Trefor Moss
Người dịch: Nguyễn Tâm
Posted by basamnews on 27/05/2012
Đó là những điều người ta không tìm thấy trong báo cáo
mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực quân
sự.
Trong bản đánh giá thường niên về quân đội
Trung Quốc phát hành tuần qua, Bộ Quốc phòng Mỹ dường như đang mô tả một đối
tượng vừa quen thuộc, lại vừa bí ẩn. Tất nhiên, bản báo cáo đã giải đáp được
nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến quân đội Trung Quốc, bao gồm nỗ lực của
quốc gia này nhằm phát triển loại tên lửa đạn đạo đối hạm và duy trì vây hãm
Đài Loan.
Tuy nhiên, về những khía cạnh chủ yếu trong
chiến lược của Trung Quốc, Lầu Năm Góc dường như chỉ mới phỏng đoán. Sau đây là
5 câu hỏi quan trọng nhất về chiến lược quốc phòng của Bắc Kinh vẫn chưa có câu
trả lời.
1. Kế hoạch chi tiêu quốc phòng dài hạn của
Trung Quốc cụ thể ra sao?
Dù ngân sách quốc phòng chính thức năm 2012
của Trung Quốc là 106 tỷ USD, tăng 11% so với năm ngoái, và tăng gấp bốn lần so
với một thập niên trước đây, Lầu Năm Góc cho rằng tổng mức chi tiêu quân sự của
Trung Quốc ở khoảng từ 120 tỷ USD đến 180 tỷ USD. “ Khó ước tính mức chi tiêu
thực sự của Quân đội Giải phóng Nhân nhân Trung Quốc (PLA) do sự thiếu minh
bạch trong giải trình số liệu, và Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất giai đoạn chuyển
tiếp từ một nền kinh tế chỉ huy”, bản báo cáo lưu ý khi nhắc đến PLA.
Vẫn không có đánh giá nào đáng tin cậy về
kế hoạch chi tiêu quốc phòng dài hạn của Bắc Kinh. Theo đường hướng hiện nay,
Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nước chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới
vào thập niên 2020 hay 2030 – nhưng có quá nhiều ẩn số chưa biết được để dự
đoán chính xác liệu điều này có xảy ra hay không. Có phải ngân sách PLA được
gắn liền với sự tăng trưởng của nền kinh tế được mở rộng, hoặc giới tướng lĩnh
Trung Quốc được hứa hẹn tỷ lệ gia tăng 2 con số cho ngân sách quân sự ngay cả
khi Trung Quốc hứng chịu tình trạng kinh tế xuống dốc? Liệu mức tăng trưởng
ngân sách quân sự sẽ chậm lại một khi cột mốc hiện đại hóa nào đó đã đạt được,
hay không có kế hoạch nào khóa sổ những tập chi phiếu của PLA? Những gì rõ ràng
là, một khi PLA nhận được càng nhiều ngân khoản, họ sẽ càng tiến gần đến vị thế
ngang bằng với quân đội Mỹ.
2. Chiến lược hạt nhân của Trung Quốc là
gì?
Lầu Năm Góc kết luận “Kho vũ khí hạt nhân
của Trung Quốc hiện gồm khoảng 50-75 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) cơ
động hoặc chứa trong hầm ngầm, sử dụng các loại nhiên liệu rắn hoặc lỏng”. Lầu
Năm Góc không cố gắng ước đoán tổng số lượng vũ khí hạt nhân Trung Quốc sở hữu,
mặc dù Trung Quốc thông thường được cho là có kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều
so với kho vũ khí của Mỹ, vốn có hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, vẫn tồn
tại ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang sở hữu hoặc có kế hoạch phát triển kho vũ khí
hạt nhân lớn hơn nhiều.
Năm vừa qua, có sự suy đoán là Trung Quốc
có thể sở hữu đến 3.500 đầu đạn hạt nhân – dựa vào tin đồn về mạng lưới chằng
chịt các đường hầm dưới lòng đất [chứa vũ khí hạt nhân] – đã bị vứt hẳn vào sọt
rác, nhưng một số người vẫn cho rằng Bắc Kinh đang nhìn thấy cơ hội chiến lược
trong việc xây kho vũ khí hạt nhân, có thể bắt kịp hoặc thậm chí vượt qua Mỹ
trong những thập niên sắp tới.
Trung Quốc hiện có 2 tàu ngầm loại 094 lớp
Tấn, sử dụng năng lượng hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) được đưa vào biên
chế tác chiến, Lầu Năm Góc cho hay, các tên lửa được thiết kế để trang bị cho
loại tàu ngầm này vẫn chưa được đưa vào vận hành chính thức (mặc dù khi đưa vào
hoạt dộng, các tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân). Nếu chỉ tính riêng 2
tàu ngầm loại này thì không phải là nhiều cho thế trận ngăn chặn chiến lược của
một cường quốc đang có nhiều tham vọng, nhưng quy mô thực sự của hạm đội tàu
ngầm SSBN mà Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng vẫn còn là ẩn số.
3. Năng lực của hải quân Trung Quốc ra sao?
Giới chuyên gia phân tích Mỹ thường dùng
thuật ngữ “chuỗi ngọc trai” để mô tả chiến lược được cho là của Bắc Kinh nhằm
thiết lập mạng lưới các căn cứ hải quân ở nước ngoài, đặc biệt ở Ấn Độ Dương,
nhưng người Trung Quốc lại không công khai điều này. Bản báo cáo mới nhất của
Lầu Năm Góc lại không bàn luận về việc liệu Trung Quốc có kế hoạch hình thành
mạng lưới các căn cứ tấn công thường trực kiểu Mỹ cho lực lượng hải quân PLA
hay không.
Tuy nhiên, không thiếu lời đồn đoán là cuối
cùng Trung Quốc sẽ triển khai lực lượng quân sự đến các cơ sở hải cảng mà Trung
Quốc đã xây dựng tại một số nơi như Miến Điện, Pakistan và Sri Lanka. Đảo quốc
Seychelles từng mời Trung Quốc sử dụng hải cảng của họ làm các điểm tiếp tế cho
tàu bè Trung Quốc, nhưng Trung Quốc vẫn khăng khăng đó không phải là sự thiết
lập căn cứ ở nước ngoài đầu tiên, họ gọi đây chỉ là “cảng tiếp tế”, nhưng nghe
không thuyết phục cho lắm. Cuộc tranh cãi chung quanh cách gọi “căn cứ hay địa
điểm” diễn ra cả vài năm nay, và nó sẽ tiếp tục ồn ào trong lúc Bắc Kinh vẫn
kín tiếng về những tham vọng lâu dài của mình.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng cố gắng soi
rọi chương trình tàu sân bay tương lai của Trung Quốc, vượt ra ngoài việc Trung
Quốc hiện sở hữu chiếc tàu sân bay do Liên Xô cũ chế tạo, đang trải qua quá
trình chạy thử trên biển. Bản báo cáo chỉ ra rằng “Một số bộ phận có thể đang
được chế tạo cho chiếc tàu sân bay đầu tiên do chính Trung Quốc sản xuất trong
nước”, báo cáo này còn bổ sung thông tin “Trung Quốc có khả năng sẽ đóng nhiều
tàu sân bay và đội tàu hộ tống trong thập niên tới”. Đó chỉ là sự phỏng đoán.
Không rõ liệu Trung Quốc có dự trù chỉ đóng một vài tàu sân bay như là chiến
tích nổi trên biển, được thiết kế làm biểu tượng cho việc Trung Quốc đã vươn
đến vị trí cường quốc thế giới, chỉ cần một vài tàu sân bay có năng lực tác
chiến nhằm tăng cường yêu sách chủ quyền lãnh hải của họ trên biển Đông, hay
thành lập một lượng lớn nhóm tàu sân bay tấn công kiểu Mỹ với sứ mệnh phô diễn
lực lượng ở quy mô toàn cầu.
4. Loại hình năng lực không gian mà Trung
Quốc đang phát triển là gì?
Trung Quốc ngày càng trở nên tiến bộ trong
lĩnh vực không gian. Bản báo cáo đề cập, Trung Quốc đang hình thành mạng vệ
tinh kiểu GPS cho riêng họ, phóng tàu vũ trụ Thiên Cung 1 vào quỹ đạo hồi năm
2011, đã phát triển được tên lửa chống vệ tinh phóng từ mặt đất nhằm cải thiện
năng lực đối kháng trong không gian. Nhưng Lầu Năm Góc không đề cập đến một
trong những chương trình không gian tham vọng nhất của Trung Quốc: đó là chương
trình phát triển máy bay không gian Thần Long và kết hợp phát triển hệ thống
lực đẩy tiên tiến, sự tồn tại của chương trình này làm tăng nguy cơ chạy đua
quân sự trong không gian với Mỹ.
Chưa biết liệu máy bay không gian Thần Long
có tiến triển xa hơn cuộc thử nghiệm công nghệ cao hay không. Nhưng do tiềm
năng quân sự của máy bay không gian Thần Long, nên bất kỳ thông tin nào về nó
cũng có thể làm dịu đi hoặc làm nghiêm trọng thêm nỗi lo ngại đang gia tăng
trong quân đội Mỹ rằng, lực lượng không quân PLA đang chú trọng nhiều hơn đến
các hoạt động không gian.
5. Con hổ giấy hay rồng phun lửa?
Còn nhiều vấn đề khác không thể lường được
liên quan đến quân đội Trung Quốc. Hoạt động gián điệp không gian ảo của Trung
Quốc tỏ ra hiệu quả trong việc thu thập bí mật quân sự của nước ngoài, nhưng
không rõ có bao nhiêu bí quyết công nghệ có được qua hoạt động gián điệp này
được ứng dụng hữu ích và thành công vào các chương trình, học thuyết quân sự
của Trung Quốc. Sự đổi mới của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đã làm
cuộc cách mạng đối với năng lực chế tạo nội địa của quốc gia này, nhưng thực sự
Trung Quốc phải tiếp cận ở mức độ nào để giải quyết những trở ngại trong quá
trình và cấu trúc công nghiệp-quân sự?
Tất cả những ẩn số này đã tạo nên một câu
hỏi lớn hơn: Liệu PLA có đáng được thổi phồng? Quân đội Trung Quốc chưa trải
qua thử thách; cho đến nay PLA chưa phải giao chiến trong chiến dịch lớn nào kể
từ cuộc chiến ác liệt với Việt Nam hồi năm 1979. Trong trường hợp xảy ra xung
đột, liệu năng lực của quân đội Trung Quốc có thể hiện xứng đáng với niềm mong
đợi của đất nước, hay những nhược điểm như tham nhũng và thiếu kinh nghiệm
chiến đấu sẽ làm xói mòn trầm trọng khả năng tham chiến của đội quân này? PLA
của thế kỷ 21 thậm chí được hoạch định làm chỗ dựa vững chắc, là công cụ ổn
định tình hình trong nước cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bối cảnh thế giới
mà Bắc Kinh tính toán rằng tiến hành một cuộc chiến quy mô lớn đang ngày càng
khó có thể xảy ra? Có lẽ phần giải đáp cho các câu hỏi trên đã được giấu kín
dưới những tầng hầm kiên cố trong Lầu Năm Góc, nhưng chúng lại không xuất hiện
trong báo cáo mới nhất này.
Tác giả: Ông Trefor Moss
là nhà báo thường trú tại Hồng Kông, ông từng là biên tập viên Châu Á-Thái Binh
Dương của tạp chí Jane’s Defence Weekly.
Nguồn: Foreign Policy
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Nguyễn Tâm
No comments:
Post a Comment