Sunday, 27 May 2012

TẠI SAO VIỆT NAM ĐANG KÉM HẤP DẪN HƠN MIẾN ĐIỆN ? (TS Phạm Đỗ Chí)




TS Phạm Đỗ Chí

LTS: Người viết, một nhà tư vấn kinh tế về Myanmar (Burma) từ nhiều năm lúc còn là chuyên gia IMF, mới đây tham dự một diễn đàn quốc tế quan trọng về các triển vọng phát triển kinh tế và chính trị của Myanmar, đã có bài nhận định riêng dưới đây về tình thế so sánh giữa Myanmar và Việt Nam.

Hiện tượng Myanmar
Tin tức trong khu vực gần đây tập trung đưa tin về Myanmar kể từ cuộc bầu cử bổ sung vào tháng 4/2012, theo đó Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) - đảng củaAung San Suu Kyi - đã giành một chiến thắng vang dội khi giành được 43 ghế trong tổng số 45 vị trí tranh cử vào Quốc Hội nước này. Bằng việc tổ chức một cuộc bầu cử công bằng và để NLD tham gia vào nghị viện, chính phủ dân sự được sự hậu thuẫn bởi quân đội đã đưa ra các tín hiệu đến với cộng đồng quốc tế rằng chính phủ mới đã sẵn sàng cho các giải pháp cải tổ chính trị. Và mặt khác, cuộc bầu cử giúp tăng cường tính hợp pháp của chính phủ dân sự mới trong con mắt các chính phủ Tây phương.

Cuộc bầu cử thực ra là bước đầu trong tiến trình chuyển đổi toàn bộ hệ thống chính trị-kinh tế của Myanmar. Tiến trình này được khắc họa qua hai bước: (i) dân chủ hóa hệ thống chính trị thông qua bầu cử trực tiếp phổ thông đầu phiếu cho hai nhánh lập pháp và hành pháp và (ii) đổi mới nền kinh tế thông qua những thay đổi cơ bản nhằm khôi phục lại các cải cách dựa trên kinh tế thị trường. Do những đặc điểm lịch sử chính trị và bị cô lập trong suốt hai thập niên qua, Myanmar đã bắt đầu tiến trình chuyển đổi bằng cách thực hiện bước đầu tiên với hy vọng có được sự hỗ trợ của quốc tế trong việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại và kinh tế mở đầu cho quá trình thực hiện giai đoạn thứ hai – cải tổ kinh tế.

Việt Nam, tương tự như Trung Quốc, cũng đã trải qua cùng một tiến trình thay đổi như vậy nhưng với thứ tự đảo ngược: cải cách kinh tế được thực hiện trước, theo sau là những
chuyển đổi về cơ chế và chính trị. Việt Nam bắt đầu các cải cách kinh tế với khẩu hiệu Đổi Mới trong suốt 25 năm qua (1986-2011). Theo sau các cải cách kinh tế là những chuyển đổi dần dần cơ cấu hệ thống chính trị theo hướng được gọi chính thức là "dân chủ tập trung" thông qua các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu nhằm chọn ra các đại biểu từ một danh sách các ứng cử viên được "chọn lựa" sẵn để vào Quốc Hội – một cơ quan có sức mạnh và ảnh hưởng được cho là ngày càng tăng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm chung trong tiến trình chuyển đổi của hai nước, những quan sát về lịch sử chính trị và kinh tế của hai quốc gia cho thấy sự khác biệt đáng kể.

Myanmar ngày hôm nay tương tự như Việt Nam vào đầu năm 1980 với một mức sống rất thấp và đang ở trong giai đoạn đầu của các cải tổ kinh tế thị trường. Mặc dù là một quốc gia giàu tài nguyên và từng là một đất nước giàu nhất khu vực Đông Nam Á vào đầu những năm 1950, sau này do các chính sách hà khắc của chế độ quân sự, chịu các biện pháp trừng phạt kinh tế của thế giới phương Tây, cộng thêm khả năng quản lý kinh tế yếu kém của chính phủ quân sự, Myanmar giờ đây là quốc gia nghèo nhất trong khu vực. Nền kinh tế của Myanmar hiện đang chịu nhiều khó khăn về kinh tế: lạm phát cao - tỷ lệ lạm phát hàng năm trung bình khoảng 20%
​​trong 10 năm qua, tăng trưởng chm chạp, dữ liệu kinh tế không đáng tin cậy, hệ thống ngân hàng yếu kém, thị trường chợ đen thống trị do hệ thống tỷ giá hối đoái kép (trước tháng 4/12), tham nhũng cao, luật pháp yếu, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, và nguồn nhân lực kém phát triển do thiếu sự đầu tư.

Hiệu suất kinh tế thấp đặc trưng bởi các tiêu chuẩn sống nghèo nàn của phần lớn dân số, áp lực chính trị căng thẳng từ các nước phương Tây, cùng với các thúc ép từ các nước láng giềng ASEAN cuối cùng đã khiến các nhà lãnh đạo Myanmar thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng ấn tượng đầy tính bất ngờ. Bằng cách khởi xướng các cải cách chính trị - kinh tế - xã hội gần đây, các nhà lãnh đạo quân sự thực sự đang cứu chuộc lại các lỗi lầm của họ.

Sau những tiến triển đáng khích lệ trong cải cách chính trịnổi bật nhất là cuộc bầu cử bổ sung vừa rồi, Myanmar có thêm một động thái quan trọng khởi đầu cho những cải cách kinh tế bằng việc thống nhất hệ thống hối đoái nhiều tỷ giá thành một hệ thống thả nổi có kiểm soát đồng kyat – đồng tiền của Myanmar - bắt đầu từ ngày 02/4/2012. Tỷ giá thả nổi dựa quanh một tỉ lệ được đưa ra bởi ngân hàng trung ương gần sát với tỉ giá của thị trường chợ đen với dao động nhỏ ở hai biên. Những cải cách khác bao gồm giảm thuế xuất khẩu, giảm bớt những rào cản trong lĩnh vực tài chính cải thiện môi trường kinh doanh. Những cải thiện này đã dẫn đến một dòng vốn lớn khoảng 20 tỷ đô la Mỹ đổ vào Myanmar năm 2010-2011, so với khoảng 300 triệu đô la Mỹ đổ vào trong năm 2009-2010.



Nhìn lại Việt Nam
Ngược lại, Việt Nam đạt được những thành tựu kinh tế ấn tượng qua chương trình Đổi Mới trong suốt hai thập niên qua (1986-2006) với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, và giảm nghèo đói đáng kể ở các khu vực nông thôn. GDP bình quân hàng năm tăng trên 7% trong giai đoạn này. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đã phải trả khá đắt bằng một số giá trị xuống thấp như: môi trường sinh sống hủy hoại, tăng mức bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, xuất hiện ngày càng nhiều các xáo trộn xã hội, và đáng chú ý hơn là sự suy hại dần cơ cấu xã hội (social fabric). Với giá phải trả này, việc theo đuổi chiến lược tăng trưởng cao trong 5 năm qua (2007-2011) dựa trên đầu tư công tràn lan và không hiệu quả, đặc biệt là việc đề cao vai trò của các tập đoàn nhà nước trong các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, đã khiến nền kinh tế vĩ mô mất cân bằng nghiêm trọng, thể hiện qua tình trạng tăng trưởng giảm mạnh và lạm phát tăng vọt ở mức hai con số trong năm 2011.

Cuối cùng, chính phủ Việt Nam phải hãm tốc độ tăng trưởng tiền tệ và tín dụng kể từ giữa năm 2011, đáng chú ý là trong 3 tháng đầu năm 2012. Việc thắt chặt tín dụng đã dẫn đến một sự suy giảm mạnh các hoạt động kinh tế thể hiện qua tốc độ tăng trưởng trong quý 1 năm 2012 đạt ở mức rất thấp 4% - mức thấp nhất trong những quý gần đây. Điều này gây ra mối quan ngại về tình trạng "lạm phát đình đốn", một khái niệm tương đối mới trong giới thiết lập chính sách ở Việt Nam.

Nhiều công ty ngưng sản xuất hay phá sản trong những tháng gần đây phát ra những tín hiệu cảnh báo về kinh tế và xã hội – đây là hệ quả trực tiếp của việc thiên vị các tập đoàn và công ty quốc doanh lớn trong khi cản trở môi trường kinh doanh cho khu vực tư doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Vì những lý do trên, Việt Nam thình lình trở nên kém hấp dẫn hơn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài; điều này tương phản rõ rệt với hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào Việt Nam tại thời điểm năm 2006-2007 khi Việt Nam gia nhập WTO và chủ trì hội nghị APEC ở Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 2006. Hiện tượng này cho thấy những tín hiệu lạc quan quen thuộc về những gì đang xảy ra ở Myanmar: các quốc gia tư bản lớn hay trong vùng gồm các nhà đầu tư của họ đang cố gắng tạo ảnh hưởng nhằm có được những dự án ở vùng đất mới đầy hứa hẹn này.

Để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, Việt Nam cần nhanh chóng giải quyết sự mất cân đối vĩ mô và thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế một cách cụ thể và nhanh chóng. Các yếu tố của tiến trình cải cách lần thứ hai này, có thể gọi là Đổi Mới II, sẽ cần một khoảng thời gian để thực hiện (nhanh nhất là 2-3 năm), nhưng điều quan trọng nhất là chính phủ cần thay đổi tư duy căn bản trong việc nhìn nhận vai trò của khu vực tư nhân là động lực kinh tế chính nếu muốn theo đuổi một kỉ nguyên kinh tế mới cho Việt Nam, tránh sự phá sản kinh tế xã hội đang xảy ra với chi tiết được khám phá hàng ngày của những tập đoàn công ty nhà nước lớn bòn rút tham nhũng như Vinashin, EVN, rồi mới nhất là Vinalines...



1 comment:

View My Stats