Ngô Nhân
Dụng
Tuesday, December 24, 2013 3:32:27 PM
Bài trước trong mục này kết luận, “Nước Việt Nam cần có nhiều người như Preet Bharara trong ngành tư pháp.” Bharara là một ông biện lý đang nổi tiếng ở thành phố New York, ông muốn bắt “những người phạm luật phải chịu hậu quả về những việc họ làm, dù họ là những người giầu sang, quyền lực, hay có liên hệ lớn như thế nào.”
Bài báo được một bạn đọc gửi đăng trên mạng Bauxite Việt Nam. Ban chủ biên mạng đã góp thêm ý kiến: “Trong một xã hội quan chức ngày càng giàu sụ như ở Việt Nam, 'sâu' thì bò lổm ngổm mà những kẻ có chức năng 'nhặt sâu' đều làm lơ đâu có ai dám bắt; vậy mà lại nảy nòi ra những vị biện lý công minh như ông Preet Bharara của nước Mỹ thì để mà chết cả nút à!” Và nhận xét, “Có lẽ tác giả ở nước ngoài lâu quá” cho nên mới viết như thế.
Quả thật tác giả ở nước ngoài từ năm 1975 đến nay.
Ngỏ ý mong ngành tư pháp nước Việt Nam có nhiều vị biện lý công minh quả là ý
kiến rất ngây thơ, mơ mộng. Thật tình, ai cũng biết tình trạng “sâu bọ” bò lổm
ngổm ở nước Việt Nam bây giờ. Nhưng sẽ tới ngày chúng ta xây dựng lại một nước
Việt Nam của mình, không phải của bọn sâu bọ, thì ước mong đó sẽ thực hiện
được.
Dân Việt Nam có thể sinh ra những vị biện lý cương
trực như Preet Bharara hay không? Tôi xin kể một kinh nghiệm bản thân. Tháng Tư
năm 1975, bà mợ tôi đến nhà, khóc lóc với mẹ tôi, báo tin cậu con út của bà bị
cảnh sát tỉnh Gia Ðịnh bắt giam. Thằng bé 15, 17 tuổi theo bạn bè đi phá làng
phá xóm. Mợ tôi thấy ông biện lý tỉnh Gia Ðịnh cùng họ với nhà tôi, hỏi tôi có
quen không, cách nào đến xin ông tha cho thằng bé hay không. Vì cô con gái của
mợ đang làm cho tòa đại sứ Mỹ, đang được sở (DAO) thông báo họ có thể đưa cả
gia đình cô di tản, gọi lúc nào đi lúc đó.
Cậu mợ đã nuôi tôi như cha mẹ nuôi con. Vợ chồng tôi
đến tìm ông biện lý, trình bày hoàn cảnh đứa trẻ hư, ham chơi lêu lổng, theo
bạn bè xấu, vì thời loạn lạc nhiễu nhương, xin ông thông cảm. Ông em họ lắng
nghe, rồi hứa sẽ chú ý. Nhưng ông nói thẳng rằng chỉ vì cảm tình nên ông sẽ
đích thân coi lại hồ sơ, để không ai bị oan ức. Ngoài điều đó ra, ông sẽ theo
đúng luật lệ và thủ tục. Ngày hôm sau đó, ông cho biết không thể tha, vì hồ sơ
cảnh sát ghi mấy cậu thanh niên bắt tại trận lúc đang phá nhà người ta. Có tang
chứng, phải giam lại, chờ ngày ra tòa.
Vì cậu con út đang bị giam, bà mợ tôi đã ở lại Sài
Gòn trong khi chồng và các con khác lên máy bay ra đi, rồi định cư ở Canada.
Tôi không buồn, không giận ông biện lý Gia Ðịnh. Ông không vì tình riêng mà
vượt qua luật pháp. Tên ông là Hà Dương Vĩ. Ở nước Việt Nam Cộng Hòa lúc đó có
rất nhiều vị biện lý như ông. Họ không nổi tiếng như Preet Bharara, người đã
tấn công cả đám tài phiện lẫn bọn mafia, một nhân vật xuất chúng được dư luận
biết đến.
Nhưng một dân tộc không cần nhiều người nổi danh,
đóng vai anh hùng trừ gian, dẹp bạo như vậy. Làm sao trong đất nước có rất
nhiều vị biện lý hiền lành, thực thà, chăm chỉ, sống tầm thường nhưng thuộc
lòng câu “Pháp bất vị thân,” và áp dụng hàng ngày, không thắc mắc, điều này còn
quan trọng hơn nữa. Kinh nghiệm thấy ở nước mình đã có những người như vậy cho
nên tôi tin chắc trong tương lai nước ta sẽ có rất nhiều vị biện lý chính trực,
quang minh. Ngành tư pháp nước ta nếu có người như Preet Bharara thì quý lắm,
nhưng chỉ cần dăm ba người như Bharara cũng đủ rồi. Ngược lại, mỗi dân tộc cần
có nhiều người làm việc tư pháp bình thường như Hà Dương Vĩ. Trước năm 1975 đó
không phải là ước mơ mà là sự thật. Cho nên có thể tin trong tương lai đất nước
chúng ta sẽ thực hiện được ước mong này.
Nói đến niềm tin ở tương lai trong lúc này khó lọt
tai người nghe. Nhiều người ở trong nước rất bi quan, có khi tuyệt vọng, trước
cảnh quan chức gian tham, đạo lý suy đồi. Có lẽ vì hàng ngày quý vị đó thấy
trước mắt những thứ mà người ở bên ngoài không thấy. Người ta không tin có công
lý, vì đã chứng kiến cán cân công lý bị bẻ cong. Như phiên tòa phúc thẩm ở tỉnh
Phú Yên ngày 23 tháng 12, 2013, xét xử ông Ngô Hào vì “Hoạt động nhằm lật đổ
chính quyền Nhân Dân.” Các quan tòa xuất hiện lúc 8 giờ sáng, chưa tới 10 giờ
họ đã tuyên án, ông Ngô Hào vẫn bị 15 năm tù và 5 năm quản chế. Làm sao người
ta có thể tống giam một người suốt 20 năm, trong vòng chưa đầy hai tiếng đồng
hồ đã quyết định xong? Có nền tư pháp một nước văn minh nào giống như vậy hay
không? Theo lời kể của anh Ngô Minh Tâm, con ông Hào, gia đình bị cáo không hề
được tòa thông báo phiên xử. Nhờ luật sư, họ mới biết. Không thân nhân, bạn hữu
nào được được vào, phiên tòa chỉ có ba mẹ con anh dự nhưng lại có tới hơn 50
công an mặc sắc phục! Anh Ngô Minh Tâm thuật lại: “Phiên tòa diễn ra rất là
chóng vánh” vì cả ông Ngô Hào và luật sư của ông không được nói câu nào cả,
cũng không chấp nhận cho đưa ra các bằng chứng.
Một nền tư pháp như vậy, chẳng trách nhiều anh chị
em trong nước rất bi quan. Nỗi bi quan rộng lớn hơn nữa khi tình trạng xã hội
bên ngoài tòa án cũng xuống dốc, nếu không nói là sa đọa. Tết sắp tới, lại khó
quên cảnh dân ta đi xem hội Xuân hoa đào rồi đua nhau hái trụi hết hoa! Không
phải một lần mà hai năm liên tiếp! Tòa Ðại Sứ Hà Lan đem phát áo che mưa, bao
nhiêu người nhẩy lên cướp. Tiệm ăn Nhật Bản mời ăn miễn phí, hàng ngàn người
chen lấn giành giật. Người ngoại quốc họ không hiểu nổi dân Việt Nam là cái
giống người gì. Vụ “hôi bia tập thể” ở Biên Hòa thì mới xẩy ra mấy tuần trước.
Nhưng có nên tuyệt vọng hay không? Chắc không nên
tuyệt vọng. Người Việt Nam vẫn là người Việt Nam. Chế độ cai trị có tham ô, tàn
ác và gian xảo đến mấy cũng chỉ tác hại được một thời gian, trên một thiểu số
người Việt. Họ không thể phá hủy tất cả di sản tinh thần ông cha đã xây dựng
mấy ngàn năm trong lòng dân tộc. Chúng ta có thể tin tưởng như vậy. Sau vụ“hôi
bia” ở Biên Hòa, Blog Song Chi đã kể lại những phản ứng của đồng bào trong
nước, nghe thấy ấm lòng. Một nữ sinh viên và người cha đã viết rồi treo tấm
biểu ngữ tại nơi vụ cướp diễn ra: “Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy
xấu hổ thay cho những ai đã ‘cướp vài lon bia’ ở đây...” Nhiều người đã quyên
góp tiền tặng anh tài xế chiếc xe chở bia bị lật để bồi thường số bia bị cướp,
nhưng sau cùng anh tài xế trả lại hết. Anh nói, vì công ty bia không bắt anh
bồi thường, lẽ nào anh lại tham lam lấy của người ta cho.
Quả thật, trong dân tộc Việt Nam vẫn còn giữ những
nền nếp tốt, không bao giờ mất. Công dậy dỗ của tổ tiên suốt mấy ngàn năm đám
đệ từ của một ông Stalin hay ông Mao Trạch Ðông không thể nào phá hủy được.
Chúng ta không nên quá bi quan.
Nhưng chắc cũng không nên lạc quan quá, không nên
lạc quan đến mức cứ để mặc cho sự thế chuyển vần. Khi chế độ cộng sản tan rã,
công việc khó khăn nhất của dân tộc mình sẽ là làm sao phục hồi được đạo lý,
xây dựng được niềm tin giữa người Việt với người Việt. Không thể nghĩ mình chỉ
cần cầu nguyện tổ tiên phù hộ, mọi nền nếp sẽ trở về tốt đẹp như xưa.
Một cách cụ thể, chúng ta phải làm gì để phục hồi
đạo lý? Làm cách nào cho người Việt Nam tin nhau? Blog Song Chi có nhắc đến vai
trò giới truyền thông tác động tâm lý đồng bào, khiến người ta biết những gì
đáng hổ thẹn mà tránh. Báo chí, cũng như trường học, đều đóng vai trò giáo dục,
từ người lớn đến trẻ em. Có thể nói, chúng ta đều là “dòng dõi nhà Nho,” coi
giáo dục là cây đũa thần. Cũng vì thế, không kính trọng Pháp Gia lắm; ngay cả khi
nói đến chống tham nhũng, người Việt cũng nói ngay đến chuyện “giáo dục” và
“học tập.” Chúng ta có thể tin như ông Khổng Tử, rằng giáo dục là nền tảng xây
dựng quốc gia. Nhưng còn một biện pháp khác, là tập luyện thói quen cho con
người, qua hệ thống luật pháp. Giáo dục, người ta có thể gật gù nghe, rồi thấy
khó quá, không theo được. Nhưng với luật pháp, không theo không được.
Chỉ khi sống trong một xã hội tự do dân chủ người ta
mới có cơ hội tập luyện theo phương pháp này. Trong thế giới hiện đại, niềm tin
giữa người với người có thể thành hình nhờ pháp luật. Thomas Schelling, nhà
kinh tế học nổi tiếng (Nobel năm 2005) đã nêu lên mối liên hệ giữa niềm tin với
kiện cáo! “The right to be sued is the power to make a promise: to borrow
money, to enter a contract, to do business with someone who might be damaged.”
(Quyền bị kiện cũng là quyền năng cho phép mình có thể hứa hẹn: Như khi đi vay
tiền, ký hợp đồng, làm thương mại với một người mà mình có thể gây thiệt hại
nếu không giữ lời hứa.) Tức là, muốn được người khác tin thì phải làm sao họ
thấy họ có thể kiện mình ra tòa, nếu mình không giữ Chữ Tín.
Chế độ dân chủ tự do không bảo đảm sẽ xây dựng được
lòng tin chung cho cả xã hội. Nhưng các chế độ độc tài chắc chắn phá vỡ niềm
tin chung, vì họ đều đi kèm với các thủ đoạn gian trá. Mất niềm tin đưa tới
tình trạng phi luân lý, tức là người ta không còn tin có những quy tắc đạo đức
nên theo nữa. Ngược lại, sống trong chế độ dân chủ ít nhất mỗi người biết mình
phải tôn trọng luật pháp. Vì luật pháp do các đại biểu thực sự của mình soạn ra
chứ không do các nghị gật, mà guồng máy tư pháp được độc lập đáng tin cậy hơn.
Tập sống theo pháp luật dần dần tạo thành thói quen, nhìn người khác thấy có
thể tin rằng họ cũng tôn trọng luật pháp như mình. Một niềm tín nhiệm chung bắt
đầu nẩy nở tự nhiên; mà nếu không có thì xã hội không tiến được.
Cho nên, như lời chúc cho đất nước nhân ngày Lễ
Giáng Sinh, chúng tôi xin nhắc lại một điều mong ước chung cho nước Việt Nam:
Nước ta cần những ông bà biện lý và các thẩm phán độc lập, chính trực quang
minh.
No comments:
Post a Comment