Tuesday, 29 May 2012

CON HỔ GHÊ SỢ (Dustin Roasa - Foreign Policy Magazine)




Dustin Roasa
Chuyn ng: Đinh Từ Thức
28.05.2012

(Nguồn: “The Terrible Tiger”, Foreign Policy Magazine, April 17, 2012)

Việt Nam có vẻ giống như một câu truyện thành công, nhưng với Miến Điện tan băng, bây giờ là nước đàn áp bậc nhất Đông Nam Á

Gần bốn thập niên sau khi chiến tranh Việt nam chấm dứt, kẻ thù cũ của Hoa Kỳ được thế giới coi như một câu truyện thành công. Nó tự hào về một nền kinh tế bộc phát, giới trung lưu gia tăng, công nghiệp và du lịch phát triển. Nhưng trong khi cải cách chính trị thay đổi Miến Điện, Việt Nam trong nguy cơ trở thành thứ khác: một nước đàn áp hạng nhất tại Đông Nam Á. Tuần này, Viện Kiểm Sát Nhân Dân tại một tòa án ở Thành phố HCM truy tố ba bloggers Việt Nam về tội “tuyên truyền chống nhà nước”, là vụ mới nhất sau hàng loạt vụ bắt giữ để làm im tiếng phe chống đối ngày càng đông.

Trong khi Miến Điện tự do hóa, Việt Nam tiếp tục đàn áp đối lập. Kể từ ngày 13 tháng 1, 2012, trong khi Miến Điện thả hàng trăm tù nhân chính trị trong một đợt ân xá lớn, thì lực lượng công an Việt Nam bắt ít nhất 15 nhà đối kháng chính trị, và 11 người nữa bị lãnh án tù. Với Bà Aung San Suu Kyi vừa đắc cử và sẵn sàng nhận ghế trong quốc hội, thì các nhân vật đối lập nổi tiếng của Việt Nam mòn mỏi trong tù, quản thúc tại gia, hay bị nhốt trong các trại cải tạo (vâng, loại nhà tù này vẫn còn được sử dụng). Và trong khi Miến Điện cấp chiếu khán cho các ký giả ngoại quốc và nới lỏng bịt miệng báo chí quốc nội, Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nhà báo ngoại quốc và địa phương, và ngăn chặn Facebook cùng những mạng “nhậy cảm” khác, khiến cho tổ chức Ký giả không biên giới (Reporters Without Borders) xếp hạng Việt Nam ở mức thấp nhất trong số các nước Đông Nam Á trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí (Press Freedom Index) 2011-2012. Để so sánh, Việt Nam chỉ ở hai nấc trước Trung Quốc, thứ hạng 172 trên 179 nước.

Ông Phil Robertson, Phó Giám Đốc Á châu của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) nói: “Việt Nam bắt đầu nhận ra rằng, bằng việc tiếp tục chà đạp nhân quyền, họ bị so sánh với Miến Điện như là nước lạm dụng nhân quyền tệ nhất trong khối ASEAN (Association of Southeast Asian Nations).”

Áp bức chính trị không phải là chuyện mới mẻ ở Việt Nam. Từ khi Sàigòn sụp đổ vào năm 1975, Đảng Cộng Sản đã cai trị bằng bàn tay sắt. Nhưng bị cô lập trong nhiều năm thời Chiến Tranh Lạnh và thiếu một hàng ngũ đối lập có tổ chức – chưa kể mặc cảm tội tỗi của phương Tây về cuộc chiến và cảm tình ý thức hệ còn sót lại dành cho Hà Nội của một phần trong số phe tả – khiến ít người muốn để ý tới thành tích tồi tệ về nhân quyền của nước này. Khi nhà cầm quyền cởi mở về kinh tế vào thập niên 1990, các nhà đầu tư và chuyên viên ngoại quốc bắt đầu kéo vào, và kể từ đó, quốc tế đã phần lớn chú mục tới phép lạ kinh tế tại Việt Nam. Khởi đi là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới vào giữa thập niên 1980, với lợi tức đồng niên mỗi đầu người dưới 100 USD, tới chỗ là một Con Hổ Á Châu phát triển nhanh chóng, với lợi tức 1.130 USD vào cuối năm 2010. Đối với thế giới bên ngoài, vốn hoan nghênh những cải cách kinh tế của chính phủ, nước này có vẻ như vững vàng trên con đường tự do hóa hậu Chiến Tranh Lạnh được chọn lựa bởi nhiều nước trong khối cựu Xô Viết. Bộ mặt của nhà cầm quyền không hề bị thương tổn khi hàng triệu người ngoại quốc viếng thăm và sinh sống tại Việt Nam phần lớn không hề bị phiền hà vì những hạn chế về ngôn luận và hội họp là chuyện thực tế thường ngày của mọi người Việt Nam.

Mặc dầu ngoài mặt tự do hóa, ban lãnh đạo chủ chốt hiện thời của Đảng Cộng sản bảo thủ về chính trị giống hệt như từ sau khi đất nước thống nhất. Đứng đầu bởi một nhóm viên chức kể cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ Tịch Trương Tấn Sang, đám chủ chốt này đã đàn áp không nương tay Khối 8406, một phong trào vận động dân chủ trong nước theo kiểu Hiến Chương 77 của Tiệp Khắc. Thành lập năm 2006, nhóm này đã thu hút được hàng ngàn người ủng hộ công khai – và có vẻ còn rất nhiều người trong riêng tư – trước khi bị chính quyền chặt đầu bằng cách tống giam hàng chục người tổ chức vào tù. Thêm nữa, nhà cầm quyền còn nhắm cả những lãnh tụ tôn giáo, kể cả các nhà sư Phật giáo và linh mục Công giáo, về việc họ phát huy tinh thần tôn giáo. Trong những năm gần đây, nhà cầm quyền còn hành hung và cầm tù cả những người Việt yêu nước kêu gọi đương đầu với Trung Quốc. Bất chấp hiểm nguy, các nhà vận động Việt Nam tiếp tục lên tiếng về chính trị đa nguyên, tham những, và tự do ngôn luận – và kết quả là vào tù hay lưu vong chính trị.

Miến Điện tan băng có thể là món quà lớn nhất dành cho họ. Sự thay đổi tại đó có thể thách thức lối suy nghĩ thiển cận về Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và đem nhân quyền lên hàng đầu.

Theo các nhà quan sát lâu năm về tình hình nước này, chính giới lãnh đạo Việt Nam sợ điều này xảy ra. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về chính sách ngoại giao Việt Nam tại Đại Học George Mason: “Giới lãnh đạo theo sát những biến chuyển tại Miến Điện, và họ rất lo ngại. Trong quá khứ, Việt Nam đóng vai trò của mình tại ASEAN hối thúc Miến Điện thay đổi. Nhưng bây giờ, Miến Điện thay đổi nhanh hơn Việt Nam.” Giới lãnh đạo Hà Nội có vẻ đã tính sai: Trước đây, những quan tâm về nhân quyền tại Miến Điện là một trở ngại cho ASEAN về tính chính đáng trên trường quốc tế, nên Việt Nam và những nước khác kín đáo yêu cầu quân phiệt chỉnh đốn lại. Điều mà họ không đòi hỏi là sự thay đổi 180 độ, đưa tới kết quả thay đổi mạnh mẽ. Với Miến Điện ngày càng có vẻ bớt nhà nước cảnh sát trị, Hà Nội lo sợ bị soi mói ngoài ý muốn. Ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Viện Lực lượng Quốc phòng Úc nói: “Nếu Miến Điện thăng tiến về nhân quyền và được tưởng thưởng, Việt Nam cũng phải theo cùng tiêu chuẩn.” Lãnh đạo Việt Nam còn lo sợ mất vai trò trung gian chủ yếu của ASEAN giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Theo ông Thayer, “Việt Nam lo ngại Miến Điện trở thành cục cưng của ASEAN.”

Những lo sợ này cung ứng cho những ai vốn quan tâm về nhân quyền tại Viêt Nam một yếu tố đã thiếu vắng trong những năm gần đây, đó là sức bẩy. Từ lâu, Đảng Cộng Sản đã gặt hái được những phần thưởng thường dành cho những chế độ độc tài cô lập như những khích lệ để thay đổi – thành viên WTO, nâng cấp quan hệ ngoại giao, ưu đãi quan thuế – mà không phải nhượng bộ nhiều về nhân quyền như đáng lẽ phải được đòi hỏi. Nhưng khi Việt Nam lo sợ bị bỏ lại phía sau ở Đông Nam Á, các chính quyền Hoa Kỳ và châu Âu, vốn bày tỏ quan tâm về cải cách chính trị tại Việt Nam, nên nắm lấy lợi thế, bằng cách tác động nhất quán và cương quyết những điều đã thiếu sót trong quá khứ.

Trong khi lãnh đạo Việt Nam ngày càng gia tăng quan tâm về ý đồ của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là về tranh giành chủ quyền lãnh thổ về những quần đảo giàu tài nguyên ở Biển Đông, họ đã bắt đầu thảo luận với chính quyền Obama về hợp tác quân sự. Đây là cơ hội tự nhiên để áp lực Việt Nam về nhân quyền, và cho đến nay, các giới chức Hoa Kỳ đã nói đúng. Sau khi thăm Hà Hội cùng với Nghị sĩ John McCain vào tháng 1, 2012, Nghị sĩ Joe Lieberman đã tuyên bố: “Có những hệ thống võ khí nhất định mà Việt Nam muốn mua hay muốn nhận được từ chúng tôi, và chúng tôi muốn có thể trao cho họ. Nhưng điều này không thể xảy ra, trừ khi họ thăng tiến về thành tích nhân quyền.” Lãnh đạo Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực từ phía nhân dân của họ để đương đầu với kẻ thù Trung Quốc, và sự hậu thuẫn quân sự của Hoa Kỳ sẽ làm cho hải quân Việt Nam là đối thủ đáng gờm hơn nhiều tại Biển Đông.

Nhưng nếu Miến Điện đã chứng tỏ điều gì, đó là sự chú ý của quốc tế từ các nhà vận động, nhà báo và các nhóm nhân quyền là yếu tố chính trong việc làm cho các chính quyền phương Tây phải giữ tất cả những lời hứa về nhân quyền. Miến Điện sẽ không nhận được những phần thưởng quá sớm không kèm theo những thay đổi; sự la lối của quốc tế đã quá vĩ đại. Thêm vào đó, bà Aung San Suu Kyi đã nói rất nhiều lần – cũng như vô số các nhà đối lập khắp thế giới – về thẩm quyền tinh thần mà sự ủng hộ của công luận quốc tế đã dành cho chính nghĩa của họ.
Sự khó khăn đối với phong trào vận động dân chủ của người Việt là nó đã không chiếm được tâm trí của quốc tế giống như Miến Điện, Tây Tạng và Trung Quốc – mặc dầu các thành viên ủng hộ những quan điểm và lãnh nhận sự hy sinh cá nhân tương tự. Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, một người Mỹ gốc Việt là anh của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động nổi tiếng đã trải qua hơn ba chục năm trong tù và hiện đang bị quản thúc tại gia: “Chúng tôi không có một nhà lãnh đạo đựơc giải Nobel Hòa Bình như Đức Đạt Lai Lạt Ma hay bà Aung San Suu Kyi, là những người có tiếng nói tạo được ảnh hưởng quốc tế”. Ông Quân thay mặt cho phong trào ở hải ngoại để gặp các chính quyền ngoại quốc, một nhiệm vụ không mấy hiệu quả. Ông nói: “Chúng tôi phải làm việc vô cùng khó khăn để đạt được sự chú ý. Người ta không còn muốn nói tới Việt Nam vì cuộc chiến. Nhưng càng nói, chúng tôi càng trình bầy thêm những lạm dụng của nhà cầm quyền Việt Nam.” Hai dân biểu Hoa Kỳ đã đề cử bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận giải Nobel Hòa Bình cho năm nay.

Miến Điện cũng cho thấy việc đoán trước các chế độ bao giờ thay đổi và sẽ thay đổi như thế nào là một trò chơi ngu xuẩn. Nhưng nếu lịch sử hiện đại là một chỉ dấu, thì dân tộc Việt Nam đã chứng tỏ họ có đủ khả năng trỗi dậy chống lại áp bức. Nhà cầm quyền hiện tại đã được lưu ý về điều này qua những vụ việc xảy ra lần đầu vào tháng Giêng vừa qua. Bên ngoài phía Bắc thành phố Hải Phòng, một người nuôi trồng thủy sản đã chỉ huy cuộc võ trang chống lại thẩm quyền địa phương, khi họ toan cưỡng chế đất sau khi mãn hạn thuê mướn khai thác (quyền sở hữu đất tư nhân không được luật pháp công nhận tại Việt Nam). Ông đã trở thành một anh hùng dân tộc, và trong một chuyển hướng đầy kịch tính, lúc đầu nhà cầm quyền trung ương và báo chí do nhà nước kiểm soát đã lên tiếng chỉ trích chủ trại, sau lại bênh vực ông ta. Vào năm tới, những hợp đồng thuê mướn đất tương tự sẽ đáo hạn trên toàn quốc, có khả năng ảnh hưởng tới hàng ngàn nông dân nghèo. “Đây là một trái bom nổ chậm,” theo lời ông Thayer.
Cho đến nay, Đảng Cộng Sản đã có đủ mưu kế để tránh né những trái bom như vậy – và chỉnh sửa lời dẫn tuồng để Việt Nam hiện đại trở thành một trong những thành công về kinh tế và ổn định về chính trị. Nhưng với những cải cách được thể hiện bởi biến đổi của Miến Điện và cuộc đàn áp song hành của Đảng Cộng Sản Việt Nam dành cho giới đối lập, cuối cùng thời gian đã chín muồi cho nhân quyền đóng vai quan trọng trong những thương lượng của phương Tây với Việt Nam. Phong trào vận động dân chủ cho Việt Nam – tả tơi nhưng kiên cường qua những năm tháng bị bách hại – cho biết họ đã sẵn sàng kể cho thế giới về câu truyện của mình. Nguyễn Quốc Quân, người vẫn giữ được liên lạc thường xuyên với người em đối lập Nguyễn Đan Quế, kể lại một cuộc nói chuyện giữa hai người gần đây: “Bác Sĩ Quế nói với tôi rằng bây giờ mọi sự đã thay đổi. Người ta không còn sợ như mười năm trước nữa. Ngày càng có nhiều giới trẻ tham gia. Càng có nhiều người bị bắt, phong trào càng trở thành mạnh và lớn hơn.”




No comments:

Post a Comment

View My Stats