William Choong
Survival: Global Politics and
Strategy
Biên dịch: Nguyễn Hướng Đạo | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 22/12/2013
Nguồn: William Choong (2013). “Japan’s New Politics”, Survival: Global
Politics and Strategy, Vol. 55, No. 3, pp. 47-54.
Bài liên quan: #20 – Nhật Bản trong lòng Châu Á
Tháng 12 năm 2012, Đảng Dân chủ
Tự do Nhật Bản, đứng đầu là Shinzo Abe, đã giành được một thắng lợi áp đảo
trong cuộc bầu cử. Sau ba năm chịu sự lãnh đạo của Đảng Dân chủ Nhật Bản, ông
Abe, người đã từng giữ chức thủ tướng từ tháng 9 năm 2006 đến tháng 9 năm 2007,
đã giành lại được quyền lực bằng việc tập trung vào chủ nghĩa dân tộc đang dâng
cao và ý thức của cử tri về những nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Quan điểm xét lại của Abe đối
với lịch sử và quyền lực trên thế giới của Nhật Bản đã được biết đến rộng rãi.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Abe, Tokyo đã thông qua một đạo luật quy định
các quy trình chi tiết để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc nhằm sửa
đổi bản hiến pháp hòa bình của quốc gia. Đảng cầm quyền của ông Abe kêu gọi từ
bỏ trật tự chính trị thời kỳ hậu chiến của Nhật Bản, được cho là đã hạn chế đất
nước trong những vấn đề như việc viếng thăm khu tưởng niệm chiến tranh tại đền
Yakusuni, Tòa án tội phạm chiến tranh Tokyo và vấn đề phụ nữ bị quân đội Hoàng
gia Nhật Bản bắt làm nô lệ tình dục (comfort women) trong Đệ nhị Thế chiến.
Sự trở lại nắm quyền của thủ
tướng Abe đã gây ra những quan tâm lớn trên thế giới trong khi quan hệ của Nhật
Bản với Trung Quốc và hai quốc gia Triều Tiên đang trong tình trạng đặc biệt
bất ổn. Những tờ báo nước ngoài như The Economist và The New York
Times đã cảnh báo rằng sự trở lại của một chính phủ bảo thủ có thể đe dọa
tới sự ổn định của khu vực.[1] Những cảnh báo rộng rãi như thế là không có cơ sở. Chính phủ của ông Abe
đang lên kế hoạch trở nên hữu khuynh chứ không phải là trở thành một chính phủ
quân sự cực hữu. Những luận điệu bóng gió nhắc tới việc giải thoát Nhật Bản
khỏi trật tự hậu chiến là nhằm mục đích tăng cường vị thế quốc gia trong khu
vực, dù là bằng việc mở rộng Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (JSDF) hay nâng cao hợp
tác liên minh với Hoa Kỳ.
Thủ tướng Abe còn đang phải tập
trung cao độ vào câu chuyện đưa Nhật Bản trở lại vị trí trước đó của mình, một
trung tâm kinh tế lớn trên thế giới. Ông tập trung những nỗ lực ban đầu vào
việc gia tăng lượng tiền cơ sở của quốc gia nhằm đạt được mức lạm phát 2% thông
qua việc chỉ định ông Haruhiko Kuroda làm Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản. Chiến
lược nhằm phục hồi lại mức lạm phát của nền kinh tế theo sau 15 năm liên tục
giảm phát sẽ chiếm nhiều thời gian của Abe, và như thế, thu hút sự quan tâm của
ông vào các vấn đề nội địa.
Quan hệ láng giềng nguy hiểm
Để đánh giá thực tế những động
lực trong chính sách ngoại giao của Thủ tướng Abe, người ta cần xem xét những ý
tưởng của ông Nobusuke Kishi, ông ngoại của ông Abe và cũng là Bộ trưởng Bộ
Công nghiệp và Thương mại trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến. Ông Kishi đã bị bắt
giữ bởi lực lượng quân đồng minh do bị tình nghi là một tội phạm chiến tranh
hạng A. Trong cương vị thủ tướng từ năm 1957 đến 1960, ông được nhớ đến nhờ
việc hoàn thiện hiệp ước an ninh Hoa Kỳ – Nhật Bản năm 1960, làm lớn mạnh thêm
quan hệ đồng minh giữa hai nước. Ông Kishi đã bị chỉ trích bởi rất nhiều trí
thức Nhật Bản vào thời điểm đó vì đã xâm phạm bản hiến pháp hòa bình của quốc
gia. Rất nhiều quan điểm hiếu chiến và bảo thủ của Thủ tướng Abe có sự tương
đồng với ông ngoại Kishi. Nó bao gồm sự ủng hộ việc chấm dứt lệnh cấm các hoạt
động phòng ngự tập thể của Tokyo, củng cố quan hệ đồng minh quân sự với Hoa Kỳ
và gia tăng ảnh hưởng của Nhật trong mối quan hệ đó. Thực vậy, Abe đã nói ông
ngoại mình là hình mẫu chính trị hàng đầu mà ông muốn noi theo.
Những dịch chuyển thiên hữu của
chính sách ngoại giao Nhật Bản dưới thời Abe được cổ võ rất nhiều bởi ý thức
quốc gia ngày một gia tăng về những mối đe dọa bên ngoài cũng như bởi những
động lực trong ý thức hệ của thủ tướng Abe. Kể từ khi bong bóng kinh tế Nhật
Bản tan vỡ vào đầu thập kỉ 1990, môi trường an ninh bên ngoài của đất nước đã
ngày một xấu đi. Bắc Triều Tiên vẫn là một mối đe dọa thực tế qua tham vọng của
nước này nhằm phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng bắn tới Nhật Bản và Hoa
Kỳ. Tháng 12 năm 2012, Nhật Bản đưa vào sử dụng hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot
PAC-3 tại Okinawa và xung quanh Tokyo để phòng vệ chống lại những mối đe dọa
đó. Tháng Hai năm 2013, Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ
ba: một động thái gây ra rất nhiều quan ngại ở Nhật Bản lẫn toàn bộ khu vực.
Nhật Bản theo dõi khả năng quân
sự đang trỗi dậy của Trung Quốc với một thái độ còn cảnh giác hơn, đặc biệt
liên quan tới cuộc tranh chấp của hai nước đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư
(Senkaku/Diaoyu). Tokyo cũng tranh chấp quyền kiểm soát nhóm đảo
Dokdo/Takeshima với Seoul và quần đảo Kurile/Chishima với Moscow. Càng làm mối
căng thẳng thêm phức tạp là mối lo ngại trong khu vực về một cuộc chạy đua vũ
trang đang từ từ diễn ra trên khắp Châu Á – Thái Bình Dương.
Bình thường hóa chậm rãi
Trong môi trường căng thẳng đó,
thật không ngạc nhiên rằng những động thái chiến lược của Nhật Bản trong hai
thập kỉ vừa qua là một chính sách bình thường hóa chậm rãi. Để bình thường hóa
chính sách đối ngoại hoàn toàn, Nhật Bản cần phải giành lại những quyền mà hầu
hết các quốc gia có, bao gồm quyền có một quân đội thường trực, được tham gia
chiến tranh, huấn luyện phòng thủ tập thể, cũng như có một chính sách quốc
phòng và đối ngoại độc lập.[2] Trong khi chính sách quốc phòng của Nhật Bản chưa được bình thường hóa
hoàn toàn (ví dụ, lệnh cấm phòng thủ tập thể chưa được gỡ bỏ), nước này đã có
những bước tiến đến gần với mục tiêu như vậy từ trước nhiệm kì thủ tướng của
ông Abe.
Quá trình bình thường hóa chậm
rãi của Nhật Bản bắt đầu vào năm 1990 với chiến dịch của Hoa Kì nhằm đánh đuổi
lực lượng xâm lược của Iraq ra khỏi Kuwait. Việc Tokyo cung cấp hàng tỉ đô la
mà không có binh lính đi cùng dẫn tới những cáo buộc về chính sách ngoại giao
ngân phiếu vốn làm nổi giận rất nhiều người Nhật. Năm 1992, Nhật Bản thông qua
các đạo luật cho phép JSDF được hoạt động tại nước ngoài với điều kiện nhằm
thực hiện nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc. Trong suốt thập kỷ sau đó, lực lượng gìn
giữ hòa bình Nhật Bản đã được gửi tới những quốc gia như Campuchia, Mozambique,
Rwanda, Đông Timor. Trong bản hướng dẫn nguyên tắc hợp tác an ninh Hoa Kỳ –
Nhật Bản được điều chỉnh năm 1997, Nhật Bản đồng ý cung cấp các hỗ trợ hậu cần
và các khoản hỗ trợ phi tác chiến khác cho các hoạt động của quân đội Mỹ trong
“những khu vực xung quanh Nhật Bản”: một bước tiến mới gây ra những lo ngại tại
Bắc Kinh do tác động của chúng đối với các yêu sách của Trung Quốc với Đài
Loan.[3]
Năm 2005, Nhật Bản gửi 950 binh
lính tới bờ biển Aceh của Indonesia trong một nhiệm vụ nhân đạo để hỗ trợ những
nạn nhân sóng thần 2004. Đây là hoạt động lớn nhất của Nhật Bản kể từ Đệ nhị
Thế chiến. Năm 2010, việc Tokyo đưa ra bộ hướng dẫn mới về chương trình phòng
thủ quốc gia đánh dấu một bước ngoặt.[4] Kể từ thời kì hậu chiến, các lực lượng vũ trang Nhật Bản đã luôn tìm
cách răn đe những kẻ xâm lược tiềm tàng bằng việc sử dụng một khái niệm có thể
tóm gọn bằng câu “Tôi tồn tại, vì thế tôi răn đe” (tác giả chơi chữ theo câu
“Je pense donc je suis” [tôi suy nghĩ, vì thế tôi tồn tại] của Descartes trong
tiếng Pháp – chú thích của người hiệu đính). Tuy nhiên, các hướng dẫn mới
nhấn mạnh vào ý tưởng răn đe linh hoạt, trong đó những đơn vị chiến đấu linh
hoạt cao có thể đối phó với những tình huống phức tạp, như là sự xâm chiếm các
đảo ngoài khơi xa của Nhật Bản, những vụ tấn công tên lửa đạn đạo và tấn công
mạng. Chính sách mới này tạo nên một sự dịch chuyển từ việc răn đe thông qua
chống tấn công sang răn đe thông qua đe dọa trừng phạt, theo phương châm hoạt
động là “Tôi có thể gây ra thiệt hại tối đa lên các kẻ thù tiềm tàng, vì thế
tôi răn đe”.
Quay về quá khứ
Sự trở lại nắm quyền của ông
Abe đã đẩy nhanh quá trình bình thường hóa này. Trong nhiệm kì thứ hai của
mình, ông đã trình bày rõ ràng tầm nhìn về việc thoát khỏi trật tự hậu chiến bị
áp đặt từ bên ngoài vào và việc Nhật Bản quay trở lại vị trí của mình trên bàn
cờ các cường quốc lớn trên thế giới như thế nào.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ
báo Nhật Bản Sankei Shimbun vào tháng 01/2013, ông Abe nói rằng ông muốn
thay lời xin lỗi năm 1995 của cựu thủ tưởng Tomiichi Murayama về những phá hủy
mà Nhật Bản đã gây ra cho các quốc gia châu Á khác trong Đệ nhị Thế chiến bằng
một “tuyên bố nhìn về tương lai”, nhưng không nêu cụ thể là gì.[5] Cuối tháng đó, lần đầu tiên trong 11 năm, Thủ tướng Abe nói rằng Nhật
Bản sẽ nâng cao ngân sách quốc phòng và cải thiện khả năng giám sát và bảo vệ
nhóm đảo Senkaku/Diaoyu. Phát biểu tại Washington vào tháng Hai, ông đã mạnh mẽ
chỉ ra rằng Nhật Bản đã quay trở lại và sẽ không bao giờ trở thành “một quốc
gia hạng hai”.[6]
Một phần động lực cho chính
sách ngoại giao độc lập và bình thường hóa của Nhật Bản chính là sự coi thường
mà quốc gia này đã phải trải qua, điều càng làm tăng cao tinh thần dân tộc và
sự ủng hộ cho cánh hữu. Đó cũng là lí do dẫn tới sự xuất hiện mạnh mẽ của Đảng
Phục hưng Nhật Bản trong cuộc bầu cử tháng 12. Được dẫn đầu bởi Shinataro
Ishiara, một cựu thị trưởng Tokyo được biết đến với tinh thần dân tộc, các quan
điểm cực hữu và sự chỉ trích đối với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đảng này đã nâng số
ghế có được trong Quốc hội từ 11 lên 54. Sự phổ biến tăng cao mạnh mẽ của đảng
này trong công chúng thể hiện sự ủng hộ ngày càng lớn đối với một Nhật Bản mạnh
mẽ hơn và dứt khoát hơn. Christopher W. Hughes, phó giám đốc Trung tâm nghiên
cứu Toàn cầu hóa và Khu vực hóa tại Đại học Warwick, đã chỉ ra rằng lòng kiêu
hãnh bị tổn thương của Nhật Bản có thể dẫn tới một thứ “chủ nghĩa hiện thực
phẫn nộ”. Kết hợp với sự bất an của một cường quốc ngày càng suy yếu vốn đã mất
đi những lựa chọn của mình, điều này có thể khiến Nhật Bản trút sự thất vọng và
giận dữ của mình lên các quốc gia khác trong khu vực.[7]
Hữu khuynh nhưng không cực hữu
…
Xem toàn bộ nội dung văn bản tại đây: Nen chinh tri moi cua Nhat Ban.pdf
[1] ‘Back to the Future’, Economist, ngày 03 tháng 01 năm 2013, http://www.economist.com/news/asia/21569046-shinzoabes-appointment-scarily-right-wingcabinet-bodes-ill-region-back-future; ‘Another Attempt to Deny Japan’s History’, New
York Times, ngày 02 tháng 01 2013, http://www.nytimes.com/2013/01/03/opinion/anotherattempt-to-deny-japans-history.html.
[2] Yoshihide Soeya, Masayuki Tadokoro and David A. Welch (eds), Japan
as a ‘Normal Country’?: A Nation in Search of Its Place in the World
(Toronto: University of Toronto Press, 2011), trang 5.
[3] ‘The Guidelinesfor Japan–U.S. Defense Cooperation’, Ministry of Foreign
Affairs of Japan, http://www.mofa.go.jp/region/n-america/us/security/guideline2.html.
[4] ‘National Defense Program Guidelines’, Japanese Ministry of Defense, http://www.mod.go.jp/e/d_act/d_policy/national.html.
[5] ‘Another Attempt to Deny Japan’s History’.
[6] Shinzo Abe, ‘Statesmen’s Forum’, Center for Strategic and International
Studies, ngày 22 thàng 02 năm 2013, http://csis.org/files/attachments/132202_PM_Abe_TS.pdf.
[7] Christopher W. Hughes, ‘The Democratic Party of Japan’s New (But
Failing) Grand Security Strategy: From ‘Reluctant Realism’ to ‘Resentful
Realism’?’, Journal of Japanese Studies, vol. 38, no. 1, Winter
2012, trang 132. Tác giả đưa ra một quan điểm tương tự với quan điểm trong
‘Japan Has What It Takes to Bounce Back’, Straits Times, ngày 25 tháng
03 năm 2011.
No comments:
Post a Comment