Thứ Hai, 28/05/2012
Cách đây 5 năm, trên Yahoo!Việt Nam Hỏi
& Đáp có người nêu một câu hỏi cứ tưởng đâu ngô nghê ngờ nghệch:
Lời đáp hay nhất, do chính người đặt câu
hỏi bình chọn, như sau:
“Màu sắc là tiếng nói trực tiếp, trào tuôn
từ tâm (hồn) người nghệ sĩ, không qua trung gian của lý trí mà tranh trừu tượng
là điển hình. Những nét chấm phá đậm lợt là một thứ ngôn ngữ vô thanh, âm hưởng
vào lòng người thưởng ngoạn tùy theo mức độ tâm thức, tạo nên những rung cảm
khác nhau, do đó cái nhìn cũng khác nhau. Cùng một bức tranh, mỗi người nhìn và
cảm khác nhau, thật là kỳ diệu!
Phần đông, khi xem tranh trừu tượng người
ta đều không hiểu, bởi cách đặt vấn đề sai, bao giờ cũng nghĩ tranh là phải vẽ
một cái gì đấy cụ thể. Họ không biết rằng các họa sĩ thường vẽ bằng cảm giác,
vì vậy, mỗi khi xem tranh trừu tượng mọi người đừng quá cầu kỳ, hãy nghĩ giản
đơn và trong sáng như một đứa trẻ, khi đó những nét đẹp sẽ toát ra từ các bức
tranh trừu tượng”.
Người trả lời có ghi trích nguồn: Theo tạp
chí Nghệ Thuật.
Lại có câu trả lời khác, dù không được bình
chọn và sắp hạng, nhưng cũng đáng quan tâm:
“…Từ đó nảy sinh nhiều trường phái khác
nhau trong tranh trừu tượng
Tùy thiên hướng của người họa sĩ mà theo 1 trong
2 hướng:
+ Trọng hình hơn trọng màu: trường phái tả
thực, trường phái siêu thực…v..v..
+ Trọng màu hơn trọng hình: trường phái dã
thú, trường phái lập thể..v..v..”.
À há! Eureka! Đây rồi! (Xin phép các họa sĩ
đáng kính,) Thế là rõ:
Chủ Nghĩa Xã Hội của ta là loại bánh ga-tô
có đủ cả 5 tính chất nói trên: Trừu tượng, Tả thực, Siêu thực, Lập thể, và, dễ
nhận dạng nhất: Dã thú.
Vì sao à?
*
Tạp chí Học Tập, số 35, tường thuật bài phát biểu của
Hồ Chí Minh trong Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ II tại Việt Bắc, vào tháng 3
năm 1951, có đoạn như sau:
“Là vì trong chính trị, cũng như trong mọi
mặt công tác khác, Đảng ta có một chủ nghĩa cách mạng nhất, sáng suốt nhất, đó
là chủ nghĩa của ba ông kia kìa:
(Hồ-Chủ-tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về
phía chân dung 3 vị lãnh tụ: Marx, Engels, Lénine)
(Đại hội vỗ tay vang dậy)
Đó là nhờ chúng ta, toàn giai cấp lao động
thế giới, toàn quân đội nhân dân thế giới có một ông Tổng tư lệnh là ông kia
kìa.
(Hồ-Chủ-Tịch vươn tay chỉ và hướng mặt về
phía chân dung đồng chí: STALINE)
(Đại hội vỗ tay dậy vang và cùng đứng dậy
hô lớn)
(Đồng chí Staline muôn năm!)…”
Té ra, rõ ràng, cái Chủ Nghĩa Xã Hội mà Hồ
Chí Minh đánh giá là cách mạng nhất, sáng suốt nhất, chính là một bức tranh
trừu tượng của người khác.
Mà ngay cả tác giả của bức tranh trừu tượng
đó cũng không hề coi ra gì đám xem tranh, cho dù là họ đang nức lòng chỉ tay
hướng mặt về bức hình tác giả:
“Staline vốn không coi Hồ Chí Minh là cộng
sản chân chính. Ông Phạm Văn Đồng có lần nói với anh Hoàng Tuệ, khi hai người
cùng công tác ở Liên Xô: Năm 1950, Staline triệu Hồ Chí Minh sang gặp. Ông ta
không gọi Hồ Chí Minh là đồng chí ”.
(Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh).
Đã vậy,
“…Khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở
Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc có đưa ra một văn bản gọi là Chính cương vắn tắt,
phân tích tình hình giai cấp sát với thực tế Việt Nam, nhất là về giai cấp địa
chủ (chế độ công điền khiến địa chủ không phát triển được, vì thế địa chủ ở
Việt Nam có thể phân hóa được). Staline bèn phái Trần Phú về nước, vất chính
cương của Nguyễn Ái Quốc đi, thay bằng Luận cương Trần Phú đã được đóng dấu ở
Mạc Tư Khoa, và đặt tên đảng là Đảng Cộng sản Đông Dương. Staline còn chủ
trương vô hiệu hóa Nguyễn Ái Quốc đối với cách mạng Việt Nam”. (Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh).
Mà, coi nào, trong Chính Cương, Hồ
Chí Minh đã viết những gì gọi là cốt lõi?
“Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản,
trí thức, trung nông, (thanh niên, Tân Việt, phái Nguyễn An Ninh v.v…) để kéo
họ đi về phe giai cấp vô sản. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và
tư bản Việt Nam thì phải lợi dụng, ít nữa làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã
ra mặt phản cách mạng (Đảng Lập hiến v.v…) thì phải đánh đổ. Trong khi liên lạc
tạm thời với các giai cấp, phải rất cẩn thận, không khi nào nhượng bộ một chút
lợi ích gì của công nông mà đi vào đường lối thỏa hiệp”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, trang 297).
Nghị quyết 6 của Trung ương đảng
tháng11/1939 đề ra khẩu hiệu “Công nông phải đưa cao cây cờ dân tộc lên”,
và cả đảng có sứ mệnh phải “Dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách
mạng giải phóng dân tộc”.
Sắt máu tới vậy mà vẫn chưa vừa bụng
Stalin!
Có nghĩa rằng tác giả bức tranh trừu tượng
XHCN, kiêm Tổng tư lệnh nói trên, không đánh giá ngược rằng tay thưởng ngoạn
như Hồ có đủ tầm xứng đáng để thưởng ngoạn.
Vậy thì, làm sao biết được Chủ Nghĩa Xã Hội
đó tròn méo ra sao, và làm sao tin nổi cái mà hắn đã từng cả đời ba hoa mô tả
lại rằng nó đẹp lắm, cách mạng nhất, sáng suốt nhất?
Thêm một chi tiết khác:
“Ngày 16-9-1943, ông Hồ được trả lại tự do,
cuốn Nhật kí trong tù vẫn được ông giữ cẩn thận.
Ngày 14-9-1955, ông đưa tác phẩm này cho
ông Nguyễn Việt, Trưởng ban Tổ chức Triển lãm Cải cách Ruộng đất tại phố Bích
Câu: ‘Tôi có quyển sổ tay cách đây mười mấy năm còn giữ được đến bây giờ, các
cô, các chú xem có triển lãm được thì dùng’. Nguyễn Việt đưa vào triển lãm, bày
ở phòng ‘Ngọn đuốc soi đường của Đảng Cộng sản Đông Dương’…”. (Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh).
Tức là, đối với giới thưởng ngoạn cấp 2,
ngọn đuốc soi đường cho họ không hẳn là bức tranh trừu tượng CNXH của ba
ông/bốn bà nào sất, mà (thảm thay,) chỉ là mấy bài thơ trong tù của người xem
tranh cấp 1.
Chẳng nghi ngờ gì thêm nữa. Gia tài của Hồ
Chí Minh chỉ có thế.
Còn, CNXH của Hồ, với tính thật thà nói
trên, hẳn phải là loại ga-tô tả thực?
*
Lê Duẩn, người Bích La thôn, Quảng Trị, nổi
tiếng trong 3 năm đổi đảng 3 lần: 1928 – Tân Việt Cách Mạng đảng; 1929 – VN
Thanh Niên Cách Mạng Đồng Minh hội; 1930 – Đông Dương Cộng Sản đảng.
Đến 1951, Lê Duẩn vào BCH/TW và Bộ chính
trị, ngay trong đại hội toàn đảng kỳ II mà Hồ Chí Minh chỉ hình 3 ông trên vách
vừa nói.
Có người bảo uy tín của Lê Duẩn bấy giờ,
vượt mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phần lớn là nhờ vào “bằng cấp” ở tù
dài hạn và nhiều lần, y hệt như ý tứ ẩn dụ của người bày quyển Nhật kí trong
tù vào phòng triển lãm Ngọn đuốc soi đường… vừa kể.
Lại có người khẳng định uy tín đó có được
là bởi niềm tin son sắt của Lê Duẩn vào phương thức phát triển Xô viết và các
nguyên tắc kiểu Stalin hứa hẹn phù hợp mục tiêu “thực hiện công nghiệp hóa
XHCN bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”.
Từ đại hội IV (1976), Lê Duẩn giữ chức Tổng
bí thư đảng cho tới chết (1986), với dấu ấn đậm màu về cuộc thanh trừng “chủ
nghĩa xét lại hiện đại” long trời lở đất, và được cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
tuyên dương là “ngọn đèn 200 nến”.
“Giống như Mao và Stalin, Lê Duẩn khao khát
quyền lực tuyệt đối. Thông qua việc cô lập ông Hồ, ông Giáp và các đồng minh
của họ trong đảng, Lê Duẩn đã thiết lập một bộ máy lãnh đạo ở Hà Nội không chỉ
trung thành mà còn chung quyết tâm hoàn tất các mục tiêu cách mạng”. (Pierre Asselin).
Tác phẩm “để đời” của Lê Duẩn, ngoài
vụ án “xét lại/chống đảng”, chính là bản Đề Cương Cách Mạng Miền Nam
(1956 – hợp thức hóa 1959 – một giai đoạn mà Trần Văn Giàu đánh giá là đen tối
nhất của CSVN).
“Trong Đề cương, anh Lê Duẩn sớm nêu lên ý
tưởng sâu sắc sử dụng bạo lực cách mạng cùng với ý tưởng tập hợp toàn thể các
tầng lớp nhân dân, ý tưởng tổng khởi nghĩa giành chính quyền để giải phóng miền
Nam”. (Hoàng Tùng).
Cụ thể ra, Võ Văn Kiệt phục Lê Duẩn ở 3
công trình trọng điểm: Xua quân dàn trận Mậu Thân, trận Đường 9 Nam Lào, và
trận Cổ Thành Quảng Trị. Hai công trình phụ trội của Lê Duẩn mà Võ Văn Kiệt
không dám nhắc là trận đánh chiếm Nam Vang/Siêm Rệp và trận phản công Cao
Bằng/Lạng Sơn. Rất tiếc là các công trình đó không đạt yêu cầu, trong lúc toàn
dân phải cắn răng đánh đổi bằng nhiều vạn bộ đội con em của họ.
Ngược lại, về mặt tư tưởng, có thể vinh
danh là một phiên bản CNXH, họa sĩ Lê Duẩn cũng có tác phẩm để đời:
“Anh không tán thành áp đặt thể chế nhà
nước ‘chuyên chính vô sản’ khi mà nhân dân đã giành được quyền làm chủ đất nước
bằng những hy sinh không sao kể xiết. Không thể ‘vô sản’ lại chuyên chính với
chính mình, với nhân dân. Tư tưởng về ‘Làm Chủ Tập Thể’ mà Anh nung nấu
chính là sự cố gắng tìm đường bứt phá ra khỏi những công thức giáo điều không
phản ánh được sự vận động và biến đổi của cuộc sống, xa rời ý chí và nguyện
vọng của nhân dân”.(Võ Văn Kiệt).
Cốt lõi là vậy, chi tiết thế nào?
“Có thể tóm tắt một số ý để minh chứng
những suy nghĩ đó của Anh:
- Dân chủ đến mức thực sự nhân dân làm chủ,
con người làm chủ tập thể.
- Phát huy dân tộc và phát huy cá nhân từng
người.
- Vận dụng thị trường để xây dựng chủ nghĩa
xã hội…
- Quá trình tạo dựng xã hội mới là quá trình
nảy sinh chứ không phải chỉ là quá độ.
- Khuyến khích phát triển các thành phần kinh
tế…
- Cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt…
- Phải vươn lên văn hóa và tri thức tiên
tiến…
- Bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng và an
ninh bằng lòng dân, sức dân…
- Đảng lãnh đạo, Đảng không cai trị, Đảng
phát huy Nhà nước là công cụ chủ yếu, sắc bén nhất để dân làm chủ.
- Đảng viên nhất thiết không được quan liêu,
sách nhiễu và ăn cắp của dân. Đưa ngay những kẻ như vậy ra khỏi Đảng.
- Con người Việt Nam là con người của lẽ phải
và tình thương, tình thương và lẽ phải”
. (Võ Văn Kiệt).
Trên thực tế, qua nhận xét của một học giả
nước ngoài:
“Niềm tin rằng phong trào cách mạng quan
trọng hơn mọi quyền lợi cá nhân đã dẫn tới sự coi thường quyền và lợi ích của
nhân dân, và thường trở thành lý cớ cho việc lạm dụng quyền lực của những cán
bộ, những người coi thường quy tắc pháp trị tư sản, và cho rằng mục tiêu cách
mạng có thể biện minh cho phương pháp”. (Pierre Asselin).
Với tư duy Làm Chủ Tập Thể này, được
coi là tư tưởng cốt lõi về CNXH của Lê Duẩn, chỉ ¼ thế kỷ sau khi Lê Duẩn đi dự
hội nghị với Mác, đảng viên CSVN đã tự động lật ngược điều áp chót vừa nói, để
chia đất/giành đất/cướp đất, bằng một tác phẩm mới cáu là “giải phóng mặt
bằng”, và tự biến thành những triệu phú, thậm chí cả tỷ phú đỏ đít.
Ai làm chủ tập thể? Chắc chắn không phải
dân:
“Tôi vẫn nhớ, có lần trong những năm 60,
trong một cuộc họp ở Đồ Sơn, Anh đã nổi nóng với Chính phủ: ‘Chúng ta cầm quyền
mà không lo nổi rau muống và nước lã cho dân thì nên từ chức đi…’. Anh Tô (Phạm Văn Đồng) không nói
một lời”. (Trần Phương – VNeconomy.vn 06/12/2009).
Năm 1976, Lê Duẩn hồ hởi tuyên bố: “Trong
vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ
lạnh”.
Năm 1986, ngay lúc hấp hối, vào giai đoạn
đen tối nhất của kinh tế VN, Lê Duẩn đã thiết tha lệnh cho Chủ tịch Ủy ban Kế
hoạch nhà nước là bằng mọi cách, “nhân dân thủ đô Hà Nội phải có dự trữ gạo
đủ 2 tháng ăn”. Nhớ là chỉ riêng nhân dân Hà Nội!
Đã có một vài học giả đồng ý với nhận xét:
Những thay đổi ngay sau năm 1986 ở Việt Nam, khi Lê Duẩn chuyển sang từ trần,
cũng có thể được xem là tương tự giai đoạn “tan băng” ở Liên Xô sau khi
Stalin qua đời. Nghĩa là chấm dứt một thời kỳ thổ tả thượng hạng ngoại hạng.
Còn trong nội bộ đảng?
“Sau khi Lê Duẩn qua đời, những người lãnh
đạo đất nước, những người trước đó đã ca ngợi Lê Duẩn (hay) không dám hé răng
nói một lời xấu về Lê Duẩn, đã cố ý hay vô tình để cho chiến dịch bôi nhọ và
phủ định Lê Duẩn ngày càng qui mô hơn”. (Trần Quỳnh, nguyên thư ký riêng của Lê Duẩn).
Tức là đảng viên chỉ phải khen lúc sống,
sau đó quá mừng vì đã cất gánh nặng về một chế độ Stalin ngay trong nội bộ
đảng:
“Lê Duẩn có kẻ thù ở hầu khắp mọi nơi”. (Pierre Asselin).
Sau cùng, CNXH của Lê Duẩn, với tính nghi
ngờ hết thảy mọi người, chính là cha đẻ của truyền thống chia ghế 3 vị trí lãnh
đạo theo công thức cân bằng vùng miền, hầu tránh tái diễn một đảng nhỏ cầm
quyền đảng lớn có tên là Duẩn-Thọ-Thanh.
“Triều đại Lê Duẩn – Lê Đức Thọ là triều
đại thiết lập và khẳng định chuyên chính vô sản, hay nói cho đúng hơn, chuyên
chính vô sản lưu manh – Lumpenproletariat… Áp đặt là phép trị dân mang tính
chiến lược. Không áp đặt được thì khủng bố”. (Vũ Thư Hiên – Đêm giữa ban ngày).
Lê Duẩn nắm giữ chức Tổng bí thư lâu nhất
lịch sử CSVN: 25 năm và 303 ngày. Vào những ngày cuối, lạm phát VN vượt lên mức
kỷ lục: 774% (bảy trăm bảy mươi bốn phần trăm).
Phiên bản CNXH của Lê Duẩn chính là chiếc
khẩu trang của Liên Xô có in hình 2 chữ S. Chữ S đầu là Stalin. Chữ S sau là
lãnh thổ VN. Khi dân bịt vào thì miễn ăn và hết nói. Còn đảng viên bịt vào thì
…vô phương nhận diện.
Đó là loại ga-tô CNXH dã thú.
*
Nguyễn Văn Linh, gia nhập đảng cộng sản
Đông Dương năm 1936, mãi 40 năm sau, tại Đại hội Đảng lần thứ IV thì được bầu
vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung
ương, giữ chức Trưởng ban Cải tạo Xã hội Chủ nghĩa của Trung ương.
Đến đại hội V, Nguyễn Văn Linh rút khỏi TW,
nhường chỗ cho Võ Văn Kiệt. Về sau, đương sự giải thích với Võ Trần Chí rằng: “Bởi
vì mình thấy các anh ấy không muốn mình ở đó nên mình xin rút…”. Các anh
ấy, ở đây, chính là mỗi mình Lê Đức Thọ.
Tháng 7 năm 1983, nhân cơ hội Lê Duẩn đi
nghỉ mát ở Liên Xô, còn Trường Chinnh, Phạm Văn Đồng và Võ Chí Công nghỉ mát ở
Đà Lạt, Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cuộc “Hội Nghị Đà Lạt” kéo dài vừa
đúng một tuần lễ, trước khi Lê Duẩn hồi giá.
Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng lần thứ
VI, Nguyễn Văn Linh được bầu vào BCH/TW, Ủy viên BCT, giữ chức Tổng Bí thư:
“Đại hội VI kết thúc bằng sự lên ngôi của
một nhân vật không mấy tiếng tăm là Nguyễn Văn Linh, bí danh Mười Cúc. Câu
chuyện ngụ ngôn của La Fontaine về hai anh nông dân và con sò được thiên hạ
nhắc tới nhiều trong thời kỳ này”.
(Vũ Thư Hiên – Đêm giữa ban ngày).
Chính NVL cũng biết rất rõ trận chiến giành
ghế giữa Trường Chinh và Lê Đức Thọ thời bấy giờ:
“Anh Nguyễn Văn Linh đã nói nhiều lần ở Hội
nghị Trung ương: ‘Tôi có được chuẩn bị làm Tổng Bí thư đâu’, và lúc cần quá,
phải đi tìm người, anh Linh ví: ‘Chẳng khác gì cầm bó đóm đi tìm ếch, tìm không
được ếch, lại bắt được nhái’…”. (Đoàn
Duy Thành – Hồi Ký)
Và không một ai tin chuyện nhái ễnh bụng
thành bò:
“Từ năm 1986 đến 1991 trong nhiệm kỳ làm
Tổng Bí thư, Nguyễn Văn Linh đã góp phần có ý nghĩa quyết định làm xoay chuyển
tình thế, mở đường cho sự nghiệp đổi mới tiến lên. Nhằm khắc phục những bất
cập, lạc hậu của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp của Việt Nam, ông đã đưa
ra những ý tưởng mới, quan niệm mới, cách làm mới. Kiên quyết làm gương về
chống tác phong quan liêu, xa dân, từ bỏ những đặc quyền đặc lợi, ông đã bỏ chế
độ lãnh đạo cấp cao đi máy bay chuyên cơ trong nước, đi công tác bằng xe Lada
không có máy điều hoà (tiêu chuẩn dùng cho cấp Thứ trưởng); vào Nam ra Bắc đi
máy bay chung với mọi người; cắt giảm chế độ bảo vệ an ninh,… ”. (Phạm Quang Nghị, Hồi Ức, 07/01/2010).
Đó là một phần nội dung “đổi mới hay là
chết” được trình bày trong Hội nghị Đà Lạt nói trên.
“Trong cuộc đời mình, tôi chưa từng thấy vị
lãnh đạo nào dám lội ngược dòng chính trị, ngược dòng lịch sử – lội ngược mà
không chìm như anh Nguyễn Văn Linh… Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đang
nằm trong Bộ Chính trị thì đến cuối nhiệm kỳ, anh Linh đã xin rút rồi được phân
công trở về làm Bí thư Thành ủy TPHCM vào đúng thời kỳ cam go nhất. Anh đã vực
dậy kinh tế TP, trở lại tham gia Bộ Chính trị rồi trở thành Tổng Bí thư. Mọi
biến động, thăng trầm trong cuộc đời làm cách mạng, làm chính trị đi ngang qua
anh và anh đón nhận tất cả với một thái độ bình thản đến lạ lùng”. (Võ Trần Chí).
Nguyễn Văn Linh còn nổi tiếng với một số
bài báo Những Việc Cần Làm Ngay, ký tên N.V.L. đăng trên tờ Nhân Dân.
Bài báo thứ nhì của N.V.L., ngày 26/5/1987,
đề cập thẳng đến khái niệm “Im lặng đáng sợ” đối với việc giải quyết thư
khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Cho thấy tính chất makeno của CNXH không phải
chỉ mới xuất hiện gần đây.
“Nhà báo phải có tấm lòng cương trực: yêu
người làm đúng, làm tốt để ca ngợi; ghét kẻ làm xấu, làm sai, làm ác để lên
án”. (N.V.L. – Nhân Dân, 24/6/1987).
Khẩu hiệu nổi tiếng thời bấy giờ là: “đổi
mới thì sống, không đổi mới thì chết”. Và được các báo tuyên dương là “Người
tìm đường trong mớ bòng bong”, “Chứng Nhân của một thời xé rào lịch sử”, “Người
CS mẫu mực, sáng tạo”, “Thuyền trưởng đổi mới”, “Người mài sắc ngòi bút báo
chí”, “Người dám nhổ cỏ dại cho lúa mọc lên”…
“Tiếc thay, sau khi phấn khởi thổi bùng lên
làn gió đổi mới, chính Nguyễn Văn Linh lại bị cảm lạnh bởi chính làn gió ấy”. (Vũ Thư Hiên – Đêm giữa ban ngày).
Tại buổi lễ kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh
Cộng hòa Nhân dân Campuchia, Nguyễn Văn Linh tuyên bố Việt Nam sẽ rút hết quân
khỏi Campuchia vào tháng 9/1989. Đây là điều kiện ắt có để thế giới thu hồi
lệnh cấm vận kinh tế VN suốt 10 năm qua.
“Năm 1981, khi đồng chí Nguyễn Văn Linh trở
về TPHCM làm Bí thư Thành ủy thì kinh tế TP đã xuống đến tận đáy vì không còn
tư liệu để sản xuất. Biết tôi có mối quan hệ với một số nhà tư bản người Hoa,
anh Mười Cúc phân công tôi đi liên hệ để tìm cách nhập sợi về cứu ngành dệt TP.
Bước đầu, chúng tôi nhờ các thương nhân người Hoa mua một số hàng như sợi thuốc
lá, sợi dệt, xăng dầu, sau đó đi thu gom các mặt hàng như mực khô, tôm khô, đậu
phộng, đồ thêu, sơn mài… để đổi. Giá cả đều tính ra USD và trao đổi bằng hiện
vật. Lúc đó, TPHCM là nơi duy nhất của cả nước có USD. Có thể nói, nếu không có
sự bảo trợ mạnh tay của lãnh đạo TP mà đứng mũi chịu sào là anh Mười Cúc thì
TPHCM khó có thể tháo gỡ được ‘cơn đói’ nguyên liệu sản xuất”. (Lâm Tư Quang).
CNXH, bấy giờ, rõ ràng là đã dị dạng.
Một chuyện nhỏ được chính người trong cuộc
kể lại: Sáu Hoa là “đệ tử” của NVL, mua được chiếc mô tô cũ…
“Bữa nọ, thấy Sáu Hoa đang hì hụi lau chùi
chiếc mô tô, anh Sáu (bí số của NVL, còn gọi là Mười Cúc) bước tới và nói: ‘Tôi
cũng thích cái xe này quá! Chú để tôi đi thử một đoạn đường được không?’. Sáu
Hoa phân vân vì loại xe này chạy ra đường rất dễ bị bọn cảnh sát thổi lại để
hỏi bằng lái, giấy tờ, mục đích là muốn ăn tiền. Người như anh Sáu mà dây dưa
với cảnh sát là không ổn”. (Đoàn
Khắc - ghi theo lời kể của ông Phạm Văn Hoa, nguyên cán bộ Cơ quan T78 thuộc
Ban Tài chính – Quản trị Trung ương).
Té ra, CNXH thời sinh tử cũng đã coi là
bình thường chuyện huơ gậy thu tiền lẻ ngoài phố.
Nó là cái bánh ga-tô trừu tượng nhồi nhân
đường thốt nốt, còn được gọi là ga-tô cứu giá.
*
Còn, chuyện bạc chẵn, ở mức triệu đô, thì
đã có đồng chí Đỗ Mười.
Nguyễn Văn Linh trao lại ngai vàng và cái
di sản CNXH mạ vàng vừa nói trong một bối cảnh thế giới vừa vẽ lại bản đồ mà
không đổ máu. Bấy giờ, phi liều mạng bất thành tổng bí là ở chỗ đó.
Đỗ Mười tên thật là Nguyễn Duy Cống, giữ
chức Tổng bí thư BCH/TW đảng CSVN từ tháng 6, 1991 đến tháng 12, 1997 (có thể
tham khảo thêm tư tưởng và quá trình hoạt động ở
đây).
“Mọi người đều biết ông đang dưỡng bệnh. Mà
bệnh của ông là bệnh tâm thần, nói nôm na là điên, không ai dám nói chắc (rằng)
ông sẽ khỏi. May, ông không la hét om xòm, không đánh trẻ con hay chọc ghẹo đàn
bà, không hoa chân múa tay lảm nhảm, chỉ trèo tường leo cây, lúc tỉnh lúc mê,
tha thẩn trước cửa nhà”. (Vũ
Thư Hiên – Đêm giữa ban ngày).
Không ai rõ có phải vì công năng leo tường
và lảm nhảm đó, hay tiên tri được thành quả 91 tuổi vẫn có con mọn, mà Phạm Tiến
Duật đã có bài thơ đểu ca ngợi Đỗ Mười: Một trái tim không thể nào già?
Thế nhưng theo Lê Khả Phiêu, thì trong cao
điểm chiến tranh, Đỗ Mười đã từng trực tiếp chỉ đạo xây dựng đường ống dẫn dầu
bí mật từ Lạng Sơn vào chiến trường miền Nam, bất chấp kiến thức.
Một người khác, từng là nạn nhân “tru
di” của Lê Duẩn, đánh giá Đỗ Mười, như sau:
“Kiên định cách mạng, không sợ gian khổ, tính nết lại
thực thà, tiếc cho ông không được học hành nhiều, do đó không cáng đáng nổi
những nhiệm vụ cần đến kiến thức”. (Vũ
Đình Huỳnh – theo lời kể của Vũ Thư Hiên).
Phải tầm cỡ đó mới dám giương cao khẩu
hiệu: “nhiệm vụ kinh tế là trung tâm và nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt”
trước 4 nguy cơ đang nhe răng cười nụ với đảng: 1) Tụt hậu; 2) Chệch hướng
XHCN; 3) Tham nhũng; và 4) Diễn biến hòa bình.
Vẫn theo lời khen đểu (lại thêm phản biền
ngẫu) của Phiêu, người ta còn nhận ra ở Đỗ Mười các tính chất bỗ bã và ba phải:
“Nhưng càng gần anh, càng hiểu anh, tôi
càng thấy ở anh là một người nói to, nói lớn nhưng làm nhiều, là một đồng chí
lãnh đạo thực sự cầu thị, có lúc anh nói rất căng nhưng khi được nghe trình bày
lại một cách cặn kẽ thì anh sẵn sàng thay đổi quan điểm, thay đổi nhận xét cả
trong các công việc, cả trong những con người cụ thể. Anh là một người vì lẽ
phải, nghe lẽ phải, chính anh là người đóng góp tích cực cho Nghị quyết của
Trung ương về xây dựng cơ chế dân chủ cơ sở”. (Lê Khả Phiêu – Đỗ Mười, con người của hành động).
Chỉ riêng một việc nhất quyết không thể ba
phải: Đỗ Mười tuyên bố Đảng không thay đổi nhận định đối với vụ “nhóm xét
lại chống Đảng”. Và, vẫn còn ngay đó một điều chắc nịch: Đảng là tao!
Hầu hết các tay trùm CSVN đều học được đặc
tính chắc nịch đó từ Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, dựa vào yếu tố “khai quốc công
thần”. Đỗ Mười có công gì, ngoài việc đề xuất danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh
hùng?
“Là người hiền lành, ít nói, chịu nghe lời
bề trên. Ông cũng nổi tiếng kiên quyết, đã nói là làm. Với Đảng, ông có công
trạng. Chính ông đã kiên quyết đập tan sự ‘trỗi dậy’ của giai cấp tư sản miền
Bắc trong cuộc cải tạo công thương nghiệp những năm 1959-1960. Cũng ông đã phá
tan nền công nghiệp nhẹ miền Nam trong cuộc cải tạo tư sản sau chiến thắng
1975”. (Vũ Thư Hiên – Đêm giữa ban ngày).
Một công trạng khác là hợp thức hóa nền
tảng Tư Pháp Thả Rông cho thành truyền thống, song song với cái Nghị Định 31/CP
14/4/1997 để đời của Võ Văn Kiệt:
“Cùng với vụ xử Hoàng Minh Chính (bị giam
lần thứ ba – 1995) bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ cuộc đổi mới cài số lùi,
thời kỳ ông Đỗ Mười hạ lệnh cho các quan tòa xử lấy được, bất chấp đúng sai.
Với cách giải thích luật pháp của Đảng không ai có thể biết cái lằn ranh các
quyền tự do dân chủ được Đảng đặt ở đâu, cho nên công dân nào đi loạng quạng
đều có cơ may bị các cảnh sát viên mác-xít thổi còi tống vào bót. Lê Đức Thọ
chết rồi, nhưng hồn ma của Thọ vẫn lởn vởn trên cung đình”. (Vũ Thư Hiên – Đêm giữa ban ngày).
Bằng cách nào họ được ủng hộ trong đảng?
Các tay trùm đảng đã dựng nên những hàng rào gia nô/bảo vệ/hộ lý/đàn em trung
thành quanh mình, qua những động thái có mỹ danh là “tác thành”, tức là
đề bạt chức quyền. Đỗ Mười còn dồn sức ra tay tác thành cho cả con rể và con
nuôi. Từ đó, đám đệ tử kết cỏ ngậm vành này chính là những hàng rào chống lưng
ngược cho họ:
“Những Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Trần
Trọng Tân mà Đỗ Mười dựa vào, trước kia đã mao-ít, nay còn mao-ít hơn nữa trong
sự sáng tạo ra một chủ nghĩa Mác kỳ cục, đầy tính chất ngụy biện, chẳng có gì
giống chủ nghĩa Mác kinh điển. Mọi việc làm của họ chỉ nhằm bảo vệ vị trí lãnh
đạo độc tôn của Đảng, hay là của họ thì cũng thế. Cái gọi là đường lối xây dựng
xã hội chủ nghĩa bằng kinh tế thị trường có điều tiết theo định hướng xã hội
chủ nghĩa ra đời chính là trong thời kỳ này”. (Vũ Thư Hiên – Đêm giữa ban ngày).
Báo Lao Động ngày 21/4/2001 có bài tường
thuật một cuộc phỏng vấn của báo nước ngoài. Ký giả hỏi: - Theo ngài thì chủ
nghĩa xã hội có tương lai trong thế kỷ XXI không? TBT Đỗ Mười trả lời: - Chủ
nghĩa xã hội nhất định có tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn phải phấn đấu
nhiều…
Quả thế. Thứ CNXH của những tác giả thừa
tham, thiểu trí và sính tàu (nói chữ là đậm đà màu sắc TQ) này, từng làm nền
tảng sửa đổi hiến pháp vào năm 1992, đổi tên gọi Hội đồng Bộ trưởng (theo LX)
thành chính phủ với người đứng đầu là thủ tướng, và khởi công đường dây 500kv
vĩ đại tải điện ngược… tất cả đã hợp thành một bài đồng ca hát nhép, một bức
tranh chép tập thể, dù phấn đấu đến lè lưỡi vẫn nhất quyết bám gót bậc thầy họ
Đặng.
Nguy cơ thứ 2 nói trên chắc chắn đã bị vượt
qua: CNXH của đảng không hề chệch hướng… Bắc!
Nội dung quyển sách 532 trang ca ngợi “Đồng chí Đỗ Mười – dấu ấn qua những chặng đường lịch sử”
dường như chỉ cố tập trung nhấn mạnh vào một cốt lõi: Đổi mới phải có
đuôi, để vẫy.
Nó là loại ga-tô lập thể, nhân lạp xường.
*
Kế tiếp là loại CNXH vượt bỏ chủ nghĩa dân
tộc hẹp hòi, bắt đầu từ những chuyến dã ngoại đường bộ sang tậnThành Đô, kéo
dài cho tới chuỗi “chứng cứ không thể tranh cãi” đến cà lăm cà lặp.
Một số tài liệu gần đây tiết lộ: Có 2
chuyến khấu kiến bí mật thời Đỗ Mười do Hồ Văn Càn và Từ Đôn Tín sắp xếp: lần
đầu là Mười-Anh-Kiệt, lần sau là Mười-Kiệt. Cả hai lần đều vượt mặt mọi thủ tục
ngoại giao cổ điển.
Đó chính là lớp hắc ín tráng đường cho hàng
hàng lớp lớp những quan điểm hảo hán chủ đạo và công khai hợp thức hóa tinh
thần công hàm 1958 hay thái độ im lặng của những năm 1974 và 1988:
“Tuy Trung Quốc nó đánh ta nhưng nó cùng là
cộng sản”. (Đỗ Mười – trích từ bài phân tích Các
rủi ro của VN trong vấn đề Biển Đông? của GS Nguyễn Tiến Dũng đăng trên
trang mạng BBC).
Lê Khả Phiêu từng viết bài ca ngợi Đỗ Mười
là con người của hành động, nhưng thực ra, chính Phiêu mới xứng tầm cho
tấm danh thiếp đó: Đỗ Mười qua Thành Đô dọn bãi, nhưng chính Phiêu mới là tay
đổ bộ và ký mật ước dâng đất cho giặc, từ cuối năm 1999, và mở rộng đường hữu
nghị bằng đầu gối cho Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng sau này.
Một số tài liệu chưa qua kiểm chứng nhưng
ngập tràn trên mạng cho biết Phiêu từng ân cần gửi gắm một hạt mầm cộng sản nhí
bên kia biên giới. Đổi lại là một chuỗi thông tin liên tục về tiến trình cắm
mốc biên giới, về 16 chữ vàng, 4 tương, 4 tốt và nghe đâu có cả 2 tỷ USD.
Ít ai nhắc tới Tố Hữu thời này, nhưng vẫn
trân trọng nhà thơ từng làm kinh tế đó như một tay tiên tri thần kỳ, qua hai
câu thơ ảo diệu: Bên kia biên giới là nhà/Bên này biên giới cũng là quê hương.
Nông Đức Mạnh (2 nhiệm kỳ Tổng bí thư
2001-2011) không có gì gọi là ấn tượng trong thời gian tại chức. Chỉ sau khi
phục viên mới nảy sinh một vài vấn đề nhạy cảm liên hệ tới cô bồ nhí của cậu
quý tử thích ăn thịt bò tót mà Mạnh đã dày công cất nhắc vào TW và nâng tầm lên
thành bí thư tỉnh ủy Bắc Giang.
Trong bối cảnh đó, CNXH trong ba triều đại
này có cùng một nền tảng cơ bản (từ thời Đỗ Mười), cho dù những triền miên hứa
hẹn làm sạch đảng không sánh nổi với nỗ lực một mình làm sạch vườn rau sân
thượng, của Phiêu.
Chỉ riêng GS TS ngành xây dựng đảng Nguyễn
Phú Trọng, nắm chức Tổng bí thư kể từ ngày 19/01/2011, là có một số hoạt động
đình đám:
1. Dũng cảm tự xác nhận là tác giả cụm từ “Kinh
tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”;
2. Hãnh diện rằng cụm từ đó thâm thúy hơn
cả cha đẻ của nó là thứ “Kinh tế thị trường đậm đà màu sắc TQ”;
3. Mạnh dạn trao đổi với các đồng chí Cuba
một số ý kiến chung quanh vấn đề chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội;
4. Long trọng xác định với đảng bạn về một
nguyên tắc chiêm bao: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là
thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên
phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và
công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình
đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn,
một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, chứ không phải cạnh tranh
thắng – thua vì lợi ích vị kỷ của cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát
triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành
cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt
tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần
một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và
phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có”.
5. Thực lòng chia sẻ một ước mơ phổ quát
đúng quy luật và có lồng tiếng thuyết minh: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân
dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa
trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền
văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do,
hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt
Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng
sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
6. Rồi chân thành trần tình ở bè trầm,
rằng: “Tuy nhiên, chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng
cách nào? Đó là điều mà chúng tôi luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi, lựa
chọn để từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm, làm sao vừa theo đúng quy
luật chung vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam”.
Nghĩa là, túm lại, mọi thứ vẫn còn mờ mờ
trước mặt, bởi cả đảng CSVN, từ Hồ Chí Minh xuyên suốt các triều đại khúc giữa,
xuống tới hàng Nguyễn Phú Trọng, đều chưa biết rõ cái CHXH đó là gì, chưa biết
nó ở đâu, chưa biết đường nào tới đó, và chưa biết làm sao cướp/chộp/núm được
nó.
Chỉ biết chắc chắn mỗi điều: Đã là lãnh đạo
thì phải tuyên bố quyết tâm đạt đến cái đích chưa biết đó kỳ được mới
thôi.
Cho dù là bằng giá xương máu của hàng nhiều
triệu nhân dân qua nhiều thế hệ.
Cho dù phải nhấn chìm đất nước và dân tộc
xuống đáy nhân loại, từ thế kỷ 20 nối tiếp qua thiên niên kỷ thứ ba này.
Mục tiêu của lời tuyên bố, tất
nhiên, không phải là để đến đó. Mục tiêu chính yếu và lớn nhất là để… vẫn ngồi
đây. Theo kiểu Trần Văn Giàu có lần hóm hỉnh: “Cái đít con người ta có trí
nhớ. Nó nhớ cái ghế!”.
Rõ ràng, đó là chiếc bánh ga-tô siêu thực.
Nó cần và nó cố chở đợi giới thưởng thức quen thói “nghĩ giản đơn và trong
sáng như một đứa trẻ”, cứ chong mắt nhìn mớ sắc màu lung linh và tin là nó
có thật.
Nhân dân ta cần phải làm gì để chấm dứt
cuộc mặc cả giữ ghế đó?
“Muốn cho dân tộc
ta không thua kém các dân tộc khác, muốn cho đất nước được thịnh vượng, dân ta
không nghèo khổ mãi thì không thể thiếu một điều kiện tiên quyết: Ấy là phải
gạt bỏ sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Đảng đến nay đã hết là đội quân tiên
phong của cách mạng giải phóng dân tộc rồi. Bây giờ nó trở thành chướng ngại
vật trên đường phát triển của dân tộc. Kẻ nào trong lúc này đặt quyền lợi của
đảng lên trên quyền lợi của Tổ quốc là kẻ phản bội Tổ quốc… Một chế độ hạ nhục
con người không phải là chế độ nhân dân ta lựa chọn”. (Vũ
Đình Huỳnh – qua lời kể của Vũ Thư Hiên).
26-05-2012 – Kỷ niệm 115 năm ngày phát hành
quyển Dracula của Bram Stoker.
Blogger Đinh Tấn Lực
điêu khắc thẩm mỹ
ReplyDeletehoc dieu khac chan may
học diêu khắc chân mày
day dieu khac chan may
dạy điêu khắc chân mày
khoa hoc dieu khac chan may
khóa học điêu khắc chân mày
dieu khac chan may 6d
điêu khắc chân mày 6d
điêu khắc lông mày 6d ở đâu đẹp
dieu khac chan may 6d o dau dep