Wednesday 9 May 2012

VÌ SAO PHIÊN XỬ 3 BLOGGER BỊ HOÃN ? (Việt Hà, RFA)




Việt Hà, phóng viên RFA, Bangkok
2012-05-09

Việc chính quyền Việt Nam hoãn phiên xử blogger Điêu Cày, tức nhà báo Nguyễn Văn Hải cùng hai blogger khác là Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải đang làm dấy lên nhiều câu hỏi bởi vì giới chức Việt Nam đã không đưa ra bất cứ giải thích nào về lý do hoãn phiên xử cũng như ngày giờ của phiên xử tới. Liệu Hà Nội có thể hoãn phiên xử những blogger này đến bao giờ và sức ép quốc tế có tác động thế nào lên phiên xử của các blogger này? Việt Hà có bài tìm hiểu

Vào ngày 4 tháng 5 năm 2012, gia đình các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Phan thanh Hải cùng các luật sư bào chữa được nhận thông báo của tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết phiên tòa xử những người này sẽ diễn ra vào ngày 15 tháng 5 năm 2012. Tuy nhiên trong buổi chiều cùng ngày, tòa thông báo rút lại quyết định này mà không đưa ra một lý do cụ thể nào. Điều này đã làm cho gia đình blogger Điếu Cày và những người quan tâm đến vụ án hết sức băn khoăn.

Blogger Điếu Cày đã được “Civil Rights Defenders” ở Thụy Ðiển tuyển chọn là “nhà bảo vệ nhân quyền” của tháng (năm 2011)

Sức ép quốc tế

Trả lời đài Á châu tự do qua điện thoại, chị Dương Thị Tân, vợ cũ blogger Điếu Cày cho biết nhận định của gia đình về việc hoãn phiên tòa như sau:

"Thực sự chúng tôi rất hoang mang không biết là họ định dở trò gì. Nhưng theo ý kiến chủ quan của gia đình tôi thì họ tung ra những tin này tin kia để gia đình và các tổ chức quan tâm đến vấn đề này mệt mỏi. Họ theo dõi, họ cất công từ nước ngoài sang, rồi họ bỏ việc khác để tập trung vào việc này đến nơi, nhưng chuyện này xảy ra một hai lần thì người ta nản.

Rồi có những lần sau tiếp người ta không biết đúng hay sai, thật hay hư để người ta tới nữa. Họ làm nhiều cách để sự tham gia của các tổ chức quốc tế và cá nhân có quan tâm càng ít. Họ sẽ hạn chế tối đa sự tham gia của các tổ chức như vậy.
"

Đã có ý kiến cho rằng việc hoãn phiên tòa đột ngột lần này là do sức ép quốc tế không có lợi cho Hà Nội. Nhân ngày báo chí thế giới, 3 tháng 5 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, trong bài diễn văn của mình đã nhắc đến trường hợp blogger Điếu Cày như một minh chứng về sự đàn áp báo chí của chính quyền các nước không tôn trọng tự do báo chí.

Ông Trần Bình Nam, một nhà bình luận chính trị tại hải ngoại nhận xét:

"Trong một thông cáo mà tự nhiên ông Tổng thống nhắc đến tên một người thì tự nhiên dư luận thế giới sẽ chú ý, nên tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền Hà Nội phải chú ý đến điểm đó."

Cũng trong tháng 4 vừa qua, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho ba blogger. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng việc cầm tù những blogger này cho thấy Việt Nam đang gia tăng việc kiềm chế các tiếng nói trên mạng.

Vào trung tuần tháng 4, các tổ chức quốc tế như tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch và Ân xá quốc tế Amnesty International cũng lên tiếng kêu gọi Hà Nội phải trả tự do cho các bloggers này.

Trong khi đó, theo ông Trần Bình Nam thì một sự việc vi phạm nhân quyền quan trọng khác xảy ra đồng thời tại Trung Quốc liên quan đến luật sư mù Trần Quang Thành (hay còn gọi là luật sư Chen) cũng khiến Hà Nội phải cân nhắc đến việc đưa những blogger nổi tiếng ra xét xử.
"Thường thường Hà nội khi xử một nhà đối lập về chính trị hay một nhà báo tự do, không đi theo lề phải thì họ không muốn có dư luận trên thế giới, họ muốn mọi việc nó êm êm cho qua. Nhưng mà họ xử vào lúc có vụ luật sư Chen đang trở thành một vấn đề quốc tế như vậy thì tự nhiên dư luận quốc tế sẽ kết nối hai sự kiện với nhau.

Việc xử ông Điếu Cày, bà Tạ Phong Tần và Phan Thanh hải sẽ trở thành một dư luận quốc tế bất lợi cho Hà Nội và Hà Nội thì không muốn như vậy.
"

Hoãn đến bao giờ?

Ngay từ khoảng đầu tháng 4, đã có những thông tin trên mạng cho biết có nhiều khả năng các blogger này sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 17 tháng 4 nhưng cuối cùng phiên tòa dự đoán cũng không xảy ra.

Vào khoảng giữa tháng 4, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin về bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành phố Hồ Chí Minh đối với ba blogger. Bản cáo trạng đề ngày 19 tháng 2 năm 2012 kết luận ba blogger phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm an ninh quốc gia và đề nghị truy tố các blogger này trước tòa về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hôi chủ nghĩa Việt nam’ theo điều 88 bộ luật hình sự.

Sau khi bản cáo trạng được Viện kiểm sát gửi sang tòa, những người quan tâm đến vụ án thấp thỏm chờ đợi phiên tòa sẽ được mở trong một ngày không xa, nhưng đã bị thất vọng khi phiên tòa được mọi người trông đợi đã bị hoãn đột ngột.

Vậy việc hoãn phiên tòa lần này có hợp lệ và liệu Việt Nam có thể hoãn phiên xử đến bao lâu?

Luật sư Nguyễn Quốc Đạt, người tham gia bào chữa cho blogger Điếu Cày giải thích:

"Sau khi đưa hồ sơ ra tòa án thì trong thời hạn nhất định, thẩm phán sẽ đưa vụ án ra xét xử, và kể từ ngày có quyết định xét xử thì thẩm phán vẫn có quyền hoãn. Thời gian hoãn của thẩm phán từ ngày có quyết định là khoảng một tháng."

Luật sư Nguyễn Quốc Đạt cho biết nếu có lý do chính đáng thì tòa vẫn có thể có thêm quyết định hoãn phiên tòa. Tuy nhiên trong lần hoãn đầu tiên này, tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã không đưa ra bất cứ một lý do cụ thể nào cho gia đình và các luật sư. Luật sư Nguyễn Quốc Đạt nhận định có nhiều khả năng phiên tòa sẽ vẫn diễn ra trong tháng 5 này.

Blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải là những người tham gia sáng lập câu lạc bộ nhà báo tự do không được chính quyền Hà Nội công nhận. Blogger Điếu Cày đã bị bắt vào ngày 19 tháng 4 năm 2008 à bị phạt 30 tháng tù giam với tội trốn thuế.

Sau khi hết hạn tù ào ngày 20 tháng 10 năm 2010, ông tiếp tục bị giam giữ để điều tra về tội tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Blogger Tạ Phong Tần bị bắt vào tháng 9 năm 2011. Còn blogger Phan Thanh Hải bị bắt vào giữ vào tháng 10 năm 2010.




Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

----------------------------------------

Trần Bình Nam
Gửi cho BBC từ California, Hoa Kỳ
Cập nhật: 13:23 GMT - thứ ba, 8 tháng 5, 2012

Có một thời gian dài Hà Nội tuyệt đối cách ly nhà báo đối kháng Nguyễn Văn Hải, được thế giới bên ngoài biết dưới cái tên rất Việt Nam “Blogger Điếu Cày” để áp lực ông nhận tội “chống phá Nhà nước”.
Nhưng không xong, hôm 14-4-2012 Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố Sài Gòn thông cáo đã chuyển cáo trạng và toàn bộ hồ sơ vụ án của Blogger Điếu Cày sang Tòa Án Nhân Dân Sài gòn để ra tòa ngày 15/5 sắp tới.
Cùng một hồ sơ, ngoài Blogger Điếu Cày, tòa còn xử 2 nhà báo khác là bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải.

Theo cáo trạng, cả ba bị can Nguyễn Văn Hải: sinh năm 1952, ngụ tại Quận 3, còn gọi là Hoàng Hải, Hải Điếu Cày; Tạ Phong Tần: sinh năm 1968, quê Bạc Liêu; Phan Thanh Hải: sinh năm 1969, ngụ tại Quận Thủ Đức – Sài Gòn đều bị truy tố với tội danh “Tuyên truyền Chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo khoản 2, điều 88, Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Bản cáo trạng mô tả bà Tạ Phong Tần và nhà báo Phan Thanh Hải đã hợp tác viết bài cho diễn đàn “Câu Lạc bộ Nhà Báo Tự Do” của Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Ngoài ra bà Tạ Phong Tần còn thiết lập blog “Công lý và Sự thật”, và ông Phan Thanh Hải lập Blog “AnhBaSaigon” trong thời gian từ tháng 9/2007 đến tháng 10/2011 đăng tải hằng trăm bài tự viết hoặc lấy từ các diễn đàn khác có nội dung chống phá Nhà nước như phê phán, nói xấu, lên án, kích động quần chúng tham gia đấu tranh thay đổi sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.

Theo báo “Người Lao Động”, ông Nguyễn Văn Hải nguyên là cựu quân nhân quân đội Cộng sản. Ông bị công an chận bắt nhiều lần trong thời gian từ ngày 9/12/2007 đến ngày 19/1/2008 khi ông tham dự các cuộc biểu tình chống chính sách giành giựt Biển Đông của Trung quốc. Ngày 20/4/2008 công an bắt giam ông để ngăn cản ông tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc rước đuốc Thế Vận qua Sài Gòn ngày 29/4. Và sau đó truy tố ông về tội … trốn thuế nhà. Ngày 10/9/2008 tòa án Sài gòn xử ông 2 năm 6 tháng tù tính từ ngày 20/4/2008 . Ngày 20/10/2010 mãn hạn tù, Hà Nội ghép ông thêm tội “Tuyên truyền Chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và biệt giam ông ngoài quy định của luật pháp. Bà Dương Thị Tân, vợ ông Nguyễn Văn Hải nhiều lần viết thư khiếu nại không được trả lời đến nổi có lúc dư luận tưởng rằng ông đã chết.

Ngày 4/5/2012 các luật sư bào chữa và ba gia đình của Blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải nhận được thư thông báo chính thức ngày 15/5 sẽ xử ba bị can.

Ngay sau đó con trai của ông Điếu Cày gởi thư lên mạng cho biết đã được thăm cha và thông báo một số chi tiết liên quan đến sức khỏe của ông và một số nội dung về vụ án. Sức khỏe ông Nguyễn Văn Hải không được tốt vì thiếu thốn nhất là mắt kém vì trại giam không cho ông dùng kính. Ông Điếu Cày cho biết dù bị giam cách ly với gia đình một thời gian dài để áp lực nhận tội ông vẫn không ký nhận bất cứ một tội nào. Ông cảnh giác dư luận và gia đình đừng nghe những gì do công an nói về ông.

Tuy nhiên, một ngày sau khi tống đạt cáo trạng chính quyền thu hồi giấy thông báo và hoãn vụ xử. Tại sao chính quyền Hà Nội thu hồi lệnh xử?

Có hai lý do làm cho giới chức cao cấp của đảng Cộng sản Việt Nam phải suy nghĩ:

Thứ nhất là vụ lên tiếng của tổng thống Obama hôm 3/5 nhân ngày Tự Do Cho Báo Chí Thế Giới (World Press Freedom Day). Bản thông cáo nói rằng tổng thống Obama rất quan tâm đến trường hợp các nhà báo trên thế giới còn bị giam giữ như Mazen Dawrish tai Syria, nhà báo Điếu Cày tại Việt Nam bị bắt từ năm 2008, nhà báo Dawit Isaak tại Eritrea, nhà báo Cesar Ricaurte của Ecuador, nhà báo lưu vong Natalya Radzini của Belarus và Blogger Yoani Sanchez của Cuba luôn luôn sống trong không khí khủng bố và đe dọa.

Lý do thứ hai là vụ ông luật sư Trần Quang Thành, một nhà đấu tranh cho nhân quyền tại Trung Quốc xin tị nạn tại tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh. Việc xin tị nạn của ông làm cho Hoa Kỳ lúng túng. Sau 6 ngày dàn xếp, ông đại sứ Hoa Kỳ Gary Locke đích thân đưa ông Chen vào một bệnh viện của Trung Quốc và cho biết chính phủ Trung quốc đã đồng ý cho ông Trần sau khi lành chân được sống tự do và đi học luật. Thế nhưng sau đó ông Trần nói ông không tin lời hứa của chính phủ Trung Quốc, và trách tòa đại sứ Mỹ “mang con bỏ chợ”. Ông ngỏ ý xin đưa vợ con sang Hoa Kỳ tị nạn. Trong khi đó chính phủ Bắc Kinh tố cáo Hoa Kỳ đã xen vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Câu chuyện nổ lớn và là một đề tài về sự đàn áp nhân quyền thô bạo trên thế giới của Trung Quốc.

Trước thông cáo báo chí của tổng thống Obama và dư luận về vụ ông Trần, giới chức cao cấp tại Hà Nội thấy mang ba nhà báo Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải và nhất là Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải ra xử lúc này thật không ổn nên tạm gác lại.

Gác lại là phải. Nhưng rồi cũng phải mang ra xử. Với bàn tay của đảng trên đầu của công tố viện, trên cổ của quan tòa, bản án đã bỏ túi rồi. Mọi việc sẽ diễn ra như một vở tuồng. Ông Phan Thanh Hải nhận tội, có đơn xin khoan hồng phạt nhẹ. Bà Tạ Phong Tần và Nguyễn Văn Hải “ngoan cố” không nhận tội thì tính phạt nặng.

Nhưng đối với Blogger Điếu Cày, trong hòan cảnh tế nhị này tôi đề nghị Nhà nước Cộng sản Việt Nam tính một cái án vừa đủ thời gian đảng đã giam giữ ông một cách trái phép rồi trả tự do cho ông ngay sau khi xử thì đó là một thái độ khôn ngoan, nhất cử lưỡng tiện.

Nhưng dù chọn thái độ nào đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải trả lời trước công luận về hành động biệt giam ông Nguyễn Văn Hải ngoài luật pháp của một Nhà nước tự gọi là “Nhà nước pháp quyền”.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, đang sống ở Hoa Kỳ.
.
Các bài liên quan

.
.
.

No comments:

Post a Comment

View My Stats