chính sách nhân quyền. Đó cũng là một sự nổi dậy đòi hỏi cũng như đạo lý cho
các quyền của tâm linh).
—Chân
Phương
*
Hỡi dân Pháp, các người đã làm gì với các giá trị của mình?
(Kinh doanh với Trung Quốc bất cần các quyền của con người)*
(Kinh doanh với Trung Quốc bất cần các quyền của con người)*
Viết về sự bất đồng chính kiến ở Trung Quốc cho công
chúng nước Pháp là một việc làm phiền phức! Dân Pháp các người đã từng nhiệt
liệt bênh vực tư tưởng Mao Trạch Đông (1893-1976) thời phong trào Mai 68, và đã
ngưỡng mộ từ xa ngọn triều hồng kỳ uốn lượn nơi quảng trường Thiên An Môn.
Khoảng cách khiến các người không nhận thấy rằng màu đỏ rất ngoạn mục ấy thật
ra là một cuộc tắm máu. Các tai họa do Mao khích động – Mao, một trong những kẻ
độc tài vĩ đại của thế kỷ 20 – đã để lại những thương tích quá sâu trong xã hội
chúng tôi và không ai có thể biết được Trung Quốc có thể hồi phục hay không.
Các nhà sử học cố tìm cho ra con số người chết do
nhiều thử nghiệm nhìn xa thấy rộng của Mao trực tiếp gây ra và họ không hoàn
toàn thỏa thuận với nhau: hơn bốn mươi triệu mạng? Năm mươi triệu? Tám mươi
triệu? Có những cái chết do nạn đói liên quan đến chính sách Đại Nhảy Vọt từ
1959 đến 1962, chết vì các thảm sát trong Cách mạng Văn hóa, vô số người vô tội
bị xử bắn, và tất cả những ai thà tự sát còn hơn chịu tra tấn hay bị làm nhục,
những kẻ bỏ mạng trong khi lội trốn ra Hương Cảng hoặc nơi các rừng nhiệt đới
tìm đường sang Việt Nam hay Miến Điện, và còn biết bao trường hợp khác…
Vậy mà cho đến hôm nay, nhân vật Mao Trạch Đông vẫn
còn được ưu ái trong ký ức của nhiều người đương thời. Hình tượng Mao
được bày bán khắp các chợ Trung Quốc như mấy ổ bánh mì petit pain, dưới
dạng áo thun, tượng nhỏ, huy hiệu đeo cổ, và cuốn Mao tuyển màu đỏ nay lại
thành một món thời trang.
Ai có gan làm như thế đối với Stalin hoặc Hitle? Ai
dám mặc chiếc áo thun in hình hai tay này? Có ai nghĩ đến việc sao in lại các
diễn văn của Franco hay Mussolini như một kiểu ngợi ca? Tại sao Mao lại thoát
khỏi sự khinh tởm của cả thế giới? Bởi nền độc tài Trung Quốc xét cho cùng chưa
bao giờ đổi thay bản chất từ ngày vị chủ tịch của nó qua đời năm 1976. Chế độ
này đồng ý với các phương pháp máu me của Mao, tiếp tục tàn bạo, sát nhân, đạp
lên các giá trị phổ quát như quyền tự do và sự an lạc cá nhân cũng như nhu cầu
phát biểu bằng ngôn luận.
Nhưng người Pháp hãy tự an ủi: họ không phải là
những kẻ duy nhất đã bị tên sát nhân siêu phàm ấy đánh lừa! Ngày 21 tháng 4 vừa
rồi, giải Nobel Văn Học 2012 Mạc Ngôn đã tuyên bố lập lờ nước đôi khi đọc diễn
văn trong một cuộc hội nghị do chính quyền Trung Quốc tổ chức: “Bóp méo,
biếm họa, biến thành ác quỉ một nhân vật lịch sử vĩ đại như Mao Trạch Đông là
một việc làm thiếu thông minh. Thật ra những ai ngày nay còn ước mong nói viết
một cách tích cực về Mao sẽ gặp không ít phiền lụy.”
Chỉ có điều chân dung Mao vẫn còn trên mọi tờ giấy
bạc Trung Quốc, và Mạc Ngôn có thể phát biểu tích cực về một trong những kẻ tội
phạm lớn nhất của thế kỷ mà không bị bắt vào tù, trái lại còn được cấp công xa,
nhà ở hạng đế vương, chức vụ thứ trưởng kèm với lương bổng tương xứng. Còn ngôi
làng sinh quán của ông ta thì được biến thành công viên du lịch từ đó ông thu
nhập thêm món tiền lời hậu hĩ. Tất cả các thứ đó do bàn tay nào trợ giúp?
Nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay chứ còn ai!
Bốn mươi năm trước, không ai tranh cãi trước tiếng
nói của một nhà văn như Soljenitsyn (1918-2008), và lời ông tố cáo chế độ lao
tù goulag xô viết đã làm các độc giả của ông kinh khiếp. Những ai trốn thoát
khỏi địa ngục cộng sản được tiếp đón như anh hùng, và báo chí truyền đi các ý
nghĩ của họ với chân dung in kèm. Tôi thì chẳng được cái may của Soljenitsyn.
Nhưng cũng giống ông, tôi không coi tôi là kẻ bất đồng chính kiến mà đúng hơn
là kẻ phản nghịch (rebel), và tôi cũng điên tiết như ông trước sự thờ ơ của các
nước phương Tây khi họ không nhìn ra mối hiểm họa từ các vùng đất bao la đang
nằm dưới gót giày bạo chúa kia. Trong cuộc chiến tranh lạnh, không ai phản bác
các ý niệm Thiện (dân chủ) và Ác (độc tài). Ngày nay, đường viền các giá trị đã
nhạt nhòa và mọi thứ chìm vào sự mù mờ phi thực chất.
Đấy kìa: Li Bifeng(?), người bạn thân của tôi, thi
sĩ kiêm nhà văn đã từng chia bốn năm tù với tôi sau vụ tàn sát Thiên An Môn vào
đầu thập niên 1990, nay lại ngồi tù ở Tứ Xuyên – quê quán của bọn này. Anh chịu
án 12 năm cấm cố vào mùa thu 2012. Dĩ nhiên họ qui cho anh những tội phạm kinh
tế, nhưng ai cũng biết cái tội duy nhất của anh là vẫn chung thủy với đại cuộc
dân chủ và đã từng là bạn thân với tôi.
Anh còn chịu án tù nặng hơn người bạn chí thiết khác
của tôi là Lưu Hiểu Ba – kẻ được chế độ nương tay phần nào vì hình phạt 11 năm
tù đã mang đến cho Lưu giải Nobel Hòa Bình năm 2010. Nhưng hôm nay còn ai nhớ
đến tên ông ở Pháp, có nhà trí thức nào nhảy ra cứu giúp ông, có vị Trung hoa
học nào muốn can dự để đòi tự do cho ông?
Ai cũng sợ mất chiếu khán nhập vào Trung Quốc, ai
cũng sợ mất số tiền tài trợ cho đại học của mình khi đã góp công thiết lập một
Viện Khổng học ở đấy, ai cũng sợ mất khả năng du hành đó đây tại Trung Quốc vào
dịp các hội thảo – chỉ là cái cớ cho những yến tiệc linh đình nơi mấy khách sạn
hạng sang.
Tôi dùng ngòi bút mình và phép thuật của văn chương
giúp cho những thống khổ của Trung Quốc khỏi bị vùi chôn vào câm
lặng, khiến cho nỗi bất công mà người Trung Quốc chúng tôi đã phải hứng chịu
được biết đến ít nhiều: tại sao phải cảm thán các nạn nhân của chủ nghĩa quốc
xã, của chính sách Stalin hay chủ nghĩa phát xít mà lại tiếp tục ca tụng sự
phát triển kinh tế ở Trung Quốc? Chẳng lẽ lớp bì của chúng tôi không mềm mại
bằng lớp da của quí vị?
Liệu Diệc Vũ
CHÚ
THÍCH
Bị bắt năm 1990, Liệu Diệc Vũ ngồi tù bốn năm
vì đã tố giác vụ đàn áp ở Thiên An Môn. Trốn khỏi Trung Quốc năm 2011, ông đang
sống lưu vong tại Bá linh. Tác phẩm sau cùng của ông xuất bản ở Pháp có tên là
“Dans l’Empire des Ténèbres” (Trong lòng đế chế tăm tối), do nhà Bourin
xuất bản.
*Francais,
qu’avez-vous fait de vos valeurs? Commercer en Chine au mépris des droits là tên của bài viết trên báo Le Monde, mục Débats
(25-5-2013). Marie Holzman dịch từ Trung văn sang tiếng Pháp. Chân Phương dịch
từ Pháp văn sang Việt ngữ.
Bài
đã đăng của Liêu Diệc Vũ :
Bỏ
Trung Quốc Mà Đi - 13.10.2011
No comments:
Post a Comment