Cập nhật lần cuối ngày Thứ năm, 12 Tháng 12 2013
21:36
“…Người Việt Nam nào không xúc động khi thăm những
di tích của Phật Giáo ngay tại cái nôi của nó? Đạo Phật là tôn giáo lâu đời
nhất của nước ta và là một thành tố quan trọng của văn hóa và lịch sử Việt Nam,
đối với người Việt Nam tìm hiểu Phật Giáo cũng là tìm hiểu căn cước của chính
mình…”
*
Người ta có thể không hài
lòng nhưng không ai có thể tiếc đã tới thăm Ấn Độ. Tất cả đều khác lạ, đôi khi
kinh dị. Mọi người đều bị cuốn hút, không ai có thể dửng dưng. Riêng tôi không
chỉ hài lòng mà còn rất hài lòng. Chuyến du lịch tham quan này tôi đã mong muốn
từ lâu và nó đã cho tôi ít nhất phần đầu câu trả lời của nhiều câu hỏi mà tôi
tự đặt ra cho mình.
Chắc chắn Ấn Độ còn rất
nghèo và còn nhiều vấn đề nhức nhối. Nhưng Ấn Độ đã tiến những bước rất dài và
đang trên đà giải quyết những vấn đề còn lại. Ngày nay không còn ai nói Ấn Độ
là một nước tuyệt vọng, như trong các thập niên 1950 và 1960 nữa. Cũng không ai
chối cãi rằng Ấn Độ đang thành công. Sự thành công của Ấn Độ không chỉ đáng
mừng cho nhân dân Ấn Độ mà còn có ý nghĩa quan trọng cho cả thế giới. Nó chứng
minh rằng thiết lập dân chủ không hề đòi hỏi một điều kiện tiên quyết nào; dân
chủ có thể thành công trong mọi trường hợp và còn có khả năng đưa một dân tộc
ra khỏi một tình trạng tưởng như tuyệt vọng.
Sự hài lòng của tôi sẽ
hoàn toàn nếu không bị một dấu bémol khi thăm viếng vùng đất Phật.
Cũng như với hầu hết mọi
người Việt Nam tới Ấn Độ lần đầu, thăm vùng đất Phật đối với tôi gần như là một
bắt buộc. Đạo Phật đã đến nước ta từ gần hai ngàn năm nay và đã trở thành thân
quen đối với chúng ta đến độ mà mọi người Việt Nam đều phải ít nhiều có tâm
tình Phật tử, ngay cả những người không có tôn giáo hoặc đã chọn một tôn giáo
khác. Thăm vùng đất Phật cũng là tìm lại một phần tâm hồn của chính mình và của
tổ tiên mình. Có một cái gì rất xúc động. Càng xúc động vì ngày nay đạo Phật đã
biến mất tại Ấn Độ, ngay cả trên vùng đất mà người Phật tử coi là đất thánh,
nghĩa là vùng đất Phật mà tôi viếng thăm. Trong sự ồn ào tấp nập của những đoàn
người hành hương nghe như có một sự im lặng dày nhiều thế kỷ.
Tuy vậy cái dấu giáng
trong chuyến thăm Ấn Độ của tôi không phải vì sự biến mất của Phật Giáo trên
chính quê hương của nó mà vì không ngờ đã phải thấy lại một vài nét không hay
của đất nước và con người Việt Nam.
Nhưng trước hết hãy nói
về vùng "đất Phật" mà tôi đã đi qua. Đó là Lumbini nơi Phật sinh ra,
Kapilavastu nơi Phật lớn lên và sống 29 năm đầu đời, Bodh Gaya nơi Phật suy
tưởng và tìm ra chân lý Phật Giáo, Sarnath nơi Phật giảng bài giảng đầu tiên,
Vaishali nơi Phật giảng bài cuối cùng, và Kushinaga nơi Phật từ trần, tiếng nhà
Phật gọi là nơi Phật nhập niết bàn.
Lộ trình của tôi bắt đầu
từ Sarnath sau khi đã viếng thăm Varanasi, đất thánh của Ấn Giáo ngay cạnh đó,
nơi mỗi buổi sáng hàng đoàn người xuống tắm trong sông Hằng (Gange) để tẩy sạch
tâm hồn bên cạnh những giàn thiêu xác người. Tại Sarnath còn di tích khu đền
lớn do vua Asoka xây để tôn vinh Phật trong đó có một stupa đồ sộ. (Stupa là
một kiểu mộ rất lớn bằng gạch nung giống như một đống rơm xây trên một bệ hình
tròn bên trong đó có chôn một ít tro của Phật. Khi Phật chết ông được hỏa
thiêu, sau này vua Asoka đem chia tro của ông ra, chôn trong nhiều stupa trên
khắp nước Ấn Độ. Trong hơn mười bốn thế kỷ đạo Phật được tôn lên làm quốc giáo
của Ấn Độ trước khi tàn lụi một cách nhanh chóng lạ thường). Bên cạnh stupa là
những tượng và bia dựng lên sau này khi di tích Sarnath được phục hồi nhờ Liên
Hiệp Quốc tài trợ, tượng Phật đang giảng bài giảng Bốn Chân Lý (Tứ Diệu Đế) cho
năm môn đệ chăm chú nghe và hai bia đá tạc bài Bốn Chân Lý bằng tiếng Pali và
tiếng Anh. Bài giảng này là nền tảng của tư tưởng Phật, nếu nói nó là tất cả
triết lý phật Giáo, như Đạt Lai Lat Ma, thì cũng không sai. Đây là nơi khai sinh
ra Phật Giáo.
Tác giả dưới gốc cây bồ đề nơi Phật đắc đạo.
Tháp trung tâm Bồ Đề Đạo Tràng, do vua Asoka xây thế
kỷ 3 tr CN, trùng tu từ 1880.
Sau Sarnath chúng tôi tới
thăm Bodh Gaya mà tiếng Việt gọi là Bồ Đề Đạo Tràng. Gọi như vậy không đúng. Bodh Gaya là một thành phố,
với khoảng 10.000 cư dân và một số du khách lớn hơn quanh năm, chứ không phải
là một "đạo tràng". Bồ Đề Đạo Tràng (Mahabodhi Mahavihara) chỉ là một khu đền trong
thành phố Bodh Gaya này. Trung tâm đạo tràng là một tháp cao và đẹp xây từ đời
vua Asoka và được khôi phục lại từ cuối thế kỷ 19. Bên cạnh tháp này là cây bồ
đề mà dưới gốc Phật đã ngồi suy tưởng. Cây bồ đề này chỉ là con cháu của cây
nguyên thủy được ươm lại từ một cành của một cây con của cây nguyên thủy. Tuy
vậy nó cũng đã được trên một trăm năm. Chung quanh đạo tràng này là khu chùa
của nhiều quốc gia theo đạo Phật. Mỗi nước đều có một ngôi chùa trong khu này,
trừ chùa Việt Nam ở ngoài thành phố, cách trung tâm khoảng hai cây số vì xây
sau, khánh thành năm 2003.
Tác giả tại stupa (mộ Phật) ở Vashali, bên trái là
cột của vua Asoka với tượng sư tử trên đỉnh.
Di tích kế tiếp mà tôi
thăm viếng là Vaishali (Vệ
Sá Lị). Đây là nơi Phật giảng lần cuối cùng. Cũng có một stupa và một
cột của vua Asoka còn nguyên vẹn. Người Ấn Độ và một số sử gia cho rằng nước
cộng hòa đầu tiên trên thế giới đã xuất hiện tại đây, vào thế kỷ thứ 6 trước
Công Nguyên, chứ không phải tại Hy Lạp. Nơi đây cũng là nơi mà Phật cho phép bà
Mahaprajapati (Kiều Đàm Di), cô ruột đồng thời cũng là mẹ nuôi của ông, thành
lập phái nữ tu đầu tiên của Phật Giáo. Việt Nam là một trong số rất ít nước có
một ngôi chùa ở khu này, chùa
Kiều Đàm Di. Chùa này do sư cô Khiết Minh thành lập năm 2008 trong một
khuôn viên rất rộng và vừa xây thêm một tháp rất lớn bên trong có tạc những
kinh Phật chính. Tháp này xây nhờ tiền cúng dường ban đầu trên 100.000 USD của
phật tử Việt Nam hải ngoại. Hôm chúng tôi đến đó các công nhân Ấn và Việt đang
hối hả làm việc để kịp ngày khánh thành bảo tháp. Tôi hỏi một ni cô trẻ rằng
chỉ còn ba ngày nữa là phải khánh thành liệu có làm xong không, ni cô cười đáp:
"Không xong cũng phải xong". Nhưng đàng nào thì cũng chưa xong vì các
ni cô còn dự định dựng thêm hai ngàn tượng Phật và khắc thêm 30 bức phù điêu.
Chi phí cho dự án này là khoảng 200.000 USD. Tôi hỏi tại sao cần dựng
nhiều tượng Phật như vậy thì chỉ được trả lời bằng một nụ cười. Theo thống kê
của chính quyền Ấn Độ thì trung bình hàng tháng chỉ có khoảng 150 người Việt
tới Ấn mà thôi như vậy trung bình số người Việt thăm chùa và bảo tháp hàng ngày
không quá năm người, quá ít so với số tượng Phật dự trù trong khi khách thăm
chùa Việt Nam chủ yếu là người Việt Nam bởi vì tinh thần chung như tôi có thể
thấy khi thăm các chùa là "chùa nhà ai nấy viếng".
Sinh thời Phật đã tới
Vaishali khá thường xuyên trên đường về thăm quê hương ở Kapilavastu. Cũng như
thường lệ lần cuối cùng ông ghé Kushinaga sau khi rời Vaishali và mất ở đó, thọ
80 tuổi. Tại Kushinaga có đền Niết Bàn được xây dựng lại giữa một khu di tích
lớn trong đó có tượng Phật nằm sau khi chết và trước khi hỏa táng. Nơi đây cũng
có một chùa Việt Nam, do một nhà sư Trung Quốc xây và nhường lại cho một sư cô
Việt Nam trước khi qua đời. Bây giờ chùa mang tên "chùa Linh Sơn Việt Hoa".
Khu "đất Phật"
cuối cùng mà chúng tôi tới thăm là Kapilavastu, trước dây là kinh thành của
dòng sứ quân Thích Ca (Sakya), dòng họ của Phật. Cụm từ "Thích Ca Mầu
Ni" có nghĩa là "sư Sakya". Sakya là một dòng họ chiến binh, cha
của Phật là một sứ quân, Phật đã có thể kế tiếp ngôi sứ quân nếu không chọn con
đường tu hành. Kapilavastu
ngoài sự kiện là nơi Phật sinh ra và sống 29 năm đầu đời không liên quan gì đến
đạo Phật. Ngay cả khi Phật còn sống Kapilavastu cũng không phải là một
trung tâm Phật Giáo. Trái lại trong khu kinh thành này nay vẫn còn sót lại một
đền thờ thần Shiva với bên cạnh là một tượng dương vật (lingam) được dựng lên
ngay trong thời cực thịnh của Phật Giáo. Anh hướng dẫn viên cười nói
"không ai là tiên tri trên quê hương mình". Kinh thành này đã bị phá
hủy vào thời của Phật, những di tích còn lại theo một số chuyên gia là của kinh
thành được xây dựng lại vài thế kỷ sau đó.
Dòng họ Sakya sau này ra
sao? Không ai biết chắc chắn. Một phần lớn đã bị tàn sát ngay trong sinh thời
của Phật, phần còn lại tản mát. Tại Kathmandu, thủ đô Nepal, tôi may mắn gặp
được một trí thức quan tâm đến sử và từng là thứ trưởng ngoại giao Nepal. Anh
cho biết một phần của dòng họ Sakya đã về vùng Patan, gần Kathmandu, sinh sống
và ngày nay vẫn còn con cháu ở đó, một số làm và bán tượng Phật. Anh ta có dẫn
chúng tôi tới thăm khu này.
Người Việt Nam nào không xúc động khi thăm những di tích của Phật Giáo
ngay tại cái nôi của nó? Có một cảm giác rất bâng
khuâng, đi kèm với ý thức không vui về sự hời hợt cố hữu về tư tưởng của người
Việt Nam. Đạo Phật là tôn giáo lâu đời nhất của nước ta và là một thành tố quan
trọng của văn hóa và lịch sử Việt Nam, đối với người Việt Nam tìm hiểu Phật
Giáo cũng là tìm hiểu căn cước của chính mình. Tuy vậy cho tới nay hình như
chưa có những cố gắng nghiêm chỉnh để tìm hiểu nó. Sự hiểu biết của chúng ta về
Phật Giáo, theo những gì tôi đã được nghe và đọc, mới chỉ là sự hiểu biết phiến
diện về những gì mà người Trung Quốc truyền bá về Phật Giáo. Những cuộc tranh
luận xem đạo Phật đến nước ta trước hay đến Trung Quốc trước, đến bằng đường bộ
hay bằng đường biển đều không quan trọng, sự thực là Phật Giáo Việt Nam lệ
thuộc nặng nề Phật Giáo Trung Quốc. Bắt đầu ngay bằng chữ "Phật". Các
kinh Phật cũng đều đến từ Trung Quốc và mang tên chữ Hán: Tứ Diệu Đế, Pháp Hoa,
Bát Nhã, Thủ Lăng Nghiêm v.v. tất cả được dịch sang tiếng Việt một cách luộm
thuộm và tối nghĩa. Ngay cả những danh từ chính mà người Trung Quốc không dịch
mà chỉ phát âm theo cách của họ chúng ta cũng nhận luôn để rồi phát âm lại theo
tiếng Việt, nghĩa là đọc sai đi từ cái vốn đã sai. Thí dụ như Thích Ca (Sakya),
Lộc Uyển (Sarnath), Lâm Tỳ Ni (Lumbini), Vệ Sá Lị (Vaishali), Ni Liên Thiền (Niranjana),
Tu Xà Đa (Sujata) và cả tên Phật: Tất-đạt-đa Cồ-đàm (Siddharta Gautama).
Mặt khác Trung Quốc đã bỏ
rơi đạo Phật từ sau nhà Đường và không còn những cố gắng để hiểu sâu Phật Giáo
nữa. Những khảo cứu nghiêm chỉnh nhất về Phật Giáo là của các học giả Phương
Tây và Nhật. Về Phật học chúng ta lệ thuộc cái đã lỗi thời từ lâu.
Một thí dụ là kinh Pháp
Cú (Dhammapadda) mà các nhà sư tụng mỗi ngày. Câu số 70 trong Phẩm Ngu do hòa
thượng Thích Thiện Siêu dịch từ bản chữ Hán như sau: "Từ ngày này qua
tháng khác với món ăn bằng đầu ngọn cỏ cô-sa, người ngu có thể lấy để nuôi
sống, nhưng việc ấy không có giá trị bằng một phần mười sáu của người tư duy
Chánh pháp". Ai hiểu? Phẩm (chương) này nói về những người ngu dốt ăn năn
về tội lỗi của mình và tự đày đọa mình để chuộc tội. Theo Phật họ có đày đọa
thân xác bằng cách ăn cỏ như súc vật đi nữa để chuộc tội cũng chẳng đi đến đâu,
không bằng học để hiểu con đường giải thoát. Nhưng tại sao lại một phần mười
sáu mà không là một phần mười lăm hay một phần mười bẩy? Bản dịch của hòa
thượng Thích Minh Châu (nguyên viện trưởng viện đại học Vạn Hạnh) cũng vẫn một
phần mười sáu, cũng không kèm theo một lời giải thích nào và còn khó hiểu hơn.
Có lẽ thái độ chung của hai vị sư này là "Phật đã nói thế thì cứ biết
thế". Nhưng vấn đề là Phật không nói như thế. Con số 16 là con số huyền bí
của Ấn Độ, ngoài sự kiện là một con số nó còn có nghĩa bóng là "toàn
vẹn". Khi Phật nói cắn cỏ ăn năn không bằng "một phần mười sáu"
của cố gắng học hỏi để khai sáng tâm hồn ông chỉ muốn nói là "chẳng là gì
so với" mà thôi. Một câu như vậy mà trong hàng ngàn năm người ta tụng hàng
ngày mà không ai thắc mắc chứng tỏ rằng người Việt chúng ta tuy ham học nhưng
lại không có nhu cầu hiểu. Câu 70 này không phải là ngoại lệ, phần còn lại của
toàn bộ kinh Pháp Cú được dịch ra tiếng Việt cũng đều như thế cả và nói chung
các kinh Phật khác cũng thế.
Nhân nói về ăn năn thiết
tưởng cũng nên nói về một hiểu lầm khác của người Việt và người Hoa về Phật.
Đúng ra là một hiểu lầm của người Trung Hoa mà người Việt tiếp thu không bàn
cãi. Nếu ta hỏi một nhà sư tại sao Phật bỏ hoàng cung đi tu thì có tất cả mọi
triển vọng vị tu sĩ đó sẽ trả lời rằng đó là vì nhờ tâm hồn và trí tuệ siêu
việt có một không hai Phật đã nhận ra sự vô nghĩa của cuộc sống. Tuy nhiên sự
thực không phải như vậy. Phật đã bỏ nhà ra đi trong một phong trào xã hội rất
lớn tại Ấn Độ vào lúc đó. Thời đại của Phật là lúc tư tưởng Ấn Giáo, đặc biệt
là các thuyết luân hồi và nhân quả, đã xâm nhập chủng tộc thống trị Aryen. Nó
tạo ra niềm tin rằng những người làm chuyện ác, như chém giết, sẽ bị đầu thai
vào một kiếp sau cùng khổ, thậm chí kiếp súc vật. Niềm tin này dần dân chín
muồi và đạt tới cao điểm vào thời của Phật; nó tạo ra cả một làn sóng kinh
hoàng trong giai cấp chiến binh của Phật. Không phải chỉ có Phật mà hàng ngàn
hàng vạn chiến binh như Phật đã bỏ nhà ra đi tìm con đường khổ hạnh để chuộc
tội. Có người bò ra làm chó và chỉ ăn thực phẩm đã ném xuống đất, có người ăn
cỏ, có người ăn cả phân để đền tội. Phật chỉ là một trong vô số người bỏ nhà ra
đi này. Trong số này có cả một người đương thời với Phật mà rất có thể Phật đã
gặp vì ông này sinh ra và lớn lên ở Vaishali nơi Phật lui tới thường xuyên,
cũng quyền quí và rất nổi tiếng như Phật. Đó là Mahavira, giáo chủ đạo Jain (có
thể dịch sang tiếng Việt là Thắng Giáo), người đưa ra thuyết ahimsa (bất bạo
động) mà Phật lấy lại. Cái độc đáo của Phật không phải ở chỗ ông đã bỏ nhà đi
tu mà là vì ông đã thấy hành hạ thân thể chẳng có ích lợi gì, điều quan trọng
là sự hiểu biết. Đạo Phật ra đời vì thế.
Có lần tôi hỏi anh Lưu
Hồng Khanh, giáo sư thần học trong nhiều viện thần học tại Đức, rằng người Việt
Nam có công trình nghiên cứu khách quan và nghiêm túc nào về Phật Giáo và tư
tưởng Ấn Độ không. Anh Khanh là một trí thức mà tôi coi như một người đàn anh
và rất kính phục thẩm quyền về mặt tôn giáo. Anh đã dành nhiều cố gắng nghiên
cứu tư tưởng Ấn Độ, anh từng là linh mục Công Giáo và đang vừa là mục sư Tin
Lành vừa làm công việc hướng dẫn tâm linh của một thiền sư. Lưu Hồng Khanh ngần
ngừ rồi trả lời: "Ít lắm, mình cũng tìm kiếm nhưng có duyên hơn với các
tác giả trong các ngôn ngữ khác". Chúng ta không tìm hiểu một phần quan
trọng của chính mình cho nên chúng ta không hiểu căn cước của chính mình và vì
thế không biết mình có thể và phải làm gì.
Những điều này tôi đã
biết trước khi tới Ấn Độ, thăm viếng Ấn Độ và vùng đất Phật chỉ là dịp xác nhận
lại bằng cảm xúc. Điều thực sự đáng buồn mà tôi không biết trước là tình trạng
hai ngôi chùa Việt Nam tại Bodh Gaya và Lumbini. Cả hai ngôi chùa này đều do
một người thành lập và đều mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự. Cả hai ngôi chùa này
hiện nay đều hoang vắng. Tại Bodh Gaya chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi tới chùa
Việt Nam vì không có cảnh tấp nập ra vào như chùa của các quốc gia khác. Càng
ngạc nhiên và thất vọng hơn nữa khi biết chùa đóng cửa vì không có sư. Phải gọi
cửa rất lâu mới có một người gác nhà Ấn Độ ra mở cửa, anh ta cho biết là không
có vị sư Việt Nam nào ở đây cả, họ đi vắng không biết bao giờ mới về. Ngôi chùa
này có kiến trúc hơi lạ, và theo tôi không đẹp, lối vào dẫn thẳng tới một cầu
thang khá cao chiếm gần hết mặt tiền, phải đi lên để vào chính điện ở tầng
trên. Mặc dù vẫn có hai người Ấn Độ trông coi khu vườn đã bắt đầu có vẻ hoang
vu. Tôi nhớ lại là cách đây gần mười năm một người bạn tại Đức đã gửi cho tôi
một thư kêu gọi của một nhà sư. Ông này mô tả sự bi đát của khu Phật tích. Ông
nói rằng khi ông tới đây ngay dưới gốc cây bồ đề nơi đức Phật đắc đạo chỉ có
những đống rác, ông quá đau lòng nên đã quyên góp được một số tiền từ các Phật
tử có lòng hảo tâm và dựng lên một ngôi chùa, bây giờ chùa vẫn chưa xong hẳn và
cần được giúp đỡ v.v. Tới đây người ta có thể thấy là không phải như vậy, khu
Bồ Đề Đạo Tràng đã được trùng tu từ hơn một thế kỷ rồi, nhiều chùa nguy nga của
nhiều quốc gia cũng đã được xây lên sau đó; ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự này
vì xây sau nên không còn đất ở khu chùa, phải xây ngoài thành phố. Tôi phân vân
không hiểu tại sao nhà sư này có thể nói sai sự thật đến như thế, nhưng trước
mắt tôi là một cảnh đáng buồn hơn: một ngôi chùa khá lớn đang bị bỏ rơi.
Chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bodh Gaya chụp từ
cổng. Bên cạnh chùa còn một tháp cao.
Tại Lumbini là một ngôi
chùa khác cũng mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự và cũng do nhà sư này dựng lên.
Cũng cùng một kiểu kiến trúc. Cửa chùa cũng đóng và không có ai thăm viếng.
Chúng tôi gọi cửa. Một lúc sau một thanh niên Việt Nam ra mở cửa và mời chúng
tôi vào thăm chùa. Anh này là một Phật tử ở Úc sang, vì thấy chùa không người
trông nom nên ở lại giữ chùa. Tôi hỏi chùa còn có sư nào không thì anh ấy trả
lời là không và cho biết thêm vị sư lập ra chùa này là Thích Huyền Diệu
cũng là người đã lập ra chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Bodh Gaya và bây giờ ở
Bodh Gaya chứ không còn ở đây nữa. Như vậy là anh không biết là ông Huyền Diệu
hiện không ở Bodh Gaya. Anh nói với một giọng buồn phiền: chùa Việt Nam này là
một trong những chùa khởi sự xây sớm nhất ở đây nhưng lại vẫn chưa xong. Chúng
tôi chợt thấy một con sếu lớn mầu xám. Anh thanh niên cho biết đây là một loại
hạc chỉ có vài chục con trong vùng Lumbini, có vài con tới đây và ở lại đây.
Thế là chúng tôi đã thăm
bốn ngôi chùa Việt Nam và tương lai của cả bốn ngôi chùa đều đáng lo ngai. Hai
chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bodh Gaya và Lumbini thì gần như đã bỏ trống.
Chùa Linh Sơn Việt Hoa tại Kushinaga thì quá ít người thăm và cúng dường, rồi
tương lai sẽ ra sao? Chùa Kiều Đàm Di tại Vaishali vừa khánh thành bảo tháp vẫn
còn cần nhiều tiền để hoàn thành như dự định và sau đó sẽ còn tiếp tục cần được
tài trợ để bảo trì chùa và hoạt động xã hội. Các ni sư dự trù sẽ phát quà nhiều
lần mỗi năm cho người nghèo tại đây và mở một trường học miễn phí. Những hoạt
động này rất đáng khuyến khích, chúng tạo một hình ảnh đẹp của Việt Nam trên
đất nước Ấn Độ mà chúng ta cần tăng cường sự hợp tác và cũng chứng tỏ sự ràng
buộc với một nguồn văn hóa nền tảng của chính chúng ta. Nhưng rồi liệu chùa
Kiều Đàm Di có sẽ được sự yểm trợ mong muốn không? Tôi thực sự lo âu sau khi đã
thấy tình trạng của hai ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự và, ở một mức độ ít
quan ngại hơn, chùa Linh Sơn.
Tôi có cảm tưởng buồn
buồn như thấy lại tâm lý Việt Nam trên đất Phật. Chúng ta hăm hở khởi đầu nhưng
lại thiếu sự bền bỉ để tiếp tục. Chúng ta có thể trợ giúp hàng trăm nghìn USD
để xây chùa nhưng sau đó lại không đài thọ những khoản tiền nhỏ hơn nhiều, chỉ
vào khoảng một nghìn USD mỗi tháng, để nuôi chùa. Chúng ta cũng thường dự liệu
tương lai một cách chủ quan và lệch lạc. Tất cả các chùa ở đây đều chủ yếu sống
bằng tiền cúng dường của người hành hương từ nước mình. Người Thái giúp chùa
Thái, người Hoa giúp chùa Hoa v.v. Các chùa Việt Nam tại đây chắc chắn đã được
lập ra với niềm tin là đa số người Việt Nam theo đạo Phật; tôi từng được đọc
những bài báo nói 80% người Việt Nam là Phật tử. Không gì sai bằng. Người Việt
Nam thân quen với Phật Giáo nhưng điều đó không có nghĩa là họ theo đạo Phật.
Trong một nghiên cứu của trường đại học Irvine, California, năm 2001, gần
90% người Việt Nam được thăm dò nói họ không có tôn giáo nào cả. Từ đó đến nay
niềm tin tôn giáo của người Việt có nhiều triển vọng sút giảm đi hơn là tăng
lên. Theo thống kê thì số người Việt Nam đến Ấn Độ trung bình mỗi tháng chỉ có
khoảng 150 người, người Việt hải ngoại cũng không thường đi Ấn Độ như tôi có
thể quan sát trong giới bạn bè. Nguồn yểm trợ của các chùa Việt Nam tại Ấn quả
thực là rất mỏng manh. Hy vọng rằng chùa Linh Sơn và chùa Kiều Đàm Di sẽ gặp
nhiều may mắn, nhưng hiện trạng và tương lai các chùa Việt Nam quả thực đã
khiến chuyến thăm Ấn Độ của tôi không được vui trọn vẹn.
Tháp lớn của chùa Kiều Đàm Di, ba ngày trước lễ
khánh thành.
Càng không
vui sau khi về Paris và được biết thêm về người đã lập hai chùa Việt Nam Phật
Quốc Tự. Một hôm nhân khi nói chuyện về Ấn Độ một chị bạn của vợ tôi, một Phật
Tử thuần thành, tự nhiên nói đến thượng tọa Thích Huyền Diệu, người sáng
lập ra hai ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bodh Gaya và Lumbini có tên tục
là Lâm Trung Quốc và tốt nghiệp cùng trường với tôi. Không thể như vậy được vì
trường tôi không có ai tốt nghiệp rồi trở thành sư cả. Tôi lại chợt nhớ tới lá
thư kêu gọi rất sai sự thực mà anh bạn bên Đức gửi sang trước đây nên tò mò vào
Google tìm. Và bị choáng váng. Có quá nhiều thông tin về ông Lâm Trung Quốc –
Thích Huyền Diệu này. Các báo điện tử của nhà nước Việt Nam đề cao ông ta như
một thiên tài, tốt nghiệp hai bằng tiến sĩ thần học và văn chương tại đại học
Sorbonne, Paris, và giáo sư về bang giao quốc tế tại "nhiều đại học danh
tiếng trên thế giới", chủ tịch Liên Đoàn Phật Giáo Thế giới Nepal, chủ
tịch Hội Đồng Phật Giáo Thế Giới Lâm Tỳ Ni, bạn thân của vua Nepal, đã góp phần
quyết định phục hưng khu di tích Lumbini và đề nghị UNESCO công nhận Lumbini là
di sản văn hóa thế giới, một vị thánh tăng mà chim hạc trên trời đã về chầu.
Chính Thích Huyền Diệu cũng tự viết ra một cuốn sách tựa đề "Khi hồng hạc
bay về" để kể lại câu chuyện này. Có vô số hình nhà sư này chụp với những
nhân vật lớn trong đảng và nhà nước Việt Nam, kể cả với tổng bí thư Nguyễn Phú
Trọng. Nhân vật này chỉ có thể là bịp bợm vì một lý do giản dị là nếu có một
người như vậy thì chắc chắn tôi đã phải biết. Hơn nữa những cái tên như
"Liên Đoàn Phật Giáo Thế giới Nepal" và "Hội Đồng Phật Giáo Thế
Giới Lâm Tỳ Ni" quá vớ vẩn. Đã "thế giới" thì không thể
"Nepal" hoặc "Lâm Tỳ Ni". Tuy vậy tôi cũng coi thử một
video xem nhân vật này ra sao. Đó là một buổi "thuyết pháp" do giáo
hội Phật Giáo nhà nước tổ chức để "hoà thượng Thích Huyền Diệu"
thuyết giảng cho hàng nghìn người mặc áo cư sĩ mầu xám ngồi thành hàng thẳng
tắp cung kính lắng nghe. Coi video này thì không còn ngờ vực được nữa. Anh
chàng này đúng là một tay khoác lác không có bài bản. Anh ta mở đầu buổi thuyết
pháp bằng cách yêu cầu cử tọa giữ một phút im lặng để "mặc niệm các sư
tiền bối, thánh tử đạo và hồn thiêng đất nước" rồi cười toe toét và nói
lung tung chẳng ra đầu đuôi gì cả, cũng chẳng có gì liên quan tới Phật và Phật
Giáo. Anh ta khoe là quen thân với vua Nepal đến độ gọi vua bằng "mày"
("mày không tu là mày tiêu!") và chính anh ta đã can thiệp để chính
quyền Ấn Độ xây phi trường Bodh Gaya cho đồng bào Việt Nam hành hương khỏi phải
đi qua Delhi. Anh ta cũng nhắc lại thành tích khôi phục Lumbini và thuyết
phục Liên Hiệp Quốc nhìn nhận qui chế di sản văn hóa của nhân loại. Dĩ nhiên
tất cả đều chỉ là chuyện bốc phét để bịp những người không có dịp tìm hiểu
những gì ở xa. Di tích Lumbini đã được khởi sự phục hồi từ thập niên 1950 và
tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U-Thant đã thăm viếng năm 1967; mười ba quốc gia đã
phối hợp thành lập Ủy Ban Quốc Tế Phát Triển Lumbini từ năm 1972. Trong khi,
theo chính lời anh ta, anh ta chỉ mới sang đây lần đầu tiên năm 1993. Có lẽ vì
anh ta bốc phét quá đáng nên trên mạng đã có nhiều người điều tra rồi lên tiếng
lật tẩy anh ta. Họ đòi anh ta trả lời đã đậu hai bằng tiến sĩ tại Paris năm
nào, đã dạy bang giao quốc tế tại những trường đại học nào v.v. Dĩ nhiên anh ta
không trả lời. Họ cũng viết thư cho chính quyền Népal để hỏi về anh ta và được
trả lời rằng không hề có một tổ chức nào mang tên "Liên Đoàn Phật Giáo Thế
Giới Nepal" cả. Chính quyền Népal cũng cho biết thêm rằng họ đã triệu tập
anh ta để hỏi về qui chế của chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lumbini nhưng anh
ta không hồi đáp, họ cũng đã khám chùa và phát hiện có ba con hạc bị cắt lông
cánh để không bay đi đâu được. Chim hạc là một giống chim quí được bảo vệ nên
tội này có thể bị phạt tới năm năm tù. Tôi hiểu vì sao anh ta không còn ở Bodh
Gaya và Lumbini nữa. Bây giờ thì anh ta tuyệt tích giang hồ. Có lẽ đã trở lại
cơ quan gốc, ban tôn giáo hoặc cục công an chính trị, nhậu nhẹt với đồng nghiệp
và kể thành tích đại náo Ấn Độ.
Tóm lại nhân vật "hoà thượng
Thích Huyền Diệu" là một vụ bịp bợm do chính quyền cộng sản Việt Nam dàn
dựng ra trong mục đích quảng cáo cho giáo hội Phật Giáo quốc doanh của họ và
tranh thủ cảm tình của quần chúng Việt Nam vốn gần gũi với đạo Phật. Họ coi Phật Giáo như một
thứ thuốc phiện để ru ngủ quần chúng. Âm mưu đã thất bại vì chúng ta đang sống
trong thời đại Internet, không có sự dối trá nào có thể kéo dài. Đây là một xúc
phạm nghiêm trọng không chỉ đối với Phật Giáo mà đối với cả văn hóa và lịch sử
Việt Nam.
Thật là đáng giận. Người
ta có thể tự hỏi còn có gì của đất nước này không bị phá hoại?
(12/2013)
Nguyễn Gia Kiểng
Nguyễn Gia Kiểng
Ghi chú :
Giúp đỡ chùa Kiều Đàm Di
Chùa Kiều Đàm Di là một
chùa nữ tu do ni sư Khiết Minh tạo dựng tại Vaishali, nơi đức Phật giảng đạo
lần cuối. Chùa vẫn còn cần nhiều yểm trợ tài chính để hoàn tất và sau đó để
hoạt động xã hội. Đây là một cố gắng rất đáng được trân trọng và yểm trợ.
Có thể gửi tiền cho ni sư
Khiết Minh như sau:
Tại Úc: ANZ Bank
Account name: Ho Thi Kim
Yen
Bsb: 013422
Account number: 483960179
Tại Mỹ: Bank of America
Account name; Ho Thi Kim
Yen or Thich Nu Khiet Minh
Account number 09325 –
74841
Tại Việt Nam: Vietnam Foreign Trade Bank
Tên tài khoản: Hồ thi Kim
Yến hoặc Thích Nữ Khiết Minh
Số tài khoản 007.1.00.
447705.0 (Tiền VND) hoặc 007.1.37.218729 (USD)
Swift Code: BFTV VNVX007
Hoặc chuyển vào tài khoản
của hội MAHAPRAJAPATI do Thich nữ Khiết Minh sáng lập tại Ấn Độ.
Name Mahaprajapati Trust
Address: Bodhgaya –
Pachhatti- Gaya –Bihar –Pin.824 231
Account number 44792 0000
000 58
Bodhgaya Branch 824231
(Bank of India) – Gaya District – Bihar – India
PAN CARD No ĂBTM 7594E
Bình luận
#1
Huỳnh ngọc Tuấn 5-31-12 2:36
Chân thành cám ơn ông
Nguyễn gia Kiểng.
Bài này cũng giống như những bài viết khác đã thể hiện phong cách độc đáo của tác giả khi nhìn nhận một vấn đề.
Tôi cũng bị ông Thích Huyền Diệu "lừa", vì cứ nghĩ ông là một vị chân tu.
Bài này cũng giống như những bài viết khác đã thể hiện phong cách độc đáo của tác giả khi nhìn nhận một vấn đề.
Tôi cũng bị ông Thích Huyền Diệu "lừa", vì cứ nghĩ ông là một vị chân tu.
#2
Huyền Lam 6-31-12 6:09
Tôi không dám bàn về bằng
cấp hay phẩm hạnh của thầy Huyền Diệu (Lâm Trung Quốc) vì chỉ biết thầy qua
những lần tiếp xúc. Tuy nhiên cá nhân tôi đã gặp thầy cách đây hơn 30 năm tại
Hoa Kỳ - thành phồ Seattle - Bang Washington - Chùa tên là Việt Nam, trong một
buổi chia sẻ về công trình xây dưng chùa VN trên đất Phật. Thầy Huyền Diệu lúc
ấy từ Ân Độ qua Hoa Kỳ đi thăm các chùa VN (mà chuà VN giai đoạn 1980 cũng
không nhiều). Thầy rất kham khổ, những hình ảnh (slideshow) bằng phim kodak ghi
lại một công trình ngỗn ngang, xây tạm vì thiếu kinh phí. Sau buổi thuyết
trình, thầy tặng mỗi người một lá bồ đề phơi khô mà thầy gom ở Bồ Đề Đạo Tràng.
Tôi nhớ không lầm là Phật tử cúng dường cho thầy cũng chẳng bao nhiêu vì dạo ấy
người Việt mới qua Mỹ, ai cũng không giàu.
Theo năm tháng, cũng phải 20 năm, ngôi chùa mới có hình vóc như hôm nay. Thấy tác giả nói chùa vắng thì tôi cũng buồn. Tuy nhiên, trong 20 năm cô đơn một mình nơi xứ Phật và vượt qua bao khó khăn để xây chùa Việt, thì đây là một việc không phải ai cũng đủ sức để làm.
Chính quyền VN chỉ giao tiếp với thầy Huyền Việt sau khi mọi sự đã thành hình, những khó khăn, gian khó, nằm gai nếm mật đã trãi qua...
Nên thử hỏi cách đây gần 40 năm, qua bên ấy một mình, không một bóng VN...kiên trì mấy mươi năm trời thì có ai không?
Theo năm tháng, cũng phải 20 năm, ngôi chùa mới có hình vóc như hôm nay. Thấy tác giả nói chùa vắng thì tôi cũng buồn. Tuy nhiên, trong 20 năm cô đơn một mình nơi xứ Phật và vượt qua bao khó khăn để xây chùa Việt, thì đây là một việc không phải ai cũng đủ sức để làm.
Chính quyền VN chỉ giao tiếp với thầy Huyền Việt sau khi mọi sự đã thành hình, những khó khăn, gian khó, nằm gai nếm mật đã trãi qua...
Nên thử hỏi cách đây gần 40 năm, qua bên ấy một mình, không một bóng VN...kiên trì mấy mươi năm trời thì có ai không?
#3
Phú Nepal 6-31-12 9:13
Cám ơn bác Nguyễn Gia
Kiểng đã gióng một tiếng chuông cảnh tỉnh Phật tử người Việt về tên
bịp bợm Huyền Diệu. (Cháu cũng có viết nhiều bài vạch trần sự bịp
bợm của Huyền Diệu nhưng sức lực yếu ớt không mấy người biết đến).
Rất tiếc là không duyên may được gặp bác khi bác sang thăm Kathmandu, Lumbini-Nepal để được có dịp tham vấn bác về việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo tại India.
Kính chúc bác và gia đình dồi dào sức khỏe.
Phú Nepal
PS: không biết Thông luận có thể giúp tôi liên lạc với bác NGK nhằm tham vấn bác về bản thảo của tôi nghiên cứu India và lịch sử Phật giáo được không?
Rất tiếc là không duyên may được gặp bác khi bác sang thăm Kathmandu, Lumbini-Nepal để được có dịp tham vấn bác về việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo tại India.
Kính chúc bác và gia đình dồi dào sức khỏe.
Phú Nepal
PS: không biết Thông luận có thể giúp tôi liên lạc với bác NGK nhằm tham vấn bác về bản thảo của tôi nghiên cứu India và lịch sử Phật giáo được không?
No comments:
Post a Comment