Tóm tắt
Bản báo cáo này của Mạng Lưới Blogger Việt Nam (1)
nhằm mục đích cung cấp một tường trình đầy đủ về những hành vi đàn áp của cơ
quan công quyền tại Việt Nam đối với một số công dân - những người chỉ thực thi
ôn hòa quyền tự do biểu đạt và tự do tụ tập của họ nhân kỷ niệm Ngày Nhân quyền
Quốc tế 10/12.
Bối cảnh
Vào ngày 12/11/2013, Việt Nam được Đại Hội đồng Liên
Hợp Quốc bầu là một trong 14 thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
(UNHRC) nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam trúng cử với 184 phiếu thuận trên tổng số
192 phiếu bầu, cao hơn tất cả các ứng viên khác, và điều này được báo chí Việt
Nam nhấn mạnh là “sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu gần
đây” (2) của Việt Nam” trong lĩnh vực nhân quyền.
Một mặt, Chính phủ Việt Nam tái khẳng định rằng họ
“tôn trọng và thực thi đầy đủ tất cả các cam kết về nhân quyền”. Phái đoàn
thường trực của nhà nước CHXHCN Việt Nam tại LHQ, trong một bản cam kết đề ngày
27/8/2013, tuyên bố rằng Việt Nam sẽ thực thi 14 cam kết tự nguyên, bao gồm cả
“Thúc đẩy giáo dục nhân quyền để tăng cường nhận thức và năng lực cho các cơ
quan hành pháp để đảm bảo tốt hơn các quyền và tự do căn bản của người dân”.
Tuy nhiên, mặt khác, chính quyền lại ra sức ngăn
chặn các hoạt động cổ vũ nhân quyền bên trong nước, và đã gia tăng mức độ đàn
áp các nhà hoạt động nhân quyền, trong đó có cả blogger.
Phá buổi thả bóng bay tại Hà Nội
Vào ngày 6/12/2013, Mạng Lưới Blogger Việt Nam đăng
tải trên website của họ một thư mời (3) tham gia các hoạt động hội họp, nêu rõ:
“Trong bối cảnh Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Mạng Lưới
Blogger Việt Nam sẽ tổ chức những sinh hoạt quảng bá, phát huy và vinh danh các
giá trị nhân quyền”. Các sự kiện được dự kiến diễn ra vào ngày 8 và 10/12 tại cả
Hà Nội và TP. HCM.
Ngay sau khi Mạng Lưới công bố thư mời trên mạng,
tất cả các thành viên Mạng Lưới đã bị công an và lực lượng dân phòng (4) theo
dõi rất chặt. Điện thoại của nhiều thành viên bị nghe trộm, một số người gần
như bị giữ chân trong nhà. Trong số này, có Nghiêm Việt Anh và Nguyễn Đình Hà,
hai blogger từng đến Đại sứ quán Thụy Điển hôm 7/8 để trao bản Tuyên bố 258 của
Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Blogger Nghiêm Việt Anh cho biết ông chưa bao giờ
bị theo sát đến thế, bởi một đội dân phòng và công an thường phục, túc trực ở
cổng nhà ông suốt mấy ngày, kể cả ban đêm. Nguyễn Đình Hà bị ngăn, không cho ra
khỏi nhà, và khi anh cố gắng thoát ra để đi làm, thì anh liền bị công an địa
phương đẩy trở lại vào trong. Một blogger ở Nha Trang, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
(tức Mẹ Nấm), cho biết đường truyền Internet nhà chị bị cắt vào các buổi tối.
Trước buổi kỷ niệm ở Hà Nội, một kiện áo phông in
hình logo của Mạng Lưới Blogger Việt Nam, gửi từ TP.HCM, đã bị công an trạm
kiểm soát nhà ga Hà Nội tịch thu không lý do.
Theo lời mời của Mạng Lưới, ngày 8/12, một nhóm
blogger đến Công viên Thống Nhất ở trung tâm Hà Nội để thả bóng bay và phân
phát các tài liệu về nhân quyền. Bóng bay có in dòng chữ “Quyền con người của
chúng ta phải được tôn trọng”. Các tài liệu về nhân quyền gồm có: một bài viết
về quyền con người căn bản, toàn văn Công ước Quốc tế chống tra tấn mà Việt Nam
là một bên tham gia ký kết, và một bài viết giới thiệu về Công ước này.
Tác giả ảnh - Blogger Gió Lang Thang (Mạng Lưới
Blogger Việt Nam)
Ngay từ sáng sớm, công viên đã đầy công an, dân
phòng, và thành viên các “hội phụ nữ tự quản” (5). Công an mặc thường phục có
mặt khắp nơi trong khu vực, và có 10 xe công an đậu sẵn trước cổng chính trên
đường Trần Nhân Tông. Vào khoảng 3h chiều, khi các blogger đến công viên, bắt
đầu phân phát bóng và tài liệu nhân quyền, họ nhanh chóng bị các lực lượng trên
bao vây và đông áp đảo. Hàng chục công an, dân phòng, phụ nữ ra sức đuổi các
blogger đi. Một vài phụ nữ dùng loa phóng thanh yêu cầu giải tán. Những chiếc
loa điện đó cho thấy rõ rằng các phụ nữ “tình nguyện” này đã có sự chuẩn bị rất
kỹ từ trước.
Ảnh: Một dân phòng đeo băng đỏ và một phụ nữ “tự
quản”. Tác giả: Mai Xuân Dũng
Các blogger không chịu đi chỗ khác, và khi có nhiều
người trẻ, kể cả trẻ em, háo hức tham gia thổi bóng, công an và dân phòng phản
ứng lại bằng cách dí đầu thuốc lá đang cháy vào bóng cho nổ. Họ cũng giật lấy
các tài liệu về nhân quyền và xé rách. Một số người giật được tài liệu xong thì
chạy mất. Tệ hơn nữa, công an mặc thường phục và dân phòng bắt đầu đánh lén các
blogger, sau đó thủ phạm thường là chạy mất hoặc len vào đám đông ngoài phố,
nên không còn biết ai đánh blogger nào và đánh như thế nào. Một blogger nữ, Đào
Trang Loan (tên Facebook là Hư Vô), 23 tuổi, bị đấm nhiều lần từ phía sau và
thậm chí còn bị tát thẳng vào mặt.
Ảnh: Công an mặc thường phục và dân phòng tấn
công người tổ chức kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế ở Hà
Nội. Tác giả:
Blogger Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam (MLBVN).
Trung úy công an Nguyễn Vũ Huy, số hiệu 127-459,
giật balô của Phạm Minh Vũ (tức blogger Sep Pham) và bỏ chạy khi mọi người hô
“cướp, cướp!”. Một đoạn phim quay cảnh giật balô và chạy này được tung lên mạng
vài giờ sau đó và lan đi rất nhanh. (6)
Không giải tán được đám đông, công an thường phục và
dân phòng liền hành hung tập thể hai blogger Lê Đức Hiền và Phạm Minh Vũ,
khoảng vào lúc 4h15 chiều. Bị áp đảo bởi đám đông hung hãn, các blogger buộc
phải ngừng hoạt động của họ. Thậm chí, ngay cả khi họ rời công viên lúc 5h
chiều, các blogger này vẫn còn bị công an và dân phòng lao vào đánh, giật đồ
ngoài phố.
Ảnh: Công an tịch thu những quả bóng bay có hàng
chữ “Quyền con người của chúng ta phải được tôn
trọng”. Tác giả: Gió Lang Thang (MLBVN).
Dùng
cả “bom bẩn”
Tại TP.HCM cùng ngày, những cuộc kỷ niệm Ngày Quốc
tế Nhân quyền, theo kế hoạch, sẽ diễn ra tại Công viên 23 tháng 9, nằm gần vòng
xoay Quách Thị Trang, Quận 1, trung tâm Thành phố, từ 5 đến 7h.
Theo đúng kế hoạch, vào lúc 5h chiều, khoảng 20
blogger, trong đó có Nguyễn Hoàng Vi (tức An Đổ Nguyễn), Nguyễn Thảo Chi (Mss
Sapphire), Phạm Lê Vương Các (Cùi Các), Hoàng Dũng, Phạm Chí Dũng, đã có mặt
tại địa điểm. Nhiều người qua đường cũng tham gia và tất cả họ làm thành một
đám đông khoảng 200 người.
Ảnh: Blogger kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế ở
TP.HCM. Nguồn ảnh: Mạng Lưới Blogger Việt Nam.
Sau đó họ nhanh chóng bị công an, dân phòng và “quần
chúng” bao vây, quấy rối họ và gây mất trật tự để đánh lạc hướng sự chú ý. Một
số phụ nữ cao tuổi, hội viên của hội phụ nữ địa phương, cũng tham gia xin bóng
và bóp cho nổ, ngay trước mặt người qua đường, trong đó có cả trẻ em. Nhiều bản
Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền bị giật và xé rách.
Lực lượng công quyền trở nên hung hãn hơn khi các
blogger chuẩn bị ngồi thành một vòng tròn để thảo luận về các tài liệu nhân
quyền được phân phát. Cũng tương tự như tại buổi kỷ niệm trước đó ở Hà Nội, họ
đánh lén các blogger. Châu Văn Thi (tức Yêu Nước Việt) bị đánh từ phía sau. Anh
bị thương, vỡ cả kính. Kẻ đánh anh chạy mất.
Nguyễn Tuấn Anh, cán bộ Thành đoàn TP.HCM, bị quay
phim vào lúc anh ta giật tài liệu từ tay Nguyễn Hoàng Vi, xô ngã Vi và bỏ chạy,
cầm theo số tài liệu vừa lấy được. Hành vi của anh ta cấu thành tội “cướp giật
tài sản”, vi phạm Điều 136 Bộ luật Hình sự Việt Nam, như luật sư Trịnh Hữu Long
chỉ ra sau đó trong một bài viết đăng trên blog. (7)
Ảnh: Công an mặc thường phục và dân phòng ném mắm
tôm. Tác giả: Blogger Nguyễn Hoàng Vi (Dân Làm Báo)
Tệ hại nhất là, công an mặc thường phục và dân phòng
đã ném mắm tôm (8) vào những người mà họ cho là thành viên của Mạng Lưới
Blogger Việt Nam. Các blogger, dây phải loại “bom bẩn” này, bị sốc và cuối cùng
phải giải tán.
Nguyễn Nữ Phương Dung (tức blogger Miu Mạnh Mẽ) giận
dữ viết trên Facebook sau đó: “Khi chúng tôi tỏ ra ôn hòa ngồi hát cùng nhau
thì côn đồ xăm trổ khắp mình trông rất dữ tợn ở đâu xông tới đánh anh Châu Văn
Thi tới tấp và những bọc mắm tôm ném vào chúng tôi.... Khi xung quanh có khá
nhiều trật tự đô thị, công an giao thông, 113 đứng đó khoanh tay đứng nhìn
những điều tồi tệ đó xảy ra với chúng tôi....
Chúng ta đã mất nhân quyền thật rồi, người đi truyền
bá về nhân quyền mà bị đối xử thô bạo như thế ư? Chúng tôi đã tỏ ra quá ôn hòa
với các anh rồi, đổi lại các anh đối xử bằng côn đồ và bạo lực với chúng tôi
như thế sao? Vậy xin gia nhập vào Hội đồng Nhân quyền LHQ để làm gì?”. (9)
Ảnh: Blogger Miu Mạnh Mẽ – Nguyễn Nữ Phương Dung trong chiếc áo của Mạng Lưới Blogger Việt Nam
Hành hung
Hành động đàn áp của công an với blogger không dừng
lại. Ngược lại, đàn áp leo thang tới đỉnh điểm vào Ngày Nhân quyền Quốc tế
10/12 tại TP.HCM. Khoảng 10 blogger, những người chỉ thực thi quyền tự do ngôn
luận của họ một cách ôn hòa, đã bị đàn áp thô bạo khi họ chuẩn bị tham dự một
cuộc gặp để tôn vinh các giá trị nhân quyền và chính thức ra mắt Mạng Lưới
Blogger Việt Nam.
Hàng chục công an, dân phòng và phụ nữ tự quản đã
bao vây nhà Nguyễn Hoàng Vi, lúc đó có cả Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức Mẹ Nấm) và
bé trai 13 tháng tuổi con của Quỳnh. 5h chiều, khi Vi và Quỳnh chuẩn bị ra khỏi
nhà - Vi đi đến chỗ gặp và Quỳnh đưa con về – thì những người kia xông vào nhà
và đánh đập họ. Những phụ nữ đó đã đấm, tát, túm tóc lôi Vi và Quỳnh vào trong,
thậm chí còn giật con gấu bông khỏi tay con trai của Quỳnh, khiến đứa bé khóc
thét vì sợ hãi. Điều đáng nói là trong lúc những phụ nữ nọ hành hung Vi và
Quỳnh, thì công an và dân phòng đứng thành vòng tròn xung quanh để che cho thủ
phạm.
Nguyễn Tiền Tuyến, người cùng thuê nhà với Vi, có
bầu bảy tháng, cũng bị đánh khi cô cố gắng can ngăn, không để đám phụ nữ hành
hung Vi và Quỳnh. Vài người đi đường, nghe tiếng ồn, chạy lại giúp, liền bị
công an đứng bên ngoài chặn lại và xua đi.
Vụ hành hung kéo dài khoảng 15 phút, sau đó, công an
khóa cửa nhốt cả Vi, Quỳnh, và Tuyến ở trong nhà. Hình ảnh và một đoạn video
clip về vụ tấn công được Quỳnh post lên Facebook cá nhân (10), lan nhanh và gây
ra một sự phẫn nộ trong cộng đồng Facebook. Một số blogger đến giúp ba người
phụ nữ và đứa trẻ, nhưng tất cả đều bị công an đánh đập bằng nắm đấm và mũ bảo
hiểm. Blogger Hoàng Văn Dũng (Hoàng Dũng CDVN), thành viên của phong trào Con
Đường Việt Nam, bị đánh rất dữ và ảnh chụp khuôn mặt đầy máu của anh thật sự
gây sốc. Blogger Trần Hoàng Hận (tức Go Find Freedom) bị bắt giữ tùy tiện. Anh
bị đưa về đồn công an Phường 17, Quận Gò Vấp, và được thả sau vài giờ, mặt mày
sưng tím. Ngày hôm sau Hận phải đi nằm viện.
Ảnh: Các blogger Nguyễn Hoàng Vi, Hoàng
Dũng, Trần Hoàng Hận sau khi bị tấn công (nguồn: MLBVN).
Trong khi đó, cuộc gặp của các blogger ở TP.HCM bị
hủy, vì người tham dự bị ngăn từ nhà. Một số blogger quyết định chuyển địa điểm
sang một nhà thờ để tổ chức buổi kỷ niệm. Tất cả đều bị công an hăm dọa.
Blogger Châu Văn Thi, 26 tuổi, bị chặn trên đường về nhà bởi một số người “lạ
mặt” từng đi theo anh suốt mấy ngày trước đó. Chỉ đến khi Thi xin họ đừng đánh,
họ mới để anh đi.
Tổng cộng, có 9 blogger bị hành hung trong buổi kỷ
niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế tại TP.HCM hôm 10/12, bao gồm:
1. Hoàng Văn Dũng;
2. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và con trai;
3. Nguyễn Hoàng Vi;
4. Nguyễn Tiền Tuyến;
5. Trần Hoàng Hận;
6. Nguyễn Lê Viễn Phương;
7. Võ Công Đồng;
8. Bùi Vũ Huy Hoàng;
9. Nguyễn Bá Tín.
Trong tất cả các vụ hành hung, công an không cho các
nạn nhân biết vì sao họ bị đánh.
Tại Hà Nội, một cuộc gặp để kỷ niệm Ngày Nhân quyền
Quốc tế và chính thức ra mắt Mạng Lưới Blogger Việt Nam được tổ chức ở cafe
Thủy Tạ ven hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô. Ngoài số áo phông bị tịch thu từ
trước, một banner ghi dòng chữ “Mạng Lưới Blogger Việt Nam kỷ niệm Ngày Nhân
quyền Quốc tế” cũng bị thu giữ tại nhà in trước cuộc gặp. Tuy vậy, mọi thứ diễn
ra ổn thỏa, chỉ trừ việc bị cúp điện đột xuất, sau đó công an bước vào và yêu
cầu mọi người giải tán, trước sự chứng kiến của Jonathan D. London, một học giả
đến từ Đại học Thành thị Hong Kong. Ông Jonathan D. London tham dự cuộc gặp và
đọc diễn văn với tư cách một blogger và là người ủng hộ phong trào nhân quyền –
dân chủ ở Việt Nam.
Công an tiếp tục theo sát các blogger những ngày sau
đó. Khi báo cáo được viết đến những dòng này, các blogger tham dự kỷ niệm Ngày
Nhân quyền Quốc tế tại Hà Nội và TP. HCM vẫn còn bị theo dõi rất chặt.
Quan điểm của Mạng Lưới Blogger Việt Nam
Đến giờ, chưa có lý do nào được đưa ra để giải thích
về tất cả các hành vi trấn áp, từ sách nhiễu, tịch thu và phá hủy tài liệu về
nhân quyền, ném “bom bẩn” mắm tôm, đến hành hung và bắt giữ. Tuy nhiên, Mạng
Lưới Blogger Việt Nam tin rằng, hành động mà công an và những người “ủng hộ”
công an, bao gồm cả dân phòng và phụ nữ tự quản, là nhằm đàn áp các blogger,
đặc biệt là những thành viên tích cực của Mạng Lưới, những người chỉ thực hiện
quyền tự do biểu đạt và tự do tụ tập của họ một cách ôn hòa. Hơn thế nữa, cần
lưu ý rằng, cái cách lực lượng công quyền ngăn cản blogger, không cho ra khỏi
nhà, thậm chí xông vào nhà Nguyễn Hoàng Vi để đánh đập ba phụ nữ, trong đó có
một người đang mang thai, và một đứa trẻ 13 tháng tuổi, rồi khóa cửa nhốt họ,
rõ ràng là vi phạm quyền tự do thân thể, an toàn, và tự do đi lại của công dân.
Mạng Lưới Blogger Việt Nam tin rằng bảo vệ quyền con
người là bổn phận của tất cả mọi người, không chỉ của một nhóm, một tổ chức hay
một nhà nước nào. Chúng tôi tin, mọi người Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ
góp phần vào bảo vệ nhân quyền, gồm các quyền tự do dân chủ cơ bản và phẩm giá
của hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Bằng việc phân phát tài liệu nhân quyền, các blogger
chỉ muốn thúc đẩy giáo dục về nhân quyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về
quyền, như đã được khẳng định trong cam kết thứ 5 của Phái đoàn thường trực của
nhà nước CHXHCN Việt Nam tại LHQ trong bản cam kết ngày 27/8/2013.
Bằng việc tổ chức các buổi gặp mặt ở nơi công cộng,
các blogger chỉ muốn kỷ niệm Ngày Nhân quyền Quốc tế, trong bối cảnh Việt Nam
vừa trúng cử vào UNHRC, và muốn phát huy và nuôi dưỡng các giá trị nhân quyền.
Bằng việc ra mắt chính thức Mạng Lưới Blogger Việt
Nam, các blogger chỉ muốn tuyên bố sự thành lập của một liên kết phi lợi nhuận
và phi đảng phái, cam kết bảo vệ và thăng tiến quyền con người ở Việt Nam cũng
như góp phần thúc đẩy nhân quyền trong khu vực và trên thế giới.
Chúng tôi cực lực lên án tất cả các hành vi đàn áp,
đặc biệt là bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em. Mọi hành vi đàn áp của các lực
lượng công quyền đều đang gây mất trật tự xã hội, gây chia rẽ giữa những người
dân với nhau, phá hoại tinh thần cộng đồng, và bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam
như là một thành viên của UNHRC.
Báo cáo bằng tiếng Anh: Full
Report on the Suppression of Bloggers Celebrating International Human Rights
Day in Vietnam được soạn bởi:
Mạng
Lưới Blogger Việt Nam
Người dịch:
Mạng
Lưới Blogger Việt Nam
*
Bản
báo cáo này được gửi đến:
1.
Những tổ chức quốc tế về nhân quyền:
- The Office of the High Commissioner for Human
Rights, OHCHR
- The United Nations Human Rights Council,
UNHRC
- International Amnesty, AI
- Human Rights Watch, HRW
- Committee to Protect Journalists, CPJ
- Reporters Sans Frontières, RSF
- International Freedom of Expression Exchange
Network, IFEX
- Southeast Asian Press Alliance, SEAPA
- Freedom House, FH
- Forum Asia
- PEN International
- Civil Rights Defenders
2.
Những cơ quan ngoại giao:
- The Embassy of the United States
- The Embassy of Sweden
- The Embassy of Germany
- The Embassy of Australia
- EU-Delegation
3.
Những cơ quan truyền thông quốc tế
- Radio France Internationale (RFI) en
Vietnamien
- British Broadcasting Corporation (BBC) in
Vietnamese
- Radio Free Asia (RFA)
- Le Monde
- CFI
- France 24
- Thai Netizen
Chú
thích:
1. Mạng Lưới Blogger Việt Nam là một tập hợp
các blogger trên khắp Việt Nam. Họ tuyên bố sứ mệnh là bảo vệ và thúc đẩy nhân
quyền, gồm cả các quyền tự do căn bản, dân chủ và phẩm giá. Mạng Lưới được
thành lập thực sự vào ngày 18/7/2013 khi các blogger ra “Tuyên bố 258”, đề nghị
Chính phủ Việt Nam sửa đổi luật pháp để thể hiện sự cam kết mong muốn gia nhập
Hội đồng Nhân quyền LHQ. Vào ngày 10/12/2013, Mạng Lưới chính thức ra mắt như
một tổ chức đấu tranh cho quyền con người, đặc biệt là quyền tự do biểu đạt.
Xem đường link:http://mangluoiblogger.blogspot.com/2013/07/statementfrom-network-of-vietnamese.html
2. Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt
Nam Lương Thanh Nghị tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Ngoại giao, ngày thứ năm,
7/11/2013, ở Hà Nội. Xem đường link: http://vovworld.vn/en-us/Spotlight/Vietnamfully-respects-its-commitments-in-human-rights/193363.vov
4. Dân phòng là những người dân được công an thuê ở
mỗi phường để hỗ trợ công an trong việc giữ gìn trật tự. Họ mặc đồng phục màu
xanh. Được trang bị gậy, dùi cui, họ có quyền trấn áp bất cứ hành động nào bị
xem là gây rối trật tự, ví dụ bằng cách đi các nơi đuổi chợ.
5. Mặc dù các tổ chức xã hội dân sự (CSO) có tồn tại
ở Việt Nam trên lý thuyết dưới hình thức các tổ chức quần chúng (MO), tổ chức
phi chính phủ (NGO), tổ chức cộng đồng (CBO), nhưng thực chất, hầu hết đều là
“phi chính phủ do chính phủ quản lý” (GONGO). Các tổ chức quần chúng là một
dạng tổ chức chính trị-xã hội do Đảng thành lập.
Hiện tại, có 5 tổ chức quần chúng lớn ở Việt Nam,
bao gồm: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Liên
đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, và Hội Cựu Chiến binh
Việt Nam đều là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức được cho
là cánh tay nối dài của Đảng cộng sản Việt Nam. Lãnh đạo của các tổ chức này là
quan chức, do Đảng Cộng sản chỉ định; đội ngũ nhân viên cố định của họ là công
chức; và họ nhận lương từ ngân sách nhà nước. Chức năng chính của họ, như quy
định trong Hiến pháp 1992 là “cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân (…),
tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân”. Họ có một mạng lưới các tổ
chức cơ sở hoạt động ở tất cả các xã, phường. Chẳng hạn, Hội liên hiệp Phụ nữ,
có hàng ngàn tổ chức cơ sở trên phạm vi cả nước. Họ chủ động tham gia vào việc
kiểm soát xã hội dân sự nhưng chưa bao giờ được ghi nhận trong việc lên tiếng
bảo vệ quyền phụ nữ trong bất kỳ vụ việc vi phạm nào. (Người dịch có biên tập)
Thành viên của Đoàn thanh niên cộng sản và Hội liên
hiệp phụ nữ được kết nạp để trấn áp các hoạt động xã hội dân sự không được kiểm
soát, bao gồm cả việc tụ tập biểu tình và thành lập các tổ chức phi chính phủ
ngoài luồng như Mạng lưới Blogger Việt Nam.
8. Mắm tôm là một loại nước chấm của Việt Nam có mùi
nặng và bám dai dẳng.
No comments:
Post a Comment