Thursday 31 May 2012

TRƯƠNG NHÂN TUẤN, ÔNG LÀ AI ? (Nguyễn Ngọc Già)




Nguyễn Ngọc Già
Thứ Tư, 30/05/2012

Tôi không biết nhiều lắm, chỉ qua những bài viết của ông được đăng trên Dân Luận và một số trang khác. Tôi chú ý tới ông, tìm xem lại những bài viết của ông và tự giải đáp thắc mắc. Lẽ ra, tôi không phải tự giải đáp thắc mắc cá nhân như thế này nếu nó không liên quan đến vấn đề Quốc gia đang rối rắm và điêu linh như hiện nay.

Trương Nhân Tuấn - theo cách nhìn của tôi - là một người (có thể) xếp vào hàng trí thức, có hiểu biết nhất định về chuyên môn học thuật về Luật biển và các vấn đề quốc tế có liên quan khác. Ông cũng thể hiện mình là người quan tâm sâu sắc đến hiện trạng bê bết của Việt Nam, đặc biệt, ở ông cho thấy một nỗi niềm đau đáu như một người nặng lòng với Quê hương mà từ đó ông lớn lên và buộc phải ra đi để tìm đến xứ sở tự do, thoát ách cai trị độc tài Cộng sản.

Hình như ông cũng đang là một công dân nước ngoài, không còn mang quốc tịch Việt Nam?

Lần dở từ tài liệu của chính ông, cho thấy (1): Trong vụ kết án TS. Cù Huy Hà Vũ, ông đã đứng về phía công lý và sự thật để lên án bản án phi pháp 7 năm tù giam và 3 năm quản chế đối với TS. Vũ:
Công dân này là công dân nào? Phản ứng của « công dân », những người « quan tâm » đến vụ án, trước và sau phiên xử, đã cho thấy thái độ rõ rệt của họ. Những người biểu lộ ý kiến, 99,99% đều ủng hộ việc làm của ông Cù Huy Hà Vũ. Công dân nào, bao nhiêu người người đã thấy Vũ vi phạm? Vi phạm về cái gì? Tòa án đã kết án ông Vũ trên một sự suy diễn hoàn toàn sai sự thật.
Cuối cùng tòa tuyên án 7 năm tù giam và 3 năm quản chế cho ông Vũ. Đây là một vụ án hay một bản bi hài kịch rẻ tiền?

Cũng cùng vụ án TS. Vũ, ông Trương Nhân Tuấn, trong một bài viết khác (2), tỏ ra cảm thông, thấu hiểu những khó khăn của giới trí thức trong tình trạng vô chính phủ, các hành động đấu tranh cho dân chủ, cho việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam rất dễ sa cơ thất thế và luôn luôn ở trong hoàn cảnh "chỉ mành treo chuông", nếu ĐCSVN muốn bỏ tù bất cứ ai:

Khi mà "dân oan" đã trở thành một tầng lớp rộng lớn trong xã hội thì xã hội đó đã mục nát, rệu rã. Khi mà người yêu nước, bất đồng chính kiến với đảng CSVN, cho dầu chỉ mới lên tiếng một cách ôn hòa, thì bị trù dập, tù đày... xã hội đó là một xã hội đang hấp hối. Trong một xã hội, khi mà công an càng lộng quyền thì công lý của xã hội đó càng tiêu điều. Công lý thể hiện cho đạo đức, lương tri và lương tâm. Khi công lý đã chết thì xã hội đó chỉ còn là một xác không hồn. Nạn nhân của công an, bạo quyền... nói ra sao cho hết! Một nữ nhà báo, thật can đảm, vạch trần những nhơ nhớp bẩn thỉu của gia đình một đại quan công an thì bị công an bắt. Một nhà báo khác dùng thủ thuật để vạch trần những nhũng nhiễu của công an thì cũng bị công an bắt. Làm như vậy để từ nay không còn ai dám đụng đến công an. Một tờ báo nói thật bị đóng cửa; một trang web nói thật cũng bị đóng cửa. Từ đó không ai dám nói thật. Chân lý không còn thì xã hội đó là xã hội của những tên lưu manh, đểu giả.

Không chỉ thế, ông còn thấm đẫm chữ "TÂM" như lời dạy của Đại thi hào Nguyễn Du:"Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ tài", như sau:

Đâu cần đến kiến thức chuyên môn để thẩm định các việc đó đúng hay sai? Người ta chỉ cần một chút can đảm.
Người ta thẩm định một khoa học gia qua thành quả của công trình nghiên cứu nhưng người ta thẩm định một trí thức qua thái độ của người này.
Để xã hội Việt Nam không chết lâm sàng, những người có địa vị trong xã hội cần phải tỏ thái độ, cần phải lên tiếng nói khi cần thiết. Những người này không dám nói thì ai dám nói? Không ai dám nói, tất cả đều vô cảm, hèn, thì xã hội đã chết lâm sàng.

May thay, xã hội Việt Nam đã không hèn như ông Trương Nhân Tuấn có thể nghĩ tới, chí ít từ 5 năm qua, bởi tầng lớp trí thức trong và ngoài nước không hề thờ ơ với vận nước điêu linh để xuất hiện ngày càng nhiều, không chỉ lên tiếng cho dân oan, cho Tổ Quốc mà còn biểu lộ sự kết đoàn với các nước trong khu vực, điển hình là lá thư biểu tỏ sự ủng hộ Philippines về bãi cạn Scaborough đang bị Trung Quốc lăm le cướp giựt.

Ngỡ rằng, ông Trương Nhân Tuấn sẽ vui mừng và góp chung tiếng nói với giới trí thức trong ngoài nước về việc này để làm tấm gương cho dân đen noi theo trên tinh thần đoàn kết, hào sảng, phóng khoáng và yêu Tổ quốc, từ đó như là một lực đẩy ý nghĩa để chung tay bảo vệ biển đảo. Bất hạnh thay! Ông Trương Nhân Tuấn lại thốt ra những lời đáng đau lòng (3):

Ủng hộ và kêu gọi mọi người ủng hộ Phi, trong khi vấn đề của đất nước thì không thấy ai quan tâm. Không phải việc tìm cách đưa tranh chấp Hoàng Sa vào tranh chấp biển Đông là mục tiêu của Việt Nam đó hay sao?

Nếu ông Phạm Quang Tuấn kinh ngạc về lời nói này, thì tôi thảng thốt để tự hỏi: Ông Trương Nhân Tuấn lấy tư cách gì để phát ngôn như thế? Một công dân Việt Nam? Một công dân nước ngoài? Một chính trị gia uyên thâm? Hay một nhà ngoại giao kỳ cựu? Một Dân biểu khôn khéo như Aun Sang Suu Kyi hay một lãnh đạo tinh thần bất diệt như Đức Đạt Lai Lạt Ma?

Tôi tin ngay cả Cựu Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu nếu còn sống đến ngày nay, có lẽ bản thân ông Thiệu cũng không dám thốt lên câu nói quá khinh mạn như thế này!?

Muốn hay không, chính nghĩa hay phi nghĩa, Nước VNCH đã mất và đã bị xóa sổ. Đó là sự thật lịch sử, dù đau lòng cũng phải chấp nhận. Nêu vấn đề Hoàng Sa cũng đích danh nêu lỗi của chính quyền VNCH đã làm mất nó, bất chấp viện dẫn (ví dụ: Mỹ bỏ rơi Nam Việt, trong khi Bắc Việt vẫn do LX và TQ hỗ trợ tận chân răng v.v...). Cho đến nay, liên quan đến quần đảo Hoàng Sa chỉ có giữa Việt Nam và Trung Quốc quan tâm.

Vì thế, trong việc ủng hộ Philippines không thể đặt vấn đề như ông Trương Nhân Tuấn (4)

Xa hơn nữa, năm 1974, lúc Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam, thái độ của Phi hoàn toàn không phải là thái độ của một đồng minh đáng tin cậy. Năm 1988, lúc các đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung quốc xâm lăng bằng vũ lực, tiếp theo là thái độ hung hăng của nước này đối với Việt Nam tại các bãi Tư Chính, Vũng Mây... Phi chưa bao giờ lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Chỉ đến khi chính bản thân Phi bị Trung Quốc uy hiếp, bị Trung Quốc đánh chiếm đảo Vành Khăn, lúc đó Phi mới ủng hộ cho Việt Nam vào ASEAN. Tức là Phi chỉ ủng hộ cho Việt Nam chỉ khi nào họ cảm thấy bị đe dọa, hay khi có quyền lợi.

Người rộng lượng, không thể đặt điều kiện "Tôi (Việt Nam) sẽ quan tâm đến anh (Philippines), nếu như anh (Philippines) biết quan tâm đến tôi (Việt Nam)", vì ngày xưa anh đã không ủng hộ tôi. Việc mất Hoàng Sa 1974, cũng như mất các đảo trên Trường Sa năm 1988, không thể cho rằng tiếng nói của Philippines có tác dụng hữu hiệu. Theo đó, thư ủng hộ Phi về bãi cạn Scaborough từ 66 trí thức cũng thế. Tại sao không xem lá thư đó là giá trị tinh thần quý báu như những người bạn biết bỏ qua quá khứ mà đồng cảm, đoàn kết trong tình hình hiện nay? Đó có thể gọi là tinh thần cao thượng? Hơn nữa, 66 vị trí thức kia đâu phải là tổ chức chính danh gì để ông Trương Nhân Tuấn xem lá thư đấy như là một dạng văn bản chính thức của Quốc gia có hiệu lực?

Chính ông đã nói rằng: "Để xã hội Việt Nam không chết lâm sàng, những người có địa vị trong xã hội cần phải tỏ thái độ, cần phải lên tiếng nói khi cần thiết." Liệu ông có mâu thuẫn và vội quên về những gì ông viết???

Nếu 66 người ký tên suy nghĩ như ông Trương Nhân Tuấn, thì lá thư trở nên vô nghĩa. Vì thế, chất "đoàn kết", "quanh minh chính đại" cũng bộc lộ ra ngay, chắc hẳn Philippines cũng không cần sử ủng hộ có "điều kiện khôn lỏi" như thế.(?)

Torng bài viết khác, ông Trương Nhân Tuấn cũng bộc lộ tính tự mâu thuẫn với bản thân, bởi vừa tỏ ra cảm thông với giới trí thức (như dẫn chứng trên), lại vừa tỏ ra ngạo mạn quá đỗi, như đoạn trích bài viết dưới đây (4):

Trong khi phía trí thức VN, trong mọi vấn đề, hình như không làm được gì cả.
Chợt nghĩ đến vấn đề biển Đông mà thấy lạnh mình. Trong vấn đề này hình như chỉ có tiếng nói của phe « chính thống », hay phe « phò chính thống » là được phổ biến rộng rãi, kể cả trên các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở nước ngoài. Chưa bao giờ (hình như vậy) các « tiếng nói khác » được nghe đến. Nhưng trên phương diện học thuật, vấn đề đúng-sai là quan trọng, « chính thống » hay « ngoài luồng » không thành vấn đề. Mà muốn biết « đúng, sai » thì ít ra phải nghe « tiếng nói khác » này ra sao. Người ta chỉ nghe những cái sai (be bét) của các « học giả phò chính thống » khi họ trả lời phỏng vấn. Trong khi một vấn đề có nhiều tranh cãi (như biển Đông) thì cần phải nghe tiếng nói của nhiều phía. Các « ý kiến khác » (hay phi chính thống) đến nay vẫn không được chú ý đến. Trong nước thì không nói, họ phải đi bên "lề phải". Các truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại, không ai ép, nhưng họ cũng đi một bên lề. Xem ra sự minh bạch của truyền thông nói tiếng Việt VN cũng không không hơn truyền thông Khmer.

Ông "lạnh mình" hay "lạnh tim"? Ông tỏ ra là người khách quan, duy lý, nhưng càng đọc nhiều bài viết của ông, càng cho thấy, ông chủ quan và chỉ nói những gì để thỏa mãn cá nhân.

Trương Nhân Tuấn - một người bất đắc chí, bế tắc, u uẩn và khá cực đoan. Ông sẽ tiếp tục tự dằn vặt bản thân và làm khổ lây người khác cho đến khi nào ông chưa bừng tỉnh và dám nhìn thẳng vào tận đáy tim của ông như thế.
Ông quan tâm đến Việt Nam, đến Hoàng Sa, Trường Sa theo cách ông muốn lấy lại ngay, lấy lại hết mà không đủ bình tâm để nhận định thấu đáo, không những Luật quốc tế, mà còn phải tính đến tình hình chính trị - xã hội - kinh tế trong nước, ngoại giao, quân sự, lòng dân. Một người làm chính trị chững chạc, trầm tĩnh, có nhãn quan rộng không thể nóng ruột theo cách ông Trương Nhân Tuấn.

***

Ông Lý Tống chuẩn bị lãnh án cho việc xịt hơi cay vào Đàm Vĩnh Hưng. Việt kiều Mỹ cũng không đồng thuận khi đứng dưới góc độ pháp luật, duy lý, khách quan và đấu tranh bất bạo động. Ông Tống được nhìn nhận như là hình ảnh võ biền cho việc làm "rắn mắt" như con nít (5).

Trong khi ông Trương Nhân Tuấn được nhìn dưới góc độ nhẹ nhàng và hóm hỉnh theo ngôn ngữ tuổi teen:
Nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mù sương, lươn ương trước bão. :)

Vì thế, những vị trí thức ký tên ủng hộ Philippines về bãi cạn Scaborough không nên phí thời gian quá nhiều để đối thoại với người "cái kiểu gì cũng không chịu".

Ông Trương Nhân Tuấn nói:

Tôi đã không ký tên vào bản tuyên bố này, vì lý do nó không có lợi cho Việt Nam. Tôi viết bài phê bình, hy vọng nhiều người khác sẽ làm như tôi...
Nó không có lợi cho Việt Nam, ngoài các hệ quả về pháp lý, nó còn có hệ quả xấu lên tư cách và danh dự của tập thể trí thức Việt Nam. Bài viết của ông Dương Danh Huy, cùng với bài của ông Phạm Quang Tuấn, có nội dung lật ngược lại những gì mà những người đã viết bản tuyên bố ký vừa gởi cho Đại Sứ Phi còn chưa ráo mực. Bản tuyên bố đã tệ, nhưng ít ra nó thể hiện được thái độ “quân tử”, dám “chơi đẹp” của những người ký tên. Hai bài viết sau đã biến thái độ “quân tử” trở thành thái độ “quân tử nói đi nói lại”. Giúp người, người không mang ơn, lại còn bị cho là lật lọng thì không còn gì đau bằng.

Đến đây thì rõ. Ông bà ta dạy: "Làm ơn há dễ mong người trả ơn". Ông Trương Nhân Tuấn xem tất cả những gì ông trải lòng và tưởng như "vắt máu từ tim, vắt chữ từ óc" để đau đớn, dằn vặt về biển đảo Việt Nam chỉ là "GIÚP NGƯỜI (Việt Nam)". Tôi nghĩ không chỉ riêng 66 vị trí thức kia không cần ông Trương Nhân Tuấn "giúp" như thế!
Tôi biết, Trương Nhân Tuấn chắc chắn không phải là người Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Già
_______________




1 comment:

View My Stats