Monday, 28 May 2012

MỘT CÁI TÁT ĐAU ĐỚN CHO BẮC KINH ! (Nguyễn Đăng Hưng)




Nguyễn Đăng Hưng
28-5-2012

Nhân câu trả lời của Thủ tướng Áo Werner Faymann

Tại sao các nước không tổ chức một chiến dịch bài bản mời mọc Đức Đạt Lai Lạt Ma viếng thăm có định kỳ?

Đã từ lâu, từ ngày Trung Quốc xua quân xâm chiếm Tây Tạng năm 1959, từ ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng phải sống lưu vong tại Ấn Độ cho đến nay, Trung Quốc luôn luôn dằn mặt các nước khi nguyên thủ nước đó có nhã ý tiếp kiến vị lãnh đạo tinh thần đáng kính này.

Chính quyền Bắc Kinh đã tỏ ra hết sức phẫn nộ sau cuộc gặp gỡ mới đây giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Thủ tướng Anh David Cameron. Bắc Kinh đã nổi giận và không ngần ngại dùng những lời lẽ gay gắt lên án Luân Đôn đã có hành động “sỉ nhục đối với dân tộc Trung Quốc” và đã chính thức phản đối Luân Đôn về sự kiện này. Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc đã quyết định hủy bỏ chuyến công du Anh Quốc dự trù vào tháng Năm này!

Hôm 25/5/2012, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến Vienna và ngày 26/5 khoảng 10 ngàn người đã tập hợp ở quảng trường chính tại thủ đô Vienna, Áo, để bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân Tây Tạng và nghe phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Điệp khúc bực tức cố hữu của giới chính quyền Bắc Kinh đã lại được tấu lên như Trung Quốc tự cho mình cái quyền bắt người khác phải tuân lịnh:
Nào là chính phủ Áo đã «can thiệp vào công việc nội bộ» của Trung Quốc, nào là “quan hệ giữa hai nước sẽ tổn hại” nếu Áo vẫn tiếp đón nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.

Câu trả lời của Thủ tướng Áo Werner Faymann là một cái tát đau đớn cho giới lãnh đạo Trung Quốc:
“Tự tôi trả lời câu hỏi tôi gặp ai. Áo là một quốc gia luôn thể hiện sự ủng hộ đối với nhân quyền và chỉ có tôi mới có quyền quyết định lịch trình của mình”.

Không phải lần đầu tiên mà giọng điệu cao ngạo kẻ cả của giới cầm quyền Trung Quốc gây sốc cho toàn thế giới. Không phải lần đầu tiên mà mỗi chuyến đi của Đức Đạt Lai Lạt Ma làm cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc mất ăn mất ngủ.

Tôi vẫn hằng cầu Trời, niệm Phật mong mỏi nhà lãnh đạo tinh thần của dân tộc Tây Tạng sống lâu trăm tuổi. Ngài đi thật nhiều, thăm thường xuyên các nước. Các chuyến đi của Ngài, các lời thuyết giảng minh triết thâm trầm của Ngài không những là phương thuốc quý an thần cho thế giới hiện đại mà còn làm cho những con cú vọ diều hâu thâm hiễm tàn ác tổn thọ, hụt hơi!

Và tôi tự hỏi tại sao các nước không tổ chức một chiến dịch bài bản mời mọc Đức Đạt Lai Lạt Ma viếng thăm có định kỳ? Đó cũng là cách phản ứng thâm hậu đối với mưu đồ bành trướng, hung hăng hiếu chiến của một thế lực tham tàn bậc nhất thời hiện đại.

Sài gòn ngày 27/5/2012
N.Đ.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

---------------------------------------------

BBC
Cập nhật: 09:52 GMT - chủ nhật, 27 tháng 5, 2012

Hàng trăm người đã tập hợp ở thủ đô Vienna của Áo hôm thứ Bảy ngày 26/5 để chào đón Đạt Lai Lạt Ma sau khi nước này đã phớt lờ cảnh báo của Trung Quốc rằng quan hệ giữa hai nước sẽ tổn hại nếu Áo vẫn tiếp đón nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được đón tiếp ở Anh trước khi đến Áo

Mặc dù Trung Quốc đã gửi đi lời cảnh báo rất rõ ràng đến các lãnh đạo của Áo nhưng Thủ tướng nước này Werner Faymann nói ông có quyền quyết định gặp ai hay không. Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện đang có chuyến thăm kéo dài 11 ngày đến Áo cùng với ông Lobsang Sangay, Thủ tướng của chính phủ lưu vong của Tây Tạng.
Ngài đã phát biểu với những người chào đón tại quảng trường Các anh hùng tại thủ đô Vienna.

‘Ủng hộ nhân quyền’

“Tất cả những hứa hẹn (mà chính phủ Trung Quốc) đưa ra hồi năm 2008 lúc diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh đều đổ vỡ. Người Tây Tạng trở thành sắc dân thiểu số trên chính mảnh đất của mình”, một thành viên của tổ chức Hãy cứu Tây Tạng có tên là Erika nói với hãng tin AFP.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp Thủ tướng Faymann hôm thứ Bảy ngày 26/5, một ngày sau khi ông phát biểu rằng ông sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc và kêu gọi quyền tự trị thật sự cho Tây Tạng.

Vị Thủ tướng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội này đã bác bỏ các cảnh báo mà Bắc Kinh đưa ra trước đó thông qua Đại sứ của họ ở Vienna và được Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại hôm thứ Bảy 26/5.
 “Tự tôi trả lời câu hỏi tôi gặp ai”, ông nói, “Áo là một quốc gia luôn thể hiện sự ủng hộ đối với nhân quyền và chỉ có tôi mới có quyền quyết định lịch trình của mình”.

Mô tả cuộc gặp với Đức Đạt Lai Lạt Ma là một dấu hiệu chính trị rõ ràng cho nhân quyền, bất bạo động và chống lại đàn áp’, Thủ tướng Faymann nói thêm rằng bản thân ông rất muốn gặp một ‘nhân vật nổi bật’ như thế.

Trong khi đó thì Trung Quốc đã lên án cuộc gặp này là hành động ‘can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ’ của họ và ‘làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Quốc’, Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này là Hồng Lỗi hôm thứ Bảy.
Theo lời ông Hồng thì Đức Đạt Lai Lạt Ma là một ‘kẻ lưu vong chính trị từ lâu đã tham gia vào các hoạt động ly khai chống Trung Quốc nhân danh tôn giáo’.

Đại sứ Trung Quốc tại Viên là ông Thi Minh Đức hôm thứ Hai 21/5 đã đưa ra lời cảnh báo rằng Áo không nên tạo diễn đàn cho các ‘xu hướng ly khai’ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và rằng việc này không có lợi cho quan hệ với Bắc Kinh.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói với các nhà báo khi ông đặt chân đến Vienna hôm thứ Sáu 25/5 rằng ông muốn một giải pháp có lợi cho cả đôi bên Tây Tạng và Trung Quốc.

Thủ tướng chính phủ lưu vong của Tây Tạng Lobsang Sangay nhấn mạnh rằng Tây Tạng không muốn độc lập khỏi Trung Quốc nhưng vùng đất này muốn được tự trị thật sự trong khuôn khổ Hiếp pháp Trung Quốc.

Đức Đạt Lai Lạt Ma, vốn đã sống lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1959, có một mối quan hệ lâu dài với Áo và đã đến thăm nước này thường xuyên. Lần gần đây nhất Ngài đến Áo là vào năm 2007.
Khi còn trẻ, Ngài đã học với một thầy giáo là vận động viên leo núi người Áo Heinrich Harrer ở Lhasa. Cuốn tiểu sử của ông này là nguồn cảm hứng cho bộ phim ‘Bảy năm ở Tây Tạng’ do tài tử Brad Pitt đóng chính.

Áo cũng phát hành một con tem đặc biệt để tôn vinh Đức Đạt Lai Lạt Ma.





1 comment:

View My Stats