Friday, 27 December 2013

NHẬN XÉT VỀ "PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM" SAU KHI ÔNG LÊ THĂNG LONG RÚT LUI ĐỂ XIN GIA NHẬP ĐẢNG CSVN (Dân Luận)




Thứ Bảy, 28/12/2013

Sau sự kiện ông Lê Thăng Long xin rút khỏi phong trào Con Đường Việt Nam để xin vào Đảng CSVN, nhiều người đã gợi lại câu chuyện nghi ngờ phong trào Con Đường Việt Nam nói chung, và ông Lê Thăng Long nói riêng, là cánh tay nối dài của Đảng CSVN vào năm 2012.

Con Đường Việt Nam đã đặt hai câu hỏi sau đây cho một số blogger và nhà hoạt động xã hội có tên tuổi, những người luôn quan sát chặt chẽ tình hình chính trị ở Việt Nam:

1. Bạn biết gì về phong trào Con Đường Việt Nam và hoạt động của phong trào trong năm 2013 này?
2. Bạn đánh giá sao về phong trào qua những gì bạn biết?

Và sau đây là một số câu trả lời của họ. Con Đường Việt Nam cần minh định ngay từ đầu là hoạt động phát Cẩm Nang Nhân Quyền là những nỗ lực cá nhân của chị Bùi Thị Minh Hằng (Vũng Tàu), Trần Thúy Nga (Hà Nam) và các blogger trong nước khác. Chúng tôi không dám nhận hết công lao của họ về phần mình. Và vì an toàn của thành viên và những người đã được Con Đường Việt Nam giúp đỡ, chúng tôi cũng xin không kể nhiều hơn về các hoạt động mà CĐVN thực hiện trong năm 2013 này. Hy vọng sẽ có một lúc nào đó chúng sẽ được bạch hóa.

Hình ảnh những người dân oan cầm trong tay cuốn "Câu chuyện về Quyền Con Người" do phong trào CĐVN phát hành

Blogger Nguyễn Anh Tuấn, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam:
1. Tôi được biết là trong năm 2013 Phong trào CĐVN đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam - theo đúng tôn chỉ mục đích của phong trào này.
Bên cạnh hai hoạt động mang tính chất thường kỳ là phân phát Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và tổ chức Cuộc thi sáng tác (viết/làm video) về Quyền Con người, trong năm 2013 CĐVN cùng một số tổ chức khác đã tổ chức thành công cuộc vận động nhân quyền quốc tế tại Hoa Kỳ của ba thân nhân tù nhân lương tâm Việt Nam là bà Nguyễn Thị Trâm (mẹ luật sư Lê Quốc Quân), bà Nguyễn Thị Kim Liên (mẹ Đinh Nhật Uy và Đinh Nguyên Kha) và ông Trần Văn Huỳnh (bố Trần Huỳnh Duy Thức).
Tất cả những nỗ lực kể trên của một Phong trào chỉ mới 2 tuổi đời, theo tôi, có một ý nghĩa lớn lao và xứng đáng nhận được sự đánh giá cao từ những ai quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam.
2, Thời gian gần đây, CĐVN nhận được sự chú ý qua một vài phát ngôn và bài viết của người khởi xướng là ông Lê Thăng Long. Cá nhân tôi tôn trọng quyền phát ngôn của ông Lê Thăng Long, và cũng trân quý những hi vọng được nêu trong các dự định của ông, mặc dù vẫn cho rằng đường hướng ông nêu trong các bài viết mâu thuẫn sâu sắc với tôn chỉ của Phong trào CĐVN ở những điểm cốt lõi.
Bởi thế, quyết định rút khỏi CĐVN của ông Long, theo tôi, là có lợi.
Lợi với cá nhân ông Long ở chỗ nó giúp ông đỡ bị vướng víu với những cam kết cũ trong một vai trò mới mà ông muốn đóng ở tương lai.
Lợi cho Phong trào CĐVN ở chỗ nó làm rõ hơn những khiếm khuyết của phong trào này, đặc biệt ở khâu nhân lực, mà hẳn các cá nhân lĩnh xướng phong trào cũng đã nhận ra từ lâu.
Câu hỏi là, vì sao một phong trào có tôn chỉ thích hợp với nhu cầu hiện tại của Việt Nam và trào lưu tiến bộ của nhân loại, mà vẫn khó khăn trong việc xây dựng lực lượng?
Cá nhân tôi hi vọng các thành viên của Phong trào CĐVN coi đây là một cơ hội để tìm được câu trả lời rốt ráo cho câu hỏi trên, từ đó tiếp tục thực hiện các dự định của phong trào ở một tầm mức cao hơn để góp phần lớn hơn trong công cuộc 'khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh' - theo đúng tinh thần được nêu trong lời giới thiệu Phong trào buổi ra mắt.

Luật sư, nhà báo Trịnh Hữu Long:
1. Tất cả những thông tin tôi có được về Con Đường Việt Nam (CĐVN) cho thấy một phong trào cổ xúy quyền con người và thúc đẩy các giá trị nhân bản cần thiết cho một xã hội tốt đẹp bằng phương pháp ôn hòa, đặt trên nền tảng phi bạo lực. Các hoạt động in ấn các cẩm nang, sách vở, các cuộc thi viết về quyền con người đều là những hoạt động có ích và tôi ủng hộ những nỗ lực đó của phong trào.
2. Tôi nghĩ rằng phong trào CĐVN là một nỗ lực chân thành của những người yêu đất nước mình và yêu những con người xung quanh mình. Đó là điều rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh quyền con người bị bủa vây bởi những định kiến được tạo ra một cách có chủ đích ở Việt Nam. Thái độ chính trị của CĐVN là tích cực, khi không tìm cách thay đổi định kiến bằng cách lên án hay chỉ trích chung chung, mà thông qua những hành động cụ thể thực thi chính những quyền con người đã được pháp luật thừa nhận để thuyết phục những người xung quanh làm theo. Các bạn chia sẻ và cảm thông với cái sự nhận thức yếu đuối về quyền con người của người dân (trong đó có cả tôi), và yêu lấy họ. Đó là điều khiến tôi trân trọng các bạn.
Đặt trong bối cảnh chung về xuất phát điểm thấp của các phong trào xã hội ở Việt Nam hiện nay, CĐVN rõ ràng thiếu nhân lực, thiếu những ý tưởng đột phá, tính tổ chức chưa cao. Việc anh Lê Thăng Long đột ngột rời bỏ phong trào có lẽ hơi gây ngạc nhiên cho cả những người trong cuộc lẫn ngoài cuộc, nhưng nếu suy nghĩ lại thì điều đó không lạ với tính tổ chức lỏng lẻo của hầu hết các hội nhóm ở Việt Nam. Điều đó có thể xảy ra với bất cứ tổ chức nào chứ không riêng gì CĐVN. Và suy cho cùng, việc một cá nhân rời bỏ một tổ chức cũng không có gì lạ, ngay cả khi đó là người sáng lập hay lãnh đạo. Cách thể hiện của anh Lê Thăng Long có thể gây tranh cãi, nhưng chúng ta nên tách bạch vấn đề cá nhân với vấn đề tổ chức và không nên đánh đồng hai thứ với nhau. Cá nhân tôi vẫn dành cho CĐVN sự thiện cảm và tôi ủng hộ những nỗ lực ôn hòa và chân thành của các bạn.

Nhà báo Phạm Đoan Trang:
1. Tôi là người ít quan tâm đến các phong trào nói chung - có thể do dị ứng với khái niệm "phong trào" mà tôi biết từ thời còn đi học, vốn dĩ phù phiếm và nặng tính tuyên truyền, hô hào. Cho nên, nếu có ai hỏi tôi "ấn tượng đầu tiên" của tôi về một phong trào nào đó thì câu trả lời bao giờ cũng dễ gây thất vọng.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về "Con đường Việt Nam" khi phong trào ra mắt vào tháng 6/2012, thực ra, cũng không khác. Tuy nhiên, về sau này, tôi dần dần quan tâm và biết về CĐVN nhiều hơn, chủ yếu là qua những con người cụ thể, tức là các cá nhân-thành viên tích cực của nó, như các anh Nguyễn Công Huân, Hoàng Dũng. Tôi nhận thấy họ đều là những người hiểu biết, ôn hòa, và đặc biệt, tôn trọng người khác; đó chính là biểu hiện của ý thức tôn trọng nhân quyền và đấu tranh bất bạo động cho một xã hội tốt đẹp hơn.
Tôi tin rằng khi tinh thần đó lan rộng, là khi Việt Nam tất yếu sẽ trở thành một quốc gia dân chủ tự do.
2. Những gì CĐVN đã làm được, tôi nghĩ, có bao gồm phần rất quan trọng là phổ biến các tài liệu về nhân quyền (như Cẩm nang quyền con người, Tuyên ngôn Nhân quyền của LHQ, v.v.), góp phần giúp người đọc Việt Nam hiểu về một khái niệm rất quan trọng và gần gũi mà lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm: nhân quyền.
Việc anh Lê Thăng Long rút lui khỏi CĐVN là quyết định cá nhân của anh Long, và nếu chúng ta đánh giá trên tinh thần "quyền con người là giá trị cao nhất", thì mọi quyết định của cá nhân đều cần được tôn trọng.
Người ta có xu hướng đánh đồng cá nhân với phong trào hoặc chủ nghĩa, ví dụ từ một vài cá nhân ưa khoe khoang mà suy ra cả phong trào đấu tranh dân chủ, phong trào đối kháng ở Việt Nam là "ăn tục nói phét"; từ một vài cá nhân hằn học mà suy ra cả phong trào là cực đoan, bất mãn, bế tắc... Với việc anh Lê Thăng Long rút khỏi CĐVN, tôi nghĩ đang và sẽ có "một bộ phận không nhỏ" dư luận lên án toàn bộ phong trào CĐVN.
Nhưng cho dù một, hoặc một số cá nhân có thế nào, thì dân chủ - tự do - nhân quyền vẫn là những giá trị phổ quát mà cả thế giới đều hướng tới; những giá trị đó không liên quan gì tới một vài cá nhân ủng hộ hoặc từ bỏ chúng.

Blogger Trịnh Anh Tuấn (Gió Lang Thang):
1. PTCĐVN mình biết do 3 người: THDT, LCĐ và LTL đồng sáng lập, và cả 3 đều phải đánh đổi tâm huyết này của mình bằng những năm tù, đặc biệt THDT đến 16 năm. Theo mình biết PTCDVN được ra đời với sự tiên đoán khả năng VN sẽ lâm vào ngõ cụt, đi vào một khủng hoảng trầm trọng về kinh tế, văn hoá, xã hội,... Với góc nhìn của 1 doanh nhân, người chấp bút cho bản đề cương CĐVN muốn thay đổi cả 1 đất nước bằng việc bắt đầu từ kinh tế, dẫn đến sự thay đổi xã hội phải xảy ra để tránh việc VN sẽ đi vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng và không thể cứu chữa. Mình thấy trong năm 2013, PTCĐVN tiếp tục có những hoạt động thiết thực như cổ suý cho nhân quyền, vận động cho các TNLT, giúp đỡ các nhà hoạt động,... Tuy nhiên, có lẽ có những khó khăn về nhân sự và tài chính, hoăc là do lựa chọn cách các hoạt động của PT còn chưa thực sự nổi bật, rầm rộ và tạo được tiếng vang lớn.
2. Tôi nghĩ PT nên ngày càng xúc tiến những hoạt động thực tiễn nhiều hơn nữa để đưa những ý tưởng mà những người sáng lập đã viết ra. Những hoạt động này không những nâng cao uy tín, tầm ảnh hưởng của PT mà còn có những đóng góp thiết thực cho PT đấu tranh đòi quyền lợi của người dân. Tôi đánh giá cao những hoạt động của PT đã và đang cố gắng triển khai. Trước tình trạng như hiên nay của XH, những sự đóng góp của thành viên PT CĐVN vào các hoạt động đấu tranh là hết sức tích cực. Tôi hi vọn PT có thể phát triển thêm nhân sự và phát triển thêm các kế hoạch của mình để góp sức thay đổi một đất nước trì trệ, khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay.

Luật sư Nguyễn Văn Đài: Mọi chuyện rồi sẽ qua thôi, các anh em đứng vững thì mọi chuyện rồi sẽ ổn!
Anh em luôn ở bên các bạn CĐVN.

Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm): Tôi im lặng và tôi quan sát thái độ của nhiều người qua việc anh Lê Thăng Long, một trong những người được xem như sáng lập viên của phong trào Con Đường Việt Nam rút lui.
Mọi người đã dạy tôi rất nhiều qua việc thể hiện thái độ của mình.
Với tôi, dù có thế nào thì anh Long đã rất thẳng thắn khi công khai quan điểm và lý do rút lui của mình - đó là điều cần ghi nhận.
Tôi không bình luận hay đánh giá gì sự thay đổi của người khác, bởi họ hoàn toàn có quyền quyết định hướng đi của cuộc đời mình, và điều duy nhất chúng ta có thể làm đó làm tôn trọng nó. (Đương nhiên để học được sự tôn trọng này, mỗi người chọn một cách phản ứng khác nhau).
Điều quan trọng cần phải nói ở đây đó là qua sự rút lui của anh Long, rất nhiều gạch đá đã trút xuống cho các thành viên khác của phong trào Con Đường Việt Nam.
Đây hoàn toàn là thái độ thiếu công bằng và thiếu tôn trọng những người công khai danh tính hoạt động vì quyền con người khác.
Sự rút lui của Lê Thăng Long kéo theo sự phủ nhận toàn bộ nỗ lực của Con Đường Việt Nam trong phong trào chung.
Ai sẽ được lợi từ điều này?
Chính là những người muốn kiểm soát xã hội này theo định hướng.
Chính là những người muốn kềm hãm quyền con người trong những khuôn khổ nhất định.
Đến giờ phút này, ngoài những lời kết tội dễ dàng không có bằng chứng, chưa một ai chỉ ra được việc có người bị hãm hại bởi phong trào Con Đường Việt Nam trong thời gian qua.
Xây thì khó, phá mới dễ.
Mọi người trút sự phẫn nộ của mình lên cá nhân Lê Thăng Long (hay những người không làm được như kỳ vọng của mình) và phong trào Con Đường Việt Nam mà quên rằng các thành viên còn lại vẫn đã, đang nỗ lực hết sức vì tự do của anh Trần Huỳnh Duy Thức và Đinh Nguyên Kha.
Cá nhân tôi cho rằng, tất cả các phong trào và sinh hoạt chung cổ vũ cho quyền con người, cho sự tự do dân chủ đều phải đối mặt với dư luận khắc nghiệt khi chọn cách công khai mọi diễn tiến và sự cố xảy ra nếu có. Riêng điều này, đã ăn đứt sự bưng bít thông tin mà chúng ta phải chịu đựng bấy lâu nay.
Lê Thăng Long là một cá nhân trong phong trào, sự rút lui của anh ấy được tôn trọng (hay bị lên án) điều này còn cần phải có thời gian để trả lời.
Nhập nhằng giữa sự rút lui của một cá nhân để quy chụp đánh giá cả một phong trào có lẽ không phải là cách hành xử văn minh.
Tôi nghĩ vậy!

Poster của cuộc thi sáng tác video clip Quyền Con Người và Tôi 2013 do Con Đường Việt Nam, Mạng Lưới Blogger Việt Nam và Dân Luận phối hợp tổ chức với chủ đề Bình Đẳng.


---------------------------------------------

Tin liên quan



No comments:

Post a Comment

View My Stats