Monday 16 December 2013

GIAN LẬN TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NGÀY CÀNG NHIỀU (Pierre Dariulat)






Pierre Darriulat


Phạm Trần Lê dịch

04:30-13/12/2013

Tình trạng chạy theo thành tích khoa học dựa trên công bố quốc tế  và các con số thống kê mang tính hình thức dẫn đến gian lận đang ngày càng phổ biến trên thế giới, một vấn đề cũng không phải xa lạ đối với Việt Nam.

Năm nay Mặt trời có nhiều biến động mà chúng tôi không lý giải được khi quan sát qua kính thiên văn radio. Vì không phải chuyên gia trong ngành nên chúng tôi liên hệ một số chuyên gia quốc tế đề nghị họ giải thích giúp hiện tượng này. Tuy nhiên không ai lý giải được. Thế nên chúng tôi viết một bài báo kể lại kết quả mình ghi nhận được và gửi tới tạp chí khoa học danh tiếng nhất trong ngành, với hi vọng rằng vị trọng tài của tạp chí sẽ giúp lý giải rõ ràng. Nhưng rồi vị này cũng không làm được, tuy nhiên ông ta đồng ý cho công bố bài báo. Đến đây xuất hiện vị biên tập viên của tạp chí và câu chuyện thực sự trở nên thú vị. Dường như vị này chẳng hề hiểu nội dung bài báo của chúng tôi, nhưng vẫn gửi nó lại kèm theo vài chục yêu cầu về “cải thiện phong cách viết”, như thay cụm từ “một hàm bậc ba” bằng “một hàm lập phương”, hay thay ý “tìm một hiệu ứng công cụ” (instrumental effect) bằng ý “tìm các hiệu ứng công cụ”.

Vậy là do được trả tiền tính theo số lượng điều chỉnh đề xuất nên trí tưởng tượng của ông ta mới có thể sáng tác ra những yêu cầu điều chỉnh tinh tế đến vậy.

Gần đây tôi được dự một hội thảo tổ chức tại một trường đại học ở Hà Nội, một diễn giả được giới thiệu như sau: “diễn giả của chúng ta hôm nay là ông… từ trường đại học…, là tác giả của 163 công bố khoa học, hôm nay ông sẽ trình bày về…”. Cũng gần đây tôi muốn liên hệ với một chuyên gia người Trung Quốc chuyên về lĩnh vực truyền sóng qua tầng điện ly, người mà tôi có biết tên tuổi. Để tìm Email của ông ta, tôi tra cứu trên mạng Internet và tìm thấy ở trang scholar.google.com một số nội dung, bao gồm một tấm ảnh chân dung, tên cơ quan, Email, và một danh mục liệt kê số lượng trích dẫn từ những bài báo do ông viết (406 trích dẫn), chỉ số “h-index” (11), chỉ số “i-index” (14), kèm theo một biểu đồ thể hiện mức tăng giảm trích dẫn qua các năm.

Vậy là những con số thống kê đang ngày càng lấn át…


Hộp thư điện tử của tôi thỉnh thoảng nhận được những lời mời chào tham dự ban biên tập của những tạp chí khoa học mới ra đời, trong những lĩnh vực mà tôi hoàn toàn không am hiểu chuyên môn. Ban đầu, tôi cứ nghĩ người ta gửi thư đến do nhầm lẫn… nhưng hóa ra không phải vậy. Đồng thời, xen giữa những thư có nội dung quảng cáo nước mắm, hay những thư mời tôi liên hệ một cô gái X nào đó đầy trẻ trung quyến rũ đang sẵn lòng trao gửi tình yêu, là những thư đề nghị tôi viết bài công bố trên những tạp chí này.

Vậy là tiếp thị đang ngày càng phổ biến…

Chúng ta chẳng thể trách ai, vì những hiện tượng kể trên tất cả chính do chúng ta không thực sự đào tạo ra các nhà khoa học, và đây chính là hậu quả nhãn tiền.
Báo chí khoa học đang trong cơn khủng hoảng. Số lượng các tạp chí và bài báo vẫn tăng đều đặn hằng năm ở mức 5%, đạt tới gần 30 nghìn tạp chí và 2 triệu bài báo trong năm 2012. Do khách hàng chủ yếu là thư viện các trường đại học, các nhà xuất bản nắm quyền kiểm soát thị trường và tự do tăng giá một cách phi lý (tăng tới 145% ở Harvard). Thị trường béo bở này đã thu hút nhiều những tổ chức được gọi là “nhà xuất bản săn mồi”, nơi đẻ ra những tạp chí chất lượng thấp không có bình duyệt hoặc đòi hỏi rất ít bình duyệt, và sử dụng tên các nhà khoa học đưa vào danh sách biên tập viên và thẩm định viên mà không hề thông báo cho họ biết. Hiện tượng đầu cơ kiếm lời trở nên phổ biến: trong vòng 10 năm qua, Springer, một nhà xuất bản danh tiếng, đã được mua đi bán lại tới ba lần.

Những doanh nghiệp lớn (như Google, Thomson Reuters) đã nghĩ ra những hệ thống đo lường chỉ số ảnh hưởng (impact factor) và chỉ số trích dẫn (citation index) để đánh giá chất lượng các nhà nghiên cứu. Trong thực tế, các nhà nghiên cứu phải làm việc (tạo ra các bài báo khoa học) nhưng không được trả tiền công, thậm chí còn phải trả tiền để được xuất bản. Nếu nhà khoa học không trả tiền thì các thư viện (tức là công chúng trong đó có các bạn và tôi) phải trả, trong khi những kẻ bóc lột (chính là các nhà xuất bản) chỉ việc ngồi thu tiền.

Các cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu và các nhà quản lý khoa học được khuyên là nên dùng chỉ số ảnh hưởng và chỉ số trích dẫn để đưa ra những quyết định có tính định đoạt sự nghiệp các nhà khoa học và nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu của họ. Những vị quan liêu rất thích điều này; sử dụng các con số mang lại cho họ cảm giác khách quan. Chẳng cần phải dựa vào đánh giá của chuyên gia, đến robot cũng có thể đưa ra quyết định, đơn giản là chỉ cần áp dụng các quy tắc. Mà quy tắc thì không thể thay đổi linh hoạt, mặc dù người ta vẫn nói là ở một số quốc gia các quy định có thể bị bẻ cong bởi những phong bì trao dưới gầm bàn.

Hậu quả là các nhà khoa học bị áp lực từ các cơ quan cấp kinh phí đòi hỏi họ phải công bố ngày càng nhiều. Để thích nghi, người ta gian lận nhiều hơn. Trong số 2000 bài báo khoa học bị hủy tính từ năm 1977 đến nay, có 866 bài là gian lận, 201 bài do đạo văn. Có bài báo được gửi tới nhiều tạp chí để rồi được vài nơi cùng công bố. Cùng một dự án nghiên cứu có khi được người ta đăng ký ở các cơ quan cấp kinh phí dưới các phiên bản bề ngoài khác nhau, tên gọi khác nhau. Đạo văn trở nên quá dễ dàng với sự hỗ trợ của Internet và thao tác cắt dán đơn giản. Mà như chúng ta đã biết, Việt Nam cũng không ngoại lệ với những vi phạm đạo đức khoa học như vậy.

Trong khi đó, chất lượng bình duyệt đang suy giảm. Từ tháng 1 tới tháng 8 năm 2013, John Bohannon gửi một bài báo khoa học ngụy tạo tới 304 tạp chí sở hữu bởi những nhà xuất bản hoạt động theo phương thức thu tiền người gửi bài và cho phép truy cập mở (fee-charging open access publishers). Bài báo này của John được cố tình đưa vào những sai sót khoa học hiển nhiên mà đáng lẽ các biên tập viên và thẩm định viên phải nhanh chóng bác bỏ trong quá trình bình duyệt, nhưng trong thực tế có tới 60% tạp chí chấp nhận đăng. Tương tự như vậy, một nhóm nghiên cứu người Việt từng tạo ra một bài báo bằng cách cắt dán nội dung các bài báo khác từng được đăng rồi bổ sung thêm những câu văn vô nghĩa, sau đó gửi đăng một số tạp chí bình duyệt và được chấp nhận, trong đó có cả Progress in Theoretical Physics, một tạp chí uy tín của Nhật Bản.

Chúng ta cần áp dụng những điều hay, đồng thời sàng lọc bớt những điều không phù hợp của các tạp chí truy cập mở (hiện vẫn đang là đề tài gây nhiều tranh cãi, bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi nhiều bài viết về vấn đề này trên Internet), tạp chí truy cập không giới hạn qua Internet, tới những tạp chí được giới hàn lâm bình duyệt trong đánh giá hiệu suất của nhà khoa học. Nhưng riêng đối với các cơ quan cấp kinh phí nghiên cứu, ví dụ như Nafosted cần phải hiểu rõ rằng số lượng công bố khoa học chỉ là một trong nhiều tiêu chí làm căn cứ để tài trợ một nhóm nghiên cứu nào đó. Hiển nhiên là một một nhóm nghiên cứu trẻ đi tiên phong cho một hướng nghiên cứu mới mẻ đáng quan tâm thì cũng xứng đáng được hưởng sự tài trợ cần thiết, cho dù số lượng công bố khoa học mà họ làm ra trong ít năm tới sẽ bị giới hạn – một bài báo hay còn giá trị hơn mười bài báo ở mức độ chấp nhận được.

Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạm thời không áp dụng theo hệ thống xếp hạng Thượng Hải1 vì nó chưa thiết thực với Việt Nam trong khi nền giáo dục còn những thách thức cấp bách hơn. Chúng ta cần đảm bảo rằng sinh viên và các nhà nghiên cứu được truy cập hệ thống tài liệu nghiên cứu khoa học một cách dễ dàng tối đa, không bị trở ngại bởi những lo toan về chi phí; hãy loại bỏ vấn đề tiền bạc ra khỏi việc phổ cập tri thức. Và chúng ta phải đảm bảo rằng ý thức sâu sắc về sự trung thực, đạo đức và tính liêm chính trong khoa học được phục hồi trong các hoạt động học thuật.

        Phạm Trần Lê dịch

----

1 Hệ thống xếp hạng các trường đại học trên thế giới (Academic Ranking of World Universities, viết tắt là ARWU), hay còn gọi là Hệ thống Xếp hạng Thượng Hải, là một ấn phẩm được xây dựng bởi Đại học Giao thông Thượng Hải nhằm xếp hạng các trường đại học trên toàn cầu, được tiến hành từ năm 2003 và cập nhật hằng năm. Từ năm 2009 nó được xuất bản bởi cơ quan Tư vấn Xếp hạng Thượng Hải. Chính phủ Trung Quốc ủng hộ hệ thống xếp hạng này, coi đây là căn cứ đánh giá chất lượng đại học trên thế giới để các đại học Trung Quốc xem xét tham khảo, đặc biệt là trên tiến trình phấn đấu bám đuổi các đại học thế giới trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

ARWU là ấn phẩm đầu tiên xếp hạng đại học toàn cầu và được ghi nhận về tính nhất quán và khách quan khi so sánh với các hệ thống xếp hạng đại học quốc tế khác, nhưng cũng bị phê phán vì quá chú trọng vào các ngành khoa học tự nhiên, và chú trọng chất lượng nghiên cứu hơn chất lượng đào tạo.

(Chú thích của người dịch căn cứ theo thông tin từ Wikipedia)
http://en.wikipedia.org/wiki/Academic_Ranking_of_World_Universities


No comments:

Post a Comment

View My Stats