Friday, 20 December 2013

HOA KỲ TỐ CÁO TRUNG QUỐC "VÔ TRÁCH NHIỆM" KHI CẮT ĐƯỜNG TÀU MỸ TRÊN BIỂN ĐÔNG (RFI, BBC, VOA)




Trọng Nghĩa   -  RFI
Thứ sáu 20 Tháng Mười Hai 2013

Trung Quốc đã hành động một cách « vô trách nhiệm » trong một vụ đối đầu với một chiếc tàu Hải quân Mỹ trong tháng này tại vùng Biển Đông. Trên đây là lời tố cáo đích danh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vào hôm qua, 19/12/2013. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Washington về sự cố Mỹ - Trung mới trên Biển Đông từng được nhiều giới chức quốc phòng Hoa Kỳ tiết lộ trong những ngày qua, và mới chỉ được Bắc Kinh xác nhận ngày 18/12.

Phát biểu nhân một cuộc họp báo chung với Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chuck Hagel nhận định : « Hành động đó của Trung Quốc, cắt ngang đường đi phía trước... chỉ cách khoảng 100 mét trước mũi tàu Cowpens, không phải là một hành động có trách nhiệm ». Lãnh đạo Lầu Năm Góc bình luận thêm : « Đó là một hành động vô ích, vô trách nhiệm. »

Nhận định của ông Hagel là phản ứng công khai đầu tiên của một quan chức cấp cao tại Lầu Năm Góc kể từ khi sự cố xảy ra cách đây hai tuần, cụ thể là ngày 05/12/2013. Theo một số viên chức quân sự Mỹ thì vào hôm đó, tuần dương hạm Mỹ có tên lửa dẫn đường USS Cowpens, khi đang đi trên Biển Đông, trong hải phận quốc tế, đã phải bẻ lái để tránh va chạm với một tàu đổ bộ Trung Quốc đã có thao tác chặn đường nguy hiểm. Chiếc tàu Trung Quốc này thuộc đội chiến hạm tháp tùng theo tàu sân bay Liêu Ninh được Bắc Kinh phái xuống tập trận trên Biển Đông.

Rút tỉa kinh nghiệm từ vụ đối đầu trên biển lần đầu tiên từ nhiều năm nay giữa Hải quân Mỹ và Trung Quốc, ông Hagel nêu bật sự cần thiết phải có thủ tục rõ ràng giữa quân đội hai nước để tránh nguy cơ đụng độ hoàn toàn có thể xẩy ra trong vùng Thái Bình Dương.

Đối với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, sự cố như vừa xẩy ra là « một thứ rất dễ gây cháy, có thể là ngòi nổ hoặc tia lửa làm cho một tính toán sai lầm nào đó nổ tung ». Do đó, theo ông, hai bên cần làm việc « để có một cơ chế có khả năng làm dịu một số vấn đề khi xảy đến ».

Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã chính thức loan báo vụ việc nhưng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của sự cố vào hôm 18/12, trái ngược hẳn với giọng điệu hung hăng của báo chí nước này, tố cáo chiến hạm Mỹ là đã gây nguy hiểm cho hạm đội Trung Quốc trên Biển Đông.

-------------------------------------------


BBC
Cập nhật: 04:19 GMT - thứ sáu, 20 tháng 12, 2013

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ nói Trung Quốc đã hành động một cách "vô trách nhiệm" trong lần chạm mặt gần đây giữa tàu chiến hai nước.
Ông Chuck Hagel nói tàu Trung Quốc đã cắt ngang trước mũi tàu USS Cowpens vào ngày 5/12 và gọi đây là hành động "mang tính kích động".
Trong khi đó, Trung Quốc cho biết đã xử lý tình huống theo "quy trình nghiêm ngặt".

Đây được xem là vụ va chạm nghiêm trọng nhất giữa hai nước trên Biển Đông kể từ năm 2009.
Hoa Kỳ cho biết tàu chiến được trang bị tên lửa hành trình của nước này đang hoạt động trong hải phận quốc tế trước khi bị một chiến hạm Trung Quốc buộc phải chỉnh lái để tránh va chạm.
Tuy nhiên, Biển Đông là nơi Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền và hôm thứ Hai ngày 16/12, tờ Hoàn cầu Thời báo nói rằng chiến hạm Mỹ đã ‘đe dọa an ninh quân sự của Trung Quốc’ và dẫn một nguồn tin ẩn danh nói rằng tàu USS Cowpens đã ‘theo đuôi và quấy rối’ hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong lúc chiến hạm này đang tiến hành diễn tập.

Ông Hagel nói với phóng viên: "Việc Trung Quốc đưa tàu của mình cắt ngang trước mũi tàu USS Cowpens với khoảng cách chỉ 100 yards (khoảng 91m), không phải là một hành động có trách nhiệm".
Ông nói những sự cố “mang tính kích động như thế này rất có khả năng gây ra tính toán sai lầm”.
"Cần phải thiết lập một cơ chế nào đó để tháo ngòi những vấn đề này khi chúng xảy ra", ông nói thêm.

"Quy trình nghiêm ngặt"

Trong một thông cáo hôm thứ Tư ngày 18/12, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hai chiến hạm đã chạm mặt trong một ‘cuộc tuần tra thường kỳ’ của phía Trung Quốc.
“Chiến hạm Trung Quốc đã tuân thủ quy trình nghiêm ngặt để xử lý vụ việc,” thông cáo cho biết.
Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đã có hành trình đầu tiên xuống Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với một số nước đông nam Á.

Hồi năm 2009, Chính phủ Mỹ nói năm tàu Trung Quốc đã ‘hung hăng’ tiến gần một tàu giám sát không có vũ trang của hải quân trong vùng biển quốc tế trên Biển Đông.
Tuy nhiên, Bắc Kinh nói thông tin của Mỹ đưa ra là ‘hoàn toàn sai sự thật’ và cho biết tàu của họ đang có những hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

Các bài liên quan

---------------------------------

VOA
20.12.2013

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel gọi các hành động của Trung Quốc trong vụ suýt đụng tầu ở biển Nam Trung Quốc là vô trách nhiệm. Ông cũng cảnh báo rằng những sự cố như thế có thể khiến cho căng thẳng trong khu vực trở nên trầm trọng thêm. Theo tường trình của thông tín viên VOA Kent Klein, vụ việc mới nhất này có thể trắc nghiệm sự chú ý nhiều hơn của Hoa Kỳ vào châu Á.

Thủy thủ đoàn của tàu USS Cowpens đang quan sát hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc vào ngày 5 tháng 12, và Bộ trưởng Quốc phòng Hagel nói đó cũng là lúc một chiếc tàu khác của Trung Quốc cắt ngang trước mũi tàu của Hoa Kỳ. Ông nói:
“Hành động đó của Trung Quốc, để cho chiếc tàu của họ cắt ngang mũi tàu Cowpens, không phải là một hành động có trách nhiệm. Hành động đó vô bổ, và vô trách nhiệm.”

Một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hạ giảm tầm quan trọng của sự việc.
Bà Hoa Xuân Doanh nói Trung Quốc vẫn luôn tôn trọng không và hải lưu bình thường và tự do hàng hải, theo đúng luật quốc tế.

Các tàu của Hoa Kỳ theo dõi hoạt động của Trung Quốc từ hải phận quốc tế trong vùng Biển Nam và Ðông Trung Hoa.
Trung Quốc nhận thấy điều đó là không thể chấp nhận được, theo ông Rick Fisher, thành viên kỳ cựu tại Trung tâm Sách lược và Thẩm định Quốc tế. Ông nhận định:
“Trong cả hai lãnh vực, lực lượng hải và không quân Trung Quốc đã tìm cách can thiệp vào việc thu thập tình báo của Mỹ và tôi dự kiến cuộc tranh đua mèo đuổi chuột này sẽ tiếp tục.  Và nếu phía Trung Quốc nhất định, thì nó có thể sẽ rất nhiều sóng gió.”

Tại Ngũ Giác Ðài, Bộ trưởng Hagel nói những vụ đối đầu như thế rất nguy hiểm:
“Ðiều chúng ta không muốn là một sai lầm xảy ra ở đây, và khi ta có vấn đề như vụ tàu Cowpens thì đó là loại sự kiện rất dễ gây khiêu khích có thể châm ngòi hay khơi mào cho một sai lầm tiếp theo.”

Chuyên gia về châu Á Richard Cronin cũng đồng ý như thế:
“Có nhiều khả năng xảy ra một sự cố, có thể sẽ không leo thang thành một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nhưng chắc chắn sẽ kèm theo một vụ nổ súng nào đó và để lại nhiều thiệt hại về ngoại giao.”

Ông Cronin là giám đốc Chương trình Ðông Nam Á của trung tâm Stimson. Ông cũng nói Trung Quốc còn đang biểu dương sức mạnh qua việc công bố một vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Ðông trên không phận các hòn đảo đang do Nhật Bản cai quản. Ông Cronin nói:
“Do đó, tất cả nhằm mục đích đẩy chúng ta ra, và cũng nhằm mục đích tìm cách bành trướng các quyền hạn mà họ sẵn có.”

Hoa Kỳ bác bỏ vùng phòng không. Trong khuôn khổ chính sách gọi là xoay trục châu Á của chính quyền Obama, Ngoại trưởng John Kerry vừa đi thăm Việt Nam và Philippin đã cam kết viện trợ 70 triệu đôla để tăng cường an ninh.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố:
“Khu vực này không nên được thực thi, và Trung Quốc phải tự chế trước các hành động đơn phương tương tự ở những nơi khác trong vùng, nhất là trên không phận biển Nam Trung Quốc.”

Ông Rick Fisher thuộc Trung tâm Sách lược và Thẩm định Quốc tế nói việc củng cố quân sự của Trung Quốc biện minh cho chính sách xoay trục châu Á của Washington. Ông nói:
“Nhưng trong lúc Trung Quốc tăng cường hành động, và trong lúc họ gia tăng áp lực, thì nó cũng tăng thêm áp lực đối với Hoa Kỳ phải xét lại việc cắt giảm quốc phòng, xét lại sách lược của Mỹ và tăng tốc các chuẩn bị quân sự.”

Trước việc gia tăng hoạt động quân sự của Hoa Kỳ và Trung Quốc có tiềm năng đưa đến các vụ đụng độ bất ngờ, các lân quốc Á châu như Nhật Bản, Ðài Loan, Việt Nam và Philippin tiếp tục đề cao cảnh giác.

Tin liên quan :


No comments:

Post a Comment

View My Stats