Wednesday, 4 December 2013

"HỢP TUNG LIÊN HOÀNH" THỜI HIỆN ĐẠI (Huỳnh Trọng Hiếu)




Posted By Chinh Luan on 04 tháng mười hai 2013 | 05:42

Vào thời Chiến quốc, trên lãnh thổ của Trung Hoa tồn tại nhiều quốc gia nhỏ. Trong một thời gian dài, những tiểu quốc này thường xuyên gây chiến tranh để thôn tính lẫn nhau. Chính bởi lẽ đó mà không khí chính trị trở nên vô cùng sôi động, và đó chính là vùng đất màu mỡ cho những thuyết khách, những nhà ngoại giao, những nhà cố vấn quân sự lão luyện thể hiện tài năng. Theo đó mà nghệ thuật chiến tranh, ngoại giao, và chính trị của người Trung Hoa thời đó đã đạt đến trình độ thuần thục và tinh vi.

Thời trung kỳ trong giai đoạn này, nước Tần nổi lên vượt trội với ưu thế về kinh tế và quân sự. Điều đó đã phá vỡ trật tự chính trị đã được xác lập từ trước của tất cả các nước. Để thực hiện thành công mục tiêu thống nhất Trung Hoa, nhà Tần ứng dụng và theo đuổi chiến lược “liên hoành” do du thuyết gia Trương Nghi đề xướng. Trương Nghi đề ra chính sách xách động các nước chiến tranh gây chia rẽ, thiết lập bang giao với các nước ở xa, tấn công quân sự các nước láng giềng để uy hiếp khiến phải thần phục sức mạnh nhà Tần. Một khi các nước nhỏ không thể hình thành một liên minh quân sự đủ mạnh để tự vệ thì nhà Tần có thể lần lược thôn tính từng nước một cách dễ dàng.

Nhận thức được dã tâm to lớn của nhà Tần, các nước nhỏ cùng ngồi lại để thành lập một liên minh quân sự chống Tần được định hình bởi chiến lược “hợp tung” do du thuyết gia Công Tôn Diễn, và Tô Tần chủ xướng. Hai học thuyết chính trị “hợp tung” và “liên hoành” đối nghịch nhau làm cho quan hệ ngoại giao và quân sự của các nước trở nên phức tạp và biến hóa dưới nhiều hình thái, có lúc liên minh có lúc đối đầu. Thế cân bằng quyền lực được duy trì trong một thời gian khá dài. Về sau, khi các nước nhỏ không còn có đủ sự khôn ngoan và dũng khí duy trì liên minh “hợp tung”, để cho kế sách “liên hoành” phát huy hết hiệu lực thì kết quả là các nước bị nhà Tần đánh bại trong tủi nhục. Đó là một bài học lịch sử mà chúng ta không thể không biết và không quan tâm.

Sân khấu chính trị quốc tế ngày hôm nay với sự mở rộng về không gian nhưng tính chất vẫn không thay đổi. Sự lớn mạnh của Trung Quốc đã phá vỡ trật tự thế giới được hình thành từ sau Chiến tranh Lạnh. Những nhà lãnh đạo Trung Cộng, hậu duệ của Trương Nghi, Tần Thủy Hoàng đang thực hiện chiến lược bành trướng sức mạnh quân sự, ngoại giao trên khắp thế giới để thâu tóm, tranh giành ảnh hưởng, từng bước thực hiện giấc mộng Bá chủ. Học thuyết “liên hoành” đang được họ khai dụng một cách thành thạo.

Tại Châu Á Thái Bình Dương, khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc tung lực lượng tàu chiến và hải giám, tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản. Tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và xem đây là “quyền lợi cốt lõi”. Các giới chức quân sự Trung Quốc nhiều lần đe dọa chiến tranh tại eo biển Đài Loan, đối đầu quân sự trong tranh chấp biển đảo với Việt Nam, gây bế tắc ngoại giao trong tranh chấp lãnh hải với Philippines và một loạt những hành động gây hấn khác đối với các quốc gia trong khu vực. Tất cả những hành động ấy nhằm minh xác cho các nước trong khu vực thấy rằng, Trung Hoa đang lớn mạnh, và các quốc gia nhược tiểu phải thần phục họ nếu không muốn bị đè bẹp bằng sức mạnh quân sự.

Bên cạnh những hành động đe dọa, trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc dùng những nước đàn em của mình: Việt Nam, Lào, Campuchia là một thứ công cụ gây chia rẽ mối liên kết giữa các nước trong khối ASEAN. Bằng cách phủ quyết những bộ quy tắc ứng xử chung, những cam kết hợp tác hay đàm phán đa phương... ba quốc gia đàn em này đã và đang là cánh tay đắc lực của đàn anh Trung Quốc gây bế tắc cho nhiều vấn đề của khối nhằm khiến cho khối này không thể đi đến một quyết định chung trong việc đối phó với Bắc Kinh. Không chỉ có thế, mới đây, Campuchia còn công khai kêu gọi các nước nên “hợp tác chặt chẽ” với Trung cộng. Ba nước hoặc độc tài, hoặc dân chủ nửa mùa này đã gây ra không ít khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi chung của khối trước sức ép của Bắc Kinh. Đối với các nước không phải đồng minh như Indonesia, Malaysia, Singapore, Bắc Kinh dùng những hợp đồng kinh tế béo bở để chiêu dụ nhằm thuyết phục các nước ủng hộ mình trong các văn kiện quốc tế quan trọng, hoặc ít ra, những nước này sẽ vì lợi ích của đất nước mình mà bỏ qua an ninh chung của cả khu vực.

Chính sách ngoại giao “nước lớn” của Trung Quốc trong hiện tại đã tạo ra mối đe dọa về an ninh đối với các quốc gia đồng minh của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tham vọng bá quyền của Trung Cộng tạo ra hiểm họa cho sự thịnh vượng của Hoa Kỳ trong tương lai. Đối mặt với thách thức lớn, buộc các nhà làm chính sách tại Washington phải “xoay trục” quay trở lại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hoa Kỳ tuyên bố khu vực này là “quyền lợi quốc gia”, một động thái có thể đánh giá là công khai đối đầu với Trung Quốc. Sự thực là Hoa Kỳ không quay trở lại khu vực này vì lợi ích kinh tế như nhiều người đã nghĩ. Washington đang thực hiện chiến lược “hợp tung” bằng cách liên minh quân sự với các quốc gia đồng minh, chuyển trọng tâm quân sự từ Tây sang Đông là để hình thành một “vành đai quân sự” bao vây cửa ngõ tiến ra Thái Bình Dương của hải quân Trung Quốc.

Một khi khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á nằm dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, điều này đồng nghĩa với việc Hải quân Trung Quốc bị cô lập với thế giới bên ngoài, lực lượng hải quân Trung Quốc nằm trong tầm do thám của hải quân Hoa Kỳ và có thể bị vô hiệu hóa ngay lập tức nếu xảy ra xung đột. Các khu căn cứ quân sự của hải quân Hoa Kỳ đang đồn trú tại Phillippines, Indonesia, Singapore có thể theo dõi sát sao mọi hoạt động của hải quân Trung Quốc (tàu ngầm, tàu chiến, máy bay). Hoạt động liên hợp hải quân Mỹ - Nhật tại Okinawa giúp Hoa Kỳ kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đông Bắc Á. Quân đội Nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu cảm thấy bất an trước mật độ do thám ở tầng suất quá cao của Hoa Kỳ. Hơn ai hết, Bắc Kinh biết mình bị Hoa Kỳ bao vây.

Trong chiến lược “hợp tung – liên hoành” của Mỹ - Trung, Cộng sản Việt Nam phải sinh tồn như thế nào? Lâu nay, Hà Nội luôn được Bắc Kinh sử dụng như một tên “nội gián” trong khối ASEAN nếu không muốn nói rằng Cộng sản Việt Nam là một lá bài quan trong trong chiến lược “liên hoành” của Trung cộng. Ngày nào Đảng Cộng sản Việt Nam còn tồn tại thì ngày đó, chiến lược “hợp tung” của Hoa Kỳ còn bị phá hoại. Ngoài những bất lợi khi để Cộng sản Việt Nam tồn tại, Hoa Kỳ có thể cân nhắc những ưu thế vô cùng to lớn khi Việt Nam được dân chủ hóa. Hải quân Hoa Kỳ có thể hoạt động thường xuyên tại khu vực vịnh Bắc bộ và nắm rõ lịch trình hoạt động tàu ngầm tại đảo Hải Nam, một căn cứ tàu ngầm đầu não được xây dựng kiên cố của hải quân Trung Quốc. Các cảng quân sự nước sâu sẽ là nơi lý tưởng để tàu chiến Hoa Kỳ neo đậu và bảo trì. Sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ là điều vô cùng bất lợi đối với quân đội Trung Quốc (nhưng cũng là điều vô cùng thuận lợi cho Việt Nam).

Trong chiến lược bao vây Trung cộng của Hoa Kỳ, việc đảng Cộng sản Việt Nam duy trì quyền lực chính trị chẳng khác nào loài cá hồi đang lội ngược dòng nước. Chính sách của Mỹ như dòng thác mạnh từ trên cao đổ xuống, CSVN như chú cá hồi lội ngược dòng trong mệt mỏi. Bây giờ là thời điểm chú cá hồi cộng sản mặc “áo cưới” lần cuối cùng và vĩnh viễn ra đi. Một loạt những nhượng bộ về Nhân quyền vừa qua là chỉ dấu cho thấy đảng Cộng sản đang cân nhắc lại hành động của mình trước nhiều chuyển biến quốc tế. Và đảng cộng sản Việt Nam phải chấm dứt số phận của mình vì đã ngán chân Hoa Kỳ trong chiến lược toàn cầu.

Cuộc cạnh tranh vị trí lãnh đạo vô hình trung biến thành cuộc đối đầu về ý thức hệ. Cả thế giới sẽ chứng kiến cuộc đối đầu toàn diện về ý thức hệ lần cuối cùng trước khi bước qua kỷ nguyên mới. Đây không còn là cuộc đối đầu giữa hai hệ thống tư bản và cộng sản nữa, mà là một cuộc chạm trán nảy lửa giữa hai khối dân chủ tự do và độc tài. Và đây cũng sẽ là bước ngoặt lớn, một cú chuyển mình vĩ đại của quốc gia Việt Nam trong lịch sử hiện đại.

Ngày 25 tháng 8 năm 2013

---------------------------------------------

27.11.2013


No comments:

Post a Comment

View My Stats