12-12-2013
Đọc bài “Tôi
muốn vào Đảng Cộng Sản Việt Nam” của anh Lê Thăng Long đăng trên BBC mà
thấy tức cười. Trước giờ vẫn luôn kính trọng anh này vì những hành động xả thân
của anh. Nhưng thật ngây thơ khi cho rằng vào Đảng Cộng Sản anh sẽ giúp được họ
và cho cả dân tộc Việt Nam. Nếu anh được làm Tổng Bí Thư, anh sẽ thay đổi Việt
Nam trong vòng 1 năm, giúp Việt Nam trở nên giàu mạnh trong 10 năm, 20 năm. Tôi
hoàn toàn choáng váng trước sự “chém gió kinh hồn” này từ anh. Phải chăng những
năm tháng tù đày đã khiến anh trở nên hoang tưởng đến thế ? Không hề có ý định
công kích cá nhân nhưng những “vấn đề” anh đề cập trong bài viết nói trên không
khỏi khiến cho những người quan tâm đến thời cuộc xét lại “tầm nhìn chính trị”
của 1 trong những người sáng lập Phong trào Con đường Việt Nam.
“Nếu tôi được làm Tổng bí thư thì chỉ trong vòng 11
tháng tôi sẽ tái cấu trúc xong toàn diện nền kinh tế Việt Nam”. Vâng, với 1 chữ
nếu, người ta sẽ bỏ cả Paris vào trong cái chai, thưa anh! Tư duy, viễn kiến và
hành động chính trị không có chỗ cho chữ Nếu. Qua những lời kêu gọi của anh đối
với “toàn thể các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, công chức chính quyền
hãy học theo tấm gương đạo đức, dũng cảm của nhà báo yêu nước Phạm Chí Dũng”,
rõ ràng đây là cách thức hoạt động chính trị kiểu nhân sỹ. Hoàn toàn thiếu vắng
1 triết lý chính trị, một đội ngũ chính trị tinh hoa nhận được ủng hộ dân
chúng. Hoạt động chính trị phải là hoạt động Đảng phái, có tổ chức, không thể
chỉ là những hành động đơn phương kiểu nhân sỹ. Sở dĩ Đảng Cộng Sản Việt Nam
hiện nay phớt lờ mọi lời chỉ trích từ quốc tế, vượt trội so với các tổ chức, cá
nhân đấu tranh cho Dân chủ ở Việt Nam là vì họ là một tổ chức đích thực. Chỉ riêng
tính tổ chức thôi đã đánh bại được tất cả “các bạn Dân chủ” rồi, chưa kể đến
“83 năm kinh nghiệm” cùng một nguồn lực khổng lồ đằng sau. Hãy thôi mơ mộng về
cuộc đấu tranh không cân sức này nếu như không có văn hóa tổ chức. Nhưng văn
hóa tổ chức là điều mà hầu hết “các bạn Dân chủ” chưa có, hoặc chưa đạt tới cấp
độ như Đảng Cộng Sản Việt Nam và nó cũng chỉ là một điều kiện cần.
Điều kiện thứ hai cần phải có. Đó là một đội ngũ
chính trị tinh hoa được tôi luyện dưới một triết lý chính trị và thực tế cuộc sống.
Đội ngũ này gần gũi với người dân, hiểu được cần phải làm những gì tốt nhất cho
dân tộc nhưng cũng cần có viễn kiến đế có thể đưa ra quyết định không phụ thuộc
bởi đám đông gào thét.
Hậu thuẫn cho đội ngũ này phải là tầng lớp Doanh
nhân, trí thức trung lưu của đất nước, những người đã tích lũy đủ tiền bạc,
kiến thức để không bị lòng tham và cái ác ngự trị một khi đã giành được quyền
lực. Như một đàn anh của tôi đã nói: ”Trên con đường tích lúy tài sản ta sẽ
không ngờ nghệch mà tin vào bề nổi vấn đề. Trên con đường tích lũy kiến thức ta
sẽ có khả năng nói 'sao mình (hay thằng kia) ngu thế”. Từ đó có sự tương kính
để cùng làm việc với nhau. “Một sự toàn vẹn.” Đó cũng là cách để đất nước này
không bị tan vỡ, xâu xé và chia rẽ lẫn nhau. Kinh nghiệm từ những cuộc Cách
Mạng dân chủ Tư sản Châu Âu là tham chiếu rõ ràng nhất cho một đất nước quằn
quại bởi độc tài toàn trị, di sản chiến tranh và chia rẽ nhân tâm sâu sắc như
chúng ta. Không phải Việt Nam đã không ủng hộ Phan Châu Trinh mà chính là Việt
Nam không đủ sức để ủng hộ Phan Châu Trinh cho cuộc Cách Mạng của ông ấy. Đã
hơn 100 năm mà bài học Phan Châu Trinh vẫn chưa được chúng ta hiểu và đánh giá
1 cách đúng đắn.
Ba điều kiện này, nếu được tập hợp bởi một tổ chức
hay một liên minh đứng đắn sẽ chuyển hóa Dân chủ một cách ôn hòa cho đất nước
này.
Và đó cũng là điều mà mọi người dân trông đợi.
---------------------------------------
Posted by diendanxahoidansu on 12/12/2013
No comments:
Post a Comment