Thursday, 12 December 2013

CÓ THỂ NÀO ĐẤT NƯỚC ĐÃ ĐẾN HỒI MẠT VẬN, MỌI GIÁ TRỊ CHUẨN MỰC ĐANG BỊ ĐẢO LỘN ? (Hoài Linh Dương)




Hoài Linh Dương 
12-12-2013

Hai mươi sáu năm mới gặp lại Nhất, không phải trên FB, nơi bắt đầu những mối quan hệ và cũng là nơi bẻ gãy các mối quan hệ, mà là trên những trang blog thấm đẫm một cá tính rất Quảng Nam, mảnh đất mà Nhất đang sống-"Một góc nhìn khác".

Những vấn đề Nhất đề cập không mới, cũng là những điều mà hầu hết những người có chút ít tri thức đang trăn trở,nhưng cách suy nghĩ thì rất mới. Đó là cách lập luận, diễn đạt trực diện, thẳng thắn, không quanh co,  úp mở. Dù không đồng tình với một vài quan điểm mình vẫn phải thừa nhận rằng Nhất là người rất có chí khí. Đó không hề là chí khí của một kẻ thất phu, một kẻ không biết mình là ai như luận điểm mà bài báo rẻ tiền kia cố tình ghán ghép, mà đó là chí khí của một kẻ rất hiểu rõ giá trị của mình, một công dân trong một nước độc lập.

 "Một góc nhìn khác"của Nhất chính vì vậy không phải là góc nhìn của một kẻ tự cuồng, tự cho mình là vĩ nhân để đi phê phán người khác. Nó xuất phát từ một cái quyền rất căn bản của con người đó là quyền tự do ngôn luận. Quyền này rành rành trong hiến pháp Mỹ 1789,trong tuyên ngôn nhân quyền mà Việt Nam là một thành viên và cũng có trong cả hiến pháp CHXHCN Việt Nam 1992(Điều 69 hiến pháp 1992,điều 4 luật báo chí). Thế Trương Duy Nhất có lợi dụng quyền đó để xâm phạm lợi ích nhà nước XHCN không?  Thế nào là lợi dụng và thế nào là xâm phạm? 

Văn bản pháp luật mang tính quy phạm chặt chẽ không thể có lối nói trừu tượng, chung chung mà phải cụ thể. Về điểm này rõ ràng để luận tội Nhất chỉ là một cách ghán ghép.áp đặt và bao biện. Vì rõ ràng Nhất chỉ"lợi dụng"quyền của người công dân để "xâm phạm"vào lợi ích của các nhóm , tập đoàn tham nhũng,của những phe cánh ăn trên mồ hôi nước mắt của đồng loại. Nếu buộc Nhất ở mặt này trước hết phải buộc tội ông Trương Tấn Sang người tuyên bố"tham nhũng là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết",của ông Nguyễn Phú Trọng: "cả một bầy sâu ,chúng ăn hết phần của dân", của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: "ăn hết của dân không chừa một thứ gì". Tại sao quan nói được mà dân thì không thể?

 Nói Trương Duy Nhất đi ngược lại quan điểm và lương tâm người cầm bút. Thế thì quan điểm và lương tâm người cầm bút là gì? Đó phải chăng là lên tiếng bảo vệ sự thật và trung thành với sự thật? Thế thì hãy lược lại tất cả những bài báo của Nhất thử xem bài nào không đúng sự thật. Chẳng lẽ nói Thủ Tướng viết không đúng chính tả là sai sự thật, chẳng lẽ nói kinh tế Việt Nam" tuột dốc, lạc hậu ,nát bươm..." là sai sự thật, trong khi các báo cáo kinh tế của Bộ Tài Chính, Bộ Đầu Tư Kế hoạch, các công ty tập đoàn đang chỉ ra kinh tế Việt Nam đang ở trên mây ?

.Một lối quy chụp vô căn cứ. Bài "Chất lượng chính phủ quá tệ" cũng chỉ là một bài tổng kết đánh giá ý kiến bạn đọc trên chính trang blog của Nhất nhưng cũng phản ánh khá chính xác cách nhìn của nhân dân hiện nay với chất lượng chính phủ hiện tại. Dựa trên cơ sở nào để nói đó là một bài viết bịa đặt, xấc láo? 

Nói Trương Duy Nhất bẻ cong ngòi bút là cách nhìn của một kẻ thiểu năng về trí tuệ. Văn học, báo chí, blog là những phương tiện thông tin phản ánh hiện thực. Một xã hội tốt đẹp cũng có những mặt trái của nó và cũng cần những nhà văn ,phóng viên đi sâu phản ánh cái mặt trái đó để mang lại ý nghĩa nhân bản, giáo dục con người. Thế mới có dòng văn học hiện thực phê phán, dòng báo chí cách mạng...Huống chi xã hội hiện tại đang trên đà băng hoại các giá trị đạo đức,giá trị làm người đang ở mức thấp nhất. Điều này đã được mặc nhiên thừa nhận từ chính những người trong cuộc,từ những cán bộ cộng sản lão thành, từ đại đa số các tầng lớp nhân dân và từ chính những người đang nắm những cương vị cao nhất của cái chính thể nhà nước hiện tại. Tô hồng xã hội hiện nay một cách khiên cưỡng mới là "bẻ cong ngòi bút". 

Một xã hội luôn có hai mặt ,nếu cái tốt đè bẹp cái xấu, cái thiện lấn cái ác, cái tích cực phủ nhận cái tiêu cực thì có lẽ xã hội Việt Nam 68 năm qua đã tiến tới thiên đường CSCN, và có lẽ những bài báo của Trương Duy Nhất nếu bỏ vào thùng rác thì cũng phải nói là đã làm ô nhiễm cái thùng rác đó.  Nói chi blog của Nhất có hàng trăm,hàng ngàn độc giả trên khắp mọi miền đất nước truy cập vào. Những người này không hề ngu, chỉ có điều họ không thể là con chiên nhẹ dạ của một thứ tín ngưỡng ngoại lai, không tưởng...Ngòi bút của Nhất vì thế không hề bị bẻ cong mà trái lại nó vẫn rất thẳng. 

Việc từ bỏ báo sang viết blog là để giữ cho độ thẳng của ngòi bút đó. Nó chưa đến nỗi có sức mạnh như"trăm vạn hùng binh"(Nguyễn Trãi) nhưng ít ra nó cũng "đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"(Nguyễn Đình Chiểu).Nó đi sâu vào lột trần ngóc ngách của tham nhũng, của các nhóm lợi ích,  của bộ máy chính quyền các cấp, của lãnh đạo nhà nước, nó khơi gợi tinh thần tự hào dân tộc trong cuộc chiến giành chủ quyền với người bạn láng giềng Trung Quốc, nó ca ngợi những người lính Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ Gạc ma, bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa...nó cổ võ phong thái lãnh đạo sáng tạo, chuẩn mực của các nguyên thủ quốc gia,cung cấp các thông tin thú vị ở hậu trường chính trị, nó bênh vực những bà mẹ VNAH, những nông dân nghèo bị cướp đất... 

Yêu nước không phải là nói tốt về đất nước bởi vì thực tế nó màu hồng hay màu đen thì tất cả đều rõ như ban ngày. Không phải ngẫu nhiên mà đội ngũ blogger đang ngày càng lớn mạnh, bởi họ đứng về phía những người dân thấp cổ bé họng. Thử hỏi họ được lợi gì trong cuộc chiến không cân sức với các thế lực cầm quyền? Danh tiếng hay tiền tài,vật chất? Hoàn toàn không, đổi lại là sự an toàn bị đánh mất, tính mạng có thể bị đe dọa, tự do bị cướp đoạt vào bất cứ lúc nào. Nói rằng các blogger như Nhất đang xuyên tạc sự thật, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, gây hoang mang mất lòng tin trong quần chúng...là một cách nhìn suy diễn, cảm tính và đầy chủ quan.

Trong một hình thái nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân ...thì Đảng và nhà nước chỉ đại diện cho một giai đoạn lịch sử nhất định. Người dân có quyền phản kháng hoặc lật đổ các thể chế chính trị mà theo họ là bất công thối nát...một cách ôn hòa bằng các hình thức bất bạo động. Chỉ cần họ không xâm phạm đến tính mạng và tài sản công dân...tức là không vi phạm pháp luật. Do vậy cũng đã qua rồi cái thời các trung thần can vua thì bị bắt bỏ vạc dầu sôi, cũng đã đến lúc cáo chung các chế độ độc tài đàn áp bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Bởi thể chế ,lãnh tụ ,đảng phái ... chỉ đại diện cho một tầng lớp giai cấp nhất định, không thể đại diện cho tất cả người dân. Tất cả các quan điểm chính trị khác nhau đều phải được tôn trọng, khuyến khích trong một xã hội thật sự dân chủ. 

Loài người từ khi thoát thai từ loài vượn đã trải qua nhiều hình thái xã hội, nhiều chế độ chính trị, tôn giáo khác nhau. Từ trong các cuộc cách mạng đầy máu và nước mắt họ biết rút ra bài học cho dân tộc mình. Một dân tộc có lẽ chưa chắc đúng nhưng đã tạo ra một xu hướng chung của cả loài người thì không hề sai. Việc lật đổ tượng đài Lê nin của người dân Ucraina cách đây vài ngày lại là một minh chứng sống động cho việc nhân loại đã quyết tâm đoạn tuyệt hẳn với CNCS. Thế nhưng trong khi cả thế giới hướng về đám tang của Nelson Mandela một biểu tượng của nhân quyền, của lòng bác ái thì đâu đó trên đất nước này, nhân quyền vẫn là một món thực phẩm rất xa xỉ, chỉ có trên bàn tiệc của những kẻ có chức quyền. Các blogger vẫn bị bắt, bị hành hung ,đánh đập lăng nhục...và những ngày sắp tới một blogger nữa lại được đưa ra xét xử vì những tội mà họ không hề mắc phải.

Có thể nào đất nước đã đến hồi mạt vận, mọi giá trị chuẩn mực đang bị đảo lộn? Dù sao thì chúng ta cũng phải tin dân chủ là một ý thức bản năng của con người, nó không thể vì bạo quyền mà mất đi. Và quyền được sống tự do ,hạnh phúc cũng vẫn sẽ là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người. Gởi về Nhất những tình cảm thắm thiết, tự hào khi bạn vẫn không chịu cúi đầu. Và mong rằng bạn sẽ bước ra từ phiên tòa sắp tới với phong thái tự tin của một người biết nắm lấy vận mạng của chính mình.

 Dương Hoài Linh.

---------------------------------------------------

Posted by diendanxahoidansu  on 11/12/2013



No comments:

Post a Comment

View My Stats