BBC
Cập nhật: 09:52 GMT - thứ
ba, 24 tháng 12, 2013
Thay cho các chiến dịch 'phê phán', 'công kích', Đảng
Cộng sản và chính quyền Việt Nam nên cho công bố đầy đủ các ý kiến, quan điểm
và mở ra các cuộc 'hội thảo, thảo luận' công khai trao đổi với những người có ý
kiến khác như các ông Lê Hiếu Đằng hay Tống Văn Công, theo một ý kiến quan sát
từ Việt Nam.
Việc có ý kiến khác, hay thậm
chí tuyên bố ly khai của một số thành viên của Đảng cộng sản và các tổ chức
chính trị do Đảng lãnh đạo chưa hẳn sẽ tạo ra các 'phong trào số đông' như quan
ngại của chính quyền, song lại thể hiện 'mức độ tự do của các cá nhân' trong xã
hội, theo một nhà quan sát khác từ Hà Nội.
Hôm thứ Hai, 23/12, tờ Quân đội
Nhân dân đã có bài báo được cho công kích ông Tống Văn Công với tựa đề
"Hãy tỉnh táo nhận ra cái tất yếu, tránh bị đào thải', trong khi hôm Chủ
Nhật, tờ Hà Nội Mới có bài viết với tựa đề 'Hiện tượng Lê Hiếu Đằng và quy luật
đào thải' có nhiều lời lẽ mang tính 'công kích' ông Lê Hiếu Đằng.
Bài báo trên tờ Quân đội Nhân
dân cảnh báo ông Tống Văn Công, nguyên Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết cần 'tỉnh
táo nhận ra cái tất yếu' để 'tránh bị đào thải', trong khi tờ Hà Nội mới sử
dụng các từ ngữ như 'trở cờ', 'cơ hội', 'lạc lõng', 'mưu cầu thỏa mãn cái tôi
cá nhân' v.v... được cho là để 'công kích' luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận với BBC hôm thứ Hai
về hai bài báo trên, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban tư vấn
của Thủ tướng Chính phủ cho hay ông 'không ngạc nhiên' về diễn biến này.
Ông nói: "Tôi không ngạc nhiên về việc một số tờ báo lề phải đã và sẽ có
những bài có tính tranh luận một cách gay gắt, hay người khác dùng chữ 'đả
kích' và dùng những từ nặng lời để nói về một số những người như là ông Lê Hiếu
Đằng hay là bài của ông Tống Văn Công."
"Tôi nghĩ rằng những cách làm như vậy sẽ
không giúp chúng ta đi đến sự thật, điều quan trọng hơn rất nhiều là chúng ta
phải có sự trao đổi một cách thực sự cầu thị, thảo luận với nhau về những ý
kiến còn khác nhau, để đi đến một nhận định chung, một sự thống nhất nhất
định."
'Quyền tự do công dân'
Tờ Hà Nội Mới cho rằng quyết
định ly khai Đảng của ông Lê Hiếu Đằng chỉ là 'mua vui một vài trống canh' và
'nực cười', cũng như cho rằng đây là 'một việc quá bình thường của quá trình
đào thải' mà lại được 'ồn ã thổi phồng lên' thành sự kiện.
Bình luận về hiện tượng ly khai
Đảng Cộng sản Việt Nam và một số tổ chức, hội đoàn do đảng này lãnh đạo, bà
Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký Phòng Công nghiệp và Thương Mại Việt Nam, cựu
thành viên Ban tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm với BBC, cho rằng
cần có sự bình tĩnh xem xét.
Bà nói: "Trước hết quyết định của những người đó là
quyết định cá nhân của những người đó thôi, rõ ràng khi những người đó tuyên bố
họ rút ra khỏi tổ chức này, tổ chức khác, thì họ chỉ tuyên bố quyết định của cá
nhân mình, chứ không phải là quyết định của ai khác, hay nhân danh những nhóm nào
khác,
Bà Chi Lan cho rằng chưa chắc
các quyết định cá nhân đã có thể biến thành các 'trào lưu', tuy nhiên, bà cũng
kêu gọi cần có sự tôn trọng với các quyết định cá nhân và cả cách thức thể hiện
quan điểm cá nhân, vì đó là quyền của các công dân.
Bà nói: "Cho nên cũng phải xem diễn biến nó ra sao thì mới có thể đưa ra
kết luận được. Chứ còn không phải dễ dàng để những quyết định lẻ tẻ của các cá
nhân mà có thể biến thành một trào lưu chẳng hạn. Tôi nghĩ điều đó không phải
dễ dàng xảy ra.
"Tuy nhiên, trong một xã hội ngày càng phát
triển và đa dạng như Việt Nam, mỗi người có quyền có chính kiến của mình và có
thể có những cách khác nhau để bày tỏ chính kiến, tôi nghĩ đó cũng là điều bình
thường.
"Và như vậy cũng là một biểu hiện của khả
năng mà người dân thể hiện quyền dân chủ của mình, và chính quyền Việt Nam
trong tất cả những việc đó cũng nên coi đó là thuộc về quyền tự do của công
dân, để người ta có thể có sự tự quyết định số phận của mình."
'Xu thế bình thường'
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói Đảng nên công bố đầy đủ ý
kiến của các ông Tống Văn Công, Lê Hiếu Đằng và trao đổi công khai với họ.
Là người từng theo dõi diễn
biến của Trung Quốc trong nhiều năm, trong đó có hiện tượng 'thoái đảng' của
nhiều Đảng viên ở Trung Quốc, Giáo sư Tô Duy Hợp, Giám đốc Trung tâm Khoa học
Tư duy, nguyên nghiên cứu viên cao cấp của Viện Xã hội học và Viện Triết học,
đưa ra quan sát:
"Ở các nước đang chuyển đổi từ chủ nghĩa xã
hội sang hướng dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, động thái này cũng diễn ra bình
thường, người ta ra lại vào, người ta vào lại ra, cho nên điều này chưa thể dự
báo gì rằng cái đảng ấy bị long lay cả... Hiện nay, xu thế chung là cài răng
lược, tương tác với nhau và chưa hủy diệt nhau được."
Hôm Chủ Nhật, tờ Hà Nội mới phê
phán ông Tống Văn Công là 'liều lĩnh' khi ông đặt vấn đề cần mở ra môi trường
để 'xã hội dân sự' hoạt động và có vai trò cho sự 'phát triển lâu dài của đất
nước'.
Hà Nội Mới đưa ra cáo buộc: "Rõ ràng ông đã ngầm vận động cho một
sự mất ổn định chính trị đất nước, giống như 'cách mạng màu', 'cách mạng cam'
đã từng diễn ra gần đây trên thế giới, và chính nhiều nước trong số ấy đã khủng
hoảng toàn diện, đầu rơi máu chảy, nhân dân cơ hàn."
Nhận xét về cách nhìn nhận 'xã
hội dân sự' của tờ báo, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói:
"Tôi nghĩ rằng sự lo ngại về xã hội dân sự
như vậy theo tôi hoàn toàn không phản ánh đúng thực chất của những người đã
tham gia vào diễn đàn xã hội dân sự này...
"Trên thế giới, không có ai, không có nước
nào cho rằng xã hội dân sự là một lực lượng thù địch hoặc có âm mưu gì. Hiện
nay các tổ chức như vậy ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ và họ đang làm
được rất nhiều việc, từ việc từ thiện cho đến việc giúp đỡ trẻ em tàn tật, rồi
đi về vùng sâu, vùng xa v.v...
"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc cần có một cái
nhìn thực sự cầu thị và thực tế về xã hội dân sự này, còn có ai muốn làm điều
gì đó mà cho rằng là vi phạm pháp luật, hoặc lật đổ gì đó, thì điều đó, các cơ
quan an ninh cứ đưa các chứng cứ ra và có thể sẽ được xử lý theo pháp
luật," cựu Viện trưởng Viện Quản lý
Kinh tế Trung ương (CIEM) nói với BBC từ Hà Nội.
No comments:
Post a Comment